Hệ tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu

03:44 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Tư, 2007

Toàn cầu hóa là quá trình tương tác trên quy mô toàn cầu của các loại hình hoạt động xã hội, bao gồm cả loại hình hoạt động chính trị. Biểu hiện cơ bản nhất của toàn cầu hóa là sự hợp tác toàn cầu. Xây dựng nền văn hóa chính trị có quy mô toàn cầu chính là xây dựng hệ ngôn ngữ chính trị đế tất cả những người đại diện trên thế giới có thể đối thoại, cùng nhau loại bỏ những mặt di biệt thái quá, đồng thể tìm kiếm những mặt chung nhất, liên quan đến lợi ích toàn cầu, làm xuất phát điểm cho những cuộc đối thoại đó.

Xưa nay, do tính đại diện, các nhà chính trị chỉ nói tiếng nói dân tộc mình. Chẳng hạn, vì quá lệ thuộc vào việc bầu cử mà các nhà chính trị luôn luôn phục vụ lợi ích của cộng đồng mà mình đại diện. Mục tiêu của nhà chính trị không phải là phân đâu để duy trì địa vị người đại diện của mình trong một giai đoạn nào đó mà là vận dụng địa vị đại diện của mình để giành lợi ích cho cộng đồng. Những lợi ích cộng đồng như vậy, trong điều kiện toàn cầu hóa, chính là khả năng hợp tác giữa các cộng đồng. Vì vậy, nhà chính trị có chất lượng toàn cầu phải là người hiểu biết và cảm thông về mặt văn hóa trước các cộng đồng khác, có khả năng đại diện cho cộng đồng của mình để thương lượng và đối thoại với cộng đồng khác. Hơn nữa, những nhà chính trị này phải thấm nhuần những mặt chung của nhân loại, có thể biến những mặt riêng biệt của cộng đồng mình thành mặt chung, tức là phải thúc đẩy quá trình hợp tác, trong đó các cộng đồng tự cải tạo và cải tạo lẫn nhau. Chỉ có như vậy, họ mới có phẩm chất cơ bản của người đối thoại, tức là biết chấp nhận các khía cạnh dị biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng toàn cầu. Đó chính là những đòi hỏi của quá trình toàn cầu hóa về chính trị.

Người đại diện cho mỗi quốc gia là người phát biểu tình cảm, tư tưởng, nguyện vọng, ý chí của quốc gia ấy. Người đại diện của quốc gia này phải có những phẩm chất nhất định để đảm bảo tính cân bằng tương đối với người đại diện của các quốc gia khác. Trước hết, người đại diện phải có tình yêu với quốc gia mình đại diện, tức là phải trung thực về mặt chính trị, không bán rẻ quốc gia của mình, không đánh đổi Tổ quốc mình lấy những lợi lộc cá nhân. Thứ hai, người đại diện phải có năng lực đối thoại, năng lực ứng phó, để giành những điều kiện thuận lợi nhất cho Tổ quốc mình, hay ít nhất trong trường hợp buộc phải ở trong thế yếu, thì tránh được cho quốc gia những thất thiệt ở mức tối đa.

Như trên chúng tôi đã phân tích, sự trưởng thành của nhân loại đặt ra những yêu cầu mới đối với những người đại diện của nhân dân và của quốc gia. Tuy nhiên, không bao giờ có một nhà chính trị hoàn toàn tự do. Mọi nhà chính trị đều lệ thuộc vào lực lượng chính trị trong quá khứ đã đưa họ lên vị trí chính trị mà họ đang nắm giữ. Một khi xã hội chưa kịp thời thay đổi thì nhà chính trị là nô lệ, là con tin của các lực lượng chính trị cũ.

Do đó, chúng ta cần phải xây dựng được một hệ giá trị hay những tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu. Chống phân biệt chủng tộc, chẳng hạn, là một trong những tiêu chuẩn chính trị toàn cầu. Có thể nói, với sự đồng thuận trên quy mô quốc tế về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chúng ta đã xây dựng được tiêu chuẩn chính trị toàn cầu, bởi vì nếu còn phân biệt chủng tộc thì chủng tộc này không bình đẳng trong đối thoại chính trị với chủng tộc kia, con người này không bình đẳng trong việc đối thoại với con người kia, bởi vì con người nào cũng là những nhà phát ngôn cho những xu hướng chính trị khác nhau.

Chúng ta cũng đã xây dựng được những tiêu chuẩn khác: chống sử dụng lao động trẻ em, chống sử dụng lao động tù nhân, chống huỷ hoại môi trường, chống phân biệt nam nữ. Đó chính là những tiêu chuẩn đầu tiên trong hệ tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, hệ tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu còn có những khía cạnh cao cấp hơn, chuyên nghiệp hơn mà chúng ta chưa xây dựng được, thế giới cũng chưa xây dựng được, ví dụ tôn trọng tính đa dạng của hệ thống tư tưởng, tôn trọng tính đa dạng về phong thái văn hóa toàn cầu...

Xây dựng tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu là làm cho mọi người có thể đối thoại bình đẳng và tự do với nhau, không lệ thuộc vào các ưu thế của các cộng đồng. Thế giới đã xây dựng những cơ chế như vậy, những cơ chế này được thể hiện qua cơ cấu Liên Hợp quốc, IMF, WB... Tuy nhiên, trên thực tế những tổ chức như vậy bị xem như những cái chùa và người ta luôn cố gắng để tháo tung nó ra. Bản thân các quốc gia luôn có xu hướng xây dựng và phá vỡ các tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu, hay nói cách khác, các tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu là một quá trình, là một đại lượng bất biến, chứ không phải là một trạng thái, bởi vì nó thay đổi cùng với sự thăng trầm các quyền lực chính trị quốc tê. Do vậy, người ta phấn đấu cho một chế độ đa cực về chính trị bởi người ta không muốn có một xu thế duy nhất về mặt chính trị: Bảo vệ tính đa dạng của đời sống chính trị toàn cáu được thể hiện dưới dạng xây dựng các cơ cấu đa cực, nhưng để xây dựng các cơ cấu đa cực thì buộc tất cả các dân tộc phải sáng suốt và cùng phấn đấu.

Những người đại diện cho các quốc gia cần phải cùng nhau xây dựng một hệ thống những tiêu chuẩn sinh hoạt chính trị chung, cho phép họ nói chuyện chung được với nhau, bất chấp những khác biệt về chính là, tôn giáo hay tư tưởng. Điều đó sẽ có lợi hơn cho các quốc gia nhỏ yếu, buộc các cường quốc cũng phải tuân thủ những khế ước công bằng hơn và có tính chất toàn cầu. Các quốc gia và các tổ chức khu vực phải gánh trách nhiệm thỏa thuận với cộng đồng quốc tế, để tạo ra những tiêu chuẩn văn hóa cho các sinh hoạt chính trị quốc tế. Ví dụ, không được can thiệp vào cóng việc nội bộ của nhau là một tiêu chuẩn văn hóa để đối thoại.

Tất cả các quy tắc đều được xây dựng bằng thỏa thuận hay nói cách khác, mọi quy tắc và luật pháp đều là những khế ước, mặc dù mỗi sự thỏa thuận đều có những nội dung và hình thức khác nhau, phụ thuộc vào tương quan lực lượng trên thế giới trong từng giai đoạn. Những tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu cũng được xây dựng theo cách đó. Bởi nếu không được xây dựng theo những cách thức như vậy, các dân tộc yếu sẽ không bao giờ có được tiếng nói thực sự của mình. Họ có thể có địa vị lý thuyết nhưng không bao giờ có địa vị thực tế. Việc các dân tộc nhỏ đấu tranh xây dựng những tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu chính là nhằm xác lập các địa vị sinh hoạt chính trị.

Nhưng liệu những tiêu chuẩn như vậy có thể có hiệu lực thực tế hay không?

Câu trả lời của chúng tôi là: có thể, hơn nữa chắc chắn là: có bởi vì, các dân tộc nhỏ bao giờ cũng đông hơn, còn các dân tộc lớn bị lệ thuộc vào các dân tộc nhỏ, bởi họ cần thị trường, nguyên liệu, nhân công rẻ... Thực ra, các nhà kinh doanh đã có những tiêu chuẩn toàn cầu sớm hơn các nhà chính trị. Chính những yêu cầu của khách hàng đã buộc họ phải luôn luôn nghiên cứu thế giới và những đặc điểm mang tính chất dân tộc hay khu vực. Xã hội loài người chắc chắn sẽ phát triển theo chiều hướng thương mại hóa. Và chính địa vị người mua cũng sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc xác lập những tiêu chuẩn sinh hoạt chính trị toàn cầu.

Những nhiệm vụ cần phải làm để tiến tới một nền văn hóa chính trị toàn cầu, có thể tóm tắt trong những nét sơ lược sau đây:

1. Xây dựng một nền văn hóa ngoại giao

Trước khi chiến tranh lạnh kết thúc, có thể coi ngoại giao giữa các quốc gia như - chúng tôi từng trình bày - diễn ra trong thế giới của những người điếc. Các cộng đồng đều đưa ra yêu sách của mình nhưng không hiểu hoặc không muốn hiểu đối tác, hay nói đúng hơn, không muốn thừa nhận đối tác. Thực tế ngày nay đã đổi khác. Chúng ta cần và buộc phải hiểu các đối tác, nắm được những yêu cầu của họ. Ngày nay, các mâu thuẫn và xung đột quốc tế cần phải giải quyết theo tư duy ngoại giao mới. Đó là một nền văn hóa ngoại giao giúp cộng đồng các quốc gia hiểu biết, thông cảm và chia sẻ quyền lợi cùng nhau. Đó là sự hợp tác và cạnh tranh để mang lại thắng lợi cho các bên đối tác:

Những thay đổi sâu sắc của thế giới, trong vài thập kỷ gần đây, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa và sự gia tăng ảnh hưởng của các quyền lực đa quốc gia, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy đối ngoại mới. Nếu như trước đây, mỗi quốc gia chỉ có một chính sách đối ngoại nhằm xử lý các quan hệ với các quốc gia khác, thì nay cần có một chính sách đối ngoại thứ hai, ngày càng trở nên quan trọng, nhằm giải quyết quan hệ với các lực lượng đa quốc gia.

Chính sách đối ngoại giữa các quốc gia cần phải tính đến đặc điểm đa cực và ràng buộc lẫn nhau của thế giới hiện đại dưới tác động của toàn cầu hóa. Mặt khác, bằng các chính sách đối ngoại khôn khéo trong quan hệ với các công ty đa quốc gia, một chính phủ có thể biến họ thành đồng minh của mình, không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, phục vụ tết cho nhu cầu phát triển đất nước, đồng thời hạn chế sự thao túng của họ. Trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác vô cùng phức tạp hiện nay, chính phủ nào, quốc gia nào tranh thủ được các lực lượng đa quốc gia sẽ có sức cạnh tranh lớn để thực hiện thành công chính sách phát triển kinh tế của mình.

2. Tôn vinh những giá trị phổ quát

Dân chủ, nếu không lệ thuộc vào cái vỏ ngôn ngữ của nó, mà nhìn nhận về bản chất, thì là một giá trị phổ quát, tuy khái niệm này ở mỗi thời và ở mỗi địa phương đều có những biến thể. Chúng tôi cho rằng có những tiêu chuẩn giá trị chung cho cả phương Đông và phương Tây. Cơ sở cho nhận định này nằm ở chỗ, con người cho dù ở đâu, thuộc về dân tộc nào, tôn giáo nào cũng đều là con người với những khát vọng chung về hạnh phúc, những đau đớn chung mang tính đồng loại. Càng ngày, xã hội hiện đại càng cho phép và đòi hỏi chúng ta phải xích lại gần nhau hơn. Quả thực, trong thế giới hiện đại, khi khoa học kỹ thuật đang tiến như vũ bão, khi trái đất đang nhỏ lại như một cái làng, thì con người cảm thấy mình phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Điều dễ nhận thấy nhất, dĩ nhiên, là một tương lai chung. Nếu như chúng ta không cùng nhau hành động, nếu như chúng ta không thỏa thuận được với nhau để sống chung trong ngôi nhà hành tinh, và hơn thế nữa, nếu chúng ta không bắt tay ngay vào việc bảo vệ ngôi nhà chung ấy thì tương lai của chúng ta tất yếu sẽ bị huỷ hoại. Nếu cuộc sống đang đặt ra cho con người toàn thế giới những nhiệm vụ chung thì cũng đặt ra những tiêu chuẩn chung cho cuộc sống cộng đồng. Những tiêu chuẩn này ngày càng nhiều hơn và ngày càng quan trọng hơn.

Sự xích lại gần nhau của nhiều quan niệm phương Đông và phương Tây về những giá trị văn hóa là điều đương nhiên. Đời sống hiện đại buộc con người phải học cách sống chung. Họ buộc phải có những thỏa thuận, những quy tắc, đầu tiên là những thỏa thuận luật pháp, sau đó là những thỏa thuận chính trị, và cuối cùng là những thỏa thuận văn hóa.

3. Xây dựng nền pháp quyền toàn cầu

Ý tưởng về một thế giới pháp quyền dĩ nhiên là sự phát triển của khái niệm nhà nước pháp quyền, nhưng nó chỉ có thể xuất hiện một cách nghiêm túc cách đây không lâu, khi tiến trình toàn cầu hóa đã trở nên không thể nào đảo ngược. ý tưởng này dựa trên việc xác định những tiêu chuẩn pháp lý phi chính trị, không thiên vị và độc lập, có vai trò điều tiết toàn bộ các mối quan hệ, không chỉ giữa các quốc gia mà còn giữa các tổ chức, khu vực và thậm chí giữa các cá nhân. Một ý tưởng như vậy liệu có không tưởng không? Cái gì sẽ đảm bảo tính khả thi của nó? Câu hỏi là có cơ sở bởi vì dễ nhận thấy ngay rằng, một hệ thống những tiêu chuẩn như thế rất dễ dàng rơi vào tính trừu tượng, và việc quy định những quyền của các quốc gia sẽ trở nên vô nghĩa, nếu như nó không có được tính hợp pháp chính trị. Hơn nữa, ngay cả tính hợp pháp chính trị cũng có thể vấp phải hàng rào định kiến, những khác biệt về văn hóa và sự lộng hành của bạo lực.

Chúng tôi cho rằng, một cộng đồng pháp quyền toàn thế giới hoàn toàn có thể có được, nhưng không phải là điều tất nhiên. Cái cần thiết cho sự ra đời của nó là sự xuất hiện, với tỷ lệ áp đảo trên thế giới, những nhà lãnh đạo đủ tiêu chuẩn văn hóa chính trị, và cùng với nó là hệ thống những quy tắc và những tiêu chuẩn chính trị toàn cầu

Văn hóa không phải là hệ quả của kinh tế và chính trị, mà là môi trường, là nền tảng của kinh tế và chính trị. Chiến tranh Lạnh chấm dứt và sự hình thành của cái thường được gọi là "thế giới đa cực" khiến cho khả năng thiết lập một trật tự bằng những yếu tố văn minh hơn có thể trở thành hiện thực. Cơ sở của một thế giới như thế, như chúng tôi vừa trình bày trên đây, chính là hệ thống những tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu. Nhưng đồng thời chính những tiêu chuẩn này, đến lượt nó, lại tác động trở lại môi trường văn hóa thế giới, cho phép chúng ta tiến tới một nhân loại văn hóa, tức là một nhân loại có chung một nền đại văn hóa, bao gồm và trân trọng những bản sắc văn hóa riêng, giúp nó vượt qua tất thảy những trở ngại chính tả, dân tộc, tôn giáo... Nói cách khác, đó là con đường tiến tới một cộng đồng văn hóa toàn thế giới.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: