Hạt ngọc trầm tích

06:50 CH @ Thứ Bảy - 17 Tháng Giêng, 2009

Tục ngữ, ca dao là phương tiện để người Việt giãi bày tâm trạng, tình cảm, hoặc gửi gắm
tâm sự lúc buồn đau và cả khi hạnh phúc.

Lúc còn nhỏ, nằm võng gục đầu vào ngực mẹ, tôi đã từng nghe những câu tục ngữ, ca dao mà sau này, đi khắp bốn phương trời vẫn không quên được. Cứ có dịp nó là thức dậy cồn cào trong lòng: "Rủ nhau đi cấy di cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu/ Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa".

Cái nôi ca dao và tục ngữ

Đó là những câu ca dao ghi lại cảnh hạnh phúc sum vầy, đơn sơ trong lao động sản xuất và sinh hoạt gia đình. Khi mẹ ru tôi bà cũng vỗ về khao khát hạnh phúc bình dị. Trong tiếng ầu ơ của mẹ: "Cha chài, mẹ lưới, con câu/ Con trai tát nước. nàng dâu đi mò", tôi lớn lên từng ngày. Khi trưởng thành và lập gia đình tôi mới hiểu xã hội làng xã, đạo đức truyền thống và nền văn minh lúa nước sinh ra mối quan hệ gia đình bền chặt, khó tách rời.

Có lẽ, các bà mẹ làng tôi ngày xưa cũng chỉ mong muốn, mãn nguyện với hạnh phúc gia đình nhỏ bé, giản dị đến thế là cùng. Lớn lên một chút, trong các câu chuyện thường ngày về đứa trẻ hư nào đó ở xóm chợ, mẹ tôi bảo: "Gần chợ để nợ cho con". Hóa ra, tục ngữ phản ánh kinh nghiệm sống. Chợ xưa thường nhốn nháo, mua rẻ bán đắt, có ăn mày, móc túi, lừa gạt. Trẻ con tiếp xúc sớm với thói hư tật xấu rất dễ hỏng cái đức cái nết. Có lẽ vì thế mà ngày nay, người ta không xây trường học bên cạnh chợ.

Khi ca dao là những lời răn dạy

Trong kí ức tuổi thở tôi cũng có đầy rẫy hình ảnh trẻ con chết đuối, bạn bị ngã xưng xỉa mặt mày.

Dân làng hay túm tụm buôn chuyện, bao giờ họ cũng nói cho nhau nghe: "Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con hay trèo". Biết bơi lội, trẻ chẳng sợ sông ngòi. Khi lũ lụt, lỡ rơi xuống nước sâu trẻ cũng không sợ chết đuối. Trẻ con hay trèo thường nghịch ngầm, dễ bị rơi ngã, tàn tật suốt đời và mang cái tội cái nợ cho gia đình.

Tuổi thơ tôi thấm đẫm tục ngữ, ca dao nhất lại là từ những lời cha tôi răn dạy. Ông nói như một kinh nghiệm liên tưởng đến tính nhân quả mang nặng màu sắc Phật giáo: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Cha tôi giải thích: "Ông cha làm ác, thì đời chịu con chịu nghiệp báo, gánh hậu quả xấu" Tôi còn nghe được nhiều cầu triết lý có tính quy luật: "Trẻ cậy cha, già cậy con", "Phúc đức tại mẫu", "Khôn đâu đến trẻ khỏe đâu đến già"...

Những lời để gửi nỗi lòng

Dân làng tôi quan niệm: “Lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ”. Tâm lý thích cái thân thiết hàng ngày,mong muốn lúc "tắt lửa tối đèn", lúc "khó khăn hoạn nạn có nhau” rất phổ biến trong các cư dân làng xã. Có lẽ vì thế mẹ tôi cứ khuyên nhủ chị tôi lấy chồng làng. Bà bảo: "Có con mà lấy chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang sang". Thế nhưng, trái tim có lý lẽ riêng, chị tôi vẫn dứt áo ra đi lấy chồng xa. Tâm trạng của người sắp đến xứ lạ cứ lưu luyến, nặng lòng với cha mẹ, em út khiến chị tôi thẫn thờ suốt mấy ngày trước khi rước dâu. Sau này, ngẫm lại tôi mới hiểu nỗi lòng của chị tôi ứng với câu ca dao cổ: “Đa đa đậu nhánh cây đa/ Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa/ Một mai cha yếu mẹ già/ Bát cơm ai đỡ, chén trà ai dâng?”. Đây là một câu bày tỏ nỗi lòng của con cái với mẹ cha. Và đó cũng là nỗi dằn vặt của đứa con gái lấy chồng xa xứ đang hối tiếc vì không có điều kiện chăm sóc mẹ cha.

Ai ở hoàn cảnh đó sẽ có mối đồng cảm: “Vẳng nghe chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. Nỗi nhớ sâu thẳm, vời vợi có phần bất lực, tuyệt vọng của người con xa mẹ.

Nhắc nhở nhau sống cho phải phép

Con gái làng tôi tín hiếu kỳ, hay tò mò, hay ví von mỗi khi làng có chuyện lạ, chuyện không vừa đôi phải lứa: “Con vợ khôn lấy thằng chồng dại/ Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Ai bảo ví von thô quá cũng đúng, ai bảo là bạo mồm cũng được. Thế nhưng, cái sự ví von ấy đã ứng với những sự việc đã diễn ra ở làng.

Bi kịch gia đình tất yếu sẽ xảy ra bởi cái khập khễnh, bởi “Những nhà chồng thấp vợ cao/ như đôi đũa lệch so sao cho vừa”. Tất nhiên, “thấp” và “cao” ở đây không nên hiểu là chiều dài thân thể. Quan hệ vợ chồng có một câu ca dao rất ai oán: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”.

Vợ yêu chồng lúc còn nhiều người để ý, phải lòng mình nhưng người chồng chỉ yêu vợ lúc tuổi đã sang chiều, lúc hoàn cảnh khó khăn. Lời phàn nàn đầy bất lực cũng là lời chê người đàn ông không chung tình bằng người phụ nữ.

Dân gian cũng dùng tục ngữ,ca dao để nhắc nhở: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Phụ nữ thường nhân ái, mủi lòng, thường nuông chiều con cháu quá mức, dễ làm chúng sinh hư. Hay có câu: "Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng". Con dâu nanh ác, khuyên bảo nhiều lần chẳng nghe thì họ hàng chán. Chó dữ, hung tợn khiến chẳng ai dám sang nhà chơi.

Ca dao có khi là lời than vãn, buồn bã: "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển/ Con nuôi cha mẹ, con kể tháng kể ngày". Đây cũng là lời cho đứa con bạc, đứa con mỏng tình thương, vô trách nhiệm, đối xử với cha mẹ già không tốt.

Tục ngữ, ca dao sau những năm tháng được người từ nhiều đời trước chọn lọc, kết thành những hư ngọc trầm tích. Tuy nhiên, do quy luật vận động của xã hội, con người sống ở mỗi thời đại sẽ có quan niệm khác và tân tiến hơn.

Vận dụng ngọc trong gia đình

Ngày nay, hầu hết các "viên ngọc" quý vẫn còn nguyên giá trị, rất đáng trân trọng nâng niu. Thế nhưng, những thay đổi thời hiện đại kéo theo những câu tục ngữ, ca dao đúng với quá khứ. Tuy nhiên, có một số câu không còn phù hợp, không đúng hoặc chỉ đúng một phần trong thời đại ngày nay. Ví dụ như câu “Nhất vợ nhì giời” xem là lời mỉa mai đàn ông sợ vợ cũng được mà dùng trong ngữ cảnh chồng tôn trọng vợ cũng hợp lý. Tính hai mặt của ngữ nghĩa chỉ đúng ở từng hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên, tính tổng thể lại không thích hợp trong thời đại dân chủ ngày nay. Vợ chồng có quyền lại và nghĩa vụ như nhau

"Cha mẹ sinh con trời sinh tính" thường đưọc dùng để chỉ những đứa con hư của cha mẹ tốt nhưng lại mang tính ngụy biện. Thực tế, phần lớn con hư là do cha mẹ quá nuông chiều.

“Chính chuyên chết cung ra ma/ Lẳng lơ chết cũng đưa ra ngoài đồng"với nghĩa mỉa mai người phụ nữ quá nghiêm cẩn, đứng đắn rồi cùng sẽ chết như kẻ lẳng lơ. Nói như vậy là cào bằng, phải trái, trắng đen lẫn lộn, khuyến khích cái xấu làm càn.

“Chồng chung chồng chạ/ Ai khéo hầu hạ/ Thì được chồng riêng” cũng không hợp với thời nay chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Và ngay trong xã hội phong kiến, đề cao chuyện này vô tình khuyến khích thói ích kỷ của phụ nữ, vẽ đường cho người đàn bà dùng "bàn tay nhung” tranh giành hạnh phúc với người khác.

Lại có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ/ Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Câu đầu rất đúng. Giáo dục trẻ phải bắt đầu từ mầm non, lớn lên rất khó uốn, khó dạy. Thế nhưng ý nghĩa câu sau lại hoàn toàn sai. Tư tưởng phong kiến bảo thủ lạc hậu, đề cao người chồng, áp đăt quyền uy lên người vợ mới. Thời bây giờ, vợ chồng bình đẳng, khuyên nhủ nhau chứ không thể áp đặt, dạy dỗ như trẻ nhỏ.

Cũng có một số người quan niệm "Dâu là con, rể là khách". Khi mới nghe, tưởng là tôn trọng phự nữ nhưng thực ra là thái độ trọng nam khinh nữ. Bố mẹ rước con dâu về cho con trai mình, để gánh vác việc nhà chồng. Còn con gái là con người ta, nên con rể lại càng xa xôi, chẳng trách nhiệm, nghĩa vụ gì, chỉ như là khách. Ngày nay, mọ thành viên gia đình đều bình đẳng, con nào cũng là con, không phân biệt dâu rể.

“Thương con cho roi cho vọt/ Ghét con cho ngọt cho bùi” là cách giáo dục cũ bằng bạo lực, nhồi nhét, ra lệnh. Blện pháp giáo dục con cái này đã lỗi thời và không hiệu quả.

Nói sao cho vừa lòng

Khi dùng ca dao, tục ngữ, khong khéo chọn lọc có thể gây tổn hại đến tình cảm gia đình. Ví dụ, nếu mẹ vợ thốt lời trước mặt con rể “Dâu là con, rể là khách” chắc chắn, con rể sẽ hụt hẫng. Do đó, chúng tôi xin mượn câu tục ngữ để kết thúc bài này: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cảm nhận triết lý tục ngữ, ca dao

    10/10/2014Song PhanTheo một lối suy ngẫm nào đó, có thể coi những thể ngữ ca dao đọng lại cho đến bây giờ là kết quả của vô vàn những cuộc tuyển chọn, nên thường là những điều người hôm nay vẫn tâm đắc, gật gù, thấy chúng. nghiệm đúng với mình. Thế là chúng mang tính triết lý. Triết lý chẳng qua là những kinh nghiệm sống, nghiệm đúng nhiều trường hợp. Nghiệm đúng càng nhiều thì triết lý càng nâng cao...
  • Tính cách người Nam Bộ qua ca dao

    02/04/2007Trần Phỏng DiềuNói đến tính cách của người Nam bộ, chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu những nét riêng trong cử chỉ, tính tình của người Nam bộ được thể hiện qua các mốiquan hệ trong xã hội. Do điều kiện địa lý, nét văn hóa khác nhau của từng vùng, miền mà tính cách của con người cũng có khác nhau...
  • Mẹ tôi - giá trị cũ

    13/10/2006Quảng YênMẹ có nhiều bạn gái - bà giáo thân, cùng thời, cùng tuổi, cùng mê thơ lãng mạn Pháp. Trong số họ, cũng có người khổ vì con cái ích kỷ. Có bà sống một mình, dù con rất giỏi và thành đạt. Cho dù họ cư xử không mấy mặn mà với mẹ mình, nhưng mẹ lại luôn tự hào về họ và nhớ mãi tuổi thơ con đã lớn lên đáng yêu như thế nào...
  • Tìm hiểu những yếu tố triết học (hay triết lý dân gian) trong tục ngữ Việt Nam

    24/03/2006Vũ HùngTục ngữ và triết học là hai lĩnh vực, hai hiện tượng ý thức xã hội khác nhau. Tục ngữ thuộc lĩnh vực nghệ thuật, là một thể loại folklore, còn triết học thuộc lĩnh vực khoa học, là khoa học về thế giới quan và phương pháp luận. Tri thức của tục ngữ là tri thức dân gian, được rút ra trên cơ sở quan sát và miêu tả cái cụ thể, đó là những tri thức kinh nghiệm, những "lẽ phải thông thường"...
  • Triết lý dân tộc Việt Nam qua tục ngữ

    10/03/2006Võ Thu TịnhTheo các nhà biên khảo thì các câu tục ngữ là một "quyển sách khôn, một kho tàng kinh nghiệm và hiểu biết về vũ trụ và về nhân sinh" giúp cho dân gian ta "có được một tri thức thông thường để làm ăn và cư xử ở đời"...
  • Tiêu chí kiểm định đạo đức con người qua tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam

    02/11/2005Lê Huy ThựcTục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam là kết quả lao động sáng tạo, thể hiện những tài triết lý sâu sắc được đúc rút từ thực tiễn của cha ông ta. Chúng ta thấy trong đó chứa đựng nhiều việc cụ thể, hoặc nhận thức cảm tính và suy luận… Mặc dù vậy, tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam cũng thừa nhận rằng, việc kiểm định đạo đức con người không phải là dễ dàng, đơn giản; song không phải vì thế mà ý nghĩa của tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam giảm đi, mà trái lại, càng nói lên giá trị hiện thực của loại hình văn học độc đáo này...
  • xem toàn bộ