Hy vọng năm 2002 sẽ bước đầu xoá bỏ quốc nạn “Dạy thêm, học thêm”

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

Gọi là quốc nạn vì nó làm tổn thương hạnh phúc của nhiều gia đình, gây di hại lâu dài cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam vốn có gene thông minh, sáng tạo, hiếu học, làm hoen ố phẩm chất nghề thầy giáo vốn được xã hội tôn vinh.

Ông bà, cha mẹ lo buồn vì hai lẽ: một là con cháu từ tiểu học đến đại học, ngoài giờ chính quy đều phải học thêm cả chiều, tối, ngày nghỉ không được giải trí nghỉ ngơi, phát sinh ốm đau, óc tư duy sáng tạo bị thui chột. Hai là cán bộ với mức lương bình quân hiện nay không đủ nuôi thân và một con ăn học, phí học thêm cũng phát sinh nhiều hành vi tiêu cực để giải quyết vấn đề.

Tuổi thanh niên đang trưởng thành đáng lẽ phải được tiếp thu một nền khoa học giáo dục tiên tiến toàn diện (đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục) trên cơ sở phát triển tự học, phát huy óc tư duy sáng tạo, óc phê phán, xét đoán của người học như nhiều nước trong khu vực và các nước công nghiệp tiến tiến trên thế giới. Thanh thiếu niên Việt Nam gần hai thập kỷ qua phải lao vào một cuộc chạy đua nhồi nhết theo một phương pháp giáo dục vô cùng lạc hậu, giáo điều.

Người thầy từ chỗ đáng thương, phải tự hạ mình để dạy thêm ngay những trò của lớp mình về những bài mình vừa giảng, để rồi nhận được tự tay trò tiền công trả cho mình để đủ sống, đến chỗ đáng trách, đáng khinh: trù dập những học sinh không chịu học thêm, hạ điểm đáng có của chúng, nhận xét xấu, dạy lướt, thiếu trách nhiệm trong giờ chính, để dành sức “dạy sô” ngoài giờ chạy theo đồng tiền (hàng triệu và hàng chục triệu đồng). Một khi thầy không ra thầy, trò bị học nhồi nhét như gà, lợn không coi học để nên người, để giải quyết được vấn đề làm mục tiêu, mà mục tiêu chính lại là có được mảnh bằng, tín chỉ làm bùa hộ mệnh. Kể cả bằng và tín chỉ giả thì nguy cơ đất nước còn tụt hậu xa hơn nữa là hiện thực.

Một nghịch lý hơn là ai cũng lo buồn “Dạy thêm, học thêm chuyện buồn nói mãi” (Số đặc biệt Giáo dục Thời đại tháng 12/2001) từ một phụ huynh học sinh bình thường đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ những học sinh gửi đến các giáo sư, viện sĩ nổi tiếng trong nước và trên thế giới, những người luôn luôn kịch liệt phản đối lối dạy thêm học thêm tiêu cực này. Nhưng rồi vẫn không ai chống cự nổi, tất cả vẫn đều bị cuốn hút vào “dòng xoáy” dạy thêm - học thêm.

Giáo sư viện sĩ nọ cũng không ngăn cản nổi cháu mình đi học thêm, con gái mình đi dạy thêm. Con gái còn trả lời bố: “Không cho cháu nó đi học thêm thì làm sao nó lên lớp được, thi đỗ được, thi vào đại học được? Con không dạy thêm thì bố có cho con đủ tiền nuôi hai cháu ăn học không?”. Giáo sư viện sĩ thở dài, lắc đầu vì lương hưu của ông cũng chỉ cho phép hai ông bà tạm đủ dùng một cách khiêm tốn.

Tuy vậy, tôi vẫn tin sang năm 2002 tệ nạn trên sẽ được xoá bỏ về cơ bản.

Niềm tin và hy vọng đó là dựa trên nhiều cơ sở:

Nếu như các nghị quyết về giáo dục “Áp dụng những phương pháp giáo dục hiện đại giúp học sinh năng lực giải quyết vấn đề...” (NQ-TW 4 khoá VII) “Kiên quyết khắc phục lối truyền thụ một chiều, phát huy óc tư duy sáng tạo của người học” (NQ-TW 2 – Khoá VIII), quyết định của Bộ GD&ĐT về cấm DT-HT. Nếu như những nghị quyết và quyết định đó dường như chưa đủ thiên thì Nghị quyết của Đại hội Đảng IX về “Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc tiếp tục đổi mới... sẽ là động lực mới thúc đẩy con “ngựa giáo dục” năm Nhâm Ngọ xông lên phi nước đại, phá tan dòng xoáy DT-HT”...

Với quyết tâm lớn của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trả lời phóng viên tại kỳ họp 10 Quốc hội khoá X: “Sẽ chống tham nhũng quyết liệt hơn, tôi cũng sẽ kê khai tài sản”, chắc chắn quốc nạn tham những, lãng phí sẽ được đẩy lùi, Nhà nước sẽ có điều kiện đầu tư thêm cho giáo dục và tăng lương cho giáo viên.
Sự thật hiển nhiên là có khá nhiều người có năng lực, nhiều nhà khoa học có tên tuổi đã không hề sa vào nạn DT-HT.

Và cũng là sự thật hiển nhiên: “Tỉnh Quảng Nam đã có chỉ thị nghiêm cấm việc DT-HT hình thức”, giáo viên nào không chấp hành sẽ bị xử lý đến buộc thôi việc. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không còn DT-HT nữa. Nếu các địa phương trong cả nước thực hiện triệt để như ở Quảng Nam, sẽ trả lại sự trong sáng ở nhà trường và địa vị xã hội của người thày sẽ được tôn vinh.

Đã có dấu hiệu cho thấy ngành ta đang nghiên cứu đổi mới cách ra đề thi, cách tổ chức thi cử áp dụng phương pháp trắc nghiệm để chấm dứt quốc nạn DT-HT, làm cho học sinh yên tâm rằng cứ chăm học theo như chương trình đã định và tự học tập nghiên cứu thêm theo tài liệu đã dẫn cũng có thể đỗ được.

Báo chí đã và đang tuyên truyền giải thích sâu rộng, làm cho mọi người thấy rõ tác hại không lường của DT-HT, làm cho giáo viên nếu thiếu tiền thì làm thêm nghề khác, chứ không nhận dạy thêm tiêu cực như hiện nay, làm cho phụ huynh học sinh không chấp nhận cho con em đi học thêm, làm cho học sinh không chấp nhận lối dạy lạc hậu như hiện nay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: