Khí chất của một cơn giông

09:55 SA @ Thứ Năm - 03 Tháng Sáu, 2010

Trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Gatsby vĩ đại, F. Scott Fitzgerald đã mô tả không khí một thời đại vội vàng, sùng bái vật chất, đầy hào nhoáng và phù phiếm. Ông gọi đó là “Thời đại Jazz” của Mỹ (1918-1929).

Người ta nhìn thấy như trong “tinh thần Gatsby” - kẻ thành đạt và phù phiếm theo đuổi giấc mơ Mỹ kia - có bóng dáng cuộc đời phù phiếm của F. Scott Fitzgerald và thấp thoáng phía sau là người vợ tài sắc của ông - Zelda Sayre!

Lật lại những trang tiểu sử có cái kết buồn thảm của vợ chồng Fitzgerald và Sayre, chúng ta khó tránh được cảm giác ngậm ngùi. Cặp đôi được coi là biểu tượng thành đạt của thời đại: kẻ thì trở thành một tiểu thuyết gia bị lãng quên ở tuổi 44 và chết vì trụy tim, kẻ thì vùi chôn nhan sắc, sự thông minh và lòng kiêu hãnh trong một bệnh viện tâm thần và cuối cùng bị thiêu cháy trong một cơn hỏa hoạn.

Kể lại một cách đơn giản câu chuyện “tinh thần Gatsby” hay “Thời đại Jazz” vận vào cuộc đời của vợ chồng Scott thì đã có một câu chuyện hay; điều đó hầu hết những trang bìa 4, lời bạt của tiểu thuyết Gatsby vĩ đại đã thường làm. Nhưng trong Alabama Song(*), nhà văn Pháp Gilles Leroy đã làm một cuộc mổ xẻ tinh tế nội tâm của Zelda Sayre qua cách sáng tạo nhật ký, hư cấu tiểu sử làm cho câu chuyện vốn đậm chất văn chương này càng thêm ám ảnh.

Quả vậy, hơn cả một cuộc khai quật trung thành, ông nhào nặn tiểu sử theo những căn cứ và chứng tích mờ tối - đó là những giai thoại, văn bản nhân vật được lưu lại để đưa người đọc vào một thế giới văn chương với những mối ngờ vực, băn khoăn thực - hư đầy thú vị.

Những trang nhật ký của Sayre được sắp đặt một cách ngẫu nhiên từ đầu đến cuối cuốn Alabama Song là một thứ cấu trúc đặc biệt, diễn tả một lối đồng hiện ngổn ngang, đầy u uẩn của trí nhớ, xáo trộn về không gian, thời gian như thể tất thảy chúng - tình tiết sách - được nảy lên từ tình trạng bấn loạn tâm lý mà nhân vật trải qua ở nhà thương điên, một thứ “chứng cứ”, “bí mật” rồi đây sẽ bị thiêu rụi và ngủ quên trong tro tàn.

Zelda Sayre, cô gái đẹp, cá tính mạnh, con gái của một thẩm phán đã vượt thoát giới hạn không gian đời sống tỉnh lẻ quê nhà để cùng Fitzgerald, một trung úy trở về sau Thế chiến thứ nhất, lao mình vào ánh sáng của đời sống thượng lưu New York. Họ tìm được danh vọng và vị trí xã hội từ những năm 20 tuổi. “Chính chúng tôi đã phát minh ra danh tiếng và ngành thương mại dựa vào danh tiếng”.

Phía sau những mặt tiền sang trọng trải đầy hoa hồng, phía sau những lời tán tụng thêu dệt trên trang nhất các nhật báo… là những khoảng tối trong đời sống hôn nhân, là sự trôi nổi không nơi neo đậu. Fitzgerald - một kẻ bất lực, nhập nhèm giới tính (thường xuyên đi lại với Lewis, Wilson, Bishop) cộng thêm thói thô lỗ, háo danh, sẵn sàng ăn cắp, chiếm đoạt cả những dòng sổ tay ý tưởng của vợ để biến thành những truyện ngắn ký tên mình và gửi đến New York để kiếm tiền, nuông chiều thói sống phù phiếm.

Và sau cùng, để “bịt miệng”, nhà văn danh tiếng này đã đưa vợ vào nhà thương điên càng sớm càng tốt. Sayre rơi vào một nghịch cảnh, phía sau sắc đẹp, sự hào nhoáng mỗi khi xuất hiện bên chồng - ngôi sao văn đàn - là một đời sống bị ràng buộc như một thứ định mệnh khốn cùng (“trông tôi như kẻ tùy tùng của anh, con chó của anh”, “thậm chí tôi không thể căm thù anh”, “tôi nhìn anh như nhìn một thằng nhãi lên mười”…). Sayre tìm thấy tình yêu với Jozan, một phi công Ý khỏe mạnh, nam tính, có con và bị người chồng ghen tuông độc đoán buộc phải hủy bỏ bào thai.

Giữa họ là một bản hợp đồng sòng phẳng và điên rồ của số mệnh: “Fitzgerald và tôi, chúng tôi, chúng tôi người này cần người kia, và mỗi người đã sử dụng đối phương để đạt đến mục đích của mình. Không có anh, tôi sẽ kết hôn với chàng trai tóc hoa râm, thẩm phán thay biện lý của Alabama, cũng có nghĩa là tôi sẽ trầm mình xuống sông Alabama với đầy những hòn chì trong túi áo, túi quần. Không có tôi, anh sẽ không bao giờ biết đến thành công. Thậm chí có lẽ không bao giờ được xuất bản sách”. Họ đã gắn bó với nhau theo một định mệnh khốn cùng.

Từ trên cái “mã tiểu sử” ấy, biến chúng thành một thực thể phồn tạp và đa thanh trong một cuốn tiểu thuyết sống động thì cần đến quyền năng hư cấu tiểu sử của một bậc thầy. Để từ đó, mối bận tâm của người đọc không còn dừng lại ở sự tò mò muốn biết bí mật có tính tư liệu nữa mà được nâng tầm, hấp dẫn hơn bởi một cuộc truy tìm, phiêu du khác trong thế giới đầy thi vị và tinh tế mà trí tưởng tượng của người sáng tạo tiểu sử đem lại - cuộc phiêu du, trải nghiệm mới lạ trong thế giới nội tâm sâu kín.

Với tiểu thuyết này, Sayre không còn là nhân vật phụ gắn với cuộc đời hào quang của nhà văn sáng giá thời đại Jazz- F. Scott Fitzgerald nữa, mà chính là người bước vào trung tâm của ánh hào quang ấy bằng những mất mát, bi kịch của nội tâm sâu thẳm và vẻ đẹp, sức sống dữ dội như khí chất của những cơn giông hoang dã ở quê hương cô - Alabama!


(*)Alabama Song, tiểu thuyết đạt giải Goncourt 2007 của Gilles Leroy, Bằng Quang dịch, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn, 2010.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: