Học là tự tìm kiến thức để sống

09:59 CH @ Thứ Năm - 27 Tháng Chín, 2018

Nhà giáo dục Vũ Thế Khôi: Học là tự tìm kiến thức để sống. Triết lý giáo dục hiện đại đặt mục tiêu cuối cùng không phải là kiến thức. Mà là phải dạy cho trẻ em biết cách tự mình tìm đến kiến thức để hoạt động, để sống trong cộng đồng.

Nhà giáo dục Vũ Thế Khôi.

.

Một sự ném đá hội đồng

Gần đây, nhiều phụ huynh phản đối việc con họ học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. Vì sao vậy, thưa ông?

Đơn giản vì người ta không hiểu. Bố mẹ nhìn vào hình vuông, tròn, tam giác này chả hiểu gì cả, làm sao dạy con được. Nhưng lỗi là tại Bộ, sở, nhà trường. Cho thực hiện, nhưng tại sao không tuyên truyền: nó mới ở chỗ nào, hiệu quả ra làm sao.

Đường hướng đúng nhưng phải làm sao cho phụ huynh hiểu anh làm gì với con người ta. Người ta trao con cho anh, có phải trao chuột bạch đâu. Thay đổi mà chả có hướng dẫn, chuẩn bị gì, nên phụ huynh mới phản ứng. Những người chưa một phút tận mắt thấy buổi học theo sách công nghệ giáo dục (hoặc thấy mà chẳng hiểu gì), đang ném đá hội đồng công nghệ giáo dục và bộ SGK của Hồ Ngọc Đại.

Đúng là một sự ném đá hội đồng!

Điều mà tôi lo ngại là sự ném đá hội đồng do thiếu hiểu biết có nguy cơ dẫn tới vi phạm một nghị quyết đúng đắn mà Quốc hội ta phải mất hai chục năm mới thông qua được: một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, phù hợp xu thế tiên tiến trong giáo dục thế giới. Nếu trở lại một chương trình một bộ SGK, tức là thụt lùi, mở lại đường cho độc quyền.

Cái chuyện một chương trình một bộ SGK là thực tế mà tất cả các nước đều phải chấp nhận lúc ban đầu. Và nó không phải là xấu. Nó cần thiết trong một giai đoạn. Nhưng một chương trình nhiều bộ SGK là cái đích phải tiến tới. Thậm chí sẽ đến lúc phải nhiều chương trình nhiều bộ SGK, miễn là cùng dẫn đến đạt một chuẩn quốc gia về kiến thức và các kỹ năng quy định cho học hết một cấp học.

Tại sao vẫn có ý kiến cho rằng phải cân nhắc việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK?

Thực ra, nước ta đã bắt đầu như thế là tốt: phải tiến tới nhiều bộ SGK với điều kiện các bộ sách đó phải được thẩm định nghiêm túc, Bộ đừng làm kiểu như đã làm nhiều năm qua: vừa đá bóng vừa thổi còi. Phải lập những hội đồng thẩm định khách quan.

Nếu cá nhân làm sách tốt hơn sách của một tập thể các GS và TS cũng nên ủng hộ. Đừng nên vì cái bát nháo hiện nay về SGK do tổ chức biên soạn và thẩm định quá tồi, do sự thiếu hiểu biết trong xã hội về khoa học giáo dục hiện đại, mà thụt lùi lại mấy chục năm trước.

Công nghệ giáo dục triển khai ra 41, rồi cả 63 tỉnh thành có hiệu quả. Con em người dân tộc học theo sách này biết đọc, biết viết tiếng Việt đúng, trong khi học SGK của Bộ lên lớp 3 nhiều cháu vẫn chưa biết nói thạo tiếng Việt. Đấy là cái hiển nhiên nhất. Giám đốc của 6 tỉnh biên giới đã kiến nghị xin cho học sinh được học chương trình công nghệ giáo dục. Thử đến mà ngồi xem các cháu học hồ hởi, hứng thú thế nào. Sao lại cấm trẻ con học vui, nhẹ nhàng và hiệu quả.

Bao giờ hội nhập?

Là một nhà giáo dục, ông có nhận xét gì về công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại?

Công nghệ giáo dục là một lý thuyết giáo dục học hiện đại trên nền tảng tâm lý học hiện đại. Các nước tiên tiến đang đi theo hướng đấy. Ở Liên bang Nga mà tôi biết rõ, đường hướng này được nhà nước duyệt là một trong ba đường hướng giáo dục chính thức ở tiểu học, phụ huynh, với sự tư vấn của chuyên gia, tự lựa chọn cho con em mình, Bộ GD Liên bang không áp đặt dạy và học theo đường hướng nào.

Mình muốn hội nhập, nhưng thiên hạ đi một đường, riêng mình đi một nẻo thì bao giờ hội nhập? Xin nhấn mạnh lại: tôi không nói hai bộ sách đầu tiên ở ta theo hướng này đã hoàn hảo, nhưng cái đường hướng là đúng, tiên tiến hiện đại thực sự, đi đúng hướng với giáo dục thế giới, đặc biệt là GD tiểu học. Không nên vì một số kỹ thuật chưa hoàn chỉnh mà cùng chậu nước hắt luôn đứa bé đi.

Có thể vì nghe đến “công nghệ” giáo dục nên người ta ngại?

Gọi là công nghệ vì nó có từng bước một, thao tác tiếp thao tác để đi đến đích – cái kiến thức cần nắm. Thực chất công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại và gần đây có thêm nhóm Cánh buồm, là thực hiện một triết lý giáo dục: Học là tự học.

Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 phương Tây đã đề xuất cái đó vì cách mạng công nghệ thông tin khiến khối kiến thức của loài người tăng theo cấp số nhân, nếu cứ theo cách học cũ thì đến bao giờ mới xong. Vì vậy phải thay đổi, phải dạy cho trẻ em biết cách tự học, biết đánh giá và xử lí tình huống ngay từ giờ đầu tiên bước chân đến trường. Phải hình thành cho nó hành động trí tuệ sáng tạo, tự mình tìm đến kiến thức.

Trong khi đó tự học lại là cái kém nhất của học sinh chúng ta hiện nay?

Phải thay đổi từ triết lý giáo dục. Học không phải là nhồi nhét kiến thức. Cha tôi, cụ Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên, đã viết trên báo Thanh Nghị trước Cách mạng tháng Tám: “Kiến thức không phải cứu cánh của giáo dục. Cứu cánh của giáo dục là hành động, hoạt động, là sống”. Giáo dục là để cho người ta vào đời làm việc được, sống được đấy là giáo dục vị nhân sinh mà cụ Hòe gọi là triết lý giáo dục của nước Việt Nam mới. Học để sống và làm việc trong cộng đồng, chứ không phải vì bằng cấp.

.

Mình dạy sẽ mâu thuẫn với nhà trường

Ông học về văn học Nga, dạy tiếng Nga, nhưng lại biết tiếng Pháp, tiếng Hán và đặc biệt có những bài viết rất sâu sắc về tâm lý, giáo dục học. Tất cả những cái đó là nhờ tự học?

Tôi học ở trường Đại học Sư phạm Lênin ở Liên Xô, các môn tâm lý học và giáo dục học được dạy cực kỳ cẩn thận. Hơn nữa mình thấy thích thú và cần thiết thì tự học, tự tìm đọc thêm. Còn tiếng Pháp tôi được học như ngoại ngữ 2 tự nguyện ở trường, nhưng thấy chưa đủ nên sau này tự học thêm cùng cụ Phạm Khắc Hòe. Mà rất lý thú, cụ dạy tôi qua bản Truyện Kiều dịch ra tiếng Pháp, nhờ đó mà tôi dịch được Kiều sang tiếng Nga.

Với những kinh nghiệm của mình, ông dạy sinh viên tự học như thế nào?

Ngay trong giáo trình tôi soạn có những bài học khiến học trò phải đi tìm sách báo mà đọc thì mới trả bài được. Ngay cả các bài dạy trên lớp tôi cũng không hoàn toàn lệ thuộc theo SGK mà tìm những bài đọc gần gũi với cuộc sống, hấp dẫn sinh viên, miễn là nó đảm bảo lượng kiến thực ngữ pháp và từ vựng mà chương trình quy định. Giờ của tôi không bao giờ điểm danh mà lúc nào cũng đông, cả sinh viên, thậm chí giáo viên trẻ trường khác đến dự.

Sinh viên thì thích, nhưng ông có gặp rắc rối gì không?

Tôi khốn khổ vì cái đó. Nay giáo vụ gọi lên, mai lãnh đạo hỏi tới. Nhưng tôi bảo, đấy, anh xem lớp tôi sinh viên đến đông như thế. Còn về ngữ pháp, cấu trúc, từ mới… các anh cứ kiểm tra đi. Thậm chí, từ những năm 80 thế kỷ trước tôi còn cho học trò phê bình thầy bằng phiếu kín.

Tôi qua hết rồi nên rất thông cảm với GS Hồ Ngọc Đại. Người làm khoa học nước ta nhiều khi không làm chủ được việc triển khai, nó còn phụ thuộc vào nhà nước, vào quy trình. Người ta bất chấp hiệu quả, người ta cần anh phải tuân thủ quy chế, để tiện quản lý.

Còn với con cháu trong nhà, ông có dạy cho họ tự học được không?

Dạy làm sao được. Các cháu tôi vẫn phải đi học thêm “tự nguyện”, không làm thế nào được. Vì nó là cả trào lưu xã hội. Và cái chính là bởi vì hệ thống giáo dục của mình như thế, vẫn chỉ trọng kiến thức, thi là thi kiến thức. Mình thấy sách của nhóm Cánh buồm hay thì mua về và hướng dẫn cho nó đọc thêm, thế thôi chứ làm sao dám dạy. Mình dạy sẽ mâu thuẫn với nhà trường. Đành chịu.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự học là yếu tố quyết định…

    02/03/2015Kim Yến (thực hiện)Từ bỏ môi trường nghiên cứu khoa học nơi xứ người, TS GIÁP VĂN DƯƠNG cùng vợ con trở về để giúp cho giới trẻ “tự thân khai sáng”, để tìm đến tự do…
  • Cùng trao đổi kinh nghiệm về tự học

    08/09/2020Nhà báo Vũ KhánhHọc đại học khác với học phổ thông cấp 4. Đại học đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu thêm nhiều bên cạnh các giờ giảng và hướng dẫn của thầy. Song ai cũng biết thực tế Đại học của ta đang không phải như vậy. Phần trình bày dưới đây nhằm mời bạn đọc tham gia trao đổi quan niệm và kinh nghiệm thưc tế về cách tự học đạt hiệu quả cao.
  • Bàn về chuyện tự học

    15/11/2016Trước hết, cần phải nói rằng, tự học là một chuyện vạn bất đắc dĩ, vì ai cũng biết câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”. Một câu hoàn toàn đúng, đúng hơn là người ta tưởng rất nhiều.
  • Tự học như thế nào?

    21/10/2016Tác giả cuốn sách không phải là tiến sĩ, không phải là viện sĩ, không tốt nghiệp tại trường Harvard nhưng là một bác học nổi tiếng của Liên Xô. Sách của ông mang lại cho tôi niềm cảm xúc trong tâm hồn và như thế kí ức sẽ ghi nhận được kiến thức một cách lâu dài so với sự đọc một cách hời hợt dễ chìm vào quên lãng...
  • Nghĩ về tự học

    21/07/2016Đại tá, NGƯT Nguyễn Xuân QuỳnhTrước kia ta có thể ỷ vào số lượng kiến thức do nhà trường trang bị để dùng trong 15-20 năm. Nhưng ngày nay chỉ sau vào năm một nửa số kiến thức cũ đã lỗi thời. Ai cũng thấy tự học là cần thiết nhưng nhiều người chưa có ý thức, chưa biết cách tự học tốt...
  • Giáo dục Mỹ: Học để biết…tự học

    01/07/2016Hoa LưCác nền giáo dục văn minh thường hướng theo cách dạy trong trường sao cho đứa trẻ học để ra đời biết cách tự học…
  • 5 sai lầm bạn thường mắc phải khi tự học

    19/08/2015Đây là 5 sai lầm và hiểu nhầm lớn nhất khi bạn trẻ dấn thân tự học. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về Đại Học Cá Nhân và trường học truyền thống để có thể tận hưởng tối đa từ trải nghiệm tự-học của mình...
  • Tôi tự học

    20/06/2010Thu Giang - Nguyễn Duy CầnTôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn Ả Rập rất ngộ nghĩnh sau đây do văn sĩ Anatole France thuật lại: Có một nhà vua gọi các bậc trí gia trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các nhà khoa học ấy sưu tầm tất cả sách vở hay nhất trong nước để chở đến cho nhờ vua.
  • Xây dựng khả năng tự học trong doanh nghiệp

    20/06/2006Trần Minh TrọngCác nhà quản trị doanh nghiệp thế giới gần đây cho rằng doanh nhân thế kỷ XXI phải có khả năng học tập và sáng tạo ra tri tứhc cho riêng mình. Hơn thế nữa, doanh nhân cần phải biết xây dựng doanh nghiệp của mình trở thành một tổ chức có khả năng tự học. Khả năng tự học của doanh nghiệp được xem là yếu tố giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được...
  • Biết tự học và biết sáng tạo

    12/02/2003Quang DươngQua những sáng tạo được thể hiện từ thời Thomas Edison đến thời Bill Gates, giới khoa học kỹ thuật ngày càng nhận thấy giữa trí sáng tạo và việc tự học có một mối liên hệ nhân quả. Tạp chí Science et Vie (Pháp) đã viết :"Ai tự học mạnh nhất, người đó tích lũy được một tiềm năng sáng tạo dồi dào nhất. Ngược lại, ai có nhu cầu sáng tạo nhiều hơn, người ấy càng thôi thúc ý chí tự học cao hơn".
  • Phát huy việc tự học trong trường phổ thông trung học

    10/02/2003Giáo sư Nguyễn Cảnh ToànNước ta hiện còn rất nghèo, đầu tư cho giáo dục bình quân đầu người chỉ mới bằng 1/10 mức trung bình, 1/100 mức cao của thế giới. Giải bài toán "đuổi kịp" như thế nào trong lĩnh vực giáo dục đào tạo khi phải lấy 1 đọ với 10, đọ với 100? - Khơi dậy nội lực, đó là câu trả lời chung. Trong giáo dục, thì nội lực trước hết là nội lực ở người học; Khơi dậy được nội lực này thì sẽ khơi dậy được nhiều nội lực khác trong ngành và trong xã hội.
  • Điều cơ bản là phát huy nội lực tự học của người học

    10/02/2003Tôi đã đọc bài: "Giáo dục từ xa ở Việt Nam - Vấn đề và triển vọng", đăng trên Nhân Dân điện tử ngày 3-5-2000 của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Đại học New South Wales, Sydney, Australia (xin đừng nhầm với Giáo sư Phạm Quang Tuấn). Điều đáng mừng là tôi thấy có nhiều điểm nhất trí với tác giả. Tuy nhiên vẫn có những điều vênh nhau.
  • xem toàn bộ