Lịch sử là khoa học, không phải công cụ giáo dục tư tưởng

12:08 SA @ Thứ Năm - 27 Tháng Tám, 2009

* Là một nhà nghiên cứu lịch sử, theo ông, vì sao học sinh hiện nay không thích học môn lịch sử?

- Ta không nên giải thích chuyện giới trẻ ngày nay không thích sử mà nên đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta đang thất bại trong việc dạy môn lịch sử cho học sinh?

* Thưa ông, “thất bại”- liệu có nặng nề quá không? Và theo ông nguyên nhân do đâu?

- Tôi nhận định là chúng ta thất bại trong việc dạy, giáo dục lịch sử trước hết là cho học sinh rồi sau đó là cho mọi người. Cái việc thất bại ấy có nguyên nhân đầu tiên là việc xây dựng chương trình. Từ lâu lắm rồi chúng ta làm chương trình giáo dục bộ môn lịch sử theo quan điểm, theo cách nhìn rằng đây là một vấn đề của hệ tư tưởng chứ không phải của một bộ môn khoa học. Hai cái này khác nhau. Ta dùng lịch sử để làm cái việc tuyên truyền quảng bá hệ tư tưởng; mà hệ tư tưởng ở đây lại cũng còn một chiều... Trong khi lịch sử là một bộ môn khoa học mà như nhiều người nói nó lại còn là nghệ thuật, là văn học, văn hóa nữa.

* Như vậy là ngay từ đầu đã sai về quan niệm?

- Đúng! Đầu tiên đã có một quan điểm không đúng như thế thành ra mới làm ra một chương trình giáo dục lịch sử như là một công cụ để làm công tác tư tưởng, giáo dục tư tưởng cho trẻ con, như thế là lệch, cái lệch đầu tiên. Từ cái lệch đầu tiên về quan niệm thì nó sẽ tất yếu dẫn đến cái việc thứ 2 là biên soạn sách giáo khoa. Sách giáo khoa cũng chỉ là công cụ của cái quan niệm sai đầu tiên. Nó là sách để minh hoạ cho việc giáo dục hệ tư tưởng chứ không phải là sách để dạy khoa học lịch sử, tức là có cả khoa học, nghệ thuật, văn học và văn hoá.

* Nhưng còn vai trò của người thầy, tức là người truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh, liệu có phải cũng do chương trình và sách giáo khoa?

- Cái thứ 3, khổ nhất là các thầy các cô, đang ở vào tình trạng mà ngay cả chúng tôi cũng thế. Đau đớn lắm, cay cú lắm về sự dốt nát của mình, nhất là khi tiếp xúc với các chuyên gia đúng là các nhà sử học nước ngoài thì cả một đời họ đắm đuối, họ hì hục chuyên tâm vào một vấn đề nào đó và họ thành chuyên gia đích thực. Còn ở ta những chuyên gia như thế này ít quá. Các nhà nghiên cứu còn thế thì với các thầy cô dạy phổ thông, tư chất của người dạy lịch sử là không có nhiều kiến thức lắm về lịch sử do đó họ cứ bám vào sách giáo khoa. Thậm chí có khi họ còn ca ngợi là sách hay quá. Tôi biết NXB Giáo dục đã phát hàng vạn phiếu thăm dò đến các nơi thì kết quả thu về khiến NXB, trong khi lỗi lầm đầy ra đấy, vẫn phổng mũi vì họ nhận được những ý kiến phản hồi đánh giá rất cao.

* Nhưng những người biên soạn sách giáo khoa là ai? Cũng đều là các nhà giáo và các nhà sử học đấy chứ?

Những người biên soạn sách giáo khoa là những người được "chỉ định thầu".

* Vậy có thể thấy ý kiến Giáo sư là thế này: Đầu tiên là sai từ quan niệm, sau đó xây dựng chương trình sai, viết sách giáo khoa sai và trình độ giáo viên vừa hạn chế vừa phụ thuộc vào chương trình và sách giáo khoa. Như thế thì cũng không thể trách đối tượng đối tượng tiếp nhận, học sinh không thuộc sử không phải là do chúng?

Đối tượng được hưởng thụ, bắt đầu từ quan niệm thế nào là sử, chương trình người ta nhồi cho chúng, rồi hưởng thụ sách giáo khoa mà người ta cũng nhồi cho chúng và cuối cùng là hưởng thụ sự truyền đạt của các thầy các cô. Tất cả hình thành một chuỗi khốn khổ và như thế thất bại là cái chắc.

* Thưa Giáo sư, với tất cả những điều ông vừa phân tích thì câu hỏi mà Đại đoàn kết đặt ra ở Diễn đàn này: “Dạy và học sử thế nào?”, nên tìm một câu trả lời thế nào?

Tôi có kiến nghị là chúng ta làm lại quy trình đi. Trước hết là phải thông với nhau thế nào là lịch sử? Và thế nào là giáo dục lịch sử trong nhà trường? Trước tiên là quan niệm sau đó xác định lại chương trình. Từ trước đến nay chúng ta hay kêu là ngành giáo dục chưa có chương trình chuẩn nhưng riêng với môn lịch sử thì đang có vấn đề còn lớn hơn cái không có chuẩn là nó đang phục vụ cho quan điểm không đúng về thế nào là lịch sử và giáo dục lịch sử trong nhà trường.

Kiến nghị thứ 2 là làm lại sách giáo khoa và kiến nghị thứ 3 là đào tạo lại các thầy cô. Cũng không dám nói là thầy cô không tốt, nhưng đã tốt rồi xin đào tạo lại để tốt hơn nữa.

* Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: