Hoàng Diệu: Lẫm liệt soi mình với sông núi Thăng Long

08:55 SA @ Chủ Nhật - 10 Tháng Mười, 2010
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, Hà Nội đã có biết bao nhiêu đổi thay, đã lập nên bao nhiêu chiến công huy hoàng, ghi dấu những mốc son chói lòa trong lịch sử dân tộc. Nhưng hình ảnh vị Tổng Đốc Hoàng Diệu chiến đấu anh dũng và quyên sinh giữ thành Hà Nội sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử thành phố anh hùng 1000 năm tuổi…

Ngày này, đúng 127 năm trước, Thành Hà Nội thất thủ khi người Pháp tràn vào. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, Hà Nội đã có biết bao nhiêu đổi thay, đã lập nên bao nhiêu chiến công huy hoàng, ghi dấu những mốc son chói lòa trong lịch sử dân tộc. Nhưng hình ảnh vị Tổng Đốc Hoàng Diệu chiến đấu anh dũng và quyên sinh giữ thành Hà Nội sẽ không bao giờ phai mờ trong lịch sử thành phố anh hùng 1000 năm tuổi…

Làm quan thanh liêm, làm người chí khí

Hoàng Diệu sinh ra và lớn lên trong thời buổi suy tàn của chế độ phong kiến ở Việt Nam. Nhà Nguyễn từ lúc lên ngôi đến khi Thực dân Pháp nổ súng xâm lược đã trải quan một “cơn sốt trầm trọng” gần một thế kỷ. Thế nhưng trong thời loạn lạc ấy, Hoàng Diệu vẫn sáng ngời lên hình ảnh của một vị quan nhất mực thanh liêm, một đấng anh hùng chí khí ngang trời đất…

Tuổi trẻ tài cao, làm quan mẫu mực

Ông Hoàng Diệu tên khai sinh là Hoàng Kim Tích, tự là Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai, người làng Xuân Đài, Huyện Duyên Phước, (nay là Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ngày 10-02-1829, tức năm Mậu Tý trong một gia đình nho học, nổi tiếng thông minh khắp cả vùng. Các anh em ông Hoàng Diệu đều học rộng, đỗ cao trong các kỳ thi gồm có 1 Phó Bảng, 3 Cử Nhân, 2 Tú Tài.

Năm 16 tuổi, ông Hoàng Diệu đã nổi tiếng văn tài . Năm 20 tuổi, trong một khoa thi ông đỗ Cử Nhân cùng với anh ruột là ông Hoàng Kim Giám. Bài vở hai ông hơi giống nhau, khiến viên chủ khảo nghi ngờ trình lên Vua Tự Đức. Vua Tự Đức hạ chiếu cho các quan giám khảo cho hai anh em ông Hoàng Diệu phúc hạch trong 3 ngày tại điện Cần Chánh. Sau khi xem quyển (bài thi), Vua Tự Đức đã khen rằng: "Văn chương là lẽ công bằng. Hai anh em văn chương đều tuyệt tác…”.

Người anh không ứng thi cao hơn, về nhà dạy học và qua đời sớm. Năm 25 tuổi, trong khoa thi Hội 1851 Hoàng Diệu đổ Phó Bảng. Từ đây bắt đầu cuộc đời làm quan thanh liêm mẫu mực mà không ít sóng gió bi hùng của ông.

Vừa đỗ thi Hội, ông được bổ làm Tri Phủ Tuy Viễn (Bình Định). Nhưng sau đó bị giáng chức đổi về huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Sau được phục chức Tri Phủ, đổi ra Phủ Đa Phúc (Phúc Yên, nay là Vĩnh Phúc), Lạng Giang (Bắc Giang), rồi thăng làm giám sát tỉnh Nam Định, rồi Bố Chánh tỉnh Bắc Ninh. Trong thời gian đó, ông lập được nhiều công trong việc dẹp trộm cướp, an dân lành. Ông nổi tiếng là người thanh liêm thẳng thắn, hết lòng vì dân vì nước. Nhân dân vùng ông cai quản được hưởng phúc ấm, yên vui, rất cảm mến, khâm phục. Còn ông dù đứng đầu một tỉnh vẫn nghèo túng, không đủ tiền sửa lại ngôi nhà cũ của cha mẹ ở quê đã dột nát.

Năm 1864, xảy ra vụ nổi dậy của Hồng Tập, con hoàng thân Miên áo, em chú bác của Hồng Nhậm tức vua Tự Đức, cùng với một số người khác. Bại lộ, Hồng Tập và Nguyễn Văn Viện bị án chém. Hoàng Diệu có mặt trong lúc hành quyết đã nghe Hồng Tập nói: "Vì tức giận về hòa nghị mà bị tội, xin chớ ghép vào tội phản nghịch", sau đó cùng các quan tâu vua xét lại vụ án. Vua Tự Đức phán là vụ án đã được đình thần thẩm xét kỹ, không nghe lời can gián và quyết định giáng chức các quan trong đó có Hoàng Diệu. Qua sự việc này có thể thấy rõ Hoàng Diệu làm quan rất trọng nghĩa khí, dám quên mình vì lẽ phải. Nhưng cũng vì thế mà quan nghiệp của ông trải qua nhiều lận đận.

Năm 1874, trong khi giữ chức tham tri Bộ Lại, kiêm quản Đô sát viện và sung cơ mật đại thần, Hoàng Diệu lại bị giáng hai cấp lưu…

Vì dân đi vào nơi gian khó….

Năm 1878, ở Quảng Nam xảy ra nạn lụt rất lớn gọi là "nạn lụt bất quá" vì dân chúng cho là "bất quá nước tràn đến sân là cùng", ít đề phòng... Nhưng rồi nước tràn về rất mạnh, cuốn trôi nhiều nhà cửa thóc lúa và súc vật, một số người chết trôi, đồng ruộng nhiều nơi ngập úng, hư hại. Tiếp đó, nhiều phủ huyện lâm vào cảnh bệnh tật, chết đói, trộm cướp, dân chúng phải ăn củ chuối trừ bữa. Tự Đức quyết định xuất tiền gạo công quỹ để chẩn tế và tìm người giao phó trách nhiệm.

Hoàng Diệu đã dâng tấu xin đảm nhận trọng trách cứu tế cho nhân dân gặp thiên tai, lụt lội. Tự Đức trao cho ông chức khâm sai đại thần cầm cờ tiết và quyền "tiện nghi hành sự", lo việc chẩn tế an dân, dẹp trừ trộm cướp.

Đi sát tìm hiểu dân tình, sử dụng quyền hành thận trọng, Hoàng Diệu sớm hoàn thành trọng trách, ổn định lại tình hình.

Hồi ấy ở làng Giáo Ái có một cường hào tên là Hương Phi, lợi dụng tình hình nhiễu nhương, tổ chức một bọn tay chân chuyên đi cướp bóc dân lành. Bị khống chế, bà con trong vùng sợ báo thù, không dám tố giác với cửa quan. Hoàng Diệu được tin liền mở cuộc điều tra, nắm bắt các bằng chứng xác thực, rồi bàn với quan tỉnh gọi Hương Phi đến xét hỏi. Theo chủ trương của Hoàng Diệu, nhiều nạn nhân gửi đơn tới tỉnh đường tố cáo tội ác của tên gian tế. Hoàng Diệu cho niêm yết tội trạng của Hương Phi và lên án trảm quyết. Dân chúng yên tâm, tin tưởng, và bọn cướp không dám hoành hành nữa.

Cũng trong thời gian ấy, Hoàng Diệu phát giác tại các địa phương trong tỉnh có một người đỗ cử nhân khoa Bính Tý (1876) vì đã nhờ người khác làm bài, và hai người mang danh "tú tài" nhưng không có thực học. Cả ba đều bị truất bằng và phạt tội. Thêm nữa, hai "ông tú tài", nhân nạn đói, chuyên mua rẻ bán đắt, vơ vét để làm giàu nên dân chúng càng oán ghét. Hoàng Diệu tìm hiểu chu đáo, trực tiếp gặp họ như những nhân sĩ trong vùng, qua đó thẩm tra học vấn. Được tấu trình, vua Tự Đức cho tổ chức sát hạch riêng những người ấy để có quyết định xử lý một cách danh chính ngôn thuận…

Một năm lưu lại làm việc ở tỉnh nhà, Hoàng Diệu nổi tiếng là một người tài trí và quang minh chính trực.

Đầu năm 1880, Hoàng Diệu nhận chức tổng đốc Hà Ninh (tức Hà Nội và Ninh Bình ngày nay), kiêm trông coi công việc thương chánh. Thời gian này, Thực dân Pháp đã chiếm được Lục tỉnh và đang rập rịch chuẩn bị đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ 2. Tình thế hết sức cấp bách, dân tình hết sức khốn khó. Thế nhưng giữa triều đình nhà Nguyễn lại phân hóa sâu sắc, “đánh không ra đánh hòa không ra hòa”. Phe chủ hòa do Tự Đức cầm đầu nắm hết quyền bính, nhưng lại nhu nhược cản đường các quan chủ chiến. Đó là một tình thế khó khăn cho Hoàng Diệu khi ra trấn thủ Hà- Ninh.

Biết rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp lúc bấy giờ, Hoàng Diệu bắt tay ngay vào việc chuẩn bị chiến đấu, kinh lý, biên phòng. Ông đã cùng với tổng đốc tỉnh Sơn Tây Nguyễn Hữu Độ dâng sớ nói về việc bố phòng, lại cùng với Nguyễn Đình Nhuận mật tâu về chước phòng bị sẵn. Một mặt khác, Hoàng Diệu quan tâm ổn định đời sống của dân chúng trong công bằng và trật tự.

Hoàng Diệu sống và làm việc ở Hà Nội non ba năm, bên mình hàng ngày chỉ có hai người tùy tùng. Nhưng ông đã làm được nhiều điều có ý nghĩa cho nhân dân Bắc kỳ. Để rồi, khi Thực dân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội, ông đã chiến đấu giữ thành đến hơi thở cuối cùng. Cuộc chiến đấu và sự quyên sinh của ông đã góp thêm một trang sử bi hùng cho mảnh đất Thăng Long ngàn năm tuổi.

Bản Hà thành Chính khí ca bất diệt

Nhìn thấy âm mưu đen tối của Thực dân Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu đã ra sức an dân, chuẩn bị chiến đấu. Nhưng “thân cô thế cô” Quân Pháp tấn công thành Hà Nội. Dưới sự mục ruỗng, nhu nhược của Nhà Nguyễn , cùng sự hèn nhát của nhiều quan lại dưới trướng, Hoàng Diệu dù đã gắng hết sức mình vẫn không giữ được thành Hà Nội. Giữ thành đến phút cuối, ông đã chọn cho mình cái chết để bảo toàn khí tiết…


Quân Pháp tấn công thành Hà Nội. Tranh ký họa: Internet

“Đơn thương” trấn cửa bắc thành

Những việc làm an dân, bố trí phòng thủ nhằm đối phó với giặc Pháp của Tổng đốc Hoàng Diệu đã bị vua Tự Đức khiển trách là “đem binh dọa giặc, chế ngự sai đường”. Dù biết nhà Nguyễn hy sinh Bắc kỳ nhằm giữ ngai vàng, nhưng Hoàng Diệu vẫn chủ trương chiến đấu giữ thành, bất chấp tình thế bất lợi “kháng triều đánh tây”.

Rạng sáng ngày 25-4- 1882, Henri Rivière cho tàu chiến áp sát thành Hà Nội, đưa tối hậu thư, yêu cầu Hoàng Diệu đầu hàng nếu không sẽ tấn công thành Hà Nội.

Hoàng Diệu sai Tôn Thất Bá đi điều đình. Nhưng vừa ra khỏi thành, viên quan hèn nhát này đã trở mặt phản bội, đầu hàng Pháp và chỉ điểm cho giặc biết cách bố trí phòng ngự trong thành. Tôn Thất Bá còn viết sớ kể tội Hoàng Diệu lên vua Tự Đức và xin người Pháp cho mình làm Tổng đốc Hà Nội…

Giặc Pháp chớp thời cơ, lập tức tấn công ồ ạt vào thành Hà Nội. Dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Hoàng Diệu, quân dân Hà Nội đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Cuộc huyết chiến kéo dài đã nửa ngày, tình thế giằng co bất phân thắng bại. Thành Hà Nội dù yếu thế hơn giặc nhưng Hoàng Diệu quyết tử thủ nên vẫn chiến đấu anh dũng.

Bỗng nhiên, kho thuốc súng trong thành phát nổ và bốc cháy dữ dội. Đám cháy càng lan rộng thì lòng quân càng nao núng, đội hình phòng thủ bị tan rã. Trước tình thế hoảng loạn đó nhiều quan lại hèn nhát đã mặc thành chạy trốn. Bố Chánh Phan Văn Tuyển bỏ chạy, Đề Đốc Lê Văn Trinh giả vờ tự tử. Phó Lãnh Binh Lê Trực ở cửa tây cũng tháo lui. Duy chỉ có Thủy Sư Đề Đốc Nguyễn Đình Kháng liều chết cố thủ ở cửa thành phía nam cho đến giây phút cuối cùng …

Tổng đốc Hoàng Diệu tuy thế cô nhưng không nao núng mà vẫn thân chinh giữ cửa Bắc thành Hà Nội. Chứng kiến thành sắp mất, ông càng hăng hái tiến lên cùng tàn quân xông lên quyết tử chiến với quân thù . Dù quyết tâm cao độ, nhưng do chênh lệch lực lượng quá lớn nên quân ta dần tan rã.



Trước thảm cảnh thất thủ, Hoàng Diệu đi về dinh, nai nịt gọn gàng. Ông tập hợp quân sĩ và truyền lệnh: "Ai muốn về kinh thì về, còn ai muốn chiến đấu nữa thì lên Sơn Tây tập hợp với đại binh của Hoàng Kế Viêm chờ ngày báo phục". Khi mọi người giải tán, ông vào dinh viếtbài di biểu tạ tội, rồi quay ra đi thẳng đến cửa Võ Miếu lật chiếc khăn đang bịt trên đầu treo mình lên cành cây tuẫn tiết. Đó là ngày 25 tháng 4 năm 1882.

Bản hùng ca bi tráng Hà thành

Trong di biểu tạ tội, Hoàng Diệu đã tỏ rõ khí tiết và sự tiếc nuối của mình: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”


Cửa Bắc thành Hà Nội nhìn từ trong ra. Ảnh Internet

Quân dân Hà Nội cảm kích trước tấm lòng trung liệt, trước sự quyên sinh để giữ tròn khí tiết của ông, nên đã tổ chức tang lễ trang nghiêm, mai táng ông tại khu vườn Dinh Đốc học, (nay là phố Trần Quý Cáp). Mùa thu năm đó, con trai ông đã ra Hà Nội, mang di cốt về của ông về quê an táng.

Cảm kích khí chất anh hùng tiết liệt của ông, Thượng thư Tôn Thất Thuyết, người đứng đầu phe chủ chiến đã ca ngợi trong câu đối:

“Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước
Bình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm”

Nhiều nhân sĩ, trí thức đất Băc kỳ đã phúng điếu ông bằng những vần thơ hết sức xúc động, nổi bật có bài “Hà Thành Chính khí ca”. Tác phẩm gồm 140 câu lục bát, ngợi ca phẩm chất anh hùng quả cảm và khí tiết kiên trung của Tổng đốc Hoàng Diệu.

Cuộc đời thanh liêm trong sạch, sự hy sinh quả cảm để bảo vệ Hà Nội của Hoàng Diệu đã thành một bản “chính khí ca” bất hủ nhất. Dù không phải là người Thăng Long, nhưng ông đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ thành. Ông chính là hiện thân của khí chất Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến kinh kỳ…


Vua Tự Đức mặc dầu có lần quở trách ông, nhưng vẫn phải hạ chiếu khen Hoàng Diệu đã tận trung tử tiết, và còn lệnh cho quan quân tỉnh Quảng Nam làm lễ quốc táng cho ông .

Sĩ phu Hà Thành lập đền thờ Hoàng Diệu ở phố Văn Tân, sau thờ chung với ông Nguyễn Tri Phương trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa với đôi câu đối:

"Thử thành quách, thử giang sơn
Bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc
Thập niên tâm sự vọng thanh thiên"

Dịch: Kia thành quách, kia non sông,trăm trận phong trần còn thước đất. Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh

Cụ Phó bảng Nguyễn Trọng Tỉnh có bài thơ điếu Hoàng Diệu, ghi lại trong Lịch sử vua quan nhà Nguyễn của Phạm Khắc Hòe

Tay đã cầm bút lại cầm binh
Muôn dặm giang sơn nặng một minh
Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa
Giữ thành, thành mất, mất theo thành
Suối vàng ắt hẳn mài gươm bạc
Lòng đỏ thôi đành gửi sử xanh
Di biểu nay còn sôi chính khí
Khiến người thêm trọng bút khoa danh


Di biểu củaHoàng Diệu trước khi tuẫn tiết

“…Tôi sức học rất thường được dùng quá lớn, mang ơn phó thác trọng trấn một phương .Giữa lúc giặc giã lung tung ba cõi , một kẽ học trò việc biên vốn chữa thuộc thông, 10 năm thương ước lòng địch vẫn khó tin .

Từ lúc tôi vâng lịnh vua ra trấn thủ Hà Nội đến nay ba năm vẫn lo rèn tập giáp binh ,sửa soạn thành lũy ; không những ở yên bờ cõi, mà còn phải phòng bị lòng chứng sài lang

Nào ngờ : chim chóc còn đang lót ổ, muôn thú đã dậy lòng tham. Ngày 1tháng hai năm nay, thấy tàu nước Phú -Lãng tấp nập kéo tới phần nhiều đậu ở đây .Binh họ đến phương xa, dân mình thấy mà lo ngại .

Tôi trộm nghĩ Hà thành là đất cuống họng của xứ Bắc, lại là nơi trọng yếu của nước ta, nếu như một may thành này chẳng may sụp đổ như núi lở, thì các tỉnh lần lượt vỡ như ngói tan .Vì thế mà tôi lo sợ khẩn cấp tư giấy đi các tỉnh lân cận, một mặt dâng sớ về triều đình cầu viện.

Nhưng mà mấy lần tiếp được chiếu thư gửi ra, khi thì trách tôi lấy việc binh ra hâm dọa , khi thì quở tôi phòng quân địch không phải đường …
Tôi tự xét không quyền chế, quan to dám đâu lìa chức ra đi ; răn mình theo đạo cồ nhân , lòng trung chỉ biết thờ vua một dạ .

Thường ngày tôi cùng hai người có chức vụ ,bàn soạn công việc, có người bàn nên mở cửa thành cho họ tự do ra vào, có người khuyên phải triệt binh để họ hết điều ngờ vực .Tôi nghĩ dù cho thịt nát xương mòn cũng cam không nở lòng nào làm những việc như thế cho được .

Giữa lúc ra thu xếp chưa địch ra sao, thì họ đã trái lời giao kết ngày trước .Ngày hôm mùng 7, họ đưa chiến thư, sáng hôm sau họ tiến quan đánh thắng.
Quân địch bu như kiến cỏ, súng tây nổ như sấm vang
Ngoài phố cháy lây trong thành khiếp vía .

Tôi tuy mới đau dậy, cũng cố gượng cầm binh, treo gương xông pha ,trước hàng tướng sĩ.Bắn chết quân địch hơn trăm, cố giữ thành trì nửa buỗi .
Nhưng mà họ mạnh ta yếu, viện tuyệt, thế cùng, tướng võ sợ địch bỏ chạy tứ tung, quan văn thấy nguy đua nhau đào tẩu .Tấc lòng tôi đau như dao cắt , một tay mình khó nổi chống ngăn .Làm tướng muốn không phải tài, than thân sống thật vô ích .

Mất thành mà chẳng thể cứu ,nghĩ mình tội chết có thừa. Thoát lấy thân hòng chuyện báo phục mai sau ,đâu dám đeo gương Tào Mạt; thà rằng chết để bù tránh nhiệm hiện tại chỉ còn bắt trước Trương Tuần

Nào dám khoe khoang gì đâu, chẳng qua vì thế sự khiến vậy

Để cho đất nước mất về quân địch, luống thẹn với sĩ phu đất Bắc ở trần gian; thôi thì lòng riêng nguyện với thành trì, xin theo gót tiên liệt Nguyễn Tri Phương nơi chín suối

Vài hàng lệ máu, muôn dặm quân vương, xin đem ánh sáng của mặt trời ,mặt trăng soi thấu lòng tôi vậy .”

Tự Đức năm thứ 35, ngày mồng tám tháng ba
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa

    02/02/2010Mai Thị QuýTinh thần yêu nước là giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. “Tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam" và “chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại...
  • Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long - Hà Nội

    17/10/2019GS.TS. Trần Văn BínhCon người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người...
  • Yêu nước

    30/04/2016GS. Tương LaiKhi “sơn hà nguy biến” trước giặc ngoại xâm thì phải bằng súng gươm để hóa giải, nhưng khi đất nước đối diện với nghèo nàn và lạc hậu, với tham nhũng và thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức quyền, thì phải bằng bản lĩnh và trí tuệ của tuổi trẻ để giúp nước. Cuộc chiến đấu này không có gươm súng, không dàn thành trận tuyến nhưng...
  • Tư tưởng cải cách qua tờ sớ năm Tân Sửu của một viên quan yêu nước, thương dân

    10/01/2016PGS.TS. Bùi Xuân ĐínhSuốt thời kỳ phong kiến, đã có biết bao trí thức tiến bộ, gồm các quan lại, văn thân, sĩ phu giàu lòng yêu nước, thương dân, có tinh thần trách nhiệm cao với dân, với nước, luôn trăn trở về tình trạng quan liêu của bộ máy công quyền các cấp - một trong những tác nhân quan trọng làm giảm nhịp độ phát triển của đất nước, nên đã chủ động đóng góp các ý kiến thông qua các tờ khải, tờ sớ, lời tâu…với các nhà cầm
    quyền, để cải cách nền hành chính nước nhà đưa đất nước tiến lên...
  • Một trường học yêu nước đầu tiên ở Hà Nội

    10/09/2013Nguyễn Vinh PhúcTừ giữa năm 1906 dân phố Hàng Đào thấy các nhà nho có tên tuổi như phó bảng Hoàng Tăng Bí, cử nhân Dương Bá Trạc, tú tài Lê Đại, huấn đạo Nguyễn Quyền... thường xuyên lui tới nhà cụ cử Lương Văn Can ở số nhà 4. Lại có cả các vị thanh niên Tây học danh tiếng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Bùi Đình Tá... cũng có mặt. Chẳng biết họ bàn việc gì song ai nấy đều đoán là liên quan đến "quốc sự" rồi.
  • Trả lại tên cho một nhà thơ tiền chiến đất Thăng Long

    02/09/2010Hoàng Thư NgânTôi cầm trên tay tập thơ “Hương sắc Yên hòa” do phường Yên hòa-quận Cầu giấy xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm thành lập CLB thơ (1995-2005). Không có gì đáng nói nhiều về tập thơ này, vì nó cũng như bao tập thơ khác sinh ra từ rất nhiều câu lạc bộ thơ tương tự ở các phố phường Thủ đô gần đây, nếu không có phần 2 của tập thơ nhan đề: “Hương xưa”(trang 187). Thoáng một chút thú vị , vì trong phần này có nhắc đến một người mà tên đã trở thành tên một đường phố của Hà nội : “Hoa-Bằng”...
  • Yêu nước không có nhiệm kỳ

    20/07/2010Phùng NguyênNhiệm kỳ là thời hạn chức vụ được quy định khi bổ nhiệm, nhưng lòng yêu nước vốn không có thời hạn nhiệm kỳ. Vậy mà hai khái niệm tưởng chừng như tách rời này lại liên quan chặt chẽ đến nhau...
  • Cầu Thăng Long - câu chuyện “tầm nhìn”

    22/06/2010Hoàng ThưCầu Thăng Long, theo đánh giá cá nhân của ông Phạm Sỹ Liêm, là một công trình được xây đồng bộ, đúng thời điểm “đón đầu” đổi mới nên phát huy hiệu quả. Bài học ấy rất đáng suy ngẫm trong tình hình hiện nay.
  • Kiến trúc Thăng Long-Hà nội trước ngưỡng cửa 1000 năm

    14/06/2010KTS Lý Trực DũngVới một quy hoạch đô thị khá hiện đại ở những năm đầu của thế kỷ 20 mang rõ dấu ấn của KTS Pháp tài ba Ernst Hebrad, với khu phố cũ 36 phố phường được giữ hầu như khá nguyên vẹn sau kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh phá hoại hủy diệt của Mỹ, và với gần 2000 biệt thự xây dựng theo “phong cách Đông Dương” hay còn gọi là kiến trúc thuộc địa, nếu được gìn giữ, tôn tạo, nếu phát triển khôn ngoan thì Hà Nội chắc chắn đã
  • Giữ vượng khí muôn đời cho đất Thăng Long

    10/06/2010Đoan TrangGạt bỏ những yếu tố tâm linh chưa giải thích được ngay một cách rộng rãi, thì thuật phong thủy nhấn mạnh rằng Hà Nội, với long mạch rất đẹp là Hồ Tây, sông Hồng, vượng vô cùng cho nên sẽ là đế đô muôn đời của Việt Nam. Đất nước Việt Nam cũng sẽ trường tồn, với điều kiện Hà Nội được vững mạnh.
  • Lòng yêu nước không là độc quyền của riêng ai

    25/02/2010Chu LaiLâu nay, người ta hay có thói quen suy nghĩ trên một lộ trình đường ray rằng, cái gì đã định hình thì mãi mãi định hình, bất biến, không thay đổi. Ví như lòng yêu nước.
  • Mỗi người có cách yêu nước riêng

    27/05/2009Hàm ĐanVượt qua mục đích ban đầu là bộ phim tài liệu độc lập của gia tộc, Mạn đàm về “người man di hiện đại” đã dựng chân dung một người “khổng lồ” đầu thế kỉ XX: Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
  • Những di sản sống của đất Thăng Long

    20/01/2009Lê Thị TrangQuả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả.
  • Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

    07/11/2006PGS, TS Lê Thanh BìnhTân thư góp phần giúp cho trí thức Việt Nam tiêu biểu thời đó học được phương pháp mà sau này người ta thường gọi là: “Tự thức tỉnh, tự phê phán" để nhìn nhận rõ các ưu khuyết, nhất là các nhược điểm trầm trọng của chính tầng lớp mình, của nhân dân mình, dân tộc mình đặng sửa chữa, khắc phục...
  • xem toàn bộ