Khoa học tự nhiên và Con người trong Đời sống tinh thần

10:26 CH @ Thứ Ba - 04 Tháng Mười Hai, 2018

1.Tác giả

TS. Nguyễn Văn Trọng sinh năm 1940. Năm 1960 ông học chuyên ngành vật lí lí thuyết tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev, và theo đuổi nghiên cứu chuyên môn này tại Viện vật lí (Viện khoa học) cho đến khi về hưu (năm 2005). Ông là tác giả cuốn "Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn" (NXB Tri thức, 2015). Ngoài ra ông còn dịch một số tác phẩm triết học nổi tiếng của các triết gia như "Bàn về tự do", "Chính thể đại diện" của J. S. Mill; , "Bốn tiểu luận về tự do", "Tất định luận và tự do lựa chọn" của I. Berlin; "Con người trong thế giới tinh thần" của N. Berdyaev; "Ánh sáng trong bóng tối" của S. L. Frank...
.

TS. Vật lý Nguyễn Văn Trọng
.
Tên sách: Khoa học tự nhiên và Con người trong Đời sống tinh thần
Tác giả: TS. Nguyễn Văn Trọng
Số trang: 248 trang
Giá bìa: 75.000 VNĐ
Giảm giá: 10%
Đăng ký mua theo mobile: 0903. 205. 306,[email protected]hoặc

.

2. Lời dẫn

Đây là tập hợp chọn lọc những bài viết được thực hiện rải rác trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2017, tập trung vào ba chủ đề chính: một là khoa học tự nhiên và văn hóa, hai là tất định luận & tự do lựa chọn, và ba là định hướng tinh thần của tôn giáo.

Ba chủ đề này là quá trình nhận thức của tác giả vốn có xuất phát điểm từ một người nghiên cứu khoa học tự nhiên (vật lí lí thuyết) theo nghề nghiệp. Hai bài viết đầu tiên là kết quả tìm hiểu để trả lời câu hỏi: thực chất khoa học tự nhiên là gì, và có thể giúp gì cho con người có được định hướng đúng đắn trong cuộc sống nhân sinh. Tác giả rất ấn tượng với nhận xét của E. F. Schumacher: "Ở điểm này, những gì chúng ta cần phải thấu hiểu - và viết vào tấm bản đồ tri thức của chúng ta - là điều sau đây: Vì vật lí học và các khoa học chỉ dẫn khác đặt cơ sở cho bản thân mình ở phương diện đã chết của tự nhiên, nên chúng không thể dẫn đến triết học, nếu triết học là đưa ra hướng dẫn về chuyện sống là thế nào. Vật lí học thế kỉ XIX bảo chúng ta rằng sự sống là một tình cờ vũ trụ không có ý nghĩa hay mục đích. Các nhà vật lí tốt nhất của thế kỉ XX lấy lại những lời nói ấy và bảo chúng ta rằng họ chỉ xử lí với các hệ thống đặc thù, bị cô lập chặt chẽ, nhằm chứng tỏ các hệ thống ấy vận hành ra sao, hay có thể tạo ra để vận hành thế nào, và rằng không có những kết luận triết học tổng quát nào có khi nào lại có thể được (hay phải được) rút ra từ tri thức ấy".

Vậy những câu hỏi nhân sinh về định hướng tinh thần cho cuộc sống của con người phải bắt đầu bằng câu hỏi về bản chất con người là gì. Tác giả đã lựa chọn bài viết "Tất định luận và tự do lựa chọn" để mở đầu cho chủ đề về tự do của con người. Tác giả muốn phân biệt TỰ DO với thói tự tung tự tác của con người ở hai bình diện: một là tôn trọng sự khác biệt của người khác trong giới hạn sự khác biệt ấy không tổn hại cho xã hội, và hai là: tự do lựa chọn cứu cánh cho cuộc sống của mỗi người như một quá trình con người tự tạo ra bản chất của mình. Đây là quan điểm của triết học hiện sinh, nhưng cũng là quan điểm của triết học Phật giáo.

Chủ đề cuối cùng trong tập hợp các bài viết này là về tôn giáo: tác giả tự thấy mình thời tuổi trẻ đã có những định kiến không đúng về tôn giáo, và muốn trình bày những lí lẽ bác bỏ các định kiến sai lầm ấy. Đó cũng là giới hạn tác giả tự đặt ra cho mình: không rao giảng một đức tin tôn giáo cụ thể nào vì đó là phạm vi tự do lựa chọn của mỗi cá nhân.

Trong tập hợp này mỗi bài viết có một chủ đề ít nhiều mang tính độc lập, nhưng đều là do tác giả thực hiện như một chủ thể hiện sinh. Và vì vậy việc xảy ra trùng lặp những trích đoạn là không thể tránh khỏi. Nếu lược bỏ những trích đoạn trùng lặp ở một bài viết nào đó ắt sẽ khiến cho bài viết ấy mất đi chủ đích độc lập vốn có của nó vào thời điểm nó được thực hiện. Đó là lí do tác giả giữ lại một cách đầy đủ các bài viết có các trích đoạn trùng lặp.

3. Mục lục

Lời dẫn

Khảo luận về khoa học

I. Khoa học như một sản phẩm của nền văn hóa phương Tây

II. Xung quanh việc xuất hiện cơ học Newton và vật lí cổ điển

III. Khuynh hướng thực chứng luận (positivism). Sự ra đời của thuyết tương đối và cơ học lượng tử

IV. Cấu trúc của khoa học và vấn đề thẩm định tính chân lí

V. Vai trò của lịch sử và khảo sát xã hội học đối với hoạt động khoa học

VI. Khoa học thời "hậu hiện đại"

Tài liệu tham khảo

Khoa học và văn hóa

Khoa học được hình thành thế nào?

Cộng đồng các nhà khoa học, họ là ai?

Những thách thức của thời đại đối với khoa học

Khoa học và khả năng nhận thức của con người

Tất định luận và tự do lựa chọn

Tự do xã hội

Suy ngẫm về tự do

Tìm kiếm danh phận

a) Tìm kiếm danh phận trong quá khứ

b) Tìm kiếm danh phận thời hiện đại

Bàn về định hướng tinh thần của tôn giáo

Vấn đề con người trong giáo dục

Con người trong thế giới tinh thần

Quan niệm tôn giáo của con người trung bình thời hiện đại

Khởi nguyên quý tộc của văn hóa và số phận của tầng lớp trí tuệ

Quan niệm Kitô giáo của N. Berdyaev
.

4. Điểm nhấn

“Con người có thể tự do lựa chọn đi xuống tới những thang bậc thấp kém nhất của thế giới thú vật, nhưng cũng có thể nâng cao bản thân mình lên tới phạm vi cao cả nhất của thần thánh. Là nhân vị tự do nên con người phải chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Khi một người chối bỏ tự do (để đổi lấy miếng ăn hay sự an toàn chẳng hạn), thì anh ta cũng mất đi phẩm giá làm người để rơi xuống hàng "sự vật". Nhưng việc chối bỏ tự do suy đến cùng thì cũng vẫn là một lựa chọn, và anh ta phải chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy của mình. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì con người tự tạo nghiệp cho mình bằng những lựa chọn mà anh ta thực hiện trong cuộc đời; mọi sinh linh tự quyết định bản chất và hiện hữu cho chính nó bằng các hành động của nó. Hệ quả là: sự đa dạng là bản chất của con người chứ không phải là điều kiện nhất thời.

(Trích Bìa 4,Khoa học tự nhiên và con người trong đời sống tinh thần, Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri thức 2018)

.

5.Khoa học và Tôn giáo trong quan hệ với Con Người

Tôi muốn chia sẻ một số nhận thức về KHOA HỌC & TÔN GIÁO thu nhận được từ trải nghiệm cá nhân với tư cách là một người nghiên cứu vật lý và một cá nhân sống trong xã hội. Tôi không có ý trình bày nhận thức của mình nhằm rao giảng chân lý, tôi chỉ muốn gợi ý cho những suy ngẫm riêng của người nghe (có thể khác biệt với nhận thức của tôi) về một chủ đề quan trọng đối với con người đương đại.

Khoa học vốn là một thứ gì đó chưa từng có trong văn hóa truyền thống của người Việt, nó được du nhập vào nước ta từ phương Tây theo các tàu buôn và pháo hạm. Các nho sĩ thời Tự Đức đã xem nó là “dâm xảo” vì trong nó không có khái niệm âm dương ngũ hành. Đến nay thì hình như người Việt lại rơi vào cực đoan ngược lại: sùng bái khoa học đến mức cho rằng nó có sức mạnh vạn năng, có khả năng sớm muộn gì cũng sẽ giải đáp được mọi câu hỏi nhân sinh để đem lại thiên đường cho nhân loại trên trái đất này. Thuật ngữ khoa học được dùng tùy tiện để chỉ bất cứ điều gì đáng tin tưởng, bất cứ công việc gì có kỹ năng chuyên môn, bất cứ hiện tượng gì quan sát thấy. Một mặt người ta đồng nghĩa khoa học với chân lý (một khi được gọi là khoa học rồi thì mãi mãi đúng), mặt khác người ta lại không coi trọng giá trị nhận thức của khoa học mà chỉ coi trọng giá trị lợi dụng nó cho các mục đích thực dụng. Từ đó mới có cái nhìn các nhà khoa học như một thứ nhân lực kinh tế được phân loại một cách hình thức là lao động trí óc. Sự thực lịch sử cho thấy khoa học xuất hiện trước tiên ở phương Tây như một loại hình hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của con người. Cộng đồng những người thực hành nghiên cứu khoa học đã hình thành trong lịch sử chính vì cùng chung mục đích ấy, họ chia sẻ với nhau những giá trị văn hóa và những quy tắc nghề nghiệp nhất định. Các thành công của khoa học làm xuất hiện nền kinh tế công nghiệp chỉ là hệ quả của hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng không phải là cứu cánh của khoa học.

Nhiều người Việt coi khoa học và tôn giáo là những thứ chống đối nhau và loại trừ nhau. Họ tưởng rằng các nhà khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên, nhất thiết phải là những người vô thần. Những khám phá của các nhà khoa học về các quy luật của tự nhiên khiến cho người ta không còn tin được vào những chuyện kể về các điều thần kỳ chứa đựng trong các học thuyết tôn giáo được rao giảng bởi các giáo hội. Sự thật là những nhà khoa học lớn như Kepler, Newton, Leibniz… đều là những người sùng đạo. Ngày nay các nhà khoa học là tập hợp những người rất khác biệt nhau về thái độ đối với tôn giáo, bao gồm từ những người sùng đạo cho đến những người vô thần. Điều này chứng tỏ rằng niềm tin khác nhau về tôn giáo của các nhà khoa học không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nghề nghiệp khoa học của họ, nên không thể coi khoa học và tôn giáo là những thứ loại trừ nhau.

Do hoàn cảnh đặc thù của lịch sử cận đại nước ta, nhiều người không có cái nhìn thiện cảm đối với những người công khai bày tỏ tín ngưỡng tôn giáo. Những người tự cho mình là vô thần thường không mấy quan tâm đến việc thấu hiểu tôn giáo mà tự bằng lòng với những định kiến ít nhiều khinh bạc đối với các tín ngưỡng. Khi nhìn vào các tôn giáo truyền thống, nhiều người thường hay để ý đến nội dung siêu hình học huyền bí cũng như hoạt động xã hội của các giáo hội trong lịch sử. Thông thường người ta giải thích rằng hiện tượng tôn giáo xuất hiện từ xa xưa trong các xã hội loài người là do tâm trạng hoang mang của con người vào thời buổi hoang sơ. Trước những sức mạnh của thiên nhiên đầy đe dọa, con người đã tưởng tượng ra Thượng đế và các thần linh và đặt lòng tin vào sự bảo hộ của họ, giống như đứa trẻ tin vào người cha bảo vệ cho con cái của mình. A. Comte (1798-1857) cho rằng tôn giáo là thời kỳ ấu thơ của nhân loại. Đối lập với thời kỳ ấu thơ ấy là thời đại khoa học đánh dấu sự trưởng thành của nhân loại. Nhiều người Việt đi theo quan điểm của Comte, thế nhưng tôn giáo không phải chỉ liên quan đến nỗi sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên, mà có tầm quan trọng rất lớn về định hướng tinh thần trong cuộc sống chung của các thành viên trong nhóm xã hội. Ý nghĩa chân chính của tôn giáo được khai mở chủ yếu nhờ nỗ lực của những tinh hoa văn hóa, họ thường mâu thuẫn với các giáo hội và nhiều khi còn bị truy đuổi.

Kitô giáo với biểu tượng đức Kitô bị đóng đinh trên cây thập tự mang đến thông điệp hợp quần công đồng vì tình thương yêu, chứ không dụ người ta đi theo vì phép lạ. Con người vừa là hữu thể tội lỗi cần phải cứu chuộc tội lỗi của mình, lại cũng vừa là hữu thể được Thượng đế tạo nên theo hình tượng và tương đồng với Người, con người được hiệu triệu hợp tác cùng Thượng đế và sống cuộc sống vĩnh hằng ở trong Thượng đế. Con người là cứu cánh tự thân, không thể là phương tiện cho bất cứ cái gì khác, kể cả Giáo hội. Con người tự do lựa chọn con đường giữa chân và ngụy, giữa thiện và ác. Tự do của con người chỉ có thể bị hạn chế một cách chính đáng, khi nhằm mục đích ngăn chặn tổn hại cho người khác như hữu thể có giá trị ngang bằng.

Lý tưởng của Phật giáo là lý tưởng hoàn thiện con người cá nhân để trở thành con người có phẩm tính cao quý. Phật giáo bác bỏ khái niệm cao quý hay đê tiện áp dụng cho một nhóm người theo giai cấp hay dân tộc. Lý tưởng con người toàn thiện là con người của giác ngộ viên mãn, giải thoát khỏi mọi cám dỗ dục vọng thấp hèn.

Cả hai tôn giáo đều đòi hỏi tôn trọng phẩm giá của con người cá nhân trong tư cách là con người, không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay của cải của người đó. Cả hai tôn giáo đều nói đến một thế giới tinh thần, độc lập với cõi trần gian; con người trong thế giới tinh thần được hiệu triệu hướng tới điều Thiện, kháng cự lại những cám dỗ dục vọng thấp hèn của thế giới trần gian để hoàn thiện bản thân. Cả hai tôn giáo đều nói về hoàn thiện con người nhân bản phổ quát, độc lập hoàn toàn với các thứ đặc thù “đậm đà bản sắc dân tộc” vốn đang được nhắc nhở rất nhiều ở nước ta. Cả hai tôn giáo đều nói đến tình thương yêu hay lòng từ bi đối với thế giới xung quanh và trước hết là đối với đồng loại của mình.

Thái độ sùng bái các thành tựu công nghệ của khoa học khiến cho nhiều người Việt không nhìn thấy những nguy cơ phá hủy của quá trình công nghiệp hóa tác động đến đời sống của con người đương đại. Không chỉ môi trường sống thiên nhiên, mà cả thế giới tinh thần của con người cũng bị xâm hại nữa. V. Havel đã nhận xét:” [Ống khói làm bẩn bầu trời] là biểu tượng của thời đại đã phủ nhận ý nghĩa quan trọng của kinh nghiệm cá nhân, trong đó có kinh nghiệm về sự huyền bí và cái tuyệt đối – thế chỗ cho cái tuyệt đối đã được cá nhân cảm nhận như là thước đo thế giới, thời đại hiện nay xây dựng cái tuyệt đối hoàn toàn mới, mang tính nhân tạo, không còn tính bí ẩn, không còn những “đỏng đảnh” chủ quan, nghĩa là không còn tính cá nhân và tính người. Đấy là cái tuyệt đối của cái gọi là tính khách quan, của nhận thức duy lý khách quan và của lịch trình khoa học thế giới.” Ông cho rằng:” Kẻ có lỗi không phải là khoa học mà là thói ngạo mạn của con người trong thời đại khoa học.

Theo hiểu biết của tôi thì tình cảnh đầy tai họa của loài người hiện nay có liên quan đến những thành tựu vĩ đại của khoa học vật lý. Những thành tựu đó dẫn đến những phát minh công nghệ cùng với công cuộc công nghiệp hóa ở châu Âu và Bắc Mỹ. Thật nghịch lý là những kết quả xuất sắc ấy của vật lý học lại khiến cho nhiều nhà tư tưởng khai minh thế kỷ XVIII có ảo tưởng rằng có thể khám phá được quy luật khách quan của lịch sử nhân loại giống như các nhà vật lý đã khám phá ra các quy luật vật lý. V. Havel cho rằng cái gọi là “tính tất yếu của lịch sử” chính là tột đỉnh của mọi ảo mộng, con người không phải là Thượng đế và anh ta bị trừng phạt đích đáng vì trò chơi đóng giả Thượng đế của mình.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Góc nhìn khác về "Dân tộc, Đất nước, Con người" của nhà khoa học tự nhiên

    22/01/2021Bùi MinhThoát khỏi “vai” nhà vật lý thực nghiệm, giáo sư Trần Xuân Hoài đã trở thành tác giả Trần Gia Ninh theo cách như thế để có thể mở rộng những vấn đề mà mình suy ngẫm trong mấy chục năm làm nghề và chứng kiến những đổi thay của xã hội đương thời
  • Sự giả dối không tạo dựng một nền khoa học lành mạnh

    24/11/2015Lê Ngọc Sơn thực hiệnGiáo sư đạo văn của đồng nghiệp nhưng làm ngơ như mình không có “dây thần kinh xấu hổ”, những cổ đông xem việc mở trường đại học như những thương vụ hơn là sứ mệnh trồng người… SVVN đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Nguyễn Văn Trọng về gốc rễ sâu xa của những vấn nạn này.
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • 150 năm "Bàn về tự do"

    18/10/2009Nguyễn Trang NhungBàn về tự do của J. S. Mill đã phần nào tạo nên lực đẩy cho bước tiến ấy, khi góp phần không nhỏ vào những chuyển biến xã hội mang sắc màu dân chủ ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước Tây phương. Toàn bộ tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do của con người đối với sự phát triển của toàn xã hội. Một xã hội thực sự tự do là một xã hội đảm bảo không gian cho tính đa dạng của ý kiến, hành vi, và lối sống. Nhận thức đầy đủ về tự do là nhân tố căn bản để mỗi người đạt được cho mình sự tự do thực sự. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ tích cực tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, cho quốc gia, và cho cả thế giới.