'Làm phụ nữ Việt khó hơn phụ nữ Mỹ'

10:16 SA @ Thứ Ba - 27 Tháng Năm, 2014

Lấy cuốn sách "Xuyên Mỹ" làm nền, nữ nhà văn chia sẻ quan điểm về các vấn đề của phụ nữ như cân bằng gia đình và công việc trong buổi trò chuyện diễn ra tối 21/5...

Buổi giao lưu quanh cuốn sách Xuyên Mỹ của tác giả Phan Việt diễn ra lúc 19h ngày 21/5 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tham gia chương trình có các độc giả yêu mến tác phẩm của Phan Việt; cùng các giáo sư, sinh viên Đại học South Carolina (Mỹ) nơi Phan Việt giảng dạy. Những vị khách đặc biệt đến từ Mỹ đang ở Hà Nội tham gia chương trình tìm hiểu "Việt Nam đương đại" do Phan Việt chủ trì.

Khác biệt với những buổi giao lưu về các cuốn sách, tác giả và những vị khách mời không giới thiệu về tác phẩm. Phan Việt muốn chương trình như một buổi trò chuyện cởi mở về phụ nữ, gia đình và sự nghiệp nên chỉ có những chia sẻ, đối thoại về những vấn đề của người phụ nữ trong cuộc sống.



Tác giả Phan Việt (ngồi giữa) đang đọc một trích đoạn trong cuốn Xuyên Mỹ.

Tại chương trình, nhà văn bất ngờ khi gặp một độc giả đặc biệt - bà Hồng Ánh - giám đốc Trung tâm Phát triển Châu Á - Thái Bình Dương, giảng viên Đại học Ngoại thương. Bà Ánh mở đầu với một câu hỏi khó dành cho Phan Việt: "Làm phụ nữ Việt hay phụ nữ Mỹ khó khăn hơn?". Nữ nhà văn nhận ra người hỏi là giáo viên của mình năm xưa. Chị khẳng định không ngần ngại rằng, với chị đã là phụ nữ thì có nhiều cái khó. Nhưng làm phụ nữ ở Việt Nam thì gặp nhiều khó khăn hơn phụ nữ Mỹ. Phan Việt nói: "Làm phụ nữ ở Mỹ dễ hơn nhiều. Đàn ông Mỹ đối xử với mình trước tiên là 'người', chứ không phải là 'phụ nữ'. Ở Việt Nam, tôi khó lòng có thể ngồi một tiếng đồng hồ chỉ để nói về các vấn đề triết học, văn học hay xã hội... Mọi người sẽ đưa ra câu hỏi như 'Cô đã lấy chồng chưa', 'Lấy chồng rồi thì có con chưa, mấy con rồi'..."

Theo Phan Việt, cảm giác về danh tính làm người và danh tính phụ nữ là điểm khác biệt trong quan điểm người Việt và người Mỹ. "Ở Mỹ quyền của bạn trước tiên là quyền con người, sau đó mới là tính nữ (bạn có thể thể hiện tính nữ ấy hay không tùy mỗi người).

Về vấn đề của người phụ nữ đi qua nỗi đau ly hôn trong Xuyên Mỹ, Phan Việt nói thời gian chị viết cuốn sách này còn ngắn hơn thời gian chị suy nghĩ có nên công bố nó hay không. Nhưng rồi cuối cùng cuốn sách vẫn đến tay bạn đọc. Là một nhà nghiên cứu xã hội, Phan Việt hiểu ly hôn là tình trạng phổ biến trong xã hội Mỹ, xã hội Việt. Chị nói: "Tôi viết cuốn sách này không phải cho mình, từ lâu tôi không có như cầu phải chứng tỏ bản thân. Khi tôi có bất hạnh, tôi phải khổ đau, vấp ngã rất nhiều. Tôi hy vọng có thể chia sẻ gì đó qua cuốn sách này, đồng hành với nỗi đau mà những người phụ nữ phải trải qua".

Trả lời cho câu hỏi liệu sau cuốn sách này có thêm nhiều phụ nữ ly hôn hơn không, Phan Việt nói chị không cổ vũ cho ly hôn. "Tôi chỉ hy vọng phụ nữ sau cuốn sách này có thể dũng cảm ly dị nếu họ đang bất hạnh. Còn ly hôn vì những lý do phù phiếm thì hãy suy xét lại" - nhà văn nói. Phan Việt khuyến khích phụ nữ hãy làm theo điều mà họ chắc chắn muốn, ví dụ chắc chắn muốn sống theo ý mình, hay thỏa hiệp để có một cuộc hôn nhân trọn vẹn, hoặc chắc chắn muốn có cả hai. Cũng giống như câu chuyện của mình, khi Phan Việt nhận ra chị và chồng đều tốt, đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc và chị biết hai người không thể hạnh phúc cùng nhau.



Sách Xuyên Mỹ.

Không phụ nữ nào muốn kể lại những đổ vỡ của mình. Phụ nữ Việt Nam càng không. Nhưng chính vì sự im lặng này mà mỗi người phải một mình trải qua những đau khổ và sợ hãi không đáng có. Phan Việt đã phá vỡ sự im lặng này. Những gì chị viết trong Xuyên Mỹ thể hiện đời sống nội tâm một phụ nữ Việt trẻ trên đất Mỹ, nhưng cũng là tiếng nói của phụ nữ Việt dù ở bất cứ đâu.

Xuyên Mỹ là phần hai của bộ sách Bất hạnh là một tài sản. Phần một của cuốn sách mang tên Một mình ở châu Âu là những trải nghiệm của tác giả khi quyết định đơn độc tới châu Âu khi hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt. Ở phần hai, sau khi trở về nhà ở bờ Đông nước Mỹ, Phan Việt chuyển nhà trở lại Chicago, chia tay chồng, hoàn thành chương trình tiến sĩ và cuối cùng chuyển tới bờ Tây nước Mỹ làm việc. Trên nền câu chuyện "tôi đã ly hôn như thế", tác giả đã bóc tách các lớp ý niệm văn hóa - xã hội - lịch sử ăn sâu vào mỗi con người, là yếu tố quyết định hành vi của họ. Nhân vật chính ở Mỹ mười năm nhưng những trăn trở của chị về đúng - sai, phụ nữ và đàn ông trong hôn nhân, sau ly hôn đều ở thế đối chiếu với văn hóa Việt Nam - nơi chị lớn lên.

Phan Việt là tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện, Nước Mỹ, nước Mỹ, tiểu thuyết Tiếng người và bộ sách Bất hạnh là một tài sản. Phần ba của bộ sách sẽ viết về Việt Nam, dự kiến ra mắt trong năm tới. Ngoài viết văn, Phan Việt viết báo, dịch, hiệu đính sách. Chị là đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng với nhà Toán học Ngô Bảo Châu. Phan Việt tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chicago, hiện giảng dạy tại Đại học South Carolina (Mỹ).

Nguồn:Vnexpress
LinkedInPinterestCập nhật lúc: