Lên đường đi, các bác!

10:00 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Bảy, 2010

Còn nhớ vào những năm 77 - 78, ở phường tôi, cứ vào nghỉ hè, buổi sáng khoảng 5h, trẻ con dậy, tập họp, mang theo cái chổi đi quét đường cho cả phố.

Lại nhớ, khi đó, đường Nam - Bắc còn diệu vợi. Phong trào “Con tàu Kế hoạch nhỏ” ra đời. Trẻ con thấy giấy vụn là nhặt. Giấy không vụn cũng vu cho là giấy vụn. Vỏ chai, vỏ hũ chao đố mà thoát được. Có đứa hũ chao cả nhà ăn chưa hết cũng lén đổ đi để lấy hũ không; tất cả tình nguyện làm kế hoạch nhỏ để hướng tới một con tàu nối hai miền mà bản thân cũng không hề nghĩ là mình sẽ được ngồi trên đó.

Không chỉ nhặt giấy vụn, ở ngoại thành, có trường còn đào ao nuôi cá. Ngay trong trường tiểu học cạnh nhà tôi lúc đó, học sinh cũng trồng rau lang tăng gia. Chiều chiều chia nhau đi tưới rau và bắt sâu, nhổ cỏ. Quỹ rau lang do một trò được cô tin cẩn nhất giao cho giữ. Ngày nào cũng đếm đi đếm lại tiền bán rau. Có hôm để lạc mất túi tiền con thì thật là một cơn ác mộng cho toàn thể đại gia đình.

Ðó là những năm, theo trí nhớ của tôi, phong trào Ðội và Ðoàn vô cùng đẹp. Khăn quàng đỏ đối với Ðội viên không phải là xa xôi biểu tượng, mà đúng nghĩa đen là vật bất ly thân. Và Ðoàn viên Thanh niên xung phong với mũ tai bèo, đào không biết bao nhiêu con kênh, khi ấy với rất nhiều thanh thiếu niên, là thần tượng.

25 năm rồi, có những khi tưởng tinh thần thanh thiếu niên tình nguyện ấy biến mất. Anh phụ trách Ðội chiều nào cũng thấy nhậu. Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên thành quán cà phê…

Thế rồi bây giờ cái không khí Ðoàn rõ ràng đã sống lại; lại “mạnh giỏi” dưới những hình thức khác, là thanh niên khu phố chiều chiều mặc áo xanh, đội tai bèo, cầm cờ đỏ điều khiển dòng xe lúc tan tầm; Là sinh viên đại học về vùng sâu, vùng xa làm “Mùa hè xanh”, (có khi chia tay, trẻ con đi theo khóc sướt mướt); Là thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tỉnh xa lơ ngơ về thành phố thi đại học; Là những hình thức Ðoàn địa phương gây quỹ, hiệu quả mà chẳng ồn ào [1] …

Càng vui chuyện phong trào thanh niên tình nguyện hồi sinh, thì lại càng chán chuyện người già, nhất là người già trí thức.

Hôm nọ, tôi có dịp được rót trà cho khoảng chục vị trí thức cũng là có cỡ. Những câu chuyện của họ quả thật là thâm thúy. Thâm thúy và chua chát. Ðến nỗi sau khoảng hai tiếng đồng hồ ngồi hóng hớt thì tôi thấy cuộc sống này hoàn toàn bế tắc và chỉ những muốn lao ra đường, hít thở một thứ không khí gì đó, gì cũng được, miễn có lối thoát hơn.

Ðành rằng bản chất của trí thức là luôn luôn không hài lòng, nhất là khi xã hội còn vô vàn bất cập với tệ hại. Vả lại cái lối so sánh hoài cổ như Lỗ Tấn nói, “bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn bánh bao ngày nay”, ừ thì không tránh khỏi. Nhưng ở nhà mình, hình như các bác trí thức già kia lại quá chìm đắm trong sự so sánh kêu ca mà ít làm gì bằng tay chân cụ thể. Các bác ngồi với nhau vạch ra cái sai sót của xã hội, của cơ chế thì hăng lắm, nhưng cùng nhau lên đường làm một Mùa Hè Xanh đóng góp với cộng đồng thì các bác ngại ngùng.

Tôi có đọc một bài báo nói về các cụ già ở một tỉnh nước Anh, trước là thợ máy, kỹ sư, nay rủ nhau làm việc tình nguyện bằng cách thu gom máy móc phế thải, cùng nhau sửa lại, gửi tặng những nước rất nghèo, thiếu máy móc. Và thế là, cuộc đời các cụ lại được cuốn vào công việc, không còn thì giờ rảnh mà ngồi so sánh bánh bao của các thời.

Thế thì, lên đường đi, các bác trí thức hưu trí ơi! Quanh quẩn mãi ở những thành phố lớn mà hóa hẹp, trong khi có biết bao nhiêu thứ kỳ thú đợi các bác ở những vùng xa. Nếu bác từng là giáo sư, thì giờ là lúc bác dạy học cho trẻ con chưa biết chữ. Nếu bác từng là bác sĩ, thì nay bác chỉ cho nông dân biết cách lập tủ thuốc gia đình. Hay nếu bác từng là nghệ sĩ ưu tú của Nhà hát, thì bác hãy đứng ra tập kịch cho thanh niên của bản. Còn như bác nhà văn kia tính vốn thúc thủ không muốn làm gì, thì ít nhất bác cũng nên sống thử đời sống của những người còn lạc hậu, và nếu có thì giờ, thì bác dạy cho con họ đánh răng.

Lên đường đi, các bác trí thức hưu trí ơi! Ðã được hưởng đời sống thành thị đủ rồi, giờ không còn bị hành chánh cơ quan câu thúc, các bác có thể ung dung mà san sẻ kiến thức và kinh nghiệm với cộng đồng rồi đấy!

Hãy nghĩ xem, thưa các bác! Các bác có uy tín hơn hẳn lũ đầu xanh sinh viên kia! Mỗi lời nói và hành vi của các bác đều có cả một sự nghiệp sau lưng bảo chứng, trong khi lời bọn chúng nói đến chúng nhiều khi cũng còn hồ nghi. Vậy sao cái bọn trẻ ấy, chúng dám có Mùa Hè Xanh cho mình, mà các bác thì cây đời càng ngày càng xám?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Có đức mà không có tài

    26/06/2020Thảo HảoỞ một trường P.T.C.S miền núi phía Bắc, có một ông hiệu trưởng tên Tành quê Nghệ Tĩnh và hai cô giáo miền xuôi còn trẻ, Giao và Minh. Trường chỉ có hai phòng học, và những giáo viên là những người đã bị Bộ Giáo dục bỏ quên. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng, bằng cách của mình, duy trì các lớp học...
  • Nhân trường hợp chị thỏ bông

    04/03/2019Thảo HảoSau vụ việc chị thỏ bông này, hẳn các anh đã thấy mình cũng cần cảnh giác mà giữ vợ? Bởi vì con đường hư hỏng của phụ nữ không cần mất công như các anh đâu. Theo một thống kê mật, những lời đề nghị của phụ nữ được chấp nhận tới 8/10, trong khi đàn ông chỉ có 1.5/10 mà thôi. Bình đẳng với phụ nữ là cho họ biết vũ khí mà họ có, và để họ tùy nghi sử dụng sau khi đã cân nhắc được mất.
  • Tôi muốn đời tôi mầu gì?

    25/02/2018Thảo HảoNgày đầu năm lạnh ngăn ngắt, nhận được rất nhiều lời chúc: hạnh phúc, sức khỏe, may mắn, thành đạt…, xong rồi ra đường, mắt đeo cái kính xanh nên nhìn gì cũng xanh xanh. Ngoài đường, ai nấy áo lạnh, đèo trẻ con che mặt bằng khăn voan trông thật đáng yêu...
  • Yêu Hiểu

    07/02/2017Thảo Hảo“Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu. Ừ thì cái gì cũng có giá của nó thôi. Không “hiểu” và không “yêu” khi nghiên cứu, thì suốt đời bao nhiêu tên tuổi cũng chỉ lẫn lộn, na ná nhau...
  • Món nợ của ngành giáo dục

    26/06/2016Thảo HảoAi bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Ðầu tôi đội nón mê như lọng tre. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!"...
  • Gửi Đoàn của tôi

    17/01/2016Thảo Hảo... đến cái bản báo cáo công việc của đoàn viên cả nước không thôi, mà thanh niên bình thường, nếu không quen với từ ngữ hội nghị, cũng không hiểu được...
  • Sự nan giải của Tí

    24/11/2015Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)Cách đây hai năm, khi Tí mới vào cấp III, bố Tí - một người cấp tiến, đã đưa ra quyết định táo bạo: Tí không cần là học sinh giỏi trong trường. Với giấy phép này, Tí được phép lơ là...
  • Tôi nghi ngờ ông Hegel

    07/11/2014Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)Tôi được người bạn tặng cho bộ Mỹ Học (2 tập) của Heghen. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi có mở ra rồi đóng lại ngay, vì thấy khó hiểu, đọc cả một trang mất một lúc, nhưng nếu ai nói tóm tắt lại thì không tóm tắt được, nhất là hiểu được Triết qua... bản dịch tiếng Việt. Triết khó vì cái gì?
  • Tâm trạng của anh phóng viên “kém tiếng Việt”

    21/06/2014Thảo HảoNgày 8.12.04, qua điện thoại, phóng viên đài BBC phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. Sau đây là đoạn cao trào nhất trong cuộc phỏng vấn 5 phút này...
  • xem toàn bộ