Không có dân tộc Kinh (?)

11:47 SA @ Thứ Hai - 27 Tháng Mười Một, 2017

Người Việt, ai cũng phải khai là dân tộc Kinh một cách vô lý. “Kinh” nghĩa là gì? Tự tìm hiểu tôi mới nghiệm ra không có dân tộc nào là dân tộc Kinh cả...


Người Việt phải khai là 'Dân tộc Việt' trong cộng đồng 'Người Việt Nam' gồm 54 dân tộc anh em mà dân tộc Việt là đông nhất. Ảnh minh họa

.

Nhiều người lớn đang vò đầu bứt tai than vãn: “Xã hội bây giờ nhiễu nhương quá, chẳng còn tôn ti trật tự”. Ai cũng biết vậy. Cái gì cũng có căn nguyên, nhân nào thì quả đó. Xã hội nền nếp vì mọi thứ đều có quy chuẩn rõ ràng, ngô khoai minh bạch. Việt Nam lắm chuyện khác người, từ những việc rất nhỏ.

Làm sao có thể dạy trẻ con lịch sự, biết kính trọng tổ tiên, ông bà khi tên đường đặt rất tùy tiện. Từ những cách gọi lai căng như Bà Triệu (Triệu Thị Trinh), Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)… đến những cách gọi thiếu tôn trọng như Thoại Ngọc Hầu (Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại), Lãnh Binh Thăng (Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng), Đề Thám (Đề Lĩnh Hoàng Hoa Thám)… Tệ nhất là cách gọi theo hỗn danh như Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp, làm thư ký, nhỏ con), Đồng Đen (Nguyễn Văn Kịp)… Nếu những cách gọi này được phổ cập thì tiếng Việt sẽ thế nào?

Bi hài nhất là chuyện khai lý lịch. Thời bao cấp, có năm khai vài chục bản, không biết để làm gì. Trẻ vào nhà trẻ, mẫu giáo cũng khai lý lịch với phần trước 1975 làm gì trong khi ba mẹ các cháu cũng chưa sinh ra. Mà toàn chữ nghĩa mông lung. Khổ nhất là phần tự khai “Ưu khuyết điểm”.Chẳng biết phải tự đánh giá về mình thế nào cho đúng mà không nguy hại đến công việc đang làm. “Trình độ văn hóa”làm sao đo đếm, xác định? Thiên hạ chỉ nói trình độ học vấn thôi. Chuyện tiếu lâm kể là khi hỏi cung về “Nơi sinh”, có người dân tộc thiểu số đã thật thà trả lời: “Ai chẳng sinh ra từ chỗ đó mà còn hỏi?”. Rồi “quan hệ gia đình”, “quan hệ xã hội”. Từ quan hệ này có giống như “quan hệ bất chính” hay không?

Phần khai thành phần dân tộc càng khó hiểu. Người Việt, ai cũng phải khai là dân tộc Kinh một cách vô lý. “Kinh” nghĩa là gì? Tự tìm hiểu tôi mới nghiệm ra không có dân tộc nào là dân tộc Kinh cả. Chỉ có “người Kinh” trong khẩu ngữ. Khái niệm này có nguồn gốc từ thời nhà Nguyễn. Khi Nguyễn Ánh, sau nhiều năm bôn tẩu gian khổ, đã đánh bại Tây Sơn và lên ngôi vào năm 1802, lấy hiệu là Gia Long. Bài học xương máu Gia Long rút ra là mầm mống các cuộc nổi loạn luôn xuất phát từ đám nhà giàu, lợi dụng, xúi giục và tụ tập những người nghèo bất mãn để phản kháng theo ý đồ của mình. Những cuộc bạo loạn này sẽ nhanh chóng thành khởi nghĩa nếu được chính quyền địa phương hà hơi, tiếp sức. Phải dập tắt những bạo loạn từ trong trứng nước và nắm quyền kiểm soát chặt chẽ.

Sau khi lên ngôi, Gia Long đã cho tuyển chọn và bổ nhiệm người thân thích, họ hàng tỏa đi khắp nới nắm giữ các chức vụ từ làng xã cho đến huyện, phủ… Hết bà con thì lấy người đồng hương Phú Xuân, kinh đô nhà Nguyễn, đất tổ của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Kim. Người Kinh có nghĩa là người Kinh đô. Dần dà, khái niệm “người Kinh” được mở rộng thành người miền xuôi, bao gồm cả người Hoa, người Chăm… Ngược lại là “người Thượng” nghĩa là người miền núi, người vùng cao. Nếu mình khai là dân tộc Kinh, chẳng lẽ các dân tộc thiểu số vùng cao sẽ khai chung là dân tộc “Thượng”? Khi đó người Việt chỉ có 2 dân tộc là “Kinh”“Thượng”, chứ không phải 54 dân tộc như hiện nay.

Người Việt phải khai là “Dân tộc Việt” trong cộng đồng “Người Việt Nam” gồm 54 dân tộc anh em mà dân tộc Việt là đông nhất. Hiện nay, chỉ có duy nhất sách “Non nước Việt Nam”, tài liệu tham khảo nghiệp vụ du lịch do Tổng cục Du lịch xuất bản ghi rõ mục thành phần dân tộc cả nước và các địa phương là “Việt” có chữ Kinh trong ngoặc đơn (Kinh) kế bên để chú thích thêm; bên cạnh các dân tộc khác như Thái, Hoa, Chăm, H’ Mông, Tày, Nùng, Ê Đê… Có người bảo “Chuyện nhỏ, gọi dân tộc gì cũng được, miễn là đất nước giàu mạnh. Xã hội còn bao nhiêu chuyện lớn ngổn ngang”. Đúng là đất nước còn bao chuyện bức bách nhưng tôi không coi chuyện gọi sai tên dân tộc là chuyện nhỏ, không cần sửa. Chuyện nhỏ mà có tác hại lớn về nhận thức và cả hành động. Chuyện nhỏ không làm được sao có thể làm chuyện lớn?

Mong sao việc này được sửa sớm. Tôi chỉ muốn mình là dân tộc Việt chứ không thích làm dân tộc Kinh.

Theo "Một Thế Giới"


Tham khảo:

Wikipedia mục "Người Việt"/ "Người Kinh tại Việt Nam":

Người Việt hay người Kinh là một dân tộc hình thành tại khu vực địa lý mà ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Đây là dân tộc chính, chiếm khoảng 86,2% dân số Việt Nam và được gọi chính thức là dân tộc Kinh để phân biệt với những dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Ngôn ngữ chính sử dụng là tiếng Việt theo nhóm Việt-Mường. Người Kinh sinh sống trên khắp toàn thể nước Việt Nam và một số nước khác nhưng đông nhất vẫn là các vùng đồng bằng và thành thị trong nước. Còn nếu tính cả người Việt hải ngoại thì họ định cư ở Hoa Kỳ là đông nhất.

Wikipedia mục "Người Kinh (Trung Quốc)":

Người Kinh, hay dân tộc Kinh (chữ Hán: 京族, bính âm: jīngzú,Hán-Việt: Kinh tộc) là một trong số 56 dân tộc được công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Vào khoảng thế kỷ 16, có một số người Việt di cư lên phía bắc lập nghiệp ở vùng Trường Bình - Bạch Long. Vùng đất đó bấy giờ thuộc Đại Việt nhưng theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 giữa Phápnhà Thanh thì Trường Bình bị sáp nhập vào nước Trung Hoa[1][2].

Thời gian trôi qua, nhóm người Việt này đã bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Tuy vậy họ vẫn nói tiếng Việt và được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Trung Quốc. Họ tạo thành một trong số 56 dân tộc được chính thức công nhận tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Họ sinh sống chủ yếu trên 3 đảo (Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu), nay gọi chung là Kinh Đảo hay Kinh tộc Tam Đảo, thuộc thị xã Đông Hưng, khu tự trị người ChoangQuảng Tây, nhưng tiếng Việt của họ đã pha trộn nhiều với tiếng Hoa kèm với nhiều từ cổ của tiếng Việt. Về chữ viết, ngày nay họ sử dụng chữ Hán. Năm 2000 ước tính có khoảng 22.000 người Kinh tại Trung Quốc.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đặt lại vấn đề nguồn gốc dân tộc và văn minh Việt Nam

    06/02/2016Nguyễn Văn TuấnHỏi một người Việt bình thường về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, câu trả lời mà người ta thường nghe là tổ tiên của chúng ta xuất phát từ Trung Quốc. Ngay cả người có kiến thức rộng, có quan tâm đến dân tộc và văn hóa Việt cũng có những ý kiến tương tự. Đào Duy Anh, trong Việt Nam Văn hóa Sử cương; và Trần Trọng Kim, trong Việt Nam sử lược, cũng từng cho rằng người Việt có nguồn gốc hoặc từ Trung Quốc hay từ Tây Tạng...
  • Cách tiếp cận các công trình nghiên cứu Nguồn gốc dân tộc

    16/04/2015Việt Nhân & Lê An ViViệc giải nghĩa thuật ngữ, từ ngữ trong các công trình nghiên cứu, cụ thể là các tác phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc nhóm An Vi là một việc quan trọng và cần thiết...
  • Cuộc truy tìm nguồn gốc người Việt lần thứ ba

    20/02/2015Hồ Trung TúTruy tìm nguồn gốc người Việt ngỡ như đã xong bỗng gần đây được xới lên, nhất là trên mạng, nơi có điều kiện bày tỏ quan điểm một cách khá bình đẳng. Theo dõi những cuộc trao đổi này, chúng tôi chợt nhận ra vẫn còn những câu hỏi vô cùng lớn về nguồn gốc người Việt chưa được giải đáp...
  • Một kiến giải sai về nguồn gốc dân tộc

    31/07/2014Kéo dài thêm sai lầm của những người đi trước, sách của ông Tạ Đức không chỉ trái ngược với thực tế lịch sử mà còn đẩy khoa học nhân văn Việt Nam thụt lùi một nửa thế kỷ! Không những thế, do phủ định nguồn gốc bản địa của con người và văn hóa Việt, nó gây hoang mang, làm nản lòng những ai đang gom nhặt chắt chiu từng mảnh vụn của quá khứ, khôi phục gia tài lịch sử chân thực của dân tộc...
  • Đọc “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức

    10/07/2014Trần Trọng DươngCuốn “Nguồn gốc người Việt - người Mường” của Tạ Đức ngay sau khi ra đời đã tạo nên những dư luận trái chiều. Người thì cực lực phản đối, cho đó là “phản dân tộc” hay “ngụy khoa học”; người thì hết lời khen ngợi bởi sức đọc bao quát của tác giả và vấn đề rộng rãi và mới mẻ của cuốn sách...