Album Physical Graffiti

11:54 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

24/2/1975 - Swan Song Records

Sau hai năm từ ngày ra album Houses of the Holy, Led mới chính thức ra thêm một album studio mới.Vậy trong khoảng thời gian 2 năm Led đã làm gì? Trước tiên là lưu diễn vòng quanh thế giới, kết quả của chuyến lưu diễn này là cuốn phim "The Song Remains the Same" thu lại buổi diễn live của nhóm tại Madison Square Garden, New York. Sau đó là việc lập nên hãng đĩa riêng mang tên Swan Song (1974) sau khi hết hạn hợp đồng năm năm với Atlantic Records.

Trở lại với album Physical Graffiticủa nhóm, đây là một album đôi, gồm tất cả 15 bài được chọn lọc và thu âm rất kĩ lưỡng vì đây là sản phảm đầu tiên của hãng Swan Song nên các thành viên của nhóm rất tự hào về nó. Mặc dù đây là một album hay nhưng so vời bốn tác phẩm đầu tiên của Led thì Physical Graffiti vẫn tỏ ra yếu thế hơn. Tiếng guitar của Jimmy Page không còn gây bất ngờ với những câu riff táo bạo đầy tính cách mạng như trong "Black Dog" hay "Rock and Roll", giọng ca của Robert Plant cũng bớt đi chất lửa. Còn chăng là nhịp trống không thể lẫn vào đâu được của John Boham. Quả thật, chỉ cần nghe phong cách của tiếng trống là người sành điệu có thể nhận ra ngay đó có phải là Bonzo hay không. Nói như các thành viên khác trong ban nhạc khác thì John Boham chính là 50% của ban nhạc nên khi Boham mất, nhóm Led cũng coi như tan rã.

Đĩa 1 của album Physical Graffiti gồm 6 bài với phong cách khá dữ dội được mở đầu với ca khúc blues bị biến thể "Custard Pie". Không biết vô tình hay cố ý trong lúc thu âm mà tiếng trống của Bonzo và tiếng bass của Paul Jones được mix nổi lên trên cả giọng ca và tiếng guitar. Có thể nói đây là ca khúc hơi lạ so với phong cách Led vì tiếng guitar của Jimmy Page quá yếu, dường như chỉ đệm theo nhịp trống mà thôi. Tuy nhiên đến ca khúc thứ hai "The Rover" thì vocal và guitar đã lấy lại được thế cân bằng. Giọng ca của Robert Plant nghe khá sung mãn, rất phù hợp với nội dung của ca khúc. Bài thứ ba trong album "In My Time of Dying" dài đến 12 phút được mở đầu bằng tiếng slide guitar nghe rất não nuột của Page và giọng ca ai oán của Plant. Nội dung là những suy nghĩ của một người đang hấp hối trên giường bệnh, từa tựa với "The Art of Dying" trong album "All Things Must Pass" của George Harrison. Mặc dù "gần chết" như thế nhưng "người bệnh" trong ca khúc này vẫn còn khá sung sức. Anh ta nói như ra lệnh với thánh Peter giữ cửa thiên đàng một cách trich thượng: "Này thánh Peter, hãy mở của cho ta vào, này thánh Gabriel, hăy đưa tù và của ông cho ta thổi". Tiếng trống và tiếng guitar giết người như đồng loã uy hiếp .Chỉ đến khi cầu chúa Jesus thì Plant mới hạ giọng xuống một chút. Bài hát kết thúc bằng lời từ biệt "bye bye, bye bye!", lời than thở và tiếng cầu chúa lịm dần. Có thể nói đây là một ca khúc tương đối hay của album. Ca khúc tiếp theo "Houses of the Holy" là một chút hoài niệm về đề tài sử thi. Tuy nhiên về mặt nghệ thuật thì bài này hơi xoàng vì quá đơn điệu. Bài thứ năm trong album "Trampled Under Foot" là một bài theo thể loại disco-soul, thể loại thịnh hành từ nửa sau thập niên 70. Nếu các nhà phê bình từng bảo "The Lemon Song" trong album Led II là gợi dục thì không biết họ sẽ đánh giá như thế nào về ca khúc này. Thoạt đầu người nghe tưởng rằng đang nghe chuyện môt anh thợ kể lại chuyện sửa xe trong garage nhưng với "Mama, let me pump your gas" và "Babe, I could work all night, believe I've got a perfect tool" thì nhưng kẻ có đầu óc đen tối dễ suy diễn theo một ý nghĩa khác. Tuy nhiên không cần phải suy nghĩ làm gì cho tốn công vì Robert Plant đã luôn miêng lập lại "I guess I'm talking about love!!". Đĩa 1 kết thúc với ca khúc "Kashmir" thật hay, thật hoành tráng, nếu so với "Stairway to Heaven" thì cũng tám lạng nửa cân. Bài hát là sự kết hợp hài hoà giữa âm nhạc cổ truyền phương đông, nhạc giao hưởng phương Tây và nhạc đương đại. Trong album "No Quarter-Unledded" năm 94 của Plant và Page, ca khúc này đuợc quay thành video thật ấn tượng với violon, cello, contra bass ở bên trái, tampla, sitar... bên phải và Robert Plant, Jimmy Page quay cuồng với guitar điện và dàn trống jazz ngay giữa sân khấu.

Đĩa 2 gồm 9 bài vơi phong cách nhìn chung nhẹ nhàng hơn so với đia 1. Bài mở đầu "In the Light" là một chút tiếc nuối của "Kashmir" và một chút hoang tưởng thời psychedelic với giọng ca của Plant được "robot hoá" để tạo nên chất ma quái. Dàn nhạc giao hưởng vẫn được giữ lại nhưng dàn nhạc phương Đông thì không còn."Bron-Yr-Aur" là một bài độc tấu guitar thùng thật nhẹ nhàng và mơ mộng mang chất folk của Jimmy Page. Trong album Led III, nhóm đã có một ca khúc "Bron-Yr-Aur Stomp" tuyệt đẹp để ca ngợi vùng đồng quê yên tĩnh này. Ca khúc thứ ba của album "Down by the Seaside" nghe rất thư thái như một bản ballad kết hợp giữa phong cách của Elton John và John Lennon cùng với tiếng guitar réo rắt. Anh chàng lãng tử đi dọc bờ biển ngắm nhìn cảnh thiên nhiên rồi mường tượng đến không gian hối hả của nhịp sống đô thị. Anh ta tự hỏi rằng tại sao người ta có thể làm ngơ trước thiên nhiên mà hối hả chạy đua trong vòng xoay cuộc sống. Ca khúc tiếp theo "Ten Years Gone" lại mang đầy tính hoài niệm về khoảng thời gian trôi qua, về một tình yêu đã mất. Giọng của Plant đầy tiếc nuối nhất là ở phần điệp khúc "Do you ever need somebody, and need them real bad?". Tuy nhiên sự tiếc nuối không kéo dài vì trong ca khúc "Night Flight", chàng trai đã tuyên bố dứt áo ra đi "Oh mama, I think it's time I'm leaving. Nothing gonna make me stay", nghe như "Tống biệt Hành" đầy hào khí của Thâm Tâm. Bài hát thứ 6 của đĩa 2 có cái tên nửa Tây nửa Tàu nghe khá lạ "The Wanton Song", Wanton là cái gì vậy? Đó là món mì hoành thánh của người Tàu, một món ăn khoái khẩu của Robert Plant, mặc dù được đặt tên như thế, bài hát chẳng có gì liên quan đến món ăn này cả, cũng như bài "Black Dog" chẳng có gì liên quan đến chú cẩu nào hết. "Boogie With Stu" là một bản rock and roll khá đơn giản và bài bản như những bản rock and roll của thập niên 50, đây là tác phẩm của Led và Ian Stewart (Stu) tay keyboard giấu mặt của nhóm Rolling Stones. Album được tiếp tục với một ca khúc blues thuần chất nữa, bài "Black Country Woman". Giọng của Plant nghe nũng nịu như một đứa trẻ đang nhõng nhẽo với mẹ nhưng lời ca thì khá nhức nhối: "Me ợi nếu mẹ không yêu con nữa thì hãy để con đi, đừng tiếp tục hành hạ con như thế!". Bài hát cuối cùng của album, "Sick Again", là một bản hardrock không mấy ấn tượng, nghe như một bản sao mờ nhạt của những ca khúc hardrock đã mang lại danh tiếng cho nhóm

Nhìn chung thì "Physical Graffiti" là một đĩa khá hay và đều tay với đĩa 2 như một concept album.Tuy nhiên ngoài "Kashmir" thực sự tạo được ấn tượng, các ca khúc khác không đạt tới cái đỉnh của Led II hoặc Led IV.

Led Zeppelin bắt đầu xuống dốc.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Huyền thoại Led Zeppelin

    13/11/2003BarryGibsonNếu bạn hỏi 10 ban nhạc Heavy metal của thập niên 80 rằng ban nhạc nào của thập kỉ trước đã truyền cảm hứng cho họ thì bạn sẽ nhận được câu trả lời từ 8 ban rằng Led Zeppelin là động lực thúc đẩy họ chơi rock. Thật vậy, Led Zeppelin đã trở thành một trong nhũng chuẩn mực của nhạc rock nặng thế giới. Vậy Led Zeppelin là ai mà có đưọc ma lực ghê gớm đến như vậy? ChúngTa.com xin gửi đến các bạn bài viết về ban nhạc Led Zeppelin của BarryGibson trên mạng TTVNOnline.