Bình luận về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ 2008

Chủ tịch - Tổng giám đốc InvestConsult Group
11:07 CH @ Thứ Năm - 13 Tháng Mười Một, 2008

Phần 1: Địa vị của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Obama

Hỏi: Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 4/11 vừa qua, ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Barack Obama đã chiến thắng. Ông có bình luận gì về chiến thắng này?

Trả lời: Việc ông Barack Obama thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 là một vấn đề mà thế giới sẽ còn tốn rất nhiều giấy bút để nghiên cứu, vì suy cho cùng, nguồn gốc của hiện tượng thắng cử của ông Obama là những vấn đề cơ bản của nước Mỹ. Đây là lúc nước Mỹ bộc lộ những vấn đề rất căn bản của nó. Tôi đọc gần như tất cả những bài báo có thể đọc được ở trên các mạng truyền thông về vấn đề này và thấy rằng thế giới có rất nhiều cách giải thích hiện tượng trúng cử của ông Obama, nhưng trong đó cũng có không ít những lệch lạc trong quá trình mô tả cuộc tranh cử này, mô tả sự thắng cử này cũng như mô tả nước Mỹ.

Các bạn biết rằng nước Mỹ là một vấn đề của thế giới, nó ảnh hưởng một cách trực tiếp, một cách sống còn trước hết đến nền kinh tế thế giới và sau đó là ảnh hưởng đến các khuynh hướng chính trị của thế giới. Đấy là một thực tế khách quan, bất chấp việc chúng ta thích hay không thích nước Mỹ, thích hay không thích tổng thống mới của nước Mỹ thì chúng ta cũng buộc phải nghiên cứu chuyện này.

Trước hết, chúng ta nghiên cứu hiện tượng Thượng Nghị sĩ Obama thắng cử. Nhìn một cách đơn giản thì chỉ thấy ông ấy thắng cử, nhưng nhìn vào những diễn biến, những tiêu chí hay những khía cạnh khác nhau của cuộc bầu cử thì tôi thấy rất kỳ lạ và rất thú vị về nước Mỹ. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuộc tranh cử với một số lượng người tham gia bầu cử đông đúc và nhộn nhịp như thế này. Điều ấy thể hiện số lượng người Mỹ quan tâm đến bầu cử, quan tâm đến sinh hoạt chính trị này tăng đột ngột. Nhiều tờ báo nói rằng nó ngang với thời kỳ 1960, tức là lúc Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao, khi mà Khrushchev đưa tên lửa vào Cuba, lúc bấy giờ thế giới hoảng loạn trước triển vọng của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Người Mỹ quan tâm đến chính trị vào thời điểm ấy như thế nào thì bây giờ cũng quan tâm đến vấn đề chính trị của nước Mỹ như vậy, nhưng vấn đề đối nội được quan tâm hơn vấn đề đối ngoại. Đấy là đặc điểm thứ nhất của quá trình bầu cử.

Đặc điểm thứ hai của quá trình bầu cử là cũng giống như hầu hết những cuộc bầu cử trước đó, xét về phiếu phổ thông thì hai ứng cử viên chênh nhau không đáng kể, nhưng tỷ lệ phiếu đại cử tri thì lại có sự chênh lệch rất lớn. Chưa bao giờ trong lịch sử bầu cử tổng thống của nước Mỹ lại có một tỷ lệ kỳ lạ như thế. Như thế có nghĩa là tính cấp tiến của đời sống chính trị của Mỹ hay của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ thể hiện một cách cực kỳ rõ rệt so với dân chúng nói chung, tức là các nhà chính trị Hoa Kỳ năng động hơn dân chúng, nhạy cảm hơn dân chúng. Đấy là một trong những chỉ tiêu mà chúng ta, với tư cách là một nước đang phát triển, buộc phải theo dõi. Đấy là một hướng dẫn chính trị cực kỳ quan trọng đối với xã hội và chiếm một tỷ lệ cực kỳ quan trọng trong việc Thượng Nghị sĩ Obama trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Đặc điểm thứ ba là sự thống lĩnh của các vấn đề đối nội, vấn đề kinh tế. Có một thời kỳ rất dài, các nhà chính trị cỡ tổng thống của Hoa Kỳ vẫn xem các vấn đề đối ngoại là vấn đề cơ bản, tức là địa vị của nước Mỹ trên thế giới quan trọng hơn là vấn đề của người Mỹ. Cuộc bầu cử này ngược hẳn với cuộc bầu cử cách đây gần một năm của người Nga. Trong cuộc bầu cử này, những vấn đề đối nội, những vấn đề thuộc về đời sống của con người ở Mỹ trở thành vấn đề chính trị hàng đầu. Nhưng trong cuộc bầu cử của nước Nga thì địa vị của nước Nga ở trên thế giới trở thành tiêu chí chính trị quan trọng nhất quyết định ai trúng cử.

Đặc điểm thứ tư là sự đồng thuận, sự ủng hộ quốc tế đối với các ứng cử viên. Biểu hiện về thái độ của tất cả các nước được chia ra các nhóm như sau: Nhóm đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ ủng hộ ông Obama một cách cực kỳ rõ rệt. Nhóm những nước là đối thủ cũ của Hoa Kỳ thì phân hoá và cũng có thái độ tương đối rõ rệt đối với từng ứng cử viên. Và xã hội ở các nước là cựu địch thủ của nước Mỹ hay những nước đang có vấn đề với nước Mỹ cũng phân hoá trong thái độ đối với các ứng cử viên. Sự khác nhau giữa các nhà chính trị và người dân ở các nước có truyền thống không thân thiện với Mỹ thể hiện rất thú vị. Quan điểm của dân chúng và thế hệ trẻ là ủng hộ ông Obama, kể cả ở Trung Quốc cũng như ở Nga. Còn các nhà cầm quyền thì thận trọng hơn và không bộc lộ một cách rõ rệt. Trong nhóm các nước đối đầu với nước Mỹ có những nước đối đầu trực tiếp và đang có vấn đề nóng với nước Mỹ như Iran, các nước thuộc vùng Trung Đông, các nước châu Phi có vấn đề với Hoa Kỳ thì thái độ của dân chúng cũng như của nhà cầm quyền là có thiện cảm hơn đối với ông Obama. Phải nói rằng họ đã mệt mỏi trong việc phải đối mặt với tính cứng rắn của những người Cộng hoà. Họ đi tìm một cách tiếp cận mềm hơn và do đó, hy vọng giảm nhịp điệu va chạm của xung đột xuống. Còn dân chúng ở đó thì về cơ bản ủng hộ ông Obama. Còn nhóm thứ ba là những nước không có quan hệ, không có mối liên hệ trực tiếp đến vấn đề chính trị của Hoa Kỳ hay đến quan hệ với chính phủ Hoa Kỳ một cách thật gay gắt thì thế hệ trẻ nói chung là ủng hộ ông Obama. Quan phân tích những khía cạnh như vậy thì chúng ta thấy rằng, ông Obama không có lý do gì không thắng cử.

Còn một đặc điểm cuối cùng, một ẩn số cuối cùng nhưng vô cùng quan trọng là người Mỹ có vượt lên trên tâm lý chủng tộc, di chứng của tâm lý phân biệt chủng tộc kéo dài từ khi có nước Mỹ cho đến bây giờ. Đấy là đặc điểm thứ năm khi phân tích cuộc bầu cử này. Phân tích kỹ năm đặc điểm này thì chúng ta sẽ có một bức tranh rất toàn diện về việc trúng cử của ông Obama và những vấn đề mà ông ấy phải đối đầu từ tháng 1/2009 khi chính thức lên cầm quyền.

Quay trở lại với việc thắng cử của Thượng nghị sĩ Obama, tôi muốn phân tích khẩu hiệu tranh cử của hai ứng cử viên. Khẩu hiệu của Thượng Nghị sĩ John McCain "Tổ quốc trên hết" (Country first) là khẩu hiệu không hợp thời. Trong một thế giới đã thức tỉnh về thân phận con người từ lâu rồi thì không phải tổ quốc là trên hết mà con người mới là trên hết. Với khẩu hiệu như vậy, chính ông Mc Cain đã góp phần làm cho mình thua ít nhất là 25 - 30%. Khi nước đã ngập đến tầng một rồi thì người ta không nói đến tổ quốc mà người ta nói đến chuyện trong nhà người ta, chuyện thân phận, chuyện cuộc sống của người ta.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ông Obama có cương lĩnh tranh cử hay hơn. Ông Obama chỉ không sai chứ cương lĩnh tranh cử của ông ấy cũng không hay hơn, một cương lĩnh rất chung chung là "Chúng ta cần sự thay đổi" (Change - We can believe in). Sự xuất hiện song song của hai cương lĩnh tranh cử này và sự thắng cử của cương lĩnh của ông Obama phản ánh một thực trạng rất thú vị của xã hội Mỹ là cái gì cũng được, miễn là phải thay đổi, tức là không cần phải đưa ra bất kỳ lời hứa gì cụ thể.

Hai cương lĩnh này một cái đề cao việc nước Mỹ phải giữ địa vị như thế nào trên thế giới và còn cái kia đề cao việc người Mỹ phải sống như thế nào trong giai đoạn sắp tới, và kết quả là người Mỹ sống như thế nào trong giai đoạn sắp tới là cương lĩnh thắng cử. Thậm chí, chưa biết là sẽ sống như thế nào nhưng chỉ cần thay đổi thì đã thắng cử rồi, và thắng cử một cách đè bẹp với một tỷ lệ rất ngoạn mục, thắng cử bằng sự nhạy cảm của đội ngũ trung lưu, tức là những nhà chính trị Hoa Kỳ.

Phải nói rằng ưu thế chính trị của tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ đối với dư luận nước Mỹ lớn đến mức là nó được hướng dẫn một cách chắc chắn bằng một tỷ số áp đảo của tầng lớp trung lưu. Việc thắng cử này thể hiện sự bế tắc của nước Mỹ về lý luận phát triển, tức là cả hai cương lĩnh tranh cử ấy đều không có nội dung cụ thể. Đây không phải là sự tranh cãi những nội dung cụ thể mà tranh cãi giữa hai khuynh hướng, khuynh hướng xem quyền lợi quốc gia, xem quyền lợi cộng đồng, xem danh dự của nước Mỹ là số một, và cương lĩnh ấy thất bại trước cương lĩnh là chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta cần phải thay đổi thì cũng chỉ là lời hứa chứ chưa có chất lượng gì rõ ràng cả, nhưng nó thể hiện sự không chấp nhận tiếp tục duy trì những quan điểm chính trị bảo thủ hoặc truyền thống nữa mà cần phải để ý đến con người thật, cần phải giải quyết những vấn đề thật, vấn đề con người chứ không còn là vấn đề quốc gia nữa. Và tôi cho rằng nếu ông Obama dùng một cương lĩnh khác đối xứng với cương lĩnh "Country First""People first" để tranh cử thì ông ấy sẽ còn thắng đậm hơn nữa.

Hỏi: Người ta nói trong hành xử đối với thế giới cũng như đối với vấn đề nội bộ của nước Mỹ, dù là ông McCain hay ông Obama thì suy cho cùng cũng vì lợi ích của nước Mỹ. Đặt trong tình thế nhất định, trong bối cảnh nhất định thì dù ông đấy là ai, khuynh hướng như thế nào thì cũng chỉ có một cái khung lựa chọn rất hạn chế. Theo ông có đúng thế không?

Trả lời: Thứ nhất chúng ta phải thức tỉnh rằng dù bất kỳ ai, dù bất kỳ nước nào, không chỉ Mỹ thì họ cũng phải nghĩ đến lợi ích của nước họ. Vì thế, với tư cách là người Việt, chúng ta không thể xây dựng thái độ cũng như ý chí quốc tế của chúng ta dựa trên thiện chí của bất kỳ nước nào. Chúng ta phải xây dựng thái độ cũng như cách thức hành xử của mình dựa trên ý thức rằng ai cũng nghĩ đến lợi ích của họ trước. Và chúng ta chỉ tin cậy những đất nước, những quốc gia, những chính phủ, những nhà chính trị nào ý thức đầy đủ về quyền lợi của nước họ. Mọi sự nhầm lẫn đều sẽ được sửa đổi sau đó, nếu chúng ta xây dựng chính sách đối ngoại trên sự nhầm lẫn của người khác là chính chúng ta nhầm lẫn. Không được phép xây dựng chính sách đối ngoại trên thiện chí của người khác đối với mình, mà phải xây dựng trên ý thức của họ về quyền lợi của họ. Đấy là nguyên lý.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà chính trị đều ý thức quyền lợi của dân tộc họ một cách giống nhau. Như tôi đã phân tích, khuynh hướng của ông Obama là nước Mỹ phải mạnh thì địa vị quốc tế của Mỹ mới có thật. Còn khuynh hướng của ông McCain là địa vị quốc tế của Mỹ tác động tích cực đến sức mạnh của nước Mỹ. Tất nhiên quan điểm của ông McCain không phải là hoàn toàn vô lý, nhưng phải nói rằng nó ít có lý hơn quan điểm của ông Obama.

Cho nên, người ta mới nói rằng ông Obama sẽ quay về với các chính sách bảo hộ, hiện tượng này đã từng xuất hiện trong thời Reagan mà người ta gọi là chủ nghĩa biệt lập chân chính, tức là nước Mỹ trước hết phải lo việc của mình. Vào thời điểm ấy, có người phỏng vấn tôi và tôi đã nói rằng cái chủ nghĩa bảo hộ là vì quyền lợi của họ, còn tôi ủng hộ chủ nghĩa quốc tế của họ là vì lợi ích của tôi. Vì lợi ích của Việt Nam, nếu tôi được bầu, tôi sẽ bầu cho ông McCain, còn nếu vì lợi ích của nước Mỹ thì tôi sẽ bầu cho ông Obama. Cho nên tôi mới nói là các nhà chính trị khác nhau quan niệm lợi ích quốc gia của họ một cách khác nhau.

Tôi nghĩ rằng thay vì nước Mỹ lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh cứng, sức mạnh của quân sự, sức mạnh của sự có mặt của nước Mỹ ở nhiều chỗ trên thế giới thì với quyền điều hành của Tổng thống Obama, nước Mỹ sẽ xây dựng quan hệ quốc tế dựa trên sự tự làm mạnh mình. Và do đó, sự chú ý của ông ấy đến các nước bé là không có nhiều như thời ông Bush, hay là theo quan niệm của ông McCain. Cho nên, Việt Nam rất khó có một địa vị gì thật sự đặc biệt trong sự chú ý chính trị của ông Obama, nếu chúng ta không biết cách để tạo ra nó. Làm thế nào để tạo ra nó thì tôi không nói được, bởi vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng của các nhà chính trị của chúng ta, mà tôi không biết rằng vào nhiệm kỳ tới thì các nhà chính trị thật của chúng ta là ai.

Hỏi: Theo ông, độ trễ trong việc thực hiện các cam kết của Obama sẽ như thế nào?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng luôn luôn có độ trễ nhưng không lớn. Thực ra để giải quyết vấn đề kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế thế giới hiện nay là không khó lắm, bởi vì cả thế giới đã nhìn thấy nguồn gốc, nhìn thấy cách thức giải quyết căn bệnh rồi. Vấn đề là phải đồng thuận về chính trị để làm, mà nước Mỹ đã đồng thuận với nhau trong việc bầu ông Obama rồi và nước Mỹ cũng đã đồng thuận với thế giới trong việc lựa chọn tổng thống của mình. Các điều kiện biên của đời sống chính trị là tương đối thuận lợi cho ông Obama, cho nên độ trễ nếu có là do tài năng. Có thể nói ông Obama lên làm tổng thống trong một điều kiện thuận lợi hơn cả điều kiện của Tổng thống Bush ở đầu nhiệm kỳ hai. Ở nhiệm kỳ hai ông Bush cũng nhận được sự đồng thuận của nước Mỹ và sự đồng thuận của thế giới, đảng Cộng hoà cũng chiếm đa số ở Quốc hội Hoa Kỳ. Nhưng ông Bush không sáng suốt khi tạo ra cuộc chiến tranh Iraq, và đấy là nguồn gốc của mọi sự bất lợi cho chính ông ấy.

Hỏi: Một số người nói rằng rút quân khỏi Iraq chính là cách để ông Obama có thể giải quyết thâm hụt ngân sách tốt nhất vào thời điểm này, khi mà kinh tế đang khủng hoảng. Nhưng việc rút quân ra khỏi Iraq có ảnh hưởng đến vị trí của nước Mỹ trong khu vực Trung Đông hay không? Và liệu có khả năng xảy ra một cuộc nội chiến nếu Mỹ rút quân khỏi Iraq?

Trả lời: Tôi cho rằng nước Mỹ ở lại Iraq cũng không làm gì tốt hơn cho các vấn đề Trung Đông. Còn việc xảy ra nội chiến ở Iraq là hoàn toàn có thể. Cái sai lầm của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq là người Mỹ đã chết thay người Iraq. Nước Mỹ quên mất một thực tế là nhiều tầng lớp người, nhiều chủng người không hiểu được họ phá hoại thế giới như thế nào. Nếu tôi là ông Bush, tôi không đánh Iraq, tôi nghĩ đến nước Mỹ và tôi không làm chuyện ấy. Vấn đề ở Trung Đông sau khi người Mỹ rút quân là dầu lửa ở Trung Đông được kiểm soát như thế nào trong điều kiện Iraq có nội chiến và Iraq là một trong những nước xuất khẩu dầu lửa lớn. Nếu như nước Mỹ đầu tư nghiên cứu để chuyển dần, giảm dần tỷ trọng của năng lượng carbon thì tôi nghĩ rằng Iraq không còn nhiều giá trị.

Thực ra đấy là một cuộc chiến tranh mang chất lượng quán tính do sự lôi kéo của sự kiện 11/9, và nếu như bắn mấy quả tên lửa hay làm một cuộc không kích để làm suy sụp hoặc suy yếu Saddam Hussein thì đấy là mức độ đủ cho cuộc chiến tranh Iraq, nếu quả thực là nó cần thiết. Người Mỹ đã từng làm như vậy khi người Pháp giúp đỡ Saddam Hussein xây dựng cơ sở hạt nhân đầu tiên. Nếu như không có cuộc chiến tranh Iraq này thì rất có thể người Mỹ đã giải quyết được vấn đề Iran. Thực ra nước cờ chính trị của ông Bush trong việc tổ chức cuộc chiến tranh Iraq đến trạng thái hiện nay là sai lầm. Nếu người Mỹ không đánh Iraq thì không có vấn đề Iran, bởi vì trong khi Saddam Hussein vẫn tồn tại thì người Iran chẳng có tỷ trọng gì bên cạnh Iraq cả. Chỉ nguyên việc để Iraq và Iran tự kìm hãm lẫn nhau thôi cũng đã tạo ra một trạng thái để người Mỹ rảnh tay. Suy cho cùng, cái sai lầm cơ bản của ông Bush là đã để cho những tình cảm có chất lượng tôn giáo, những tình cảm có chất lượng cá nhân trở thành một trong các thành tố của động cơ tạo ra cuộc chiến tranh ấy.

Hỏi: Nhiều người vẫn nói rằng cuộc chiến Iraq là cuộc chiến về dầu lửa, và vấn đề người Mỹ quan tâm hiện nay là vấn đề làm thế nào để giảm sự phụ thuộc về năng lượng của nước Mỹ với thế giới. Tuy nhiên, việc sản xuất năng lượng sinh học (xăng ethanol) lại bị cả thế giới chỉ trích vì gây ra việc thiếu lương thực. Vậy theo ông, ông Obama sẽ xử lý vấn đề năng lượng như thế nào?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng trong các phương án để xử lý vấn đề năng lượng thì xăng ethanol là một phương án thử nghiệm hơn là một phương án có chất lượng chiến lược. Và sự thăm dò đến mức nhận ra sự thất thiệt của xăng ethanol thì người ta đã thấy rồi, và có lẽ là người ta sẽ không tiếp tục phát triển việc đi tìm nguồn năng lượng thay thế theo hướng này. Giá của dầu lửa của là quá đắt, sự lệ thuộc vào nó đã tạo ra những nhân vật kiểu Hugo Chavez, tạo ra thái độ hợm hĩnh của nước Nga đối với châu Âu, cho nên cả thế giới phải hùn vào để đi tìm một nguồn năng lượng khác. Và cầu chúa là thế giới không đi tìm sự thay thế bằng năng lượng hạt nhân. Nếu thế giới đi tìm sự thay thế trong năng lượng hạt nhân thì sẽ làm nảy sinh một hình thức mới của chủ nghĩa khủng bố và làm nảy sinh một số rủi ro khác. Nguồn năng lượng thay thế đó là gì thì tôi không phải là một nhà chuyên môn, tôi không nói được, nhưng chắc chắn là thế giới phải đi tìm một nguồn năng lượng khác để thay thế.

Hỏi: Hiện nay thì không nhiều giải pháp cho ông Obama để tạo ra nguồn năng lượng thay thế, còn năng lượng sinh học thì lại bị chỉ trích. Vậy ông Obama làm thế nào để thực hiện được những cam kết của mình?

Trả lời: Chắc là ông ấy có những liên lạc hoặc suy nghĩ nào đó mà ông ấy chưa tiết lộ, bởi vì không phải mọi nhà chính trị đều nói cái mình có hoặc cái mình biết. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu ông Obama không làm như vậy thì ông McCain cũng sẽ làm như vậy. Mọi nhà chính trị của Mỹ ở nhiệm kỳ sắp tới đều buộc phải đi tìm nguồn năng lượng thay thế, không phải cho nhiệm kỳ của mình mà cho tương lai lâu dài của nước Mỹ.

Trước đây, khi tính chi phí cho một đơn vị năng lượng mới người ta thường đem so với chi phí cho việc khai thác dầu lửa và người ta kết luận là nó tốn kém hơn. Nhưng nếu hạch toán toàn bộ chi phí cho khai thác dầu lửa bằng các cuộc chiến tranh và các xung đột hoặc các nhân nhượng chính trị thì người ta sẽ thấy rằng chưa chắc các nguồn năng lượng khác đã đắt hơn. Cho nên, việc hạch toán giá cả của các nguồn năng lượng trên thế giới sẽ thay đổi vào giai đoạn này. Nếu người ta đưa chi phí cải tạo môi trường vào trong việc hạch toán giá dầu lửa thì sẽ thấy giá dầu lửa đắt không kém gì các dạng năng lượng khác.

Tôi cho rằng dầu lửa sở dĩ trở thành vấn đề chiến lược là do hai yếu tố, không phải chỉ vì phát triển kinh tế. Sự phát triển tiêu dùng thái quá chiếm một tỉ trọng khá lớn trong việc tiêu thụ dầu lửa, cho nên, khi kinh tế suy giảm thì chỉ cần nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu đi lại, nhu cầu ăn chơi giảm là ngay lập tức giá dầu lửa đã xuống dưới 70 đô la/thùng. Cho nên, để tạo ra sự an toàn năng lượng hay không biến năng lượng thành cuộc chiến tranh, thành vấn đề nóng của chính trị thế giới thì người ta phải thay đổi thái độ sống. Thay đổi thái độ sống tức là thay đổi chi tiêu, thay đổi cường độ tiêu dùng và nó đồng nghĩa với việc làm giảm tốc độ phát triển. Nhưng giảm tốc phát triển bằng cách hạn chế hoặc tiêu dùng chừng mực thì có hại cho nước Mỹ ít và có hại cho các nước chậm phát triển nhiều, bởi vì trình độ phát triển kinh tế của những nước như chúng ta hoặc Trung Quốc là trình độ cung ứng hàng hóa cho các thị trường như Mỹ. Cho nên, duy trì một trạng thái phát triển tự do vô giới hạn như hiện nay thì rất có lợi cho các nước chậm phát triển nhưng ý thức được sự phát triển như Trung Quốc, còn chúng ta thì không, chúng ta thậm chí vừa chậm phát triển vừa không ý thức được vai trò của sự phát triển.

Theo quan điểm của tôi, giải pháp về vấn đề năng lượng của ông Obama sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là trong khi chưa nghĩ ra dòng năng lượng thay thế hoặc tổ chức được ngành công nghiệp năng lượng thay thế thì ông ấy sẽ xây dựng thái độ xã hội để sử dụng năng lượng. Chắc chắn ông ấy buộc phải làm như thế, nếu ở địa vị như ông Obama tôi sẽ làm như thế, để khi chưa kịp tạo ra nguồn năng lượng thay thế thì nước Mỹ không biến thành con tin của các nước sản xuất dầu lửa. Tôi nghĩ rằng ông Obama đương nhiên sẽ làm như thế. Tổ chức lại thái độ quốc tế đối với vấn đề năng lượng, tổ chức lại thái độ tiêu dùng của người Mỹ đối với vấn đề năng lượng là bước thứ nhất của ông Obama về chính sách năng lượng.

Bước thứ hai là tập trung nghiên cứu để tổ chức ra một ngành công nghiệp năng lượng mới. Nó là cái gì thì cho đến phút này chưa ai tiết lộ cả. Theo như tôi biết thì nó có nhiều nguồn lắm, chẳng hạn như năng lượng gió, năng lượng sóng, năng lượng nhiệt ở trong lòng trái đất... nó chưa hiện thực bởi dầu lửa vẫn còn, nó chưa hiện thực bởi chi phí đầu tư nghiên cứu đắt, và ngay cả nghiên cứu xong rồi thì giá thành cũng cao. Tuy nhiên, nếu hạch toán chính trị cho dầu lửa và đem so với việc đầu tư vào các nguồn năng lượng khác thì các nguồn năng lượng này chưa chắc đã đắt hơn. Thế giới cần phải chọn ra những phương án khác có vẻ đắt, nhưng không đắt về mặt chính trị.

Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về chính quyền sắp tới của ông Obama?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng xã hội Mỹ đã phát triển đến mức rất cao, nó có các trường phái rất hẹp nhưng rất sắc sảo đại diện cho các khuynh hướng của khoa học phát triển. Việc chọn các thành viên nội các có khuynh hướng như thế nào là tùy thuộc vào nhãn quan chính trị của ông Obama về mục tiêu xây dựng nước Mỹ.

Trong một bài viết gần đây nói đến vấn đề trí thức, tôi nói rằng tiêu chuẩn thứ nhất là trí thức phải là người cầm quyền về mặt lẽ phải, thứ hai là trí thức phải luôn luôn đối lập với nhà cầm quyền, đối lập với quá khứ, đối lập với nhau và đối lập với các yếu tố từ bên ngoài. Trí thức nào có lẽ phải phù hợp với thẩm mỹ chính trị của nhà cầm quyền thì sẽ trở thành trí thức của nhà cầm quyền và tham gia vào nội các. Theo lý thuyết của tôi thì ông Obama sẽ chọn ai đó phù hợp với thẩm mỹ chính trị của ông ấy, mà thẩm mỹ chính trị của ông ấy đã được nước Mỹ ủng hộ khi bầu ông ấy làm tổng thống.

Dựa trên sự đánh giá các thành viên nội các của Tổng thống Obama chúng ta sẽ thấy thái độ chính trị, khuynh hướng chính trị cụ thể và cả trí tuệ chính trị của ông ấy nữa. Chắc chắn ông ấy sẽ chọn một Ngoại trưởng không cực hữu, một Bộ trưởng Quốc phòng không cực hữu, một Giám đốc Ngân khố rất trung lập và thạo việc, một Bộ trưởng Tài chính không theo trường phái Tân Tự do. Đánh giá những người như vậy chính là đánh giá chất lượng chính trị của các hành động sau này của chính phủ Obama.

Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về vị thế của người Mỹ trong việc hướng dẫn thế giới phát triển? Liệu mô hình của nước Mỹ có còn là mô hình lý tưởng để các nước ở khu vực chậm phát triển noi theo?

Trả lời: Tôi nghĩ rằng người Mỹ có tích cực hướng dẫn thế giới phát triển đến mức nào đi nữa thì thế giới cũng vẫn phải trải qua, vẫn phải trả giá cho sự mò mẫm của mình. Làm sao mà người Mỹ trở thành mô hình đối với những người ở châu Phi hay đối với những người ở huyện Lương Sơn được? Tất cả các dân tộc phải mò mẫm trong sự phát triển để tìm kiếm con đường đi cho mình, các mô hình chỉ là sản phẩm của những dân tộc như vậy, chứ không phải là sản phẩm của thế giới phát triển. Chỉ ở những khu vực lạc hậu người ta mới đi tìm mô hình. Người ta có thể nói về một số lý thuyết phát triển, nhưng mô hình của quốc gia thì không ở đâu trong khu vực phát triển nói đến cả, chỉ có những vùng chậm phát triển mới nói đến chuyện ấy.

Đến thế kỷ này, chúng ta phải khẳng định rằng vấn đề không phải là sự phát triển của một quốc gia, vấn đề là sự phát triển của đời sống con người, cái đấy là không có gì để bàn cãi nữa, tức là phát triển vì con người là một kết luận chính trị quan trọng nhất để kết thúc thế kỷ XX. Thành tựu quan trọng nhất của nhân loại vào thế kỷ XX là kết luận rằng con người là vấn đề trung tâm của mọi chương trình phát triển. Khi lấy con người làm trung tâm thì mô hình quốc gia không có ý nghĩa gì cả. Mô hình quốc gia là con đường hay là cái mẫu mà các nước đang dò dẫm, cố gắng tìm để đi một cách ngắn nhất. Nhưng dù là mô hình nào thì cuối cùng nó vẫn đi đến một mô hình xã hội chung là Dân chủ và Pháp quyền mà phương Tây đã chứng minh, không có con đường nào khác cả. Không có mô hình Trung Quốc, không có mô hình Nga, không có mô hình Singapore. Mô hình nào thì cuối cùng đều phải có tiêu chuẩn cơ bản là tôn trọng con người, con người là cao nhất, pháp luật là cao nhất. Bây giờ người ta không tìm mô hình quốc gia mà tìm cách thức để đạt được các điều kiện để con người sống một cách bình đẳng với những xã hội đang phát triển. Và nếu đi theo hướng ấy thì một cách tự nhiên người ta sẽ tìm đến những giá trị của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Cho nên, tôi không hề nghĩ rằng khủng hoảng kinh tế sẽ làm cho Hoa Kỳ mất uy tín, mất vai trò hướng dẫn thế giới để phát triển, bởi vì Hoa Kỳ không định hướng dẫn thế giới phát triển mà là thế giới hướng theo Hoa Kỳ để phát triển. Chúng ta tưởng rằng người ta áp đặt nhưng tôi không nghĩ như thế. Các nhà chính trị Hoa Kỳ cũng thuận theo tự nhiên mà nói như thế, nhưng chưa có ý thức lợi dụng ưu thế của Hoa Kỳ để áp đặt các tiêu chuẩn chính trị của cá nhân thì đã hỏng việc. Trường hợp của Tổng thống Bush là một bằng chứng về chuyện trót nói to lên cái ưu thế của nước Mỹ, tức là anh lợi dụng nước Mỹ để thể hiện ưu thế chính trị của đảng anh hoặc cá nhân anh thì anh thất bại, anh gặp phải sự phản ứng.

Hỏi: Trong hai tháng còn lại, theo ông, vai trò của Tổng thống Bush là gì?

Trả lời: Tổng thống Bush là một người ngay thẳng, chân chính, một nhà yêu nước vĩ đại của nước Mỹ. Ông ấy sẽ cố gắng giải quyết tất cả những khó khăn có thể giải quyết được để Tổng thống Obama bắt đầu nhiệm kỳ của mình càng thuận lợi càng tốt. Tổng thống Bush là một người rất trung thực, một người rất đáng ca ngợi. Nước Mỹ cần có Tổng thống Bush vào giai đoạn vừa rồi và nước Mỹ đã phải trả giá cho sự lựa chọn ấy, nhưng sự trả giá ấy là sự trả giá công bằng. Ông Bush phải làm như vậy, đấy là sai lầm có tính chất giai đoạn của nước Mỹ chứ không phải sai lầm của một mình ông Bush. Ông Bush có sự vụng về chính trị nhưng không phải là sai lầm. Ông ấy sẽ thu xếp những khó khăn cuối cùng do nhiệm kỳ của mình tạo ra trong khả năng của mình để tạo điều kiện cho ông Obama và nước Mỹ thuận lợi hơn. Về mặt nhân cách tôi tin rằng ông Bush sẽ làm như thế. Tôi không có bất kỳ điểm gì nghi ngờ về mặt nhân cách của Tổng thống Bush. Ông ấy đã làm hết sức mình trong những điều kiện của mình, trong những khả năng và trong tình thế của mình.

Thế giới đã cùng với ông Bush tạo ra sai lầm. Nếu tổng thống Pháp Jacques Chirac có được thái độ như ông Sarkozy trong các vấn đề quốc tế thì ông Bush đã không phải cực đoan như vậy. Thế giới chưa tỉnh ngộ khi không hợp tác với ông Bush để ông Bush tránh khuynh hướng đơn phương. Sai lầm của ông Bush là thái độ đơn phương trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cần phải được chia sẻ cho tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder. Nếu nước Mỹ giải quyết cuộc chiến tranh Iraq không đơn phương thì cuộc chiến tranh ấy đã không đến mức như thế.

Hỏi: Nhưng cách hành xử của Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder là dựa trên cơ sở lợi ích của họ, bởi vì người Đức và người Pháp không chấp nhận cuộc chiến tranh Iraq?

Trả lời: Họ không ý thức được một điều rằng nước Mỹ không phải là một quốc gia, nước Mỹ là một nhân tố nằm trong tất cả các quốc gia khác để tạo ra sự đúng đắn của các chính sách. Tôi cho rằng, không nên xem nước Mỹ là một quốc gia mà nước Mỹ với toàn cầu hoá đã trở thành nhân tố có mặt trong tất cả các chính sách đối ngoại của mọi quốc gia. Tôi có một bài viết cách đây 7 năm, trong đó đã tôi phân tích rằng thế giới phải học cách ngăn chặn và không nên hí hửng trước sai lầm của các nước lớn, nhất là nước Mỹ.

Xin cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gọi tên và đánh thức cảm hứng thế hệ Y

    12/11/2019Phùng Hồng Minh (Dịch từ The Washington Post)Ngay từ những ngày đầu chiến dịch tranh cử, Obama đã dành rất nhiều ưu ái cho thế hệ Y hay còn được gọi là “thế hệ của những đứa con thiên niên kỷ”...
  • Diễn văn chiến thắng của ông Barack Obama

    09/11/2015Thượng nghị sỹ Barack Obama đã có diễn văn tuyên bố chiến thắng trước các ủng hộ viên vào đêm 4/11/2008...
  • Địa vị của nền kinh tế Hoa Kỳ và các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Obama

    13/11/2008PV Vietnamnet phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt"Tất cả các giải pháp về nền kinh tế Hoa Kỳ trước hết phải bắt đầu bằng việc tổ chức lại nền kinh tế tài chính của Hoa Kỳ, việc này không chỉ đơn thuần là xây dựng lại một số chính sách trước mắt." - Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời phỏng vấn của báo Vietnamnet ngày 6/11/2008
  • Mạng xã hội ảo My.BarackObama vẫn tiếp tục hoạt động sau bầu cử

    11/11/2008Hoàng Dũng - (Computerworld)Website mạng xã hội ảo My.BarackObama.com sẽ vẫn được duy trì hoạt động bình thường tiếp tục đóng vai trò như là một kênh hợp tác hiệu quả giữa những người ủng hộ ông Barack Obama.
  • Từ "hiện tượng Obama" đến những chuyển biến mang tính thời đại

    09/11/2008GS Tương Lai"Hiện tượng Obama không chỉ là một sự kiện của một quốc gia dù cho đó là một siêu cường, mà là một hiện tượng mang tầm vóc nhân loại ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với những biến động dồn dập." - GS Tương Lai nhận xét.
  • “Đây là lý do anh nên làm tổng thống”

    05/06/2008Gia BảoKết thúc vòng bầu cử sơ bộ, ông Barack Obama đã giành được sự ủng hộ của hơn 2.118 đại biểu, qua đó trở thành ứng cử viên tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Kaith Olbermann, nhà bình luận của kênh truyền hình Mỹ MSNBC, thậm chí so sánh chiến thắng này là một cột mốc giống như sự kiện nhân loại lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng…
  • Về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

    14/04/2008TS. Ngô thanh NhànHồn Việt đã có cuộc phỏng vấn về chủ đề này đối với một số bạn đọc Hồn Việt tại Mỹ và ngay lập tức, TS Ngô Thanh Nhàn (New York University) và GS. Sophie Quinn - Judge (Temple University) đã trả lời. Các vấn đề mà hai vị đặt ra rất sâu sắc và mới...
  • Tranh cử thời Internet

    09/07/2007Văn HoaĐiều đó có cơ sở hẳn hoi: Theo số liệu của Viện Thống kê Pew. MichaelCornfield, Phó Chủ tịch Công ty Electionmall chuyên cung cấp công cụ vận động tranh cử qua mạng, bình luận chí lý: "Internet tuy chỉ gây chú ý đối với những người thích chính trị và các bộ sậu vận động tranh cử. Nhưng nó cũng là một thứ quyền lực khổng lồ, dù gián tiếp.
  • xem toàn bộ