Lo tương lai đàng hoàng cho sắp nhỏ

02:38 CH @ Thứ Ba - 30 Tháng Bảy, 2013
Doanh nhân bao giờ chẳng bận rộn, đúng rồi nhưng bận rộn cho chuyện chi? Trong muôn ngàn bận rộn, có bao nhiêu phần trăm cho con cái?

Còn hơn "business plan" !

Bạn tôi, đã qua tuổi 50, chủ một loạt tiệm vàng, ít khi thấy anh ở công ty. Tôi đùa đùa bảo anh : Hễ ông vắng nhà thì giá vàng lại lên vùn vụt ! Anh chỉ cười : "Hổng dám đâu !...". Và rồi, hai năm nay hiếm khi gặp được anh lắm, kể cả điện thoại. Bây giờ muốn gặp anh, hóa ra dễ nhất là lên... mạng ! Mấy tháng trước, bất ngờ đầu giờ sáng, tôi vừa mở SKYPE thì đã thấy máy báo anh đang online. Tôi liền Skype với anh, video vừa hiện đã thấy anh cười ha hả, hỏi mình khỏe không . Thấy anh khoác áo da, tôi "thả bóng thám không": Có phải ông bạn đang đi ...tìm vàng ở cao nguyên ?. Anh buột miệng : " Không, tớ đang ở Mỹ ! "

Nếu ông bạn tôi nói đang ở Thụy Sĩ thì tôi tin ngay vì buôn bán vàng tận gốc nghe nói mấy ông trùm xuất vàng đều nằm đâu đó ở Zurich xinh dẹp. Nhưng đây lại là Mỹ, có lẽ ông bạn tôi đang thơ thẩn bắt mối ngân hàng New York hay San Franscisco phải chăng ? Bạn tôi phì cười : "Thôi đi , ông "ziết báo" xạo sự lắm, tôi đang đi Mỹ đi thăm con tôi đang học bên này ". Chúc mừng, thì ra hai đứa con vàng bạc của bạn tôi vừa qua Mỹ học , một đứa học trung học, một đứa vừa vào "Co-lẹt" ( Community College , Đại học Cộng đồng ). Ông bạn tôi sắp xếp thế nào mà hai đứa đi học cùng lúc cùng nơi. Chị ngã em nâng , con chị 18 tuổi thằng em 16, hai đứa học cùng một thành phố nhưng khác "home stay" ( ở nhà người bản xứ). Ông bạn tôi than vãn : " Cực lắm ông ơi. Sắp nhỏ mới đi một năm. Hồi đâu tôi qua ở ba tháng với chúng, đợi trường lớp, chổ ở xong xuôi mới về ! Nhưng ba tháng sau lại phải đáo qua thăm nom. May mà sứ quán Mỹ nó cho doanh nhân visa một năm nên mình mới dễ chạy qua chạy lại" .Cười cười , ông bạn "bán than" tiếp : "Tôi mà ở nhà thì bà xã phải đi nhưng bà mà đi thì hay tàu xe say sóng. Vả lại, còn phải nói tiếng Anh, tiếng u . Cho nên tôi đi cho chắc bụng !". Và rồi, ông bạn hể hả : "Thân già đi nhiều cũng mệt nhưng như thế thì sắp nhỏ có người bảo ban học hành tốt hơn !"



Nghe ông bạn kể chuyện mới biết hai vợ chồng chuẩn bị chuyện cho hai đứa con đi học từ trước ba năm nay. Không chỉ chuẩn bị chuyện tiền bạc đi xa mà quan trọng hơn hai vợ chồng cùng đi tìm hiểu trường lớp ở xứ người, chuyện kinh nghiệm gởi con đi học ở xa. Vợ chồng ông bạn không những hỏi chuyện người thân ở nước ngoài mà còn tìm hiểu từ bạn bè và ngay cả các đối tác, đồng nghiệp. Không những thế, hai vợ chồng còn mất nhiều thời gian "brainstorm" với hai đứa con về nghề nghiệp tương lai, định hướng cuộc đời. Có nhất trí đâu đó cả nhà thì mới bàn sang chuyện chọn ngành chọn nghề, nơi học và nơi ở. Kể cả bàn cho ra kế hoạch học tập và làm việc cho 3-5 năm sắp tới. Nghe thế, tôi "bình luận" : "Sao mà giống làm business plan quá ! ". Ông bạn tôi trợn mắt : "Chuyện này giởn sao cha nội ! Đây là đầu tư cho con cái cho nên cũng phải có kế hoạch lớp lạng, lộ trình rõ ràng, thực hiện nghiêm túc còn hơn kinh doanh nữa đó ! Kiếm tiền để làm gì, ông bạn ? Chẳng lẽ có con cái mà không biết đầu tư đàng hoàng cho tương lai sắp nhỏ ! "

Dành 40- 60% thu nhập cho con cái

Nghe ông bạn tiệm vàng hỏi vậy, tôi sực nhớ một ông bạn khác trẻ hơn đang là Tổng giám đốc một công ty kinh doanh phần mềm và thiết bị Tin học. Ông bạn này nguyên là dân Toán -Tin nên xem chừng rất khoái "định lượng". Ngồi cà phê với nhau, ông bạn này có lần hỏi tôi chi phí học hành trường công trường tư bậc trung học ở Việt Nam. Lại thêm so sánh với chi phí du học ở Singapore, Anh và Mỹ. Nghe tôi kể về những khoảng cách khác biệt không những về học phí, sinh hoạt phí mà còn về những "đầu tư xã hội " không thể hiện trong chi phí như các phương tiện phúc lợi công cộng ( giao thông, thư viện, y tế, an ninh vv ), ông bạn IT phán ngay : " Tiền nào của nấy ! Không thể đầu tư rẻ mà có chất lượng cao !" .Thế rồi, ông bạn chia sẻ dự tính đầu tư học hành cho ba đứa con , mổi đứa khoảng cách tuổi là 3 năm, đứa lớn nhất là 15 tuổi. Ông bạn cho biết thu nhập của cả hai vợ chồng hiện giờ dành 80% cho đời sống hàng ngày, 20% cho đầu tư mới. Trong chi phí đời sống, tính ra có đến 60 % cho con cái, bao gồm 20% cho cái ăn, cái mặc còn lại - có đến 40% cho học hành. Khoản "ngân sách đặc biệt" này dành cho học trường công trong giờ, học trường tư ngoài giờ, thuê gia sư kèm cặp, xe đưa rước đến trường, mua sách vở,nhất là sách ngoại ngữ, chơi thể thao và giải trí , kể cả đi chơi, tham quan, trại Hè nước ngoài. Xem ra con số ông bạn đưa ra cao hơn hẳn mức 20% là mức trung bình các gia đình Việt Nam chi cho con cái trên tổng số thu nhập, theo như một cuộc điều tra cách đây 4-5 năm trước.

Phỏng có ích gì nếu đầu tư bạc triệu, bạc tỉ hay dành 60% hay 80% ngân sách gia đình cho con cái mà lại không có thì giờ, không có kế hoạch cụ thể để cùng hướng dẫn và động viên con cái học hành và sinh hoạt?
Ông bạn IT ước tính khi hai đứa lớn chuyển sang học trường tư quốc tế, chuẩn bị đi du học thì phải tăng thêm 20% ngân sách cho " tài khoản ưu tiên" này . Vậy thì , ông bạn hỏi tôi mà giống như đã tự trả lời : " Chắc vợ chồng tôi phải cày thêm và phài cắt chi tiêu không cần sắm sanh thêm cho quần áo, nhà cửa, xe hơi, vui chơi nữa, phải không ông ? ". Thêm nữa, nếu chuẩn bị cho các cháu đi du học, ông bạn khẳng định, thu nhập gia đình sẽ phải dành đến 80% cho con cái ! Tính toán tiền bạc cụ thể như vậy đấy nhưng ông bạn trẻ cười khà khà : "Ngày xưa, ba má mình nhịn ăn nhịn mặc, làm thêm đủ nghề để cho mình đi học đến đầu đến đủa thì nay chẳng lẽ mình tiếc gì với con cái !". Ông bạn trầm ngâm : "Chỉ mong chúng nó thấy tấm gương ông bà, cha mẹ mà học hành tới nơi tới chốn. Mong chúng nó có được cái nghề vững chắc, kiếm tiền giỏi giang để rồi cũng nuôi con tử tế, không phải nhờ vả ông bà. Mà này, hì hì ,lúc đó ông bà đang ở nhà dưỡng lảo rùi, đừng hòng ông bà viện trợ gì hết !"

Đâu chỉ tiền mà còn là thời gian và ...

Ô, đúng là "thắng đậm" và "ăn dài" nếu doanh nhân bận rộn làm ăn mà vẫn tính toán được chuyện đầu tư cho con cái như thế ! Trong khi đó, có nhiều doanh nhân lại rất buồn phiền vì làm ăn bạc tỷ nhưng con cái thì chưa đâu vào đâu, lắm chuyện phiền muộn. Buồn nhất là chuyện con cái không chịu học, chỉ chịu chơi, sa vào nghiện ngập. Thoạt đầu nghiện"game", kế đến là karaoke, nhảy đầm, và rồi tụ tập đua xe, thuốc lắc, bỏ nhà đi hoang. Nhiều ông bà phụ huynh hoảng hốt khi nhận ra con mình không biết và không muốn sau này làm gì cả, ngoại trừ xài tiền của ba má. Phổ biến hơn nữa là chuyện con cái chỉ mê shopping, mê ăn diện, lười lao động chân tay, chứ chưa nói đến việc động não tính toán, phụ giúp gì cho ba má. Nhiều ông bà than vãn ngày nay, Ipod, máy tính, điện thoại di động và tivi là "người thân trên hết ", là người bạn 24/24 của con cái mình. Than ôi, "người giàu cũng khóc", dường như gia đình hễ khá giả, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại, có "Ôsin" phục vụ thì lại thiếu đi những phút giây bên nhau thân mật. Cả nhà thiếu trò chuyện, thiếu chia sẽ, thiếu đỡ đần . Thay vào đó, lại "lạm phát" những đòi hỏi hưởng thụ, "thư giãn", chơi bời...Thêm nữa, khi phát hiện con cái mình thi rớt, kết quả học hành lệt bệt thì nhiều ông bà phải gác chuyện làm ăn để "chạy điểm", "chạy thầy" và rồi "chạy trường" cho con. Khốn khổ, trường lớp trong nước, báo chí nói nhiều rồi , không chỉ lạc hậu mà còn quá tải. Thế mà lại thêm, phụ huynh , nhất là phụ huynh doanh nhân không những "khủng hoảng" thiếu vắng thời gian cho con mà còn thiếu vắng phương pháp và kế hoạch nuôi dạy con cái đàng hoàng ! Phỏng có ích gì nếu đầu tự bạc triệu, bạc tỉ hay dành ngân sách gia đình 60% hay 80% cho con cái mà lại không có thì giờ, không có kế hoạch cụ thể để cùng hướng dẩnvà động viên con cái học hành và sinh hoạt ?

Nhiều doanh nhân kể với tôi, cả hai vợ chồng đều bận rộn cả ngày, không người nào ngồi vào bàn học với con cái ở nhà, thậm chí rất hiếm những bửa ăn trưa hay ăn tối cả nhà. Chưa kể , chuyện đi họp hội phụ huynh, gặp gỡ hỏi chuyện thầy cô giáo, lắm lúc đành nhờ "Ô sin " hay ông bà làm giúp. Thi thoảng , nhiều ông bà có gặp thầy cô cũng chỉ để "xã giao" gởi quà 20/11 và lễ tết. Trong khi ấy, việc đọc môt quyển sách hướng dẩn dạy con hay xem tivi, nghe radio, đi dự một buổi nói chuyện tư vấn giáo dục lại càng "cực hiếm". Ngay cả, chuyện làm ăn, chuyện giao tiếp của người lớn cũng thường xuyên ‘lấn át"những giây phút đưa con đi xem phim, đưa con đi tập thể thao, cùng đọc truyện và chit chat với con.Cứ như thế , chúng ta đánh mất thời gian và xao nhãng trí tuệ không xây dựng được kế hoạch tương lai cho con cái một cách nghiêm chỉnh như một business plan và còn hơn thế nữa. Không làm được như vậy hay chỉ tính toán qua loa, nhiều phụ huynh "tá hỏa" khi thấy con mình học hành dở dở ương ương hoặc tệ hơn bắt đầu hư hỏng, phạm pháp . Đến nước ấy, nhiều người "mất bò mới lo làm chuồng", "chạy thầy chạy thuốc" , vái bốn phương , gặp may thì khắc phục được, không may quẩn trí, rơi vào những tình huống hối hận cả đời ...

*
*  *

Mới đây, thật bất ngờ, một câu lạc bộ gồm những đại gia kinh doanh ở TPHCM mời một chuyên viên kinh tế Việt kiều đến nói chuyện với họ không phải về làm ăn mà là về giáo dục con cái ! Diển giả, ông Võ Tá Hân, một người làm việc lâu năm trong ngành tài chính ngân hàng ở nhiều nước, nay cũng đã đến tuổi vui thú điền viên, cho biết người giàu nghèo cỡ nào thì tài sản đắt giá nhất vẫn là con cái. Theo ông khảo sát , một nổi buồn hiện giờ của các đại gia từ Đông sang Tây là con cái không thích chuyện "kế nghiệp" kinh doanh của gia đình. Ông dẩn chứng, ở Singapore và nhiều nước khác, thế hệ 2 hay 3 của nhiều đại gia thích học và làm nghệ thuật, hay những ngành nghề khác với kinh doanh. Ngẩm ra, như thế cũng được, còn hơn con cái đại gia chỉ biết phá cơ nghiệp của thế hệ trước để lại. Ôi, làm kinh doanh đã khó nhưng nuôi dạy con cái nên người có ích còn khó hơn nhiều ! Cay đắng lắm nhưng không gì vui bằng con cái học hành thành đạt !
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chúng ta muốn dạy con mình thành người như thế nào?

    22/04/2018Ngô Tự LậpMuốn có một nền giáo dục tốt thì phải có một triết lý giáo dục đúng đắn. Điều này không phải bàn cãi. Tầm quan trọng của triết lý giáo dục đã được nhiều tác giả, trong đó có tôi, bàn đến trong nhiều dịp khác nhau. Nhà văn Nguyên Ngọc, chẳng hạn, viết trong bài "Triết lý giáo dục: Đã đúng đắn chưa?": "Triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục...
  • Giáo dục văn hoá cho con cái

    16/09/2013Quế PhươngNgày nay trong rất nhiều gia đình, nếu các nếu các vấn đề học tập, ăn mặc, vui chơi, giải trí của con cái đều được chú trọng thì hầu như việc giáo dục văn hoá chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù co khi nó vẫn diễn ra một cách tự phát. Thậm chí có những bậc cha mẹ cho rằng chính nhà trường và xã hội chịu trách nhiệm về giáo dục văn hoá còn gia đình hoàn toàn không làm gì được trong lĩnh vực này. Nhận định này không chính xác vì thật ra gia đình là môi trường tốt nhất cho việc giáo dục văn hoá và cần phải bắt đầu áp dụng càng sớm càng tốt một cách có ý thức.
  • Bí quyết dạy con thành tài của người Do Thái

    03/07/2013Vương LinhChỉ hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel, người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Một trong những “bí quyết” là dạy con biết vượt khó, làm việc nhà, liên tục đặt câu hỏi… từ nhỏ.
  • Con cái chúng ta đọc gì?

    31/05/2013Nguyễn Vĩnh NguyênNhững kệ sách thiếu nhi tại các nhà sách lớn thành phố vào ngày nghỉ, ngày cuối tuần luôn nhộn nhịp người ra kẻ vào. Dễ hiểu, cứ mỗi độc giả nhỏ tuổi đến đây sẽ luôn có một hoặc hai phụ huynh đi theo giám sát việc chọn sách. Hầu hết bọn trẻ mua, đọc sách theo những cái gật đầu của người lớn.
  • Dạy con hồn nhiên trong thế giới cạnh tranh

    29/05/2009Kiên Giang (Theo Family Cricle)Cho dù trong lĩnh vực thể thao, học hành hay chỉ là quần áo đi chơi, ngày nay trẻ em bị thúc ép rất mạnh trong một bầu không khí tranh đua. Vấn đề là làm sao cha mẹ có thể dạy con cái cuộc sống hằng ngày không phải là “một cuộc đua xe khổng lồ”.
  • Sỉ nhục con cái - chuyện không nhỏ

    17/11/2006Vì bất lực và nóng giận, không ít bậc cha mẹ tuôn ra những lời nhục mạ, xúc phạm con cái. Họ tưởng như vậy là đang răn dạy con, song những lời độc địa, chua cay ấy có sức phá hoại ghê gớm, còn hơn cả đòn roi
  • Tại sao người Mỹ thích dạy con học tại nhà?

    04/12/2003Ngày càng có nhiều gia đình Mỹ dạy con học ở nhà do chán ngán hệ thống giáo dục công và chi phí trường tư quá cao...
  • xem toàn bộ