Đưa luật cạnh tranh vào cuộc sống 6 “cái nút” quan trọng cần tháo gỡ

03:00 CH @ Thứ Ba - 19 Tháng Bảy, 2005

Một văn bản luật quan trọng và toàn diện

Với 6 chương, 123 điều khoản, Luật cạnh tranh là một trong những văn bản luật đồ sộ và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng cho nền kinh tế thị trường đang hình thành và ngày càng phức tạp ở nước ta. Luật cạnh tranh đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ góp phần làm cho thị trường ngày càng lành mạnh hơn; những hành vi độc quyền trong kinh doanh gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, cộng đồng và người tiêu dùng sẽ bị hạn chế.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Cạnh tranh quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vị phạm pháp luật về cạnh tranh. Luật cạnh tranh áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, gọi chung là doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; các hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam.

Luật cạnh tranh đã bao quát hàng loạt nội dung mới như: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; tập trung kinh tế; các trường hợp miễn trừ; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; cơ quan quản lý cạnh tranh; hội đồng cạnh tranh; điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, …

Những vấn đề đã trình bầy trên chứng minh rằng, Luật Cạnh tranh không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế theo mô hình “còn anh còn tôi, con chúng ta” như đã xảy ra trong không ít Luật và Pháp lệnh ở nước ta; Luật cạnh tranh bao quát một cách toàn diện những vấn đề liên quan đến cạnh tranh trên thương trường.

Những “cái nút” cần được tháo gỡ

Mặc dù có những tiến bộ và toàn diện, song để luật cạnh tranh đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực, hạn chế những tiêu cực có thể xẩy ra trong thực tiễn, còn một số “cái nút” cả về lý luận và thực tiễn cần được thòa gỡ trong các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước hết, những tiêu chí nào được sử dụng để phân biệt giữa hành vi cạnh tranh lành mạnh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Khoản 4, điều 3 Luật cạnh tranh quy định “hành vi cạnh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”. Toàn bộ Chương III từ Điều 39 đến Điều 48 luật cạnh tranh quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đó vẫn là những quy định mang tính nguyên tắc vàđịnh tính, chưa cho phép phân định rõ ràng đâu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa,trongkhi “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh” ở Việt Nam lại chưa hình thành trong thực tế. Do đó, có thể nói, đây là “cái nút” quan trọng nhất và khó khăn nhất trong việc hướng dẫn thực hiện Luật cạnh tranh;

Thứ hai, thị phần của doanh nghiệp, bao gồm cả thị phần của một loại hàng hóa, dịch vụ và thị phần kết hợp sẽ được xác định như thế nào, thẩm định sự chính xác của chỉ tiêu này trên cơ sở khoa học nào?

Thị phần của doanh nghiệp hoặc của một nhóm doanh nghiệp trong tổng thị phần về một hàng hóa dịch vụ nhất định trên thị trường là chỉ tiêu được sử dụng trong rất nhiều trường hợp như: xác định các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (Điều 9); xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (điều 11); xác định các trường hợp tập trung kinh tế bị cấm (Điều 18); và là một trong những căn cứ quan trọng để được hương miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (điều 28), được hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế (Điều 29),… Vì vậy, khi chỉ tiêu thị phần của doanh nghiệp không được tính toán từ những thông số ban đầu hợp pháp và theo phương pháp khoa học, chắc chắn sẽ có những cuộc tranh luận không phân thắng, bại va sẽ gây những hậu quả lơn cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Thứ ba, việc sử lý vi phạm về các hành vi bị cấm đối với các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào?

Khoản 2, Điều 6, luật canh tranh quy định một trong các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước là “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”. Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang tham gia thị trường đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong các cơ quan công quyền của nước ta. Sự phân biệt ấy tồn tại cả trong văn bản luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy dưới luật. Cơ quan quản lý cạnh tranh, hội đồng cạnh tranh sẽ xử lý như thế nào với những vi phạm ấy?

Thứ tư, ai sẽ xử lý và xử lý như thế nào với các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp độc quyền?

Điều 14, Luật cạnh tranh quy định về các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm, trong đó có hành vi “áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng”. Thực tiễn ở nước ta hiện nay và trong một thời gian dài nữa, các doanh nghiệp độc quyền vẫn còn tồn tại và từ lợi thế độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước, độc quyền trong kinh doanh và tình trạng cửa quyền đương nhiên phát sinh. Chẳng hạn, biểu giá điện mới do Tổng công ty Điện lực Việt Nam đưa ra cuối nâm 2004 và Thủ Tướng Chính Phủ ra lệnh tạm dừng thực hiện có phải là hành vi “áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng” hay không? Tình trạng mạng điện thoại di đông của Vinaphone bị nghẽn thảm hại trong dịp Tết nguyên đán vừa qua nhưng Vinaphone vẫn không hề đặt vấn đề bồi thường thiệt hại cho khách hàng và cũng không môt lời xin lỗi… có phải là một hành vi cần được xử lý theo luật cạnh tranh hay không? Trong điều kiện cón tồn tại “cơ quan chủ quản”, Bộ công nghiệp là chủquản của Tổng công ty điện lực Việt Nam; Bộ Bưu chính - Viễn thông là “chủ quản” của Vinaphone là những cơ quan quản lý cạnh tranh, hội đồng cạnh tranh liệu có đủ quyền hạn để xử lý?

Thứ năm, về vị trí và quyền hạn của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Điều 49 Luật cạnh tranh quy định về cơ quan quản lý cạnh tranh, Song với nội dung của điều khoản này, những câu hỏi , những băn khoăn được đặt ra là: Cơ quan của Chính phủ hay trực thuộc Bộ thương mại? Nếu chỉ là một cơ quan thuộc Bộ thương mại thì cơ quan quản lý cạnh tranh có đủ quyền hạn để xử lý vụ việc vi phạm về cạnh tranh khi hành vi vi phạm về cạnh tranh lại do một Bộ trưởng, thành viên của Chính phủ chỉ đạo?

Thứ sáu, về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Khoản 2 Điều 80 Luật cạnh tranh quy định “Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh thông qua bằng cách biểu quyết theo đa số, trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định theo phía có ý kiến của Chủ tạo phiên điều trần”.

Ý kiến lo ngại, không yên tâm trong quy định trên là, xử lý vụ việc vi phạm về cạnh tranh là vấn đề liên quan đến pháp luật. Vì vậy, việcxử lý phải dựa trên các căn cứ khách quan là nhân chứng, vật chứng. Liệu có là khiên cưỡng và tạo ra những kẽ hở cho những hành vi tiêu cực khi áp dụng một nguyên tắc “đa số áp đảo” như quy định nêu trên?

Luật cạnh tranh sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2005. Hy vọng rằng với những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng và kịp thời, sáu “cái nút” quan trọng nêu trên sẽ được tháo gỡ, Luật cạnh tranh sẽ phát huy tác dụng tích cực, góp phần thúc đẩy văn minh thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc và toàn diện của nươc ta.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: