Hội kín Bilderberg- thế lực ngầm nổi tiếng thế giới

10:43 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Mười Một, 2015

Vừa qua, tờ The DailyMail (Anh) cho đăng tải một bài phân tích khá chi tiết liên quan tới câu lạc bộ nổi tiếng nhất thế giới - Bilderberg. Đây được cho là địa chỉ quy tụ các nhân vật giàu có và ảnh hưởng nhất hành tinh, như giới ngân hàng, chính khách, học giả, trùm truyền thông và các tỷ phú...

Mỗi năm, các nhân vật này tổ chức họp kín một lần tại một địa điểm khác nhau, thường là ở châu Âu. Họ làm gì ở đó? Họ muốn gì? Chương trình nghị sự ra sao? Quyết định như thế nào? Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà hơn 50 năm qua câu trả lời vẫn chỉ là đồn đoán.

Cho tới nay, Bilderberg vẫn là tấm màn bí mật đối với thế giới. Trên các diễn đàn trực tuyến, vô vàn giả thuyết được đưa ra, không ít ý kiến cho rằng một nhóm nhân vật quyền lực đang hoạch định kế hoạch để lập ra trật tự thế giới mới; rằng những quyết định quan trọng về chính trị, kinh tế của thế giới được định đoạt. Nói cách khác, đó là một trong những “cơ chế đối thoại phi chính thức của các siêu cường quốc tế”. Thậm chí, có cả tin đồn rằng hội nghị của câu lạc bộ này đề xuất các nguyên thủ tương lai, và tạo nên thế trận ủng hộ họ khi họ chính thức lên nắm quyền.

Vẫn là một bí ẩn

Cuộc họp đầu tiên của câu lạc bộ bí mật trên đã diễn ra tại khách sạn Bilderberg (Hà Lan) vào tháng 5/1954, và đó cũng là lý do khiến cho tổ chức này mang tên Bilderberg. Trang điện tử của Bilderberg chỉ ghi vắn tắt: Bilderberg là một hội nghị thường niên được tổ chức để thúc đẩy đối thoại giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, Bilderberg được điều hành bởi ban lãnh đạo riêng, kinh phí hoạt động do tư nhân đóng góp. Vì thế, ai đứng đằng sau tổ chức này vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Chỉ biết, mỗi năm danh sách khách mời luôn thay đổi, luôn có một bộ phận cố định chuẩn bị trước cho các phiên họp và những khách mời mới được mời đến để bàn luận về các vấn đề thời sự; và sẽ có khoảng 120 - 150 nhân vật là các lãnh đạo chính trị, giới tinh anh trong nền công nghiệp, tài chính, học thuật, truyền thông... Thành phần tham gia cũng được quy định rõ: 2/3 đại diện đến từ châu Âu, 1/3 là từ Bắc Mỹ; 1/3 là các quan chức chính trị và 2/3 là từ các lĩnh vực quan trọng khác trong đời sống kinh tế - chính trị và xã hội.

Hội nghị Bilderberg là diễn đàn cho các cuộc thảo luận không chính thức về những xu hướng chủ đạo, những vấn đề nổi bật của thế giới. Hội nghị được tổ chức theo nguyên tắc của Tổ chức Chatham House, quy định rằng: đại biểu tự do sử dụng thông tin có được, nhưng bất kì thông tin nào liên quan đến danh tính, hay nguồn gốc dính dáng đến đại biểu sẽ được tuyệt đối giữ kín. Không có nghị trình cụ thể, không có nghị quyết đề xuất, không có bỏ phiếu, không có tuyên bố chính sách được đưa ra tại hội nghị của các thành viên Bilderberg.

Hội kín Bilderberg- thế lực ngầm nổi tiếng  thế giới - ảnh 1
Cố giáo sư Carroll Quigley nhận định Bilderberg thực chất chỉ là một “câu lạc bộ”, mà hoạt động duy nhất là tiến hành hội nghị thường niên.


Thế nhưng, trong thực tế, Bilderberg được xem là một tổ chức của giới tinh anh, hoạt động dưới một bức màn bí mật, gồm những nhân vật quyền lực nhất của nền chính trị, kinh tế, tài chính, công nghệ. Đây được xem là nhóm có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách toàn cầu. Năm ngoái, dư luận đã được chứng kiến “sự đổ bộ” của 140 đại biểu “tinh hoa” thuộc Bilderberg đến khách sạn Grove, gần Watford (Anh), với nhiều tên tuổi lớn như Timothy Geithner (cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ), Jose Barroso (Chủ tịch Hội đồng châu Âu), Christine Lagarde (Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)), Nữ hoàng Hà Lan Beatrix, hay Thủ tướng Anh David Cameron.

Năm 2010, cựu Tổng thư ký NATO và cũng là thành viên của Bilderberg, Willy Claes, thừa nhận rằng, những thành viên của câu lạc bộ này có quyền thực thi quyết định, tạo lập chính sách. Có hàng loạt những ví dụ cho thấy sức ảnh hưởng của “quyền lực ngầm” này, kể cả việc nhấc ai lên, hoặc loại bỏ ai khỏi các chức vụ tổng thống hay thủ tướng. Bằng chứng là những tên tuổi như Bill Clinton (Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1993-2001), Lionel Jospin (Thủ tướng Pháp 1997-2002) và José Manuel Barroso (Chủ tịch Ủy ban châu Âu) đều được mời đến tham dự hội nghị ngay trước khi họ lên nắm quyền.

Năm ngoái, luật sư Alfonso Luigi Marra người Italy đã yêu cầu công tố viên Roma điều tra về Bilderberg vì những hành động phạm tội, nghi ngờ hội nghị của nhóm kín này hồi năm 2011 tại Thụy Sĩ đã đưa đến việc xếp đặt để ông Mario Monti làm Thủ tướng Italia. Năm 2009, Chủ tịch Bilderberg là Etienne Davignon thậm chí còn khoe khéo rằng: đồng tiền chung châu Âu (euro) chính là phát kiến của câu lạc bộ Bilderberg.

Từ nhiều nay năm, dư luận thường kháo nhau rằng nhóm Bilderberg là phôi thai của một chính phủ toàn cầu không biên giới. Mỗi một cuộc gặp của câu lạc bộ Bilderberg đều thu hút được sự chú ý đặc biệt. Đơn giản là báo chí và công chúng không thể bỏ qua sự kiện về một số lượng lớn những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng cùng tới một địa điểm nào đó. Cũng chính vì đặc điểm quá bí mật trên, hoạt động của Bilderberg đã làm nảy sinh không ít những giả thuyết khác nhau, đa phần trong số này đều cho rằng các thành viên hội kín này đang bí mật điều hành cả thế giới.

Những người chống đối tổ chức này tin rằng, bên trong Bilderberg chính là một âm mưu từ lâu nay của các ông trùm tư bản nhằm thống trị thế giới. Theo đó, chính cơ quan mật vụ Mỹ là người khởi xướng trực tiếp cho việc hình thành Bildergerg. Những người sáng lập thực sự chính là nam tước Edmund Rothschild và Laurance Rockefeller, họ cũng chính là những thành viên đầu tiên của câu lạc bộ. Một trong những mục tiêu chính được đặt ra ngay sau khi thành lập Bildergerg là xây dựng một siêu quốc gia, từ đó hướng tới mục tiêu cuối cùng là thành lập một chính phủ liên quốc gia có quy mô toàn cầu. Có không ít những nhà hoạt động chống lại câu lạc bộ Bildergerg đã tụ tập biểu tình phản đối, và hy vọng còn có thể khai thác được thông tin giúp làm rõ được những kế hoạch bí mật của hội kín này.

Hội kín Bilderberg- thế lực ngầm nổi tiếng  thế giới - ảnh 2
Nhiều giả thuyết cho rằng các thành viên hội kín Bilderberg muốn lập nên một chính phủ liên quốc gia có quy mô toàn cầu để điều hành cả thế giới.


Một tổ chức tinh hoa

Trong khi nói về những bí mật của câu lạc bộ Bildergerg, tờ The DailyMail có nhắc tới cái tên Carroll Quigley - cố Giáo sư sử học nổi tiếng nước Mỹ giảng dạy tại Đại học Georgetown. Thực ra, Quigley là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong việc nghiên cứu tổ chức tinh anh Bildergerg. Ông luôn cho rằng những tổ chức bí mật kiểu này đã có ảnh hưởng quyết định đến hầu hết mọi sự kiện trọng đại trên thế giới. Vị giáo sư này từng đảm nhận các vị trí ở Cục Tham mưu Brooklings, Bộ Quốc phòng, Bộ Hải quân Mỹ và có mối quan hệ rất mật thiết với các quan chức cấp cao trong Cục Tình báo Trung ương.

Với vai trò của một “người trong cuộc”, Quigley đã từng tiếp xúc với rất nhiều tài liệu lịch sử và hồ sơ tuyệt mật. Tuy nhiên, ông không tỏ ra là người chống đối, mà chỉ luôn giữ thái độ trung lập, thêm vào đó là những nhận xét đầy hàm ý trong các nghiên cứu về Bildergerg.

Với hơn 20 năm làm công việc nghiên cứu, được tiếp xúc với một lượng lớn các hồ sơ lịch sử tuyệt mật nên ông được giới sử học Mỹ đánh giá cao. Chỉ cần học thuyết của ông không nguy hiểm cho giới cầm quyền thì những người trong nhóm tinh anh cũng sẽ chẳng việc gì phải đụng đến ông.

Theo quan điểm của Giáo sư Quigley, Bilderberg rõ ràng là một trong số những tổ chức hạt nhân của câu lạc bộ tinh anh nào đó luôn muốn thao túng cục diện thế giới. Tất cả những thành viên có tiếng nói trong Bilderberg bao gồm những nhân vật có thế lực đủ để làm xoay chuyển thế giới theo hướng tích cực hay tiêu cực. Theo một số nguồn tin, trong hàng ngũ các thành viên của Bilderberg hiện đang có các nguyên thủ quốc gia như Tony Blair, Margaret Thatcher, Angela Merkel, hay Bill Clinton; những quan chức đứng đầu các tập đoàn như Coca Cola, IBM cũng như lãnh đạo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU).

Câu lạc bộ Bilderberg chính là “phiên bản quốc tế” của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mỹ, ngày nay hầu như đã kiểm soát hết toàn bộ hệ thống tổ chức của Hiệp hội châu Âu hiện có trong Liên minh châu Âu. Chỉ có những cá nhân âm thầm như Carroll Quigley mới có thể thu thập được những thông tin có liên quan đến địa điểm và lịch trình hội nghị của tổ chức này, từ đó miêu tả lịch sử phát triển bí mật của tổ chức Bilderberg trong các nghiên cứu cá nhân.

Giáo sư Quigley cho rằng ý kiến thống nhất đạt được trong mỗi lần hội nghị của tổ chức Bilderberg chính là đoạn mở đầu lập ra chính sách thế giới. Cách nói của ông thể hiện sự tiếp cận với sự thật ở mức độ tương đối bởi những quyết định được đưa ra tại hội nghị của tổ chức Bilderberg, về sau đều dần trở thành phương châm định trước của các nước thuộc hiệp hội G7, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Tất nhiên, ông Quigley cũng ám chỉ rằng Bilderberg thực chất chỉ là một “câu lạc bộ”, mà hoạt động duy nhất là tiến hành hội nghị thường niên. Hội nghị này không đề ra bất cứ nghị quyết nào, cũng không tiến hành bỏ phiếu, không phát biểu thanh minh bất cứ chính sách nào. Tức là, Bilderberg chỉ là một diễn đàn quốc tế nhỏ không chính thức. Các đại biểu tham gia hội nghị có thể tự do phát biểu mọi quan điểm khác nhau, để tăng cường hiểu biết giữa các bên mà thôi…

Nguồn:Tiền Phong
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan