Lạc thụ dụng

12:32 CH @ Chủ Nhật - 16 Tháng Ba, 2008

Lạc trong thụ dụng của từng doanh gia, nghiệp chủ không ai giống ai, lúc Khách tưởng doanh gia đang khổ, thì họ lại rất lạc; khi Khách ngỡ doanh gia đang lạc, thì họ lại rất khổ!

Đồng tiền không có gương mặt riêng,
nó mang đúng gương mặt của người nắm giữ nó,
thể hiện qua cách kiếm tiền và sử dụng tiền

Nếu lạc sở hữu dựa trên nền tảng vật sở hữu phải sạch và đồng điệu với niềm lạc chung của cộng đồng thì lạc thụ dụng lại tùy thuộc vào nền tảng bản thân và tâm tính của từng doanh gia, nghiệp chủ.

Trong làn hương trầm giữa thời khắc giao mùa, chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm niềm lạc thứ hai trong tứ lạc của doanh gia: Lạc thụ dụng.

Bài kinh Đức Phật dạy cho đại thương gia Anàthappindika về bốn niềm hạnh phúc an lạc: lạc sở hữu, lạc thụ dụng, lạc không mắc nợ và lạc không phạm tội đã làm không ít người trong giới kinh doanh chột dạ.

Thật lạ, làm sao Đức Phật biết rõ tâm địa của doanh gia mà đề cập đến niềm lạc trong thụ dụng (hưởng thụ và sử dụng vật sở hữu) thấu đáo như chính người trong cuộc?

Lạ hơn nữa, đôi khi chính người trong cuộc - những doanh gia nghiệp chủ, không hiếm người ngộ nhận niềm lạc và nỗi họa của chính mình: lúc cố gắng tìm niềm lạc trong thụ dụng, không thấy lạc đâu, chỉ thấy trăm bể khổ; khi không màng đến thụ dụng nữa, tưởng sẽ khổ, lại thấy ngàn niềm lạc! Người trong cuộc còn lơ mơ giữa lạc và khổ như thế, người ngoài cuộc (Khách) muốn nhận biết cũng chẳng dễ dàng gì.

Phải chăng, nếu muốn thấu hiểu niềm lạc và nổi khổ của giới doanh nhân thì tâm Khách phải như tâm Phật?

Tay áp phe tội nghiệp

Trong quyển truyện “Hoàng tử Bé” (Saint – Exupéry) có đoạn, Hoàng tử Bé gặp một người luôn bận rộn tự xem những việc mình làm là quan trọng. Người này đã dành hằng ngàn, ngàn năm để… hái sao trời! Cuộc đời của “người quan trọng” chỉ thực hiện một chu trình: hái sao trời về đếm, đếm xong gởi ngân hàng, gởi ngân hàng xong lại hái sao...

Thấy vậy, Hoàng tử Bé thắc mắc: hái sao để làm gì? “Người quan trọng” trả lời rất nghiêm túc: gởi ngân hàng! Hoàng tử Bé vốn là người đã hỏi cái gì là hỏi đến nơi đến chốn: gởi ngân hàng rồi sao nữa? “Người quan trọng” ngẩn người, đáp: rồi thôi! Hoàng tử Bé đã gọi “người quan trọng” này là “tay áp phe tội nghiệp”!

Việc kinh doanh của doanh gia nghiệp chủ suy cho cùng cũng là một cách hái sao trên trời. Nhưng khác với cái thời “một mình một trời” thoải mái hái của những “tay áp phe”, thời toàn cầu hóa muốn hái được “sao trời” doanh nhân phải cạnh tranh gay gắt lắm.

Doanh gia cũng khác với “người quan trọng” ở chỗ, không đắm say mê muội lao vào chu trình “hái, đếm, gởi, rồi lại hái…” mà thông qua chuyện “hái sao” họ có ý thức tạo ra cơ sở vật chất cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

Cũng rất khác với “sao trời” mà nhiều tay áp phe đã “hái” một cách dễ dàng nhờ vào cơ chế và mối quan hệ, những gì mà doanh gia nghiệp chủ tích tụ được đều thấm đẫm trí tuệ, mồ hôi và vị mặn của nước mắt. Chính vì vậy không ít doanh gia ngày này rất có ý thức trong sự hưởng thụ và sử dụng vật sở hữu.

Tuy vậy, lạc trong thụ dụng của từng doanh gia, nghiệp chủ không ai giống ai, lúc Khách tưởng doanh gia đang khổ, thì họ lại rất lạc; khi Khách ngỡ doanh gia đang lạc, thì họ lại rất khổ!

Ngỡ khổ hóa lạc

Có những nam doanh gia vào dịp nghỉ cuối tuần, lễ, tết, cầm đàn tìm đến ngôi chùa nghèo, đường đi lắt léo, đèo dốc quanh co, xin cơm chay của các sư ăn rồi ôm đàn ngồi gãy tưng tửng từng tưng. Khách hỏi, giàu có như thế thì thiếu gì cách hưởng thụ, tại sao tự “hành xác” mình như vậy? – Lạc!

Có những nữ nghiệp chủ tranh thủ ngày nghỉ, chạy đến bệnh viện chọn những khoa ngặt nghèo thuộc loại “vào cửa trước ra cửa sau” hỏi han, chăm sóc và biếu nhiều loại thuốc quý hiếm cho những người bệnh neo đơn, vô gia cư, cùng đường, nghèo khó. Khách hỏi, việc gì phải tốn công, tốn của lo cho người dưng? – Lạc!

Có không ít ông chủ hết giờ ở “chợ” về được đến nhà của mình là sống thanh bần như người tu hành, lấy niềm vui, hạnh phúc và sự đủ đầy của người thân yêu làm trọng. Có những bà chủ bôn ba khắp chốn vì chỉ tìm thấy niềm an lạc khi tạo được nhiều công việc làm và thu nhập cao cho người lao động. Khách hỏi, tại sao an nhàn không muốn lại ôm khổ cực, lam lũ vào thân? - Lạc!

Tác giả Tạ Thị Ngọc Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNHH T.T.N.T. hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Chị là một nữ doanh nhân bản lĩnh trên thương trường, với nhiều cảm nhận, suy tư sâu sắc về kinh doanh, cuộc sống.

Các bạn có thể tìm đọc cuốn sách của chị mang tên Những trang viết của một nữ doanh nhân, NXB Phụ nữ

Trên Internet bạn có thể tìm đọc các bài viết sau:

- Đừng say điệu nhảy

- Suy nghĩ lớn và gương mặt của đồng tiền

- Tôi làm giàu bằng cái tên Tạ Thị Ngọc Thảo

- Một góc nhìn khác về bằng cấp

- Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

- Con cò ăn đêm

- Lạc sở hữu

- Suy nghĩ lớn về gương mặt của đồng tiền

- Chữ C? Có bốn chữ C!

Có nhiều đại gia bận bịu đến quên cả bản thân, nhưng ở đâu thiên tai, dịch họa ập đến với đồng bào mình là có mặt để chia sẻ niềm đau, góp thêm miếng cơm manh áo. Có không ít chủ doanh nghiệp một mãnh tình vắt vai chưa có nhưng số tiền chi cho cơm áo gạo tiền thì nhiều vô kể. Họ nuôi ai? Nuôi những đứa trẻ vô thừa nhận ở các trại mồ côi và người già neo đơn. Khách hỏi, làm lụng quần quật suốt đời sao bản thân không hưởng cho sướng lại dâng người khác hưởng? – Lạc!

Và cũng có những triệu phú đô-la gom gần hết tài sản của mình chia sẻ lại cho cộng đồng như một cách “của thiên trả địa”. Khách hỏi, cả đời cực khổ kiếm tiền, cuối đời lại đem dâng cho xã hội, thần kinh của các thí chủ có bị làm sao không? – Lạc!

Mặc cho Khách thấy mình khổ, các doanh gia nghiệp chủ vẫn hưởng thụ và tiêu dùng theo kiểu của riêng mình miễn sao thân, tâm an lạc.

Ngỡ lạc hóa khổ

Khách xin được hỏi: các doanh gia, nghiệp chủ tìm đến cái khổ mà thấy lạc, vậy thì khi nào là khổ?

- Xin thưa, khổ khi phải thường xuyên bay từ nơi này qua nơi khác dù bay ở hàng ghế thương gia hoặc hơn thế nữa. Phải liên tục rời xa mái ấm của mình để ở trong những cái “hộp” hình vuông, hình chữ nhật, dù những “cái hình” đó đạt tiêu chuẩn năm, sáu sao. Và khổ vì sáng ở múi giờ này, chiều ở múi giờ khác, thời tiết liên tục thay đổi, chông chênh về thời gian, chông chênh về tâm lý.

- Khổ vì khi giao tế phải nuốt những món quá cầu kỳ không hợp khẩu vị ăn uống thanh cảnh. Khổ vì công chuyện kinh doanh phải thường xuyên dự những hội họp ngột ngạt đông người trái với bản tính thích yên tịnh. Khổ khi phải đóng những bộ đồ hàng hiệu nghiêm trang gò bó tấm thân, xa lạ với thói quen giản dị hòa đồng thoải mái.

- Và khổ nhất là khi buộc phải tiếp những vị quan khách không muốn mà vẫn phải tiếp, bởi nếu tránh né thì chuyện kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Những lúc như thế thân phận chủ giống như bông lan, bông huệ “sầu đời cho nên trong héo ngoài tươi”. Chủ đãi khách tại những nơi chốn phồn hoa, sang trọng để khách vui, miệng của chủ thì luôn phải cười tươi, nhưng lòng dạ thì ngán ngẫm, héo hắt..

Mặc cho Khách tưởng mình lạc vì được hưởng thụ cao cấp, chi xài rộng rãi, ăn ngon mặc đẹp; các doanh gia, nghiệp chủ vẫn trong tâm trạng khổ não trăm bề.

Nguồn cội và nguồn gốc

Thương trường hiện có nhiều thành phần tham gia: khu vực tư, khu vực công, khu vực liên doanh, vì thế thụ dụng cũng rất khác nhau. Nhìn vào cách hưởng thụ và sử dụng của từng người trong giới này, Khách sẽ đoán hiểu được phần nào nguồn cội của người và nguồn gốc của vật sở hữu:

Có những người đem vật sở hữu đi chôn giấu, không dám hưởng thụ, hoặc hưởng thụ một cách lén lút, giấu giếm, không đàng hoàng, thế cho nên không tìm thấy lạc trong thụ dụng. Khách hỏi - Thí chủ đang sở hữu vật đen “từ trên trời rơi xuống” phải không?

Lại có người ngỡ vật sở hữu là “phép tiên”, đã dùng nó để mua đủ thứ: chức vụ, quyền lực, tình cảm, bằng cấp, sắc đẹp, hạnh phúc, tiếng tăm v.v… nhưng rồi chẳng những không được lạc mà còn chuốc khổ vào thân vì mua “lầm” đồ giả (đồ thiệt đã không bán). Khách hỏi - Thí chủ không phải âm binh mà sao chuộng đồ “hàng mã” dữ vậy?

Cũng có vài ba “tay áp phe tội nghiệp” ngày xưa còn sót lại, miệt mài lao vào tìm kiếm vật sở hữu đến quên thân mình, quên gia đình và quên cả những người xung quanh. Khách hỏi – Chẳng hay thí chủ là “người thiệt” hay là “người máy” mà sống vô cảm đến như vậy?

Và hiện nay, cũng có rất nhiều người làm giàu một cách chính đáng, đàng hoàng, nhưng cũng phải làm bộ nghèo cho nên lạc thụ dụng thì có, nhưng không trọn vẹn. Khách hỏi – Thưa các thí chủ, có phải do xã hội ta đã có một thời cái nghèo được tôn vinh, sự giàu có bị lên án? v.v…

Phải chăng, lạc thụ dụng chỉ thật sự có trong một xã hội không những không chối bỏ quyền sở hữu mà còn khuyến khích doanh gia nghiệp chủ công khai sử dụng những gì đã tích tụ được để cả cộng đồng cùng hưởng lạc. Bởi nếu “sao trời” mà đem chôn giấu thì có khác gì đá cuội? .

Và phải chăng, khi bản thân làm chủ thụ dụng thì lạc đến, khi thụ dụng làm chủ thì chuốc họa vào thân và đôi khi còn gây họa lây cho xã hội?

Và sau cùng, nhìn Đức Phật từ bỏ quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý thanh thản xuất gia hành đạo, tự tại với cuộc sống thanh bần, các doanh gia nghiệp chủ không khỏi băn khoăn: - Tại sao như vậy?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một số lời nói hay của nhà Phật

    13/06/2018DQA (Sưu tầm)Kẻ thù lớn nhất trong cuộc đời là chính mình. Câu nói này rất quan trọng. Trong cuộc đời chúng ta thường có một số kẻ thù, như bọn lưu manh, vô lại, kẻ tiểu nhân... Bọn cầm thú mặc quần áo người đó vô cùng tàn ác, nhưng nếu nhìn thấu, thì bọn chúng cũng chỉ là lớp cặn bã...
  • "Chị là... Tạ Thị Ngọc Thảo"

    16/03/2008Tuần Việt Nam (thực hiện)Không chỉ là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, Tạ Thị Ngọc Thảo còn là một cây bút sắc sảo, một diễn giả ấn tượng. Giọng nói chậm rãi, nhẹ như gió thoảng, dáng điệu khoan thai và gương mặt thảnh thơi như không hề... vướng bận bụi trần, những ý tưởng mạnh mẽ, bất ngờ trong kinh doanh... Rất khó có thể "vẽ" lại chân dung người phụ nữ đặc biệt đến thế chỉ bằng câu chữ...
  • Ảnh hưởng của phật giáo tới đạo đức, lối sống ở thành phố Hồ Chí Minh

    15/03/2007Thân Ngọc AnhVới vai trò, chức năng và những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, Phật giáo trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận quần chúng. Các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến quần chúng...
  • Những vấn đề con người và tu dưỡng trong Phật giáo

    12/05/2006Đạo Phật không thừa nhận quan điểm thần quyền của kinh Veda, không quy phục sự bất bình đẳng tôn giáo trong đạo Balamôn. Thời đó, đạo Phật xuất hiện như một hệ tư tưởng tiến bộ, vô thần, bảo vệ quyền bình đẳng của con người trong xã hội đẳng cấp tôn giáo...