Hãy cứ thử làm dân!

01:00 CH @ Thứ Năm - 21 Tháng Chín, 2017

Dân là gốc của nước. Lấy dân làm gốc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ" và do vậy, "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Ông còn giải thích rõ: dân chủ nghĩa là dân là chủdân làm chủ. và “thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn".

Đảng ta tồn tại, phát triển, giành được nhiều thành công là một phần lớn nhờ kiên trì quan điểm cơ bản đó.

Nhưng, lâu nay, trong thực tiễn cuộc sống, có nhiều lúc nhiều nơi, tư tưởng nền tảng đó đã không được gìn giữ và phát huy; Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, nhất là những kẻ nắm quyền lực, đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc này của Đảng. Vô cùng nhiều trường hợp, những kẻ này – các ông quan cách mạng, cấu kết với các “ông chủ” mới lên đã bất chấp nguyên tắc pháp lý và đạo lý, tàn phá tài nguyên quốc gia, vi phạm quyền dân chủ của người dân, bốc lột và làm điêu đứng cuộc sống vốn đã khó khăn của người dân. Khoảng cách giữa quan và dân ngày càng xa, càng cách biệt, thậm chí là khắc nghiệt hơn mặc dù vẫn biết quan hệ cá - nước đã như xa vời lắm rồi. Không ai khác chính họ đã làm cho dân xa Đảng, giảm niềm tin với Đảng.

Thiếu tiền thì các quan tìm cách moi tiền của dân kể cả theo kiểu móc túi, thậm chí là chấn lột. Dân không sử dụng BOT cũng phải trả tiền, không chấn lột là gì?Phí bảo vệ môi trường dự tới 8000 đồng/lít, VAT dự lên đến 12% …, không móc túi là gì? Điện tăng giá mà các quan vẫn kêu lỗ mặc dù chi tiêu cả núi tiền không rõ vào đâu. Rồi bao nhiêu khoản các quan tiêu và phá lên đến cả triệu tỷ đồng thì không móc túi với chấn lột là gì? 12 vụ đại án tham nhũng mà Tổng Bí thư đang chỉ đạo xử lý kiên quyết thực chất là 12 vụ ăn cướp của dân, của nước. Nhưng chưa hết, có những cái thiêng liêng, thuộc về dân, dân phải đổ xương, đổ máu ra để giữ từ ngàn đời nay, đó là tài nguyên của đất nước, các quan cũng cướp và phá, và bán không chừa bất cứ thứ gì. Đất nước nông nghiệp mà Dân thiếu đất làm ruộng; Rừng tàn đến kiệt quệ để cho lũ quét cuốn trôi cả làng, cả bản. Ngư dân không có chỗ neo thuyền, đến nỗi đi tắm biển cũng phải nộp tiền!? Rõ ràng, các nhóm lợi ích đang nhảy múa trên sự đau khổ và yếm thế của người dân. Chỉ một vụ án công ty VN Pharma và những hình ảnh bệnh nhân chen chúc trong các bệnh viện ung bướu cũng đã quá đủ để vẽ lên diện mạo của các quan và kiếp nạn của người dân. Các vụ xả lũ thủy điện, thủy lợi Hô Hố, A Vương cũng là dẫn chứng không hề kém thuyết phục về bài học vì dân hay vì ai của các quan. Các quan có tin không, một bữa tiệc của các “đầy tớ” có thể đủ nuôi sống một gia đình “ông chủ” trong cả năm trời. Và khi các ông/bà dư tiền cho con du học, mua biệt thư ở nước ngoài thì vẫn còn nhiều, rất nhiều trẻ em đói và thất học. Có những đứa trẻ đã chết đói trên đường từ trường về, thưa các quan!

Chừng đó vẫn chưa hết vì chưa nói đến hình ảnh quan và dân ở cửa quan. Chưa bao giờ các quan lại quan liêu và hách dịch trắng trợn như ngày nay. Câu chuyện cải cách hành chính ngày nào cũng được vang lên nhưng hành vẫn là…chính. Cuộc sống của người dân vẫn đang bị chăng lưới với 1800 loại phí, lệ phí và vô vàn mánh khóe bòn rút của các nhóm lợi ích.

Cả nhà làm quan, cả họ làm quan không còn là câu chuyện lạ. Nó nhan nhản khắp nơi; là kiếp nạn của đất nước, của nhân dân.


Hình ảnh quen thuộc của một bác nông dân người miền Trung chân chất

.

Ở ngoài đường, ngoài chợ đối với những kẻ chấn lột, móc túi… người dân hoàn toàn có quyền và có thể chỉ tay day mặt được. Nhưng đối với các quan chấn lột và móc túi thì người dân vô cùng ít có cơ hội để được thực hiện cái quyền đương nhiên đó. Là dân, nhưng đừng có tưởng được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra như Bác và Đảng nói mà dễ. Khó. Lắm lúc uất nghẹn mà cũng không hé được nên lời. Bao nhiêu vụ án oan đều là dân chịu chứ có quan nào phải chịu như dân. Nếu có, chỉ là “oan” ngược. Tội nặng thành tội nhẹ, có tội thành không tội. Quan cướp, quan phá trăm, ngàn tỷ chỉ có vài năm tù, dân chỉ vì cái bánh mỳ, làm hỏng cái mép bàn cũng phải chịu kiếp tù đày.

Chuyện quan thời nay kể không xiết. Chỉ một câu của bà thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, của ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cấp dưới của bà ta, rằng tăng thuế VAT lên 12% và của ông nghị Kiên nói BOT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo là đủ để biết - hiểu về các quan nghĩ về dân thế nào.

Vẫn chưa hết. Ăn trên ngồi trốc nhưng có việc gì không nên không phải các quan lại đổ tội cho dân. “Dư luận đồng tình”, “Nhân dân đồng tình”, “Tập thể đồng tình”, “Đúng quy trình”… là những xảo ngữ mà các quan dùng nhiều nhất để thoái thác trách nhiệm, để đổ tội cho dân. Chẳng hiểu con số 90% dân đồng tình với ý tưởng cấm xe máy ở Hà Nội là từ đâu chạy tới?!

Các quan cứ bảo các việc làm của mình không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân. Vâng, nếu vậy, các quan hãy cứ thử làm dân đi!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân

    01/07/2015Hữu ThọNgày 25/5/1987 là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân của tác giả N.V.L. Nghiên cứu bối cảnh ra đời của chuyên mục nổi tiếng này, để hiểu rõ hơn ý định của tác giả...
  • ‘Thể chế chính trị’ - sự tương tác giữa giới Lãnh đạo và Nhân dân

    23/03/2015Nguyễn Tất ThịnhGiới Lãnh đạo xưa nay, đâu cũng vậy, có tâm lý định hướng tư tưởng là : cho Nhân dân nhận thức khác đi / lệch hướng sao có lợi cho việc lãnh đạo của họ, rất ngại khi để Nhân dân hướng chú ý vào chính trị, lại càng không thích can dự vào thể chế chính trị…
  • Nhân dân như là một phạm trù của Văn hóa chính trị

    25/07/2014Nguyễn Trần BạtNói đến đời sống chính trị người ta thường nghĩ ngay đến các nhà chính trị và các chính đảng. Đó là những bộ phận rất quan trọng cấu thành đời sống chính trị. Nhưng sẽ không có cả các nhà chính trị lẫn các chính đảng nếu không có nhân dân. Nhân dân bao giờ cũng là các đối tượng để các đảng lôi kéo...
  • Pháp luật – Tài sản tinh thần của nhân dân

    21/02/2014Nguyễn Trần BạtXuất phát từ đòi hỏi xã hội phải được điều chỉnh bởi những quy tắc nhất định, pháp luật đã ra đời. Bản chất của pháp luật là các khế ước xã hội, tức là kết quả của sự thỏa thuận của mọi người. Nếu thỏa mãn điều kiện này, sự tự nguyện nhượng bớt một phần tự do cá nhân sẽ đưa đến sự hình thành của nền dân chủ ở đó, tự do không chỉ đơn thuần là tự do bản năng mà sẽ có chất lượng cao hơn, tức là tự do mang trong mình sự hài hòa lợi ích giữa các cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và ở mức độ cao hơn nữa, tự do như là, phát triển...
  • Lấy ý kiến nhân dân và trưng cầu dân ý

    23/01/2013TS. Quang ADự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được công bố từ ngày 2.1 để lấy ý kiến nhân dân trong ba tháng. Nhiều người lẫn giữa việc lấy ý kiến của nhân dân và việc trưng cầu dân ý. Hãy thử làm rõ sự khác biệt này...
  • Nhân dân làm chủ ở đâu?

    12/06/2012Thăng LongHội đồng nhân dân huyện, quận, phường một lần nữa nằm trong quyết tâm bị bỏ khi mà Tổng kết bước hai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sáng 6.6.2012
  • Phan Văn Trường - kiến trúc sư của “Yêu sách của nhân dân Việt Nam”

    09/07/2011Tiến sĩ luật Cù Huy Hà VũCuối năm 1908, sau khi Đông Kinh Nghĩa Thục mà ông tham gia bị chính quyền thực dân đàn áp, Phan Văn Trường sang Pháp là “để khỏi phải chứng kiến những cảnh đau lòng trong đời sống thuộc địa” như sau này ông thổ lộ, nhưng suy cho cùng cũng là để tìm phương tiện đấu tranh mới cứu đồng bào mình khỏi chế độ thực dân hà khắc và tàn bạo. Và một trong những phương tiện đó chính là kiến thức pháp luật. Thực vậy, ngay sau khi đến Paris ông đã theo học ngành luật tại Đại học Sorbonne nơi ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về luật hình và do đó trở thành tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam...
  • “Ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác!"

    11/01/2011Đỗ Hoàng LinhTừ khi lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng một chính đảng trong sạch vững mạnh :” Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”...
  • xem toàn bộ