"Hiện tượng con người" của Teilhard de Chardin

10:28 SA @ Thứ Tư - 13 Tháng Tám, 2014

“Hiện tượng con người”1, cuốn luận văn được nhà thần học Pierre Teilhard de Chardin viết lúc tài năng đã hoàn toàn chín, là một tác phẩm quy mô, đồ sộ nghiên cứu về hiện tượng tiến hóa của con người. Xin được giới thiệu chắt lọc cuốn sách và giới hạn trong ba ấn tượng mà chúng tôi hy vọng là vừa đủ để giúp bạn đọc hiểu và yêu cuốn sách.

Tiến hóa của người trong sự tiến hóa chung

Ngay từ phần Dẫn luận, tuy không nói trắng ra, nhưng de Chardin đã khiến cho bạn đọc cảm nhận thấy xưa nay việc nghiên cứu con người diễn ra chỉ như xem xét một đối tượng bất kỳ, không thấy đó chính là mình đang nhìn mình. Trong một chừng mực nào đó, công trình “Nguồn gốc các loài” chẳng hạn hình như vẫn mới chỉ nhìn thấy con người tiến hóa theo cung cách chẳng khác gì muôn loài: tiến hóa bằng thích nghi và tiến hóa bằng cạnh tranh sinh tồn. Thế nên, cái luận điểm được công bố năm 1859 trong cuốn sách của Charles Darwin về “sự sống sót của kẻ thích nghi nhất” (the survival of the fittest) đã được diễn giải sai trong những hệ thống phân biệt chủng tộc, phân biệt đẳng cấp thành “kẻ mạnh nhất là kẻ sống sót”.

Hành trình cả đời đã tạo ra và hun đúc phương pháp tổng quát của de Chardin là nghiên cứu sự tiến hóa của con người trong sự tiến hóa chung. Con người không thể như trong quá khứ, chỉ biết “tự đóng kịch cho mình xem”, và trong cái toàn cục đó, con người sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên ngoài Nhân Loại; cũng như Nhân Loại sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên ngoài Sự Sống, cũng như Sự Sống sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên ngoài Vũ Trụ.

Trong con mắt và cách làm việc của con người thực chứng, de Chardin vận dụng những thành tựu của nhiều ngành khoa học để lùi xa nhất theo trục thời gian, để nhìn và làm cho nhìn thấy con người trong thế tiến hóa. Được giúp sức bởi các môn Vật lý học và Sinh vật học trên đường hiện đại hóa, de Chardin đã nhận rõ sự thống nhất trong đa dạng của sự vật, nhận rõ tổ chức sinh thành ngày càng tỉ mỉ trong quá trình sáng tạo vũ trụ, như đã bộc lộ trong các đơn vị tiền nguyên tử chuyển sang nguyên tử, từ nguyên tử đến vô cơ, và về sau đến mô hữu cơ, rồi từ đó đến các đơn vị sống tiền tế bào đầu tiên hay những tập hợp mô, và rồi tới các tế bào, tới các cá thể đa bào, đến các thể có đầu óc, đến con người nguyên sơ, và rồi đến các xã hội văn minh.

De Chardin nhận thấy tính đồng qui mang bản chất người được biểu thị trên cấp độ di truyền và sinh học: sau khi Homo Sapiens bắt đầu phân hóa thành các chủng tộc riêng biệt (hay các tiểu loại) việc di dân và hỗn chủng (inter-mariage) dẫn đến hiện tượng ngày càng nuôi dưỡng nhau giữa tất cả các loại người khác nhau. Kết quả, con người là loại thành công độc nhất trong việc duy trì mình như là một nhóm hay chủng loại tương dưỡng duy nhất, và đã không đi xa ra ngoài thành nhiều tập hợp tách biệt về mặt sinh học (giống như loài chim, với khoảng 8.500 loại, hay các côn trùng với hơn một nửa triệu).

Nhưng, sự tiến hóa như thế vẫn mới chủ yếu cho thấy vẻ bên ngoài của vấn đề. De Chardin còn nhấn mạnh thêm vào mặt nội tại của sự vật – và đây là đóng góp lớn khác nữa của ông, đó là việc đưa tư duy người vào sự tiến hóa như một biến số hoàn toàn mới của sự triển diễn.

Biến số Tư duy-Người

Trước hết là những biểu hiện bề ngoài đầy ấn tượng. De Chardin viết:

Điều gì đã xảy ra giữa các địa tầng cuối cùng của Thế Thượng Tân (khi con người vắng mặt) và tầng tiếp theo nơi các nhà địa chất phải sững sờ nhận ra những khối thạch anh được đẽo gọt đầu tiên? Và độ lớn đích thực của sự đột biến này là như thế nào?

Và ở một đoạn khác, chính de Chardin đã trả lời – câu trả lời mới đầu còn trầm tĩnh, cuối cùng kết thúc như một tiếng reo vui, Tư duy đã ra đời:

Trong khi tâm thần của Loài Ngựa, Loài Hươu, Loài Hổ phát triển lên, cũng như Côn Trùng, chúng trở thành tù nhân của những phương tiện để chạy và để săn mồi mà các chi của chúng đã có được. Ngược lại, ở Bộ Linh Trưởng, sự tiến hóa, không đáng kể và vì thế vẫn để các phần còn lại mềm dẻo, đã hoạt động ngay ở trong bộ não. Và đó là lý do chính cho việc chúng dẫn đầu trong sự đi lên, hướng đến ý thức cao nhất. Trong trường hợp có ưu thế và đơn biệt này, sự trực sinh cụ thể của dòng trùng hợp đích xác với Sự Trực Sinh chủ đạo của chính Sự Sống: theo một câu nói của Orborn, mà tôi mượn và thay đổi nghĩa, sự trực sinh này là “phát sinh quí tộc”, – và vì thế mà không bị giới hạn.

Từ đó ta có được kết luận đầu tiên rằng, nếu, trên Cây Sự Sống, Động Vật Lớp Thú tạo nên một Ngành chủ đạo, cái Ngành chủ đạo; và Bộ Linh Trưởng, tức là sinh vật dùng não và tay – là mũi tên chỉ hướng của Ngành này, – và các loài Khỉ Giống Người là cái mầm kết thúc cái mũi tên đó.

Và từ đó, chúng ta hãy bổ sung rằng, ta có thể dễ dàng xác định ra chỗ đôi mắt chúng ta phải dừng lại trên Sinh Quyển, trong khi chờ đợi điều phải đến. Chúng ta đã biết rằng, ở khắp nơi, tại đỉnh những tuyến dòng đang hoạt động, chúng tự nóng lên bởi ý thức. Nhưng trong một vùng được xác định rõ, ở giữa Lớp Thú, nơi hình thành những bộ não có hiệu lực nhất mà Tự Nhiên từng tạo nên, những tuyến này bừng đỏ. Và thậm chí ở ngay giữa vùng này, một điểm nóng sáng rạng tỏa.

Chúng ta hãy đừng rời mắt khỏi cái đường nhuốm đỏ ánh rạng đông này.

Sau hàng nghìn năm nó vươn lên ở bên dưới tầm nhìn của chúng ta, rồi một ngọn lửa sẽ bùng lên, tại một điểm khu trú tuyệt đối.

– Tư Duy đã ra đời!

Biến số Tư duy góp phần ra sao vào cuộc tiến hóa của Người? Có phải tư duy là đặc quyền chỉ riêng Người mới có?

Tiến hóa, như là một sự phát triển “tự nhiên” của Tự nhiên, đã diễn ra với mọi loài. Song, cái ngưỡng tạo ra sự phân biệt con người với mọi động vật có xương sống, nhất là với động vật thuộc bộ Linh trưởng là một yếu tố hoàn toàn mới của Tư duy: de Chardin đưa ra khái niệm Tư duy Phản tư. Đó là sự nhận thức về bản thân, và đó là sự biết rằng mình biết. Rồi bản thân sự phản tư cũng tiến hóa tới ngưỡng của nó. Sự tiến hóa đó diễn ra trên ba cấp độ. Ở cấp độ phần tử, nó đánh dấu sự tiến hóa thành Người của cá thể người. Ở cấp độ dòng, nó đánh dấu sự tiến hóa thành Người của loài. Và sau hết, ở một cấp độ thứ ba, cấp độ toàn hành tinh, nó đánh dấu sự ra đời của Tuệ quyển(noosphère).

Khái niệm Tuệ quyển được hiểu như thế nào? Đối với de Chardin, noosphere là thuật ngữ diễn tả tốt nhất một thứ “nhận thức tập thể” của các cá thể người. Tuệ quyển nảy sinh từ các tinh thần con người tương tác giao thoa nhau. Tuệ quyển đã phát triển lên từng bước tương ứng với quá trình quần thể nhân loại quan hệ với nhau, khi loài người sinh sôi nảy nở đầy Trái đất. Khi loài người tự tổ chức thành các hệ thống xã hội phức tạp hơn, thì Tuệ quyển sẽ phát triển cao hơn trong nhận thức. Đó là quá trình bành trướng. De Chardin còn cho rằng Tuệ quyển đang phát triển hướng tới hội nhập, đồng qui và thống nhất lớn lao, lên đến đỉnh tột cùng là Điểm Omega, mà theo nhãn quan của ông, đó là cứu cánh của lịch sử.

Viễn cảnh Siêu việt-Người

Tư tưởng về Tuệ quyểndẫn chúng ta một cách tự nhiên sang ấn tượng của tác phẩm “Hiện tượng con người”, đó là viễn cảnh Người sau khi đã nhìn được con đường tiến hóa của mình. Phần sách thứ ba của de Chardin có tên Survie vừa dễ hiểu vừa khó dịch; cái nghĩa đen bóng bẩy của nó là như sau: ta đã biết trước khi có sự sống thì Vũ trụ này sống ra sao, rồi khi có sự sống thì Vũ trụ này sống như thế nào, và sau hết, khi ta đã biết con người là một sự sống trong Tuệ quyển, khi ấy con người sẽ phải chọn lối sống như thế nào để sự sống đích thực Người được tiếp tục phát triển mà không biến mất chất Người. Tôi đoán rằng dịch giả Đặng Xuân Thảo chọn Sự Sống Siêu Việt là có ý đó.

De Chardin có câu nói tổng hợp rất có ý nghĩa: “Mọi điều thăng hoa cao đẹp đều hội tụ nhau2 (“Tout ce qui monte, se converge”). Ngày nay con người có xu hướng đối thoại, toàn cầu hóa, hòa giải, hơn là đối đầu và xé lẻ vị kỷ. Vào tháng 6/1995, Jennifer Cobb Kreisberg viết trên tạp chí Wired rằng “Teilhard nhìn thấy hệ thống Mạng trước khi nó xuất hiện đến hơn nửa thế kỷ“… “Teilhard mường tượng ra một giai đoạn tiến hóa đặc trưng bởi một lớp màng thông tin phức tạp bao phủ toàn cầu và được tiếp liệu bởi nhận thức của con người. Nó nghe có vẻ điên rồ cho đến khi bạn nghĩ tới hệ thống Mạng, cái hệ thống mạng điện tử khổng lồ bao quanh Trái đất, chạy từ điểm này sang điểm kia thông qua một tập hợp những sợi dây điện nối với nhau như hệ thống thần kinh.”3

Có thể hình dung thấy ảnh hưởng quan trọng của “Hiện tượng con người” đối với tư duy của mọi con người trong thế giới hiện đại. De Chardin phối hợp kiến thức khoa học uyên bác với cảm thức tôn giáo thâm sâu để cảm nhận về các giá trị nghiêm túc.

De Chardin buộc các nhà thần học phải xem xét tư tưởng của họ trong viễn tượng tiến hóa mới của con người, và các nhà khoa học thì cũng phải xem xét lại các hệ lụy trí thức của họ. De Chardin vừa soi sáng vừa giúp thống nhất cách nhìn thực tại của chúng ta, không thể mãi mãi chủ trương rằng khoa học và tôn giáo phải và chỉ có thể hoạt động trong những ngăn chật ních tư tưởng lắm khi đố kỵ. Những người có tinh thần tôn giáo không thể quay lưng họ với thế giới tự nhiên, và những người có tinh thần duy vật không thể từ chối tầm quan trọng của kinh nghiệm thiêng liêng và cảm thức tôn giáo.

Là tu sĩ Dòng Tên nhưng Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) được các đấng bề trên cho phép nghiên cứu khoa học tự nhiên. Không có sự cho phép đó, khó có thể có một de Chardin là nhà địa chất, nhà cổ sinh vật học, người đã tham gia khám phá di chỉ người vượn Bắc Kinh ở Chu Khẩu Điếm.

Ông từng có ba năm (1905-1908) dạy lý và hóa ở ĐH Dòng Tên ở Cairo, Ai Cập. Tại đây, ông còn tham gia khai quật địa chất và tận mắt thấy và sở hữu một hóa thạch răng cá mập. Bốn năm sau đó, ông học thêm về thần học tại Sussex, Anh Quốc, nơi ông tổng hợp kiến thức khoa học, triết học và thần học của mình dưới ánh sáng của sự tiến hóa. Năm 1912, ông được truyền chức linh mục. Năm 1922, sau những khổ ải của anh lính cáng thương ngoài mặt trận, de Chardin lấy bằng Tiến sĩ Cổ sinh vật học ở ĐH Sorbonne. Năm 1923, ông qua Trung Hoa một năm để rồi có cuộc trở lại kéo dài khoảng 20 năm, kể từ năm 1926. Năm 1948, ông được mời sang Mỹ lần đầu. Ông được tạo điều kiện đi thăm nhiều nơi trên thế giới mà quan trọng hơn cả có lẽ là cơ hội đến tận nơi khai quật “người vượn Nam phương” Australopithecus ở châu Phi. Thế rồi, cú đánh nặng nề vào de Chardin có lẽ là sự kiện xảy ra năm 1950 khi đơn xin phép xuất bản cuốn Le Groupe Zoologique Humain (Nhóm động vật người”) của ông bị Roma từ chối, cấm in. Mà cuốn sách đó lại như là một kiểu “đề cương chi tiết” cho công trình Hiện tượng con người sau này!

Năm 1951, de Chardin trở lại Mỹ và lần này thì ở lại hẳn và có trụ sở tại New York. Công trình lớn của đời ông, Hiện tượng con người vẫn chưa được phép cho xuất bản của nhà thờ. Nhưng theo luật, thì sau khi tác giả qua đời, bản thảo có thể được người khác đứng ra xuất bản. Và vì thế mà bây giờ ta có Hiện tượng con người và toàn bộ công trình khoa học triệt để của một ông thầy tu vĩ đại.

---

1 Đặng Xuân Thảo dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri thức ấn hành tháng 6/2014, 564 trang.

2 Lời giới thiệu bản dịch sách của De Chardin do Julian Huxley viết.

3http://archive.wired.com/wired/archive/3.06/teilhard.html

Nguồn:Tia Sáng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Quỷ, quái, ma, yêu và trí khôn của con người

    31/10/2019Nguyễn Tất ThịnhNhững Hiền Triết minh huệ xa xưa không hề nói nhiều, chẳng cần những tác phẩm đồ sộ ‘chẻ tóc làm tư’ mà thành bao nhiêu học giả đang cố thể hiện trí khôn của mình như bây giờ….( thật tội nghiệp cho việc con Người sau này phải bị nhồi nhét bao nhiêu ‘giáo điều’….). Vì các Vĩ nhân đó đã nói hết, tận cùng và giản dị về Chân Lý. Tôi sẽ diễn đạt rất ngắn trong trong bài này...
  • Khai phá và hoàn thiện con người tự do

    16/01/2019Thư Hiên (thực hiện)GS Hoàng Tụy cho rằng, sau hàng thập niên đi lạc hướng, giờ đây giáo dục Việt Nam đã có dấu hiệu tìm được đúng đường. Mục tiêu tổng quát của Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”, là một minh chứng rõ nét...
  • Con người có thể thắng được tiêu cực của xã hội hiện đại

    17/11/2018Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấnTất cả những người khi tôi hỏi rằng cái gì làm cho họ hạnh phúc hay bất hạnh, thì ngay những người nghèo nhất cũng không nói nguyên nhân vật chất, mà đều nói về những cống hiến, những mối quan hệ với con người. Nền tảng để có quan hệ tốt đẹp chính là các giá trị. Trong khi đó, giá trị lại bắt nguồn từ bản thân
    con người...
  • 'Con người tự do' là đích đến của giáo dục

    15/06/2015Chi Mai thực hiệnMở trường trên mạng, TS Giáp Văn Dương theo đuổi triết lý "trên một mệnh đề duy nhất: Con người tự do là đích đến của giáo dục"...
  • Con người tự do vẫn là ý niệm xa lạ

    03/06/2015Hải Tâm (thực hiện)Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân.
  • Môn triết học và mục tiêu đào tạo con người độc lập

    09/07/2014Nguyễn Khánh TrungNgày 16/6 vừa qua, học sinh lớp 12 ở Pháp đã thi môn triết trong kỳ thi tú tài. Đọc các đề thi môn học này, chúng ta có thể thấy phần nào mục tiêu đào tạo con người có khả năng tư duy độc lập, lập luận một cách logic dựa trên lý tính và có óc phản biện mà giáo dục phổ thông của họ đặt ra...
  • Con người tự do

    16/09/2013Thùy LinhCái đích của giáo dục chính là tạo ra những con người tự do, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm. Vì một người hiểu biết tự do mới có thể tràn trề một tình yêu và ý thức về bổn phận. Một người am hiểu tình yêu, bổn phận thì người đó cũng sẵn sàng ban tự do và sống có trách nhiệm với xã hội. Và tự do chính là sự tin tưởng...
  • Những yếu tố quy định hành vi của con người

    23/07/2013Nguyễn Hoài VânChúng ta thường nghĩ mình làm chủ hành vi của mình. Có thật thế không ? Nói cách khác, chúng ta có thực sự phải chịu trách nhiệm những việc làm và thái độ của mình hay không?
  • Sứ mệnh mở mang đầu óc con người

    21/05/2013Nhà giáo Phạm ToànNghĩ đến một sự nghiệp Giáo dục, tất phải nghĩ đến sứ mệnh mở mang đầu óc con người – bây giờ còn quen gọi là “khai phóng” – theo tinh thần khai mở, như từng được xướng xuất từ Phan Châu Trinh, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
  • "Ranh giới cho những khả thể của con người"

    29/09/2012Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Thị Từ HuyÍt có môn học nào khiến người ta dằn vặt như môn triết, bởi có quá
    nhiều đường vào và cách gặp. Những triết gia lớn - qua tiểu sử của họ -
    đến với triết học từ nhiều chân trời rất khác nhau, có khi từ những sự
    cố gây chấn động trong tâm tư...
  • xem toàn bộ