Học gì trong nền giáo dục hiện tại?

05:16 CH @ Thứ Sáu - 23 Tháng Năm, 2014

Nhà văn hiện sinh Pháp Albert Camus có nói: “Người ta không thể chọn được xã hội, mà chỉ có thể chọn mình trong xã hội”.

Nơi ta sinh ra, thời điểm ta sinh ra, cha mẹ sinh ra ta là ba thứ bất biến với mọi con người, còn các thứ khác người ta có thể tự quyết định cho mình.

Học hành vốn là thứ con người tưởng như có thể tự lựa chọn, hóa ra lại là không. Một đứa bé đến trường, nhà trường dạy gì nó tiếp thu nấy, hoặc tiếp thu tốt, hoặc tiếp thu tồi. Nếu một nền giáo dục tồi, đôi khi tiếp thu tồi lại có cơ hội làm lại và trưởng thành theo cách khác. Đó chính là cách các thiên tài hay làm, họ thường đạt kết quả kém ở phổ thông để sau này tự học thành tài năng, dù ngay lúc đó họ chỉ lờ mờ dự cảm là môn này môn kia không có ích với mình và lờ mờ dự cảm về khuynh hướng của mình.

Học nhiều để biết ít là phương châm (tức là cho một chuyên môn). Học ít để biết nhiều là phương pháp. Vậy đầu càng trống rỗng, càng sáng thì học ít khả năng biết càng nhiều. Học đến đâu thực hành đến đó thì kiến thức mới thật sự là của mình.

Đại bộ phận học sinh đều không phải là thiên tài, sau này là những người lao động bình thường cũng cần có dự cảm theo cách ấy - tức là nên suy nghĩ về sau này mình làm gì cho hợp với khả năng, sở trường của mình mà học. Ở nhiều nơi, ngay ở ta, có thời người ta tổ chức các lớp vừa học vừa làm thành ra rất hiệu quả, những ngành nghề trong xã hội được học sinh sớm tiếp xúc, lại học luôn lý thuyết, nên học xong là cơ bản có nghề nghiệp.

Khi phần lớn chúng ta sẽ là người lao động bình thường thì cần học tập trung cho một ngành nghề sau này mình sẽ làm. Do đó việc học tập trung càng sớm ngay từ phổ thông càng có lợi cho việc giỏi một nghề về sau. Nên quan niệm lại, học sinh giỏi không phải là giỏi toàn diện nhiều môn, mà giỏi một môn, còn các môn khác chỉ cần đạt trung bình.

Đó chính là cách mà nhiều người như chúng tôi đã từng làm. Trong thời bao cấp và chiến tranh, một vài lứa chúng tôi sinh ra trong hoàn cảnh đói nghèo, thất học, hay rất khó khăn để được đi học. Nhiều người tự nuôi thân từ 11, 12 tuổi, nên ngay từ cấp II chúng tôi đã bàn với nhau làm sao có một nghề nghiệp sau này, khỏi lo đói, túng thiếu và học một môn theo sở trường, cầm cự cho qua từng lớp, đã làm cho tất cả chúng tôi đứng vững từ hai bàn tay trắng. Nhiều người trở thành có tài năng, có tay nghề bậc bảy.

Cuộc sống ngày nay đã khác nhiều. Kiến thức cũng đầy ắp và rộng rãi hơn trước, qua Internet, người ta có thể giỏi mà không cần học ở trường, cái khó vẫn là lựa chọn cho mình những kiến thức thích hợp. Các bạn chớ có tin lời những nhà khoa học cho rằng mỗi con người mang trong mình một Raphael, trên thực tế dù não người còn nhiều tiềm năng, nhưng khả năng kiến thức của mỗi người trung bình chỉ như một cái máy tính dung lượng có hạn. Ta đã nạp linh tinh mọi thông tin rác rưởi, tức là làm mất chỗ trống cho những thông tin cần thiết, và sau này thông tin rác, không cần thiết làm méo mó chính ta, hạn chế ta có một chuyên môn tập trung mà ta cũng không vứt đi đâu được.

Học nhiều để biết ít là phương châm (tức là cho một chuyên môn). Học ít để biết nhiều là phương pháp. Vậy đầu càng trống rỗng, càng sáng thì học ít khả năng biết càng nhiều. Học đến đâu thực hành đến đó thì kiến thức mới thật sự là của mình. Hơn nữa còn dành thời gian học một môn quan trọng nhất: con người chính mình là ai, tức là mỗi người phải hiểu tim gan thận, đầu óc của mình, năng lực trí tuệ của mình là quan trọng nhất, tức là tự giác ngộ mình.

Ở chỗ này người ta luôn khỏe mạnh, không phải viếng thăm bác sĩ, không lo ẩn ức, đố kỵ, tranh giành, hiểu được cái tất yếu của mình trong cuộc đời. Và chỉ có như thế mới có thể đi hết cuộc đời có chất lượng.

Nếu nền giáo dục không thể thay đổi được thì thay đổi mình trong nền giáo dục ấy. Người ta không thể để bị đánh giá bằng điểm số, điểm cao thì mừng, điểm thấp thì buồn, có bằng cấp thì thấy hơn người khác, ngày càng muốn bằng cấp cao hơn nữa, trong khi kiến thức thật sự lại không tương xứng. Nếu như vậy, chính là một con người thất bại, bị thủ tiêu cái cá nhân ngay từ trường phổ thông.

Trí tuệ của ta vui đùa với kiến thức, tự do sử dụng nó, biến nó từng phần thành những bậc thang nâng cao tâm hồn mình. Đi học do đó mới là lựa chọn, phủ nhận và sáng tạo, là niềm vui khi tìm thấy cái chìa khóa mở kho trí tuệ của chính mình.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi

    04/05/2019TS. Giáp Văn DươngĐất nước cần vượt lên. Vì thế, với người Việt trẻ, một cuộc vượt lên chính mình là cần thiết. Khi còn mò mẫm trong sáng tối, khi còn chao đảo giữa muôn vàn xô đẩy của cuộc đời, thì không còn cách nào khác là phải tự đốt đuốc cho mình, phải tự mình vạch đường mà tiến bước...
  • Học để làm gì?

    06/05/2014Giáp Văn DươngTrọng tâm của giáo dục là việc học, chứ không phải là việc dạy hay nội dung chương trình. Vì thế, mọi hoạt động của giáo dục theo tôi đều phải xoay quanh việc học.
  • Người ta cần triết học để làm gì?

    17/11/2009Nguyễn Thúy Vân... chính nội dung của những tri thức triết học và chỉ có nó mới làm sản sinh trong năng lực nhận thức của con người cách suy nghĩ và hành động phù hợp với hiện thực được phản ánh. Đó là lý do người ta cần đến triết học.
  • Học gì từ lộ trình đi đến phồn vinh của người Trung Quốc ?

    21/07/2005Cuộc trò chuyện với TS Harvard Vũ Minh Khương về những kinh nghiệm phát triển của nước bạn ngay trong buổi sáng Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm Trung Quốc.
  • Hoàng hôn của phương pháp giáo dục áp đặt

    14/05/2003Có được một nền giáo dục dân tộc bằng tiếng mẹ đẻ, đó là một chiến công hiển hách. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi vấn đề đã được giải quyết. Một vấn đề khác, không kém phần quan trọng và cũng không kém phần khó khăn đang được đặt ra: phấn đấu để có một nền giáo dục tốt. Để làm được điều đó, trước tiên phải lựa chọn phương pháp.