Led Zeppelin - The DVD, thoả lòng ngưòi hâm mộ

12:54 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Hai mươi bảy năm sau khi cuốn video đầu tiên và duy nhất của Led Zeppelin ghi lại buổi diễn tại sân Madison Square năm 1973 với tựa đề "The Song Remains the Same" ra đời, nguời hâm mộ nhóm mới có dịp được xem lại những buổi diễn live của thần tượng của mình qua bộ DVD đôi dài hơn 5 tiếng đồng hồ mang tên Led Zeppelin. Ý tưởng công bố những thước phim về nhóm Led Zeppelin được thủ lĩnh, tay guitar xuất sắc Jimmy Page đề xuất và chính tay anh tuyển chọn trong đống băng gốc dài vài chục tiếng đồng hồ thu hình nhóm biểu diễn trên khắp thế giới để trích ra 5 giờ đồng hồ quí báu đưa lên DVD. Cùng với bộ đĩa CD ba chiếc thu lại những ca khúc chơi live của Led mang tên "How the West Was Won", bộ DVD này đã làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng cũng như top DVD bán chạy nhất trong tháng ngay từ ngày phát hành. Nguời hâm mộ đã không quên Led Zeppelin mặc dù cũng đã gần một phần tư thế kỉ, cái tên Led Zeppelin đã không còn tồn tại nữa.

Có thể nói, tớ đã canh từng ngày từng giờ để mua được bộ DVD này vì mặc dù đã xem "The Song Remains the Same" đến hàng chục lần, tớ vẫn không cảm thấy thoả mãn được nổi ham muốn được xem nhóm Led biểu diễn. Cầm bộ đĩa hai chiếc được đựng trong hộp bìa cứng rất đẹp, bên trong cố cả hai quyển sách nhỏ tóm tắt nội dung của những buổi diễn, những trích đoạn phỏng vấn và hình ảnh của nhóm mà tớ cứ run lên như là bệnh vì quá kích động. Đến khi mua được đĩa rồi thì tớ lập tức mở lên xem ngầu nghiến để thoả cơn ghiền. Nhưng thú thật chỉ xem khoảng được nửa tiếng thì cảm thấy chán và đầu óc lùng bùng. Led Zeppelin là như vậy, muốn tìm hiểu thì không được vội vã hấp tấp, phải có sự chuẩn bị tinh thần và sự đón nhận một cách nghiêm túc thì mới có thể hấp thụ được cái hay của nó. Thế là đành tắt đi làm việc khác. Lúc này mới chợt nhớ ra rằng mình có quá nhiều việc khác để làm nên không thể tập trung mà xem được.

Hai ngày sau khi mọi chuyện lo âu khác đã giải quyết xong, không còn gì vướng bận trong lòng, tớ mới lại lấy Led Zeppelin ra để mà xem. Bắt đầu xem khoảng từ 5 giờ chiều, vậy mà chỉ thoáng một chút đã đến gần 11 giờ đêm, cơm tối cũng bỏ lúc nào mà không biết. Xem xong vẫn cảm thấy vương vấn như là chưa xem vậy.

Royal Albert Hall, 1970

Đĩa 1 bao gồm phần trình diễn dài 102 phút tại Royal Albert Hall của nhóm năm 1970 ngay sau khi album Led II được phát hành ít lâu. Nhóm chơi những ca khúc trong hai album và cả những ca khúc nhạc blues kinh điển đã được rock hoá. Các chàng trai Led Zeppelin lúc này vẫn còn trẻ măng, phong cách biểu diễn vẫn còn khá vụng về, lóng ngóng, không được thuần thục như trong "The Song". Sân khấu Royal Albert Hall của những năm 70 chỉ là một cái bục gỗ chật hẹp, quá chật cho bốn người đứng bên cạnh nhau. Hệ thống âm thanh và ánh sáng rất thô sơ. Nếu so sánh với sân khấu Royal Albert Hall sang trọng, hiện đại vừa diễn ra lễ kỉ niệm ngày đăng quang của nữ hoàng Anh năm 2002 thì quả là một trời một vực. Tuy nhiên âm nhạc của Led vẫn tuyệt vời. Vẫn lối diễn ngẫu hứng kéo bài hát dài như vô tận, giọng hát đầy uy lực của Robert Plant, tiếng guitar giết ngưòi của Jimmy Page và tiếng trống cuồng nộ của Bonzo. Chỉ có John Paul Jones có vẻ hơi lép so với đồng đội khi anh nép vào góc tối của sân khấu và khảy bass đều đều. Nhưng nếu để ý nghe kĩ thì tiếng bass của John vẫn linh hoạt, tung hứng rất ăn khớp với trống và guitar mặc dù hầu như bài nào nhóm cũng chơi ngẫu hứng. Có lẽ hay nhất trong chương trình là phần biểu diễn độc tấu bài "White Summer" của Page và phần solo trống đầy lửa trong "Moby Dick" của Bonham. Có một điều làm tớ không được thoả mãn cho lắm là Robert Plant có vẻ không thuộc lời các bài hát nên hát kiểu ad-libs (ứng khẩu) hơi nhiều. Phần giai điệu cũng bị thay đổi tuỳ theo feelings của lão làm cho đôi khi tớ hơi bị hẫng khi muốn hát theo ca khúc yêu thích của mình mà không được. Vậy và cả bốn vẫn đón đỡ, tung hứng, ném bắt từng đoạn nhạc với nhau một cách thật tuyệt vời không một lần lỡ nhịp. Đúng là chỉ có những người thật sự hiểu nhau mới có thể trình diễn ăn khớp như vậy.

Phần Extras của đĩa 1 tập hợp những thước phim hiếm hoi của nhóm tại Paris (Tous en Scène show, 1969), Copenhagen (Danmark Radio 1969), London Super Show (1969) và video clip đầu tiên của nhóm "Daze and Confused" được dựng trên phần nhạc gốc của băng thu âm. So với phần trình diễn ở Royal Albert Hall thì các phần trình diễn tại những nơi khác kém hơn hẳn cả về cách dàn dựng lẫn về mặt biểu diễn. Tại Tous en Scene, nơi nhóm biểu diễn giống như một rạp xiếc với khoảng vài chục khán giả trung niên ngồi trên khán đài. Buổi diễn cũng giống như là một buổi tập thử hơn là một buổi diễn chính thức. Không có sự phản hồi từ phía khán giả, cũng như không có lửa từ phía ban nhạc. Bonzo thì mặt sưng mày sỉa phía sau dàn trống vì vừa mới choảng nhau với ban tổ chức nguời Pháp trước khi ra trình diễn. Jimmy Page bật mí "Thật ra chúng tôi cũng không hứng thú gì với buổi diễn này, chúng tôi chỉ trình diễn để chấm dứt hợp đồng lưu diễn châu Âu để sớm quay về phòng thu mà thôi".

Denmark Radio cũng khá thú vị. Nhóm trình diễn trước một nhóm thiếu niên khoảng 14-15 tuổi trải đệm ngồi dưới đất. Không hề có khoảng cách giữa khán giả và ban nhạc. So với buổi diễn Paris, nhóm chơi hay hơn nhiều. Điều đáng tiếc duy nhất là sự lãnh đạm của đám khán giả nhỏ tuổi và cách ăn mặc khá kì quặc của Jimmy Page. Trông anh giống như một bác sĩ vừa mổ chết bệnh nhân của mình: áo blouse trắng mặc ngoài áo somi dài tay bên trong, cà vạt thắt hờ, vừa buông thả vừa chán đời.

Tuyệt vời nhất là phần trình diễn Super show. Cách xử lí ca khúc "Dazed and Confused" trên cây guitar Stratocaster được sơn vẽ sặc sỡ theo phong cách psychedelịc của Jimmy Page rất thông minh và khéo léo mặc dù bộ phận âm thanh thời đó rất thô sơ. Phần hình ảnh được xử lí để đưa vào DVD đẹp và rõ đến không ngờ so với bản bootleg trên VCD và tớ đã được xem trước đây. Đây là phần trình diễn khá nhất trong phần Extra của đĩa.

Tracks list DVD 1.

Live at the Royal Albert Hall: (102:00)
We''re Gonna Groove/ I Can''t Quit You/ Dazed and Confused/ White Summer/ What Is and What Should Never Be/ How Many More Times?/ Moby Dick/ Whole Lotta Love/ Communication Breakdown/ C''mon Everybody/ Something Else/ Bring It On Home.

Extras:
Communication Breakdown-Promo clip 1969 (2:24)

Denmark Radio, 1969: (31:24)
Communication Breakdown/Dazed and Confused/ Babe, I''m Gonna Leave you/ How Many More Times?

Supershow, 1969: (7: 31)
Dazed and Confused

Tous en Scence-Paris, 1969: (9:01)
Communication Breakdown/Dazed and Confused.

Đĩa 2 của bộ DVD tập trung vào thời hoàng kim của Led Zeppelin từ năm 1972 đến năm 1979. Các thành viên có "go out" trong cách ăn mặc hơn. Phong cách trình diễn trên sân khấu cũng chuyên nghiệp và thu hút hơn so với Royal Albert Hall. Xem Led Zeppelin biểu diễn trong giai đoạn này mới thấy được phong độ đỉnh cao của nhóm.

Phần đầu là 4 ca khúc"Black Dog", "Misty Mountain Hop", "Since I've Been Loving You" và "The Ocean" trích từ buổi diễn tại Madison Square Garden ở New York năm 1973. Bốn ca khúc này trước đây đã không được đưa vào bộ phim "The Song Remains the Same" vốn cũng ghi lại buổi diễn tại Madison Square, quả là một thiếu sót quan trọng vì bài nào cũng hay cả. Đỉnh cao của chương trình này là ca khúc bất hủ "Since I've Been Loving You". Có lẽ đây là một trong những bài khó chơi nhất trong lịch sử nhạc rock. Nhưng lần nào trình diễn ca khúc này, Led Zeppelin luôn diễn đạt một cách xuất sắc và ăn ý. Cả một bài dài dằng dặc hơn 15 phút lại trúc trắc thế mà vẫn không bị lỡ một nhịp. Nhìn các thành viên của Led như say trong tiếng nhạc mới thấy được sức mạnh của nghệ thuật đích thực. Không gian âm nhạc của Led bao trùm toàn bộ sân khấu và người chơi nhạc cũng đắm mình vào trong cái không gian đó, hoàn toàn không để ý gì đến thế giới bên ngoài. Có thể nói như hồn của họ thì xuất ra khỏi xác còn âm nhạc thì nhập vào bên trong để điều khiển người chơi. Tất cả hoàn toàn đều chân thật, không chút giả tạo hoặc lên gân, tạo dáng như các nhóm metal của thời kì sau. Điều đó cũng dễ hiểu vì âm nhạc của Led chơi cần có sự tập trung cao độ để người chơi và âm nhạc hoà với nhau làm một, không có chỗ cho sự làm điệu.

Phần trình diễn của nhóm tại Earls Count, London năm 1975 cũng xuất sắc không kém. Ba ca khúc đầu của chương trình được chơi với dạng unplugged, John Paul Jones chơi mandoline, Robert Plant hát chính, Jimmy Page chơi guitar thùng và John Boham hát bè... Nếu như bằng cây guitar điện, Jimmy Page đã tạo nên những câu solo mang tính hiếu chiến rất đặc trưng thì với cây guitar thùng, tiếng đàn của anh lại rất thanh thoát, hiền hoà và tinh khiết. John Paul Jones mặc dù luôn trầm lặng vẫn tỏ ra xuất sắc trong việc đệm đàn mandoline hoà tấu với Page các ca khúc "Going to California", "Bron-Y-Aur Stomp" và "That's the way". Càng ngạc nhiên hơn nữa khi tay trống Bonzo lại có một giọng bè quá tốt.

Mộc mạc và nhẹ nhàng là thế, vậy mà ít phút sau Led Zeppelin đã làm rung chuyển sân khấu với những bản hardrock dữ dội như "In my Time of Dying", "Trampled Underfoot" và bản hùng ca "Stairway to Heaven" huyền thoại. So với "Stairway" của Madison Square hai năm về trước, version lần này có sự khác biệt đáng kể trong phần solo guitar. Jimmy Page có lẽ phiêu nhiều hơn trong lần này, câu cú cũng khác hẳn. Có thể nói, Jimmy Page là nhà máy sản xuất các câu solo xuất sắc nhất nhạc rock với khả năng bất tận. Nghe Jimmy Page chơi guitar, ta luôn có cảm giác quen mà lạ, quen vì vẫn phong cách không thể lẫn vào đâu được, còn lạ vì những câu guitar của anh lúc nào cũng làm cho người nghe ngẩn ra vì ngạc nhiên trước sự táo bạo và biến ảo linh hoạt.

Phần trình diễn ở nhạc hội Knebworth năm 1979 cho thấy sự sa sút của Led và báo trước một kết cục không mấy tốt đẹp. Robert Plant già đi thấy rõ sau cái chết của cậu ấm Karac, Jimmy Page gầy ốm và xanh xao, gần hhư lọt thỏm vào trong bộ đồ tây rộng thùng thình. Anh có vẻ như kiệt sức vì đã chơi suốt 3 tiếng đồng hồ liên tục.Còn tay trống Bonzo do rượu chè thâu đêm suốt sáng đã mất đi dáng vẻ thon gọn mặc dù anh chỉ mới ngoài 30 tuổi. Dường như các rocker nào lạm dụng rượu và chất kích thích quá độ, đến trước khi chết đều có cái vẻ bề ngoài béo phị và luộm thuộm như thế. Elvis Presley, Keith Moon, Janis Joplin đều như thế cả. John Paul Jones thì càng có vẻ già dặn hơn nữa. Nhìn các thành viên của nhóm Led Zeppelin lừng lẫy mà cứ ngỡ như là những rocker tuổi ngũ tuần.Chỉ khi âm nhạc trỗi lên thì linh hồn mới thoát khỏi xác phàm, vẻ tinh anh dẫn thay thế cho sự mệt nhọc. Hay nhất trong buổi diễn có lẽ là hai ca khúc "Achille's Last Stand" và "Kashmir" đầy chất đông phương huyền bí. Tiếng đàn của Jimmy Page vẫn bay bổng, giọng ca của Plant vẫn tràn đầy sinh lực và tiếng trống của Bonzo vẫn uy mãnh. Led Zeppelin thật sự không chết một khi âm nhạc còn chắp cánh cho họ.

Bên cạnh ba phần trình diễn chính, người xem còn được thưởng thức thêm "The Immigrant Song" và "Rock and Roll" tại Úc năm 72, được nghe Jimmy Page và Robert Plant trả lời phỏng vấn khi các nhà báo đặt ra câu hỏi muôn thuở: "Các anh hãy tự so sánh mình với The Beatles!" cũng như được xem hai video clips hiếm hoi của nhóm "Over the Hills and Far away" và "Traveling Riverside Blues".

Hơn năm tiếng đồng hồ xem và nghe nhạc của Led Zeppelin vậy mà khi tắt máy lòng lại đầy nuối tiếc, ước gì được xem thêm 5 tiếng nữa. Led Zeppelin là thế, hấp dẫn một cách không cưỡng lại được. Chẳng trách chi ngay tuần đầu tiên phát hành, bộ DVD này đã lên thẳng hạn nhất bảng xếp hạng DVD bán chạy nhất. Cho dù thời gian có trôi nhanh đến đâu đi chăng nữa, 50 năm hoặc thậm chí 100 năm sau, người yêu nhạc vẫn tìm thấy được những điều tuyệt vời khi nghe lại Led Zeppelin.

Tracks list DVD 2.

Australia, 1972: (4:03)
Immigrant Song

Madison Square Garden, 1973: (23:34)
Black Dog/Misty Mountain Hop/Since I've Been Loving You/The Ocean.

Earls Court, 1975: (49:00)
Going to California/That's the Way/Bron-Y-Aur Stomp/In My Time of Dying/Trampled Underfoot/Stairway to Heaven.

Knebworth, 1979: (50:11)
Rock and Roll/Nobody's Fault But Mine/Sick Again/Achille''''s Last Stand/ In the Evening/Kashmir/Whole Lotta Love.

Bonus:
- NYC Press Conference-1970 (3:27)
- Down Under-1972 (5:17): Rock and Roll, interview with the band.
- The Old Grey Whistle Test-1975 (3:47)

Interview with Robert Plant

Promos clips:
- Over the Hills and Far Away (4:49)
- Traveling Riverside Blues (4:12)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Huyền thoại Led Zeppelin

    13/11/2003BarryGibsonNếu bạn hỏi 10 ban nhạc Heavy metal của thập niên 80 rằng ban nhạc nào của thập kỉ trước đã truyền cảm hứng cho họ thì bạn sẽ nhận được câu trả lời từ 8 ban rằng Led Zeppelin là động lực thúc đẩy họ chơi rock. Thật vậy, Led Zeppelin đã trở thành một trong nhũng chuẩn mực của nhạc rock nặng thế giới. Vậy Led Zeppelin là ai mà có đưọc ma lực ghê gớm đến như vậy? ChúngTa.com xin gửi đến các bạn bài viết về ban nhạc Led Zeppelin của BarryGibson trên mạng TTVNOnline.