Lòng yêu nước

Tự lực Văn đoàn
06:40 CH @ Thứ Ba - 19 Tháng Giêng, 2016
Lòng yêu nước là một tính tình chung cho mọi người, hầu như một thiên tính; ai cũng công nhận rằng ở dưới thời đại này, dẫu có tinh thần quốc tế đến đâu, cũng không khỏi vương trong lòng thứ tình ái ấy, nhưng nếu ai ai cũng đều yêu nước, không phải là ai ai cũng yêu nước như nhau.

Lòng yêu ấy nhạt hay đậm, nông nổi hay sâu sắc, là tùy từng người, tùy từng quan niệm của mỗi người đối với nước.

Bắt đầu là lòng yêu quê hương, cái làng đã thấy ta ra đời, lớn lên, rồi hưởng những nỗi vui, nỗi khổ của cuộc đời niên thiếu. Đối với nhiều người còn chất phác, lòng yêu nước chỉ là lòng yêu ấy, không vượt ra ngoài được lũy tre xanh, cái đình làng hay ngôi mộ tổ.

Lòng yêu nước một cách thô sơ ấy ở nước ta xưa kia rất mạnh và hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn đằm thắm như xưa, đằm thắm đến nỗi những người đi nơi khác kiếm ăn đều bị gọi một cách khinh bỉ là kẻ ‘’bỏ làng’’. Ta cũng nên nhớ rằng tư tưởng thiển cận ấy, cách đây chưa lâu, còn được lối tổ chức trong các làng nuôi cho mạnh mẽ: những người đến ngụ cư ở một làng nào thường bị dân làng ấy bạc đãi khinh miệt. Vì lẽ ấy, đối với nhiều dân quê, lòng yêu nước là một tính tình mờ ảo lẫn với lòng yêu họ hàng làng mạc. Một lẽ nữa, là họ sống quanh quẩn dưới gốc cây đa làng, khiến họ không biết đến những miền khác trong nước, mà họ coi là xa lạ như cảnh trí một nước khác. Chẳng thế mà đối với nhiều người dốt nát, Nam-kỳ là nước Saigon, hay Hanoi là nước Bắc-kỳ.

Tuy nhiên, ta có thể tự an ủi rằng không phải chỉ có ít nhiều dân quê nước ta ngờ nghệch như vậy, mà cả đến dân quê nước Pháp cũng còn có ít nhiều người vẫn dốt nát như thế.

Đối với những người đã biết đi đây đi đó, và sống ở những miền có đường giao thông dễ dàng tiện lợi, lòng yêu nước nhiều khi không còn là lòng yêu quê cha đất tổ nữa, mà là lòng yêu một mảnh đất nào ở trong nước mà họ thấy mến yêu, muốn sinh cơ lập nghiệp ở đấy.

Tình yêu ấy sâu xa hơn, khi người ta đã có một quan niệm rộng rãi về tổ quốc. Lịch sử dạy người ta rõ nguồn gốc của nước, nên khi đọc đến sử ký nước nhà, người ta thấy lòng yêu nước mạnh mẽ hơn là vì người ta nhận rõ hơn cái tinh thần đoàn kết dân một nước; những nỗi đau khổ chung, đó là một cái gia tài kỷ niệm có năng lực làm cho người ta cảm thấy rõ sự liên lạc mật thiết của mình với người cùng nước. Và ý tưởng ái quốc đã mạnh mẽ rành rọt khi trào trong một nước có những câu ca dao như câu:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng

Tôi vừa nói đến những nỗi đau khổ chung và tôi xin các bạn chú ý đến ý tưởng ấy hơn, và sự khổ chung làm cho người ta thân yêu nhau hơn là sự sung sướng, kết chặt tình thân ái hơn, và vì thế, làm cho lòng yêu nước rắn rỏi hơn.

Lòng yêu nước, mạnh mẽ hơn nhờ sự tế nhận về lịch sử, lại trở nên thanh cao hơn khi được trí suy nghĩ nâng đỡ lên. Lúc đó, người ta có thể yêu tổ quốc, vì tổ quốc theo đuổi một mục đích cao thượng, vì nước là nơi xuất sản ra những tư tưởng siêu việt, hay vì nước noi theo cái lý tưởng tự do. Chính vì lẽ ấy mà hồi Đại Cách mệnh ở Pháp, người ta đã có thể nói: ‘’mỗi người có hai tổ quốc, nước mình và nước Pháp’’. Và cũng vì lẽ ấy, có người đã nói ‘’người ta có thể hy sinh tính mệnh cho Voltaire hay cho Goethe cũng như cho đất của ông cha’’

Lòng yêu nước của người nước này không trái ngược, đối chọi với lòng yêu nước của người nước kia. Ta sinh ra, lớn lên tự nhiên đem lòng yêu cây cỏ, cảnh vật của nước ta, tự nhiên ta cảm thấy liên lạc với người cùng nước, sung sướng khi mọi người sung sướng, đau khổ khi mọi người đau khổ, nhưng không phải vì thế mà ta ghét hay khinh cây cỏ, người vật của nước khác. Ta ưa cam hơn lê nhưng không vì thế mà ta có thể bảo cam hơn lê, ta yêu nước ta, nhưng không vì thế mà nước người kém nước ta được. Nếu mỗi nước có một lý tưởng riêng, một điệu đàn riêng, thì cả thế giới có thể là một cuộc hòa nhạc lớn, không có tiếng đàn nào ngang giây hết.

Nhưng lòng yêu nước như vậy, có thể bị người ta làm sai lạc đi. Quốc gia chủ nghĩa chính là một chủ nghĩa đã làm thiên lòng yêu nước đi vậy. Cái tính tình đáng kính này, chủ nghĩa kia đã buộc cho nó một nghĩa mới, vì đã ghép thêm vào ý nghĩa của nó cái ý tưởng tự tôn. Quốc gia chủ nghĩa, như ông Barres đã nói một cách vắn tắt và rõ ràng, là bất cứ việc gì, đều lấy nước Pháp làm gốc cho sự bàn luận. Nước Pháp đã, nước Pháp trên hết mọi sự. (Đây ta có thể lấy nước Đức, hay nước Ý, hay một nước khác thay vào nước Pháp). Trước hết cả, cả tư tưởng, cả tự do hay nhân đạo. Làm cho nước mình giàu, mạnh, dẫu phải diệt vong các nước khác cũng mặc. Có thể mới là đặt nước lên trên mọi sự, có thể mới là ‘’thờ nước’’. Và vì thế, ông Barres mới có thể nói đến sự ‘’yên lặng kính cẩn như trong nhà thờ’’ khi nói đến những buổi ca tụng nước mình. Và vì thế, có nhà học giả dám nói rằng ‘’quốc gia chủ nghĩa sẽ là tôn giáo của tương lai’’.
Chủ nghĩa quốc gia, vì làm thiên lệch lòng ái quốc, vì quá tôn nước mình, hóa ra khinh rẻ nước người, và là cái mầm của sự chiến tranh nước này với nước kia, cái mầm của sự lấn áp nước yếu của nước khỏe, cái mầm của chủ nghĩa đế quốc. Trong thực tế, chủ nghĩa quốc gia ở nhiều nước đã đi đến chủ nghĩa đế quốc. Nước Ý sang chinh phục nước A, tự nhận là dân tộc văn minh, đáng đi diệt vong nước người để làm tôn sự phú cường của nước mình, là một trong nhiều nước đương phụng sự đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa đế quốc, xem như vậy, đã đặt nền tảng trên sự tự cao tự đại, trên một sự kiêu căng không bờ bến. Và cùng với chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa đế quốc đã đưa và sẽ đưa nhân loại đến sự nô lệ, đến sự tàn phá, đến sự diệt vong.

Làm thiên lệch lòng yêu nước có hại như vậy,. Vì thế ta cần phải rõ thế nào là yêu nước một cách chính đáng, cao thượng. Và ta phải luôn luôn tự nhắc với Montesquieu, nhà tư tưởng trứ danh của Pháp rằng ‘’Tôi yêu tổ quốc, không những vì tôi sinh ra ở đấy, mà lại còn vì nước tôi là một phần của cái tổ quốc lớn là thế giới. Tối tưởng những người yêu nước đều phải thương đến tất cả những người nghĩ như mình và biết yêu như mình’’
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Yêu nước có cần "ra điều kiện"

    21/05/2014Đặng Hoàng GiangYêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm...
  • “Không thể yêu nước trong sự vô minh”

    27/03/2014GS. Nguyễn Xuân XanhNgười Nhật nổi tiếng trong lịch sử là dân tộc đọc sách vào bậc nhất thế giới. Quyển Self-help (Tự lo) của Samuel Smiles từng là best-seller tại Anh, Mỹ, bán được 250.000 quyển cuối thế kỷ 19, nhưng khi được dịch sang tiếng Nhật đầu thời Minh Trị (1868) bán đến 1 triệu bản!
  • Công chức - thái độ hiện nay về lòng yêu nước

    09/07/2011Vinh AnhTrước đây, thường chỉ nghe nói đến cái sự hèn của trí thức. Chưa thấy ai nói đến cái sự hèn của công chức. Chỉ biết là có công chức mẫn cán và có công chức lười biếng và người có chút hiểu biết, coi đó chỉ là những tay làm thuê, chẳng khác gì những người lao động cơ bắp...
  • Có nên bao cấp lòng yêu nước?

    06/07/2011Phạm Gia MinhKhông thể có chỗ đứng cho cơ chế bao cấp đối với lĩnh vực thiêng liêng nhất trong trái tim và khối óc mỗi người Việt chúng ta, đó là lòng yêu nước. Bởi lẽ biển cả trí tuệ và lòng dũng cảm của nhân dân bao giờ cũng vô địch, nó có thể đưa cả con tàu vượt ngàn trùng nhưng cũng có thể lật thuyền ngay cả nơi nước cạn...
  • Lòng yêu nước

    20/06/2011TS. Phạm Gia MinhLòng yêu nước vốn rất sâu sắc và mãnh liệt xét trên 2 bình diện xã hội gồm giai tầng lãnh đạo( người nắm quyền cai trị) và người dân ( kẻ bị trị) đã có lúc bị mai một và chỉ còn như cái bóng khi dân bị bóc lột, hà hiếp còn vua , quan chỉ chăm chăm cướp đoạt, làm giàu, hưởng lạc và chia bè kéo cánh...
  • Yêu nước không có nhiệm kỳ

    20/07/2010Phùng NguyênNhiệm kỳ là thời hạn chức vụ được quy định khi bổ nhiệm, nhưng lòng yêu nước vốn không có thời hạn nhiệm kỳ. Vậy mà hai khái niệm tưởng chừng như tách rời này lại liên quan chặt chẽ đến nhau...
  • Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai

    25/02/2010Chu LaiLâu nay, người ta hay có thói quen suy nghĩ trên một lộ trình đường ray rằng, cái gì đã định hình thì mãi mãi định hình, bất biến, không thay đổi. Ví như lòng yêu nước.
  • Mỗi người có cách yêu nước riêng

    27/05/2009Hàm ĐanVượt qua mục đích ban đầu là bộ phim tài liệu độc lập của gia tộc, Mạn đàm về “người man di hiện đại” đã dựng chân dung một người “khổng lồ” đầu thế kỉ XX: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
  • xem toàn bộ