“Hiện đại thứ hai” và nền văn hóa công luận

09:13 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Mười Một, 2018

Thế giới kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 bằng một sự kiện đặc biệt: hội nghị Copenhagen về biến đổi khí hậu được tổ chức rầm rộ chưa từng có với kết quả... đáng thất vọng! Cái “Realpolitik” (“chính trị thực tế”') vì lợi ích trước mắt của các quốc gia dường như vẫn còn thắng thế trước các mối hiểm họa toàn cầu.

Tuy nhiên, ở bình diện khác, hội nghị ấy vẫn mang tầm vóc lịch sử, vì, dù hay muốn hay không, nó là một dấu hiệu xác nhận các dự báo lý thuyết của nhiều nhà nghiên cứu xã hội vào những năm giao thời giữa hai thiên niên kỷ: sự chuyển biến khách quan của công cuộc hiện đại hóa thứ nhất sang thời kỳ hiện đại hóa thứ hai với một loạt các khái niệm mới mẻ như: xã hội-nguy cơ, xã hội-thế giới và nền văn hóa công luận… Có đủ lý do để chúng ta, khi đón xuân mới, thử tiếp cận với hệ vấn đề mới mẻ này, hay, nói đúng hơn, trở lại với vấn đề hiện đại hóa, một chủ đề của báo Xuân TBKTSG cách đây hai năm.

Từ “Hiện đại hóa thứ nhất” đến “Hiện đại hóa thứ hai”

Hiện đại hóa (thứ nhất) là một phức hợp những biến đổi bắt đầu từ thế kr thứ 18 ở phương Tây với các tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và cá nhân hóa. Luận điểm chủ yếu hiện nay: chúng ta đang là những chứng nhân của một sự đứt gãy của tiến trình hiện đại hóa, vì tiến trình ấy từng bước thoát ly khỏi các khuôn khổ của xã hội công nghiệp cổ điển để mang dấu ấn của một hình thái mới, gọi là xã hội-nguy cơ. Nếu trong ba thế kỷ qua, hiện đại hóa đã làm tan rã xã hội nông nghiệp lạc hậu và hình thành cấu trúc của xã hội công nghiệp thì công cuộc hiện đại hóa (thứ hai) ngày nay lại bắt đầu phá vỡ các khuôn khổ của xã hội công nghiệp để hình thành một hình thái xã hội mới. Đặc trưng để phân biệt giữa hai thế kỷ sẽ là sự thay thế “logic của việc sản xuất sự giàu có” bằng một “logic” mới đang ngày càng chiếm ưu thế. “logic của việc sản xuất nguy cơ”, đồng thời cũng là sự biến đổi từ “logic của việc phân phối sự giàu có” thành “logic của việc phân phối nguy cơ”.

Trong xã hội tiền hiện đại, nguy cơ chủ yếu gắn liền với thế giới tự nhiên: đói kém, bệnh tật, động đất…; còn ngày nay nguy cơ chủ yếu do chính con người tạo ra: sản xuất thừa, bất công, thất nghiệp, ô nhiễm với các dạng nguy cơ điển hình: hạt nhân, hóa học, sinh học và môi trường. Xã hội nguy cơ do nhân tai dần thế chỗ cho xã hội bất trắc do thiên tai.

Xã hội - nguy cơ, theo cách gọi của nhà xã hội học Ulrich Beck, sẽ mang nhiều đặc tính chưa từng có trước nay:

- Các bất trắc của xã hội tiền hiện đại và các khuyết tật của xã hội công nghiệp cổ điển dễ được nhận diện và xử lý. Trái lại, các nguy cơ ngày nay không dễ dàng nhận thấy, không ai quản lý và ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ tương lai : chẳng hạn, phóng xạ, hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí thực phẩm biến đổi gien...

- Mâu thuẫn trung tâm của xã hội hiện đại: những đại nguy cơ do chính con người tạo ra nhưng lại rất khó quy lỗi cho ai và không biết phải xử lý làm sao, vì chúng không thể bù đáp được bằng tiền bạc và cũng không thể bảo hiểm. Nói khác đi, đó là một “sự vô trách nhiệm có tổ chức”!

- Trong xã hội công nghiệp, tác động của sự bóc lột, nghèo đói, bất công... được cảm nhận khác nhan tùy theo vị trí xã hội, trong khi đó, các nguy cơ của xã hội hậu công nghiệp không còn được phân chia hay sắp xếp theo trật tự giai cấp: người giàu, kẻ mạnh đều không thoát nạn: “sự túng quẫn thì có tính đẳng cấp, còn ô nhiễm không khí thì… dân chủ!”.

- Các nguy cơ vượt ra khỏi ranh giới mọi quốc gia; xã hội nguy cơ cũng đồng thời là xã hội nguy cơ toàn cầu.

- Cấu trúc của sự bất công xã hội trong mỗi quốc gia và trong phạm vi thế giới còn lâu mới có thể thay đổi, nhưng xã hội nguy cơ sẽ làm biến đổi sâu sắc những điều kiện sống vật chất lẫn văn hóa. Vị trí kinh tế trong xã hội không còn nhất thiết đi liền với sự dị biệt về đẳng cấp như trước đây nữa. Hệ thống phúc lợi xã hội hiện đại, tính cơ động trong điều kiện sinh hoạt và làm việc của mọi người, nhất là của phụ nữ, sự bùng nổ của nền giáo dục suốt đời, và mở rộng liên tục những quan hệ cạnh tranh... sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cá nhân hóa. Thật thế, trước đây, trong quá trình công nghiệp hóa, con người trở thành một bánh răng trong bộ máy, một con số bị quản lý, cá nhân là một cá nhân thụ động, bị tổn thương (theo cách nhìn của Weber, Adorno, Horkheimer, Foucault...). Trong thời kỳ công nghiệp phát triển, từ một cách nhìn khác (Durkheim, Parsons, Luhman...), con người được giải phóng để trở thành cá nhân chủ động, thậm chí trở thành cá nhân nguy hiểm, cá nhân phì đại (hyper-individual), có khả năng gây tổn hại cho sự cố kết xã hội.

Trong thời kỳ hiện đại hóa thứ hai đang và sẽ diễn ra, tiến trình cá nhân hóa không khỏi mang lại một loại hình cá nhân khác nữa: cá nhân nước đôi, cá nhân nguy cơ, với tất cả thách thức lẫn cơ hội không lường trước được. Sự mất an toàn sẽ thay chỗ cho sự khan hiếm. Cộng đồng nhu cầu chuyển thành cộng đồng lo âu. Trong thời kỳ hiện đại thứ nhất, ý tưởng chi phối xã hội là ý tưởng về sự (bất) bình đẳng và đòi hỏi phúc lợi trong xã hội nguy cơ, sẽ là ý tưởng về sự an toàn. Động lực của xã hội trước đây là : “Tôi đói!”, còn động lực của xã hội tương lai sẽ là: “Tôi sợ?”. “Giấc mơ của xã hội phân chia giai cấp là ai ai cũng muốn và cần giành được một phần của chiếc bánh. Còn trong xã hội nguy cơ, giấc mơ là làm sao cho mình tránh khỏi bị đầu độc”!

Hiện đại phản tư tưởng và xã hội thế giới

Trong xã hội-nguy cơ, ngư ta đứng trước nghịch lý: sự lạm phát của những nguy cơ được cảm nhận lại dễ dàng dẫn đến sự dửng dưng, vì khi tất cả đều có thể trở nên nguy hại thì dường như chẳng còn có gì là thực sự nguy hiểm nữa. Thêm vào đó giới khoa học - với trách nhiệm xã hội cố hữu là phát hiện và cảnh báo - cũng thường bất lực trước sức ép và các thủ đoạn che đậy, xuyên tạc của các nhóm lợi ích. Do đó, sự thức tỉnh và phản tư cần phải được đặt ra trong một khuôn khổ và phạm vi sâu rộng hơn trước nhiều. Tiến trình hiện đại hóa chỉ trở nên phản tư, khi có đủ sức lấy chính mình và những nguy cơ do mình tạo ra làm chủ đề và vấn đề. Khi nhìn nhận rằng vấn đề không còn chỉ là tận dụng giới tự nhiên để giải phóng con người khỏi những cưỡng chế và thiếu thốn theo kiểu truyền thống mà là quan tâm đến những hậu quả của bản thân sự phát triển kinh tế-kỹ thuật thì chủ đề bàn luận là hiểu rằng tiến trình hiện đại hóa - xét như tiến trình đổi mới - cũng sẽ cũ đi. Phương diện khác của việc cũ đi này chính là sự ra đời xã hội nguy cơ: vượt ra khỏi những cơ chế kiểm soát và an toàn của xã hội công nghiệp truyền thống.

Trong tinh thần ấy, hiện đại-phản tư một mặt chống lại việc tiếp tục tiến trình hiện đại hóa một cách mù quáng, vì hiện đại thứ nhất chỉ mới là nhà hiện đại, còn mang đậm nhiều yếu tố tiền hiện đại, cần phải được giải thể và thay thế. Mặt khác, nó cũng phải tranh biện với các xu hướng hậu hiện đại muốn vứt bỏ hết mọi giá trị của hiện đại. Hiện đại-phản tư không còn chạy theo sơ đồ ứng xử và tư duy đơn thuần mang tính phương tiện-mục đích của hiện đại thứ nhất, trái lại, bất chấp mọi sự đứt gãy vẫn giữ vững và phát huy hằng số của các nguyên tắc hiện đại; đó là: sự bó buộc phải biện minh và lập luận, sự cạnh tranh của các lý lẽ và tôn trọng lý lẽ tốt hơn vì không ai nắm độc quyền chân lý, và, thứ ba, thừa nhận vị trí trung tâm của cá nhân với đầy đủ những quyền tự do chính trị, xã hội, văn hóa. Về mặt cấu trúc, hiện đại thứ hai hay hiện đại phản tư vẫn tiếp tục mang tính hiện đại, nhưng là tính hiện đại khác, kiểu khác.

Nếu xã hội-nguy cơ đã trở thành xã hội-nguy cơ toàn cầu thì bản thân mỗi xã hội riêng lẻ cũng mặc nhiên trở thành xã hội-thế giới. Các vấn đề toàn cầu cần đến những giải pháp toàn cầu (chẳng hạn: Nghị định thư Kyoto…), các thế lực toàn cầu (chẳng hạn các công ty xuyên quốc gia...) cần được đối trọng và kiềm chế bởi những định chế pháp lý quốc tế (nhiều người đã nghĩ đến mô hình “các nhà nước xuyên quốc gia”...). Muốn giải quyết các xung đột liên quốc gia một cách hòa bình, vai trò của công pháp quốc tế ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách.

Nền văn hóa công luận

Nhận diện xã hội công nghiệp như một xã hội-nguy cơ để phê phán và cải biến nó không thể không cần đến những cuộc thảo luận, tranh luận trong chốn riêng tư lẫn công cộng. Tuy nhiên, nhận thức những gì trước đây là hợp lý và đúng chức năng nay đang biến thành phi lý và phản chức năng bao giờ cũng khó khăn và gặp nhiều lực cản “sự biến đổi cấu trúc của công luận” là một đề tài lớn, đã được Habermas nghiên cứu từ khá sớm và ngày càng được giới nghiên cứu đặc biệt lưu ý. Trước thế kỷ 18, nền văn hóa châu Âu là nền văn hóa “nghi vệ” mà biểu tượng điển hình nhất của nó là cung điện Versailles của vua Louis XIV: sự vĩ đại của nước Pháp và của hoàng đế chế ngự cảm quan của người xem như là sự “độc diễn” của một phía. Sự ra đời của báo chí, các câu lạc bộ đọc sách, các quán cà phê trong thế kỷ 18 báo hiệu sự suy tàn của nền văn hóa “nghi vệ” phong kiến, nhường chỗ cho nền văn hóa “công luận” mang tính phê phán và tự do tư tưởng. Theo Habermas, Đại cách mạng Pháp chính là kết quả của sự biến đổi văn hóa ấy. Nhưng rồi chính sự lớn mạnh của nền truyền thông thương mại, sự ra đời của nhà nước phúc lợi trộn lẫn nhà nước và xã hội đã biến công luận phê phán thành một công luận tiêu thụ thụ động. Nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa (chủ nghĩa tư bản cổ phần, nhà nước phúc lợi, nền văn hóa tiêu thụ đại trà) đã phổ quát hóa logic của tính hiệu quả và sự kiểm soát xã hội.

Ranh giới giữa công cộng và riêng tư, giữa cá nhân và xã hội, giữa hệ thống (quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế) và thế giới cuộc sống trở nên nhập nhằng: hệ thống ngày càng khống chế và “thuộc địa hóa” thế giới cuộc sống, các đảng phái và các nhóm lợi ích thay chỗ cho nền dân chủ tham dự, xã hội ngày càng được quản lý tinh vi, vượt ra khỏi năng lực nắm bắt của những người công dân. Và chính xã hội-nguy cơ - và cùng với nó là xã hội-thế giới toàn cầu hóa - vào đầu thế kỷ 21 lại là cơ may để từng bước khôi phục và phát triển nền văn hóa công luận đúng nghĩa. Habermas tỏ ra lạc quan về triển vọng hồi sinh của “khu vực công cộng”. Ông nhìn thấy trong tương lai kỷ nguyên mới của một “cộng đồng chính trị” vượt ra khói khuôn khổ của các cộng đồng hạn hẹp dựa trên cơ sở quốc gia, chủng tộc và sự đồng nhất văn hóa để tiến tới một cộng đồng dựa trên những người công dân có những quyền hạn và nghĩa vụ bình đẳng được đảm bảo về pháp luật. Cộng đồng chính trị mang tính toàn cầu ấy đòi hỏi một nền văn hóa công luận tích cực, nơi đó những vấn đề thuộc về lợi ích chung có thể được thảo luận một cách công khai và sòng phẳng, và sức mạnh của công luận có thể tác động hiệu quả đến các quá trình lấy quyết định.

Tuy đã “chạm đúng vào dây thần kinh của thời đại” (Armin Nassehi), nhưng thật ra, các khái niệm mới mẻ như “xã hội-nguy cơ”, “xã hội- thế giới”, “hiện đại thứ hai”... mới chỉ là những dự phóng lý thuyết chưa thực sự ổn định và còn cần tiếp tục điều chỉnh phát triển. Và ngay cả sự hy vọng của một tác giả có uy tín lớn như Habermas cũng không phải được mọi người đồng tình và chia sẻ. Michael Schudson (Đại học Califomia, San Diego) ngờ rằng một khu vực công (luận) dành cho sự trao đổi thực sự độc lập và thuần túy dựa vào lý lẽ đã và sẽ không bao giờ có thật! Nhưng, khác và nhiều dự phóng không tưởng trước đây các nhà nghiên cứu xã hội ngày nay thường không thiếu những dữ kiện xã hội hiện thực để làm cơ sở cho những lý thuyết của mình. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Các nhà lý thuyết nhiều khi phải chạy hụt hơi mới theo kịp hiện thực, nhưng đồng thời nhiều dự phóng lý thuyết có cơ sở sẽ lại mở đường và định hình cho hiện thực, như kinh nghiệm lịch sử đã nhiều lần cho thấy. Ngay cả sự “không tưởng” cũng không thừa. “Một khi mọi ốc đảo của sự không tưởng đã trở nên khô cạn thì cs còn lại sa mạc của sự bất lực và vô nghĩa. Xin mượn câu nói ấy của Habermas làm món quà xuân gửi đến bạn đọc.

Giấc mơ của xã hội phân chia giai cấp là ai ai cũng muốn và cần giành được một phần của chiếc bánh. Còn trong xã hội nguy cơ, giấc mơ là làm sao cho mình tránh khỏi bị đầu độc!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bùi Văn Nam Sơn (1947 - )

    23/10/2009Dịch giả xuất sắc, triết gia gốc gác, tận tình
  • Truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại

    30/05/2008Trần Hữu QuangKhông gian công cộng đóng vai trò trung gian giữa xã hội công dân và Nhà nước, buộc Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do “tính công cộng” của nó. Không gian công cộng tự nó mang tính chất phê phán bởi lẽ nó giả định rằng phải có những thông tin về các hoạt động của Nhà nước để công luận có thể xem xét và phê phán các loại hoạt động này...
  • Từ hiện đại đến hiện đại hóa

    09/04/2008Bùi Văn Nam SơnỞ các nước đang phát triển, “hiện đại hóa” hiểu như một tiến trình phát triển độc lập về không gian và thời gian - có sức hấp dẫn của một sự “đi tắt đón đầu” để phồn vinh nhanh chóng và nhất là, một lần nữa, được giải phóng khỏi ách thống trị tinh thần sau khi thoát khỏi ách thống trị hiện thực của thực dân phương Tây...
  • Liên minh Xã hội Mở

    13/11/2007SorosTiến từ cái đặc thù sang cái chung, bây giờ tôi muốn tạo dựng sự biện hộ cho một xã hội mở toàn cầu. Tôi đã kiến nghị một liên minh của các nước dân chủ với mục tiêu kép: cổ vũ sự phát triển của xã hội mở trên khắp thế giới, và thiết lập một số qui tắc nền tảng để chi phối hành vi của các quốc gia đối với công dân của chúng và giữa chúng với nhau. Liên minh Xã hội Mở sẽ phải được các nền dân chủ phát triển lãnh đạo...
  • Toàn cầu hóa và sự phát triển hiện tại của triết học macxít

    07/09/2008Âu Dương KhangMặc dù chưa lý giải sâu, song C.Mác và Ph.Ăngghen đã có những dự đoán khoa học về xu thế lịch sử của toàn cầu hóa. Theo tác giả, lý luận của chủ nghĩa Mác chính là một loại lý luận mang tính hiện đại và đến nay, những khẳng định mang tính lịch sử của C.Mác về các giá trị của tính hiện đại vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa...
  • Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta

    22/08/2006Đông LaTinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản sao tồi mà thôi...
  • Các hệ tư tưởng và môi trường văn hóa, xã hội

    01/01/2006Nguyễn Đức ĐànMôi trường lịch sử, văn hóa và xã hội của Việt Nam cuối thế kỷ XIX và trong nhũng thập kỷ đầu của thế kỷ XX là một môi trường đặc biệt, nóng bỏng những đổi mới về mọi mặt, báo hiệu một thời kỳ đang chuyển hướng mạnh mẽ. Có thể khẳng định đây là thời kỳ bản lề của lịch sử văn hóa dân tộc sau bao nhiêu thế kỷ êm ả, tĩnh tại...
  • xem toàn bộ