Hành trình đi tìm tự do

Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Invest Consult
12:00 SA @ Thứ Sáu - 17 Tháng Bảy, 2009

Thế giới đã đi qua nhiều chặng đường phát triển, nhưng có thể nói, những thành tựu của khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn vẫn chỉ dành cho gần một phần ba nhân loại. Hai phần ba còn lại của nhân loại vẫn đang phải vật lộn với cuộc sống để tồn tại. Đó là những con người thiếu tự do, và vì thiếu tự do nên họ lâm vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu và không phát triển được. Những trăn trở về thân phận con người, đặc biệt là những trăn trở trong việc tìm ra công nghệ giúp con người phát triển thúc đẩy chúng tôi tiếp tục truy nguyên khái niệm tự do.

Có thể nói, lịch sử loài người chính là hành trình đến với tự do, trong đó, cuộc đấu tranh để giành tự do, giữ tự do luôn luôn là cuộc chiến đấu sống còn. Từ xưa đến nay, tất cả những sự kiện lớn đánh dấu tiến trình lịch sử đều phản ánh khát vọng, mục tiêu và động lực để con người tìm đến tự do, đòi tự do hay đòi lại quyền làm người. Nếu xâu chuỗi tất cả các sự kiện đó và lấy tự do như là đích đến, chúng ta sẽ thấy loài người đã trải qua ba lần thất vọng lớn. Đó là ba lần loài người có được cơ hội tự do, ba lần con người có được những gợi ý về tự do và tưởng như mình sắp được giải phóng khỏi mọi thứ gông cùm, nhưng không phải, đấy là ba lần loài người lỡ đò, và chỉ những ai leo lên được chiếc thuyền của tự do trong những lần ấy thì phát triển. Tôi cho rằng, giải phóng con người ra khỏi trạng thái nông nô bằng chủ nghĩa phong kiến là lần gợi ý thứ nhất về tự do. Giải phóng con người ra khỏi sự bóc lột, sự bần cùng hóa của chủ nghĩa tư bản, bằng tinh thần tự do của thời kỳ Khai sáng là gợi ý lần thứ hai, và lần gợi ý thứ ba là bằng các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ba lần con người được gợi ý về tự do nhưng cho đến bây giờ, một phần rất lớn nhân loại vẫn trong trạng thái thiếu tự do.

Lần thứ nhất là lần thất vọng về các triều đại phong kiến. Những triều đại phong kiến có thể là gợi ý về một cấu trúc xã hội có trật tự, nó lần đầu tiên xác lập các quyền công dân của con người, giải phóng con người ra khỏi trạng thái nô lệ. Nhưng trên thực tế, chúng ta đều biết, chủ nghĩa phong kiến đã đem lại cho con người một tương lai không mấy tốt đẹp.

Để làm rõ tính chất của giai đoạn lịch sử này, có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ việc mô tả trạng thái công dân thô sơ là gì. Những trạng thái này chúng ta có thể thấy rõ qua văn học. Thực ra, các nhà nước phong kiến ở một chừng mực nhất định cũng tạo ra sự phát triển và con người cũng đã nếm trải sự thành công. Chủ nghĩa phong kiến đem lại cho chúng ta nhiều thứ, đem lại cho chúng ta những kiệt tác như "Decamerone" của Boccaccio, “Gargantua và Pantagruel” của Rabelais, "Don Quijote" của Cervantes, "Hamlet", "Romeo và Juliet" của Shakespeare... Ở đó, hình ảnh con người bắt đầu được chú ý như những ngôi sao trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa, các nhà văn cũng như con người nói chung đã bắt đầu có kinh nghiệm mô tả chính mình, và những ai được tôn vinh là vĩ nhân, thiên tài bao giờ cũng là những người mô tả con người một cách chi tiết nhất, xác thực nhất. Các nhà văn bắt đầu có kinh nghiệm mô tả không chỉ vẻ đẹp lương thiện, vẻ đẹp bên trong của đời sống tâm hồn mà còn mô tả cả những khuyết tật của con người, mô tả mặt tiêu cực của con người và loài người, mô tả các âm mưu chính trị. Đấy là thời kỳ Phục hưng, thời kỳ phát triển đỉnh cao của văn học dưới các triều đại phong kiến. Như vậy, con người cũng có sự tăng trưởng năng lực trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng và sự phát triển các giá trị cá nhân mà chủ nghĩa phong kiến đem lại vẫn ở mức thấp, nó làm cho con người với tư cách là chủ thể của cuộc sống phát triển chậm hơn đòi hỏi của cuộc sống.

Phải thấy rằng sự tăng trưởng các năng lực là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất mà tự do mang lại cho con người.Tự do hoàn chỉnh mang lại cho con người sự phát triển, tự do không hoàn chỉnh thì tạo ra cho con người sự bức xúc. Nếu không có tự do và không nếm trải giá trị của tự do thì con người không thể nào căm ghét sự thiếu tự do được. Chính ý chí đòi tự do và đòi được khẳng định giá trị cá nhân mạnh mẽ tới mức đã làm nên một thời kỳ Phục hưng rực rỡ cho nhân loại. Tinh thần tự do thời Phục hưng đã bóc trần sự hạn chế tự do của chủ nghĩa phong kiến. Chính những bài thơ viết về sự thiếu tự do, những trường ca ca thán về sự mất tự do làm cho tự do được xác nhận như là một nhu cầu có thật của đời sống trong các triều đại phong kiến. Và nhu cầu ấy cũng là nguồn cảm hứng để Shakespeare viết nên thiên tình sử vĩ đại, Romeo và Juliet. Shakespeare đã xây dựng thành công hình ảnh một đôi trai gái đẹp hơn cả thiên thần, thế mà cuối cùng ông lại phải giết chết sản phẩm tinh thần của mình để cảnh báo loài người rằng: âm mưu, định kiến và lòng thù hận đã tạo ra nỗi bất hạnh như thế nào đối với đời sống và thân phận con người. Tất nhiên, đấy không phải là sự thất vọng hoàn toàn ở con người, song điều tôi muốn nói ở đây là chủ nghĩa phong kiến đã tạo ra trạng thái không hoàn chỉnh của khái niệm tự do.Thời kỳ này, tự do của con người bị bó hẹp do con người ý thức rất rõ về thân phận nhỏ bé của mình và cam chịu với sự ban phát tự do của các tầng lớp trên. Chính vì tự do thời phong kiến không hoàn chỉnh nên một bộ phận khá lớn của nhân loại trên thực tế không có tự do, còn một bộ phận được hưởng một chút tự do thì thất vọng và khao khát cái phần tự do rất lớn còn lại mà mình không được hưởng. Do đó, tôi gọi tự do ở giai đoạn này là tự do hạn chế.

Tuy nhiên, con người không thất vọng hoàn toàn. Sự khao khát tự do thời phong kiến thúc đẩy con người tiếp tục đi tìm tự do. Bắt đầu từ thế kỷ XVI rồi sang thế kỷ XVII, con người bước lên một bậc phát triển cao hơn với những phát minh của thời đại cách mạng khoa học, nhưng thể chế chính trị cơ bản của các quốc gia lúc này vẫn là những chính thể chuyên chế và vì vậy, con người nói chung vẫn luôn bị cắt xén tự do. Các cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị cộng với mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội quân chủ chuyên chế dẫn đến hệ quả là, một phong trào tự do mới hình thành và nở rộ vào thế kỳ XVIII, phong trào Khai sáng. Nó đề cao tự do và sự phát triển tinh thần của từng cá nhân con người. Những tinh thần tự do của phong trào này, về sau, đã tham gia một cách tích cực vào các cuộc cải cách xã hội ở châu Âu và sự hình thành của chủ nghĩa tư bản.

Có thể nói, phong trào Khai sáng là lần gợi ý thứ hai để con người có tự do. Nhưng các chính thể chuyên chế không nhận ra cơ hội ấy, và vì thế, không tránh được một loạt các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu. Con người làm cuộc cách mạng ở Pháp, con người tưởng rằng mình có tự do nhưng lại nhận được Napoleon. Cả châu Âu vĩ đại nhận được Napoleon chứ không chỉ riêng nước Pháp. Triều đình Habsbourg cũng nhận được Napoleon. Nước Anh cũng nhận được Napoleon. Trong các cuộc xung đột, cả miền viễn Đông cũng nhận được Napoleon; nước Nga thiếu một chút nữa cũng nhận được Napoleon. Rõ ràng, cách mạng tư sản là một cơ hội khổng lồ của những kẻ cơ hội, và nó đã tạo ra Napoleon. Sau này, các nhà sử học, các nhà kinh tế học, các nhà chính trị học đánh giá Napoleon là người kiến tạo ra chủ nghĩa tư bản châu Âu, là người tạo dựng những hoạt động ban đầu của chủ nghĩa tư bản châu Âu. Bản thân tôi thì cho rằng những phân tích này không hẳn đã đúng. Chắc chắn, lịch sử sẽ cho chúng ta sự đánh giá khách quan và đúng đắn nhất. Song, có một điều không thể phủ nhận, chính sự bành trướng của Napoleon đã tạo ra cơ hội phát triển cho chủ nghĩa tư bản, nhưng sự sụp đổ của Napoleon thì tạo ra cơ hội tuyệt đối để con người giải phóng lại toàn bộ châu Âu.

Khi chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển, con người có những thành quả mới nhưng bên cạnh đó lại có những thất vọng mới. Lịch sử đã ghi nhận cuộc cách mạng khoa học tự nhiên là cuộc cách mạng tạo ra bước ngoặt lớn trong tư duy của con người. Nó hỗ trợ đắc lực cho việc ứng dụng vào thực tế, và vì thế, từ nửa sau thế kỷ XIX, nền công nghiệp cơ khí của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn tích luỹ ban đầu đã làm sản sinh ra một khối lượng hàng hóa, của cải vật chất lớn cho thế giới. So với chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản đã có đóng góp to lớn đưa xã hội tiến lên về nhiều mặt. Tuy nhiên, tình trạng con người lại đáng báo động vì hàng loạt các cuộc xung đột sắc tộc, các cuộc tranh chấp thuộc địa và bóc lột dã man, các cuộc thế chiến xảy ra vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do, quyền phát triển của con người. Sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản hoang dã hay là đứa con ngỗ ngược thoát thai từ chủ nghĩa tư bản sơ khai đã đàn áp xã hội và con người ở những vùng lạc hậu. Và ngay ở những nước tư bản, những phương pháp bóc lột người lao động như của Taylor ở Mỹ hay một vài phương pháp khác đã tạo ra nỗi kinh hoàng cho con người.

Như vậy, loài người thất vọng lần thứ hai bởi sự ra đời của chủ nghĩa thực dân. Chính những tư tưởng tự do đi cùng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản bị bôi nhọ bởi chủ nghĩa thực dân. Chế độ thực dân mà người Pháp đưa vào Việt Nam là một ví dụ điển hình. Ở Việt Nam, từ những năm đầu thế kỷ XX, chúng ta đã biết đến khái niệm tự do thông qua việc truyền bá một loạt tư tưởng của các nhà văn hóa lớn của Pháp như Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Diderot… Những triết gia này có lẽ cũng là những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại viết ra một cách tương đối hệ thống và dưới những hình thức khác nhau về khái niệm tự do. Với sự góp mặt của người Pháp ở Đông Dương, những khái niệm tự do đã được truyền vào Đông Dương và những tư tưởng về tự do đã được phổ biến một cách rộng rãi nhất ở Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ XX, khi phong trào Mặt trận Bình dân Pháp cầm quyền. Có thể nói, đấy là lần đầu tiên người Việt Nam biết đến khái niệm tự do thông qua sự truyền bá văn hóa của chính quyền Pháp. Nó đã làm nở rộ một tầng lớp trí thức mới. Hầu hết các nhà trí thức lớn, các trào lưu văn hoá lớn, tự do hơn và cởi mở hơn của chúng ta đều xuất hiện vào giai đoạn đó, như Tự lực văn đoàn, như phong trào Thơ Mới... Những phong trào này chịu ảnh hưởng rõ rệt của các tư tưởng nhân văn thời kỳ Khai sáng. Nhưng do bị cai trị và bóc lột bởi chủ nghĩa thực dân, người Việt dần dần phủ nhận những giá trị văn hóa mang tinh thần tự do Pháp. Như vậy, chính người Pháp đã đem ánh sáng, hơi thở của tự do, hay đem tinh thần và những màu sắc văn hóa của khái niệm tự do đến Việt Nam, nhưng cũng chính chủ nghĩa thực dân Pháp lại bôi nhọ khái niệm đó. Vì thế, trong lòng người Việt, những cảm hứng về tự do theo gợi ý của nền văn hóa Pháp đã tắt rất nhanh.

Những thực tế lịch sử đó cho thấy đến giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, con người lại đối mặt với một giới hạn nữa của sự thiếu tự do. Suy ra cho cùng, con người bắt đầu có quyền tự do là con người vất vả. Trong chủ nghĩa phong kiến, con người cũng có quyền được hưởng tự do nhưng đó là cái tự do hạn chế, còn trong chủ nghĩa tư bản, con người được hưởng cái tự do vất vả. Trạng thái tự do này không đem lại cho con người thứ hạnh phúc giản đơn nhất là sự bình đẳng, bởi vì con người vẫn bị bóc lột, bị khai thác sức lao động một cách tàn tệ. Những mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc khiến con người mong mỏi tìm ra một hình thái xã hội mới có khả năng giải quyết chúng và đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho con người.

Trước yêu cầu lịch sử ấy, con người đã tiến hành một phong trào cách mạng mới, phong trào giải phóng dân tộc. Từ đây, lịch sử mở ra chặng thứ ba con người có cơ hội đến với tự do.

Giữa thế kỷ XX, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc xuất hiện như một trào lưu tư tưởng mới, một phương thức để giải phóng con người ra khỏi sự bóc lột dã man của chủ nghĩa tư bản sơ khai và sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Những tư tưởng của phong trào này đã thổi trên khắp thế giới như một luồng gió mới, một tinh thần tự do mới, một phương thức đi tìm tự do mới và nó đem lại rất nhiều hy vọng cho các dân tộc trên thế giới. Nó đem lại hy vọng không chỉ cho con người ở các khu vực thuộc địa, các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh mà còn cho cả người châu Âu. Phải nói rằng, phong trào giải phóng dân tộc đã mở rộng ảnh hưởng của mình như gợi ý về một phương thức tìm kiếm tự do trở lại cho con người.

Kết quả của phong trào giải phóng dân tộc là sự độc lập của các dân tộc và mỗi dân tộc đều có được một người đại diện, tức là có tiếng nói của mình. Chúng ta phải khẳng định rằng giải phóng các dân tộc ra khỏi sự nô dịch trực tiếp của chủ nghĩa thực dân, của các nước đế quốc là một thành tựu vĩ đại của nhân loại. Quá trình ấy là tiền đề quan trọng, tuy nhiên, nó chưa phải là quá trình giải phóng con người. Chúng ta đều biết, giải phóng dân tộc là đi tìm độc lập dân tộc. Con người mất nước thì con người đi tìm độc lập dân tộc. Đi tìm độc lập dân tộc là đi tìm cho dân tộc quyền tự do của nó. Nhưng khi đã giành được độc lập dân tộc rồi thì con người lại lúng túng trong việc phân phối tự do đó đến với tất cả mọi người. Nói cách khác, tự do của dân tộc không được “phân phối” cho người dân, tự do của dân tộc đã không trở thành quyền tự do của mỗi con người. Hàng thập kỷ sau cách mạng, con người vẫn lầm tưởng rằng độc lập dân tộc là tự do, lầm tưởng là mình có tự do. Nhân loại tưởng rằng mình đã được giải phóng hoàn toàn nhưng trên thực tế, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mới chỉ giải phóng tự do cho một số người chứ không phải cho tất cả mọi người. Sau khi kết thúc quá trình giải phóng dân tộc, một bộ phận rất lớn con người lại rơi vào trạng thái lệ thuộc mới do chính nền văn hóa và mô hình nhà nước chuyên chính của những dân tộc ấy tạo ra. Ở đó con người được giáo dục theo những mục tiêu chính trị, theo những sự tưởng tượng chính trị đã cố định sẵn, thậm chí, người ta tuyên truyền cả những tiêu chí đạo đức, văn hoá và xem chúng như là những yếu tố không thể thay đổi được. Khi làm như thế người ta đã quên mất rằng, việc tuyên truyền những tiêu chí cực đoan có khả năng vừa điều khiển, vừa lãnh đạo con người sẽ dẫn đến hậu quả là làm biến mất dần con người thông qua làm biến mất sự đa dạng tinh thần của cuộc sống.

Không phải ai khác mà chính các nhà nước chuyên chính khi ra đời và thực thi các quyền lãnh đạo đất nước đã đánh mất dần tinh thần tự do ban đầu của phong trào xã hội dân chủ, và do đó, làm mất đi các giá trị nhân văn của phong trào đó. Tất nhiên, sự thất bại của các nhà nước chuyên chính không phải chỉ là sự đi trệch khỏi lý tưởng hay truyền thống nhân văn của phong trào xã hội dân chủ mà còn do một loạt các sai lầm khác nữa. Các nhà nước này đã thay thế các chính phủ cụ thể bằng chính phủ tập thể, thay thế sự độc tài cá nhân bằng sự độc tài tập thể, và hệ quả là con người không có cơ hội để nhìn ra bóng dáng kẻ nô dịch mình, không có năng lực nhìn thấy kẻ nô dịch mình, và dần dần con người trở thành kẻ nô dịch chính mình. Chính điều này đã làm con người tự uốn nắn lại và tạo ra ở một số nơi khác trạng thái tự do đúng đắn hơn. Tóm lại, có thể nói, những năm cuối cùng của thế kỷ XX là những năm mà loài người bước sang một giai đoạn thất vọng mới, đó là sự thất vọng về những tư tưởng mang tinh thần nhân văn nhưng bị làm cho sai lạc khiến nó bộc lộ tất cả các mặt tiêu cực của các nhà nước kiểu mới. Chính vì thế, tự do trong thời kỳ này là tự do sai lạc.

Hiện tại, loài người vẫn tiếp tục vấp phải những sai lầm trong vấn đề giải phóng con người, hay nói cách khác, con người vẫn chưa được giải phóng bằng một số định nghĩa cơ bản, bằng một số tiêu chuẩn cơ bản được xác lập như là những tiêu chuẩn toàn cầu về con người. Thế giới chỉ đạt đến trạng thái có những định nghĩa của những quốc gia có vùng ảnh hưởng quyết định chứ chưa có một định nghĩa thống nhất về con người và tự do. Vì thế, nhân loại cần hội tụ đến một hệ tiêu chuẩn về tự do có chất lượng toàn cầu đối với thân phận con người, đó là cơ sở cho việc kiểm soát trạng thái tôn trọng các quyền con người, đồng thời xúc tiến một sự phát triển mang tính toàn cầu đối với các giá trị con người.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Vóc dáng tự do , tinh thần độc lập”

    18/07/2016Nguyễn Thu Phương“Triết lý giáo dục, nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Với nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây? Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, hay đào tạo nên những con người chỉ biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo…”.
  • Khái niệm tự do

    06/04/2016Nguyễn Trần BạtTừ xưa đến nay, tự do luôn là một khái niệm bí ẩn và trừu tượng đối với con người. Đúng như tên gọi, tự do không chịu khuôn mình vào bất kỳ chiếc khung nào, ngay cả trong những nỗ lực của các nhà triết học, các nhà khoa học ở mọi thời đại nhằm mô tả và lý giải khái niệm tự do. Có lẽ vì thế, cho đến nay, tự do là cái gì đó quen thuộc mà vẫn xa lạ đối với con người...
  • Nỗi niềm tự do

    06/02/2016Nguyễn Tất ThịnhTrong vườn nhỏ nhà tôi có treo một cái lồng mây rất đẹp, nuôi trong đó một con chim Sáo mỏ vàng. Hàng ngày cô giúp việc cho nó ăn và phun lên bộ lông vũ mượt mềm của nó những tia nước nhỏ mát mẻ, chắc nó thích lắm và cứ nhảy rinh rích trong lồng, trông thật vui nhộn....
  • Góp vốn tự do

    18/10/2014Nguyễn Trần BạtCon người thường mặc nhiên thừa nhận không gian tự do bên trong và không gian tự do bên ngoài bản thân mình là rất trừu tượng, nhưng thực ra không phải vậy. Không gian tự do bên trong chính là đời sống tinh thần của mỗi con người. Còn không gian tự do bên ngoài phản ánh tự do của người dân đối với nhà cầm quyền, tự do của con người đối với nhau, và tự do trong sự tương tác giữa các lực lượng xã hội.
  • Tự do sinh ra con người

    21/03/2014Nguyễn Trần BạtCó nhiều cách lý giải về nguồn gốc hình thành con người, nói đúng hơn là quy luật hình thành các giá trị con người. Tôi cho rằng, con người được sinh ra bởi hai quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Quy luật tự nhiên là quy luật sinh học, còn quy luật xã hội là quy luật của tự do. Không phải quy luật tự nhiên sinh ra con người thì đó đã là con người theo đúng nghĩa. Chính tự do sinh ra tất cả các quyền làm người, tự do hoàn thiện con người...
  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • Cội nguồn cảm hứng là tự do

    29/06/2009Lê Khánh DuyTôi đọc những trang đầu tiên của cuốn “Cội nguồn cảm hứng” ở một quán cà phê trên đường Lò Đúc. Những thanh âm huyên náo của phố phường ngoài kia và những trang suy tưởng trong im lặng của ông Nguyễn Trần Bạt có cái gì đó hơi tương phản.
  • Tự do văn hóa và phát triển

    28/09/2007TS. Phan Công KhanhBài viết đề cập đến mối quan hệ giữa 3 phạm trù: tự do, văn hoá và phát triển. Sự gặp gỡ giữa ba phạm trù này là ở chỗ, chúng phát triển những năng lực của con người. Chúng như là sự hiện thực hoá khát vọng hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ của con người...
  • "Tự đóng cửa là tự hại mình"

    23/09/2007Nhật Lệ thực hiệnNhiều năm qua, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dày công dịch và chú giải ba quyển Phê phán nổi tiếng của nhà triết học Đức I. Kant: "Phê phán lý tính thuần túy" (2004, tái bản 2007), "Phê phán năng lực phán đoán", "Phê phán lý tính thực hành" (2007) và "Hiện tượng học Tinh thần" của G.W.F. Hegel (2006)...
  • Tự do ứng cử & tinh thần công dân

    19/03/2007Tương LaiQuả thật khó có thể hình dung trước được những bất ngờ diễn ra dồn dập trong một quãng thời gian ngắn song chặng đường của hội nhập và phát triển đạt được lại khá dài như vừa qua đã là nguyên nhân tạo ra những nét mới cho cuộc bầu cử sắp tới mà hiện tượng tự ứng cử nói trên là một ví dụ.
  • Tư duy tự do

    29/11/2006Lương Xuân HàKhó có thể chối cãi, ngôn ngữ là một trong những vấn đề xuất hiện ở tiền cảnh của đời sống văn hóa hiện đại. Ngôn từ là cái làm nên tính người. Nó là sản phẩm của con người. Nó quyết định cách con người nhìn, thụ cảm và lý giải thế giới. Nó vừa có tính xã hội, vừa có tính lịch sử và vì có tính lịch sử nên nó cũng có một chu trình sinh thành và già cỗi...
  • Triết lý của tự do

    05/09/2006Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà NộiMontesquieu trong cuốn Tinh thần pháp luật đã định nghĩa “Tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép”. Vậy tự do là gì? Đối với mỗi cá nhân, tự do là sự nhận thức được qui luật và thực hiện theo qui luật. Không thể và không bao giờ con người có tự do tuyệt đối bởi lẽ về mặt khách quan, con người không thể sống không phụ thuộc vào tự nhiên và không trong mối liên hệ với cá nhân khác, về mặt chủ quan, con người cũng không ai có khả năng nhận thức được tất cả...
  • Định mệnh và tự do

    09/05/2006Đối với người Hy Lạp cổ, định mệnh là chuỗi các biến cố tất yếu và không lay chuyển được. Định mệnh ấn định cho mỗi người một phần số riêng. Ý niệm này được nhân cách hóa trong Ba Nữ thần Định mệnh, chia cho mỗi đứa trẻ sơ sinh phần sung sướng hay khổ sở. Đôi khi định mệnh được đồng hóa với ý chí của thần Zeus, Cha của các vị thần và loài người. ...
  • Trường Đại học duy lý và ý tưởng tự trị Đại học

    19/02/2006Ngô Tự Lậpcha đẻ thực thụ của trường Đại học hiện đại chính là Immanuel Kant (1724 -1804), người đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng...
  • Tự do - Điểm khởi đầu của mọi sự phát triển

    30/09/2005Nguyễn Trần BạtKhi nói tự do là linh hồn của mọi cuộc cải cách chính là nói đến tinh thần xuyên suốt các cuộc cải cách. Cải cách kinh tế nhằm tạo ra tự do kinh tế. Tự do kinh tế đi trước để con người được nếm các thành quả sự phát triển. Chừng nào cảm nhận được vị ngọt, cảm nhận được các thành quả thu được từ tự do kinh tế, con người sẽ nhận thức được giá trị của tự do chính trị, tức là cải cách kinh tế giúp con người nhận ra lợi ích của tự do chính trị...
  • Biện chứng của tự do

    21/07/2005Nguyễn Trần BạtTự do không phải là thuật ngữ xa lạ, càng không phải một phát hiện bởi nó gắn liền với con người như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Tuy nhiên, đối với con người, tự do vẫn phần nào bí ẩn; chúng ta, dường như, chưa nhận thức trọn vẹn về nó, càng chưa biết khai thác và sử dụng nó như một công nghệ phát triển...
  • xem toàn bộ