Lại nghĩ về biển đảo

09:26 SA @ Thứ Ba - 15 Tháng Chín, 2009

Nhiều năm trước, qua một người quen giới thiệu, tôi được biết một vị Việt kiều đang sống tại Hoa Kỳ. Ông vốn là một sĩ quan hải quân của chế độ Sài Gòn, từng tham gia bảo vệ Hoàng Sa.

Rồi sau những biến cố, ông sang cư ngụ ở bên kia đại dương. Thôi thúc bởi những trải nghiệm, ông dành tất cả thời gian còn lại nghiên cứu về lịch sử hàng hải để giải đáp cho một sự băn khoăn từng có: "Người khen kẻ chê, sự đánh giá văn hoá Việt Nam thời cổ rất là khác biệt nhau. Đã có người cho rằng căn bản của dân ta quá thấp kém, cho rằng tổ tiên của chúng ta qua nhiều năm, tuy sống bên cạnh biển mà chỉ nhìn biển với cặp mắt sợ hãi, không sáng chế ra kỹ thuật hàng hải nào cả. Một số chứng cớ sau đây góp phần "biện hộ"cho người xưa "đã không sợ biển" và nhiều ít vinh danh những đóng góp to lớn của ông cha chúng ta trong kỹ thuật hàng hải. Đăc biệt đáng nhấn mạnh ở đây, hầu hết các công trình phát minh hàng hải đều được thực hiện bên bờ vịnh Bắc Bộ và biển Đông".

Vào thời điểm ấy, tác giả chưa hoàn thành công trình nghiên cứu của mình nhưng gửi cho tôi một số phần viết đã hoàn thiện. Ông đưa ra một đánh giá làm chủ điểm cho phần viết của mình, một đánh giá có thể gây "sốc" đối với những người quen khiêm tốn: "Vịnh Bắc Bộ, nơi mở đầu hàng hải". Chỉ có điều, phần viết của ông chủ yếu là tập hợp và tổng hợp ý kiến của các học giả thực sự là những chuyên gia có tên tuổi như nhà bản đồ học William Meacham, nhà khảo cổ Malcom F.Famer, bác sĩ Stephen Oppenheimer, nhà nghiên cứu Đông Nam Á Wilheim Solheim, các nhà Đông Dương học Victor Golubew, E.Gaspardone v.v...

Các học giả đưa ra nhiều luận thuyết đặt Đông Nam Á vào trung tâm của các nguồn gốc văn hoá và văn minh, khi nước biển dâng, nhiều cư dân ở đây đã di cư đến nhiều vùng đất mới và vun đắp những nền văn minh ở vùng đất cư ngụ (Oppenheimer); lý thuyết của Norman thì cho rằng cư dân Đông Nam Á trong đó có cư dân vùng Bắc Bộ khởi sự trước hết bằng cuộc sống duyên hải; 6000 năm trước cư dân ở đây có một thứ ngôn ngữ được truyền bằng đường hàng hải đến Nhật Bản, Tasmania, Địa Trung Hải, Châu Phi và Châu Mỹ (Paul Rivet); Đông Nam Á đã là một trung tâm phát nguyên các tuyền đường hàng hải (G.Solheim); từ Đông Nam Á một thứ ngôn ngữ phong phú qua những giao lưu hàng hải ngôn ngữ ấy đã lan toả đến các vùng Địa Trung Hải, Châu Phi và Mỹ (Paul Rivet) v.v...

Và có cả những ý kiến rất mạnh dạn như F.Kyes trong tác phẩm "The Gold Peninsula" (Bán đảo Vàng) cho rằng Việt Nam là nơi phát khởi nền Văn minh Hoà Bình trải rộng khắp Đông Nam Á và khẳng định tầm vóc cũng như ảnh hưởng của nền Văn hoá Đông Sơn trong mối tương quan với các khu vực địa lý và các nền văn minh khác...

Tác giả còn dành sự quan tâm đặc biệt để nhấn mạnh đến những thành tựu liên quan đến năng lực hàng hải của người Việt nhằm khẳng định: Ghe thuyền của Việt Nam đã đạt tới một trình độ kỹ thuật cao ngay từ thời cổ đại; bè mảng bằng tre, nứa, luồng là một phương tiện tiên tiến có hiệu quả cao gắn với nó là sự phát minh ra những kỹ thuật quan trọng của hàng hải như bánh lái, buồm, "cấu trúc mềm" của ghe thuyền Việt và đặc biệt là "cây xiếm" (một cấu trúc giúp phương tiện đạt tới tốc độ và tính an toàn cao) được coi là "phát ninh đảo lộn hàng hải"... Tác giả còn phân tích hình ảnh con thuyền trên trống đồng, "tính nhân bản" trong đời sống hàng hải của dân tộc Việt Nam...

Là một công trình khoa học mang tính khảo cứu, những quan điểm của tác giả đương nhiên mới là những giả thiết nhưng nghiêm túc và chứa đựng nhiều yếu tố thuyết phục... Điều muốn nói là nó vạch ra một hướng nhận thức về một năng lực trong quá khứ, cũng là những tiềm năng của hiện tại của dân tộc ta, đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta đang ý thức ngày một sâu sắc hơn cái nguyên lý: Việt Nam là một quốc gia biển. Nó cũng chứng minh biển Đông đã từng là không gian sinh tồn và năng lực tiếp cận và khai thác biển Đông của tổ tiên chúng ta, trước khi dân tộc ấy phải trải qua hơn một thiên niên kỷ là "quận huyện" của phương Bắc, trở thành một dân tộc "thuần nông" và có thực "e ngại" biển cả hay không?

Kết luận phần viết này, tác giả đưa ra lời khuyến nghị: "Trên đường đi tìm về nguồn gốc, thiết tưởng người dân Việt chúng ta nên dành ra một chút thì giờ và tiền bạc nghiên cứu rộng rãi hơn lĩnh vực này".

Mới đây, tôi có dịp được tiếp cận với một nhóm các nhà nghiên cứu và bảo tồn di sản hàng hải thế giới, trong đó có tiến sĩ James Delgado - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện Khảo cổ dưới biển đặt ở Hoa Kỳ. Ông cũng từng là một trong số những người lặn xuống con tàu Titanic huyền thoại và tham gia nhiều dự án thám sát và khai quật dưới biển ở nhiều quốc gia. Ông cùng nhóm đồng nghiệp thân hữu của mình đến Việt Nam với mối quan tâm hàng đầu là tìm hiểu một trận chiến nổi tiếng trong lịch sử mà sử sách tôn vinh nhưng chứng tích còn rất nghèo nàn. Đó là trận Bạch Đằng của tướng quân Trần Hưng Đạo (1288) mà ông đã viết hẳn một cuốn sách khảo cứu.

Bằng những tri thức phong phú của mình ông khẳng định với chúng tôi rằng nghiên cứu sự kiện này bằng khảo cổ học, đương nhiên là khảo cổ học dưới biển, chúng ta sẽ không chỉ tìm hiểu được tài điều quân khiển tướng của Hưng Đạo Đại Vương mà có thể biết đến những kỹ thuật đóng những chiến thuyền tham gia trận đánh.

Ông cũng đồng quan điểm cho rằng Việt Nam từng là một dân tộc giỏi đi biển. Ông chuyển cho tôi bài báo của một người đồng nghiệp đi cùng đoàn là George Belcher đã khảo cứu công phu về chiếc bè mảng bằng tre của Việt Nam đăng trên tờ tạp chí danh tiếng "Maritime Life and Tradition"("Hàng Hải - Đời sống và Truyền thống") cũng đồng quan điểm đánh giá đó là bằng chứng của một trong những phát kiến quan trọng của cư dân Bắc Bộ đối với hàng hải quốc tế...

Các bạn đều bày tỏ mối băn khoăn vì sao cho đến nay Việt Nam vẫn chưa nghĩ đến một bảo tàng hàng hải? Một vài mô hình những con thuyền ở Bảo tàng Dân tộc học cũng đã gây ấn tượng nhưng còn quá ít ỏi so với một truyền thống mạnh mẽ hơn nhiều... Ông đã tập hợp được nhiều đồng nghiệp của nhiều nước quan tâm đến Việt Nam đã chuẩn bị một dự án và xin phép nhà nước Việt Nam vào khai quật để phục dựng lại trận đánh thắng Nguyên - Mông trên biển của nhà Trần...

Mới đây, ở Hội An một dự án đầu tiên nhằm phục dựng lại những con tàu cổ từng qua lại bến cảng này vào những thế kỷ xưa phải chăng là những khởi động đáng ghi nhận. Nhưng việc nghiên cứu để bảo vệ và khai thác lợi ích quốc gia ở vùng biển đảo đang là một nhu cầu cấp bách.

Việc nghiên cứu những di sản, truyền thống hàng hải của người Việt từ những thế kỷ rất xa xưa là vô cùng cần thiết. Nó khẳng định năng lực truyền thống của người Việt đối với biển Đông. Nó giải thích vì sao các Chúa Nguyễn đã từng đánh bại cả hạm thuyền của Hà Lan ở Đàng Trong và sớm tổ chức lực lượng vươn tới các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi chưa có một quốc gia nào tiếp cận... Nó cũng gợi ra cả cái huyền thoại có thực của các "con thuyền không số" tạo nên "con đường Hồ Chí Minh trên biển" trong chiến tranh hiện đại...

Điều đó cũng có nghĩa là hướng biển cả chỉ là sự trở lại một truyền thống của tổ tiên chúng ta trong một bối cảnh mới đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam

    09/06/2014Vũ Hồng LâmTài nguyên địa chính trị là một khái niệm ít được dùng nhưng bản thân tài nguyên địa chính trị lại được khai thác và sử dụng thường xuyên. Vận mệnh của một dân tộc, sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên địa chính trị của quốc gia ấy, vào khả năng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này...
  • Tâm thế đại dương

    17/12/2010GS. Tương LaiĐứng trước biển nhưng không có cái tâm thế vươn ra biển mà lại dồn sức đắp đê để giữ lấy "tấc đất tấc vàng" của nghề trồng lúa nước, con trâu đi trước cái cày theo sau của cái nghiệp "nông vi bản". Đã từng đánh thắng những trận thủy chiến lớn nhưng vẫn không có nổi chiến thuyền tầm cỡ, không có thuyền buôn lớn vượt biển...
  • Cấu trúc Chính trị Toàn cầu

    13/11/2007SorosTheo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, người ta nói nhiều về cấu trúc tài chính toàn cầu. Hầu như không có thảo luận nào về cấu trúc chính trị toàn cầu. Đây là một sự bỏ sót kì lạ, căn cứ vào nền chính trị quốc tế đầy rẫy xung đột, và các dàn xếp được nghĩ ra để giải quyết chúng là yếu hơn nhiều so với vũ đài tài chính...
  • Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay

    14/07/2007Nguyễn Tuấn DũngViệc bảo đảm chủ quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, quân sự… Trong phạm vi bài viết này, nêu lên một vài suy nghĩ về chủ quyền quốc gia Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay...
  • Những thách thức của toàn cầu hóa

    27/10/2006Nguyễn Trọng ChuẩnToàn cầu hoá được nói đến ở đây trước hết và chủ yếu là toàn cầu hoá kinh tế. "Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, xu thế này đang bị một số nước phát triển và các tập đoàn kinh tế tư bản xuyên quốc gia chi phối, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh", vừa tạo ra những cơ hội cho sự phát triển...