Hai mối quan hệ

02:21 CH @ Thứ Hai - 25 Tháng Mười, 2010
Đổi mới hệ thống chính trị sẽ tạo điều kiện tạo lập được một nền kinh tế lành mạnh, bình đẳng và bền vững cho mọi người.

Cụm từ “đổi mới hệ thống chính trị” có thể gây cảm giác húy kỵ ở một số người. Nhưng chính ngay trong dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” chuẩn bị đưa ra Đại hội Đảng lần thứ XI cũng đặt ra yêu cầu: “...phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị...”.

Chính trị, suy cho cùng, là quy trình đưa ra những quyết định liên quan đến mọi người dân vì thế cần phải đặt đổi mới chính trị thành một chủ trương nhất quán, có kế hoạch, có mục tiêu như đã từng làm với cải cách kinh tế và phải làm thường xuyên.

Người lãnh đạo đất nước, không ai muốn thấy tham nhũng tràn lan trong bộ máy, không ai muốn thấy thành quả kinh tế chỉ rơi vào một vài nhóm lợi ích, không ai muốn thấy người có năng lực vẫn đứng ngoài bộ máy, tiếng nói của người dân không được lắng nghe, cấp thừa hành nhũng nhiễu người dân...

Đổi mới hệ thống chính trị là nhằm tạo ra những cơ chế để thực hiện đường lối phát triển đúng đắn và nguồn lực không bị phí phạm do những khuyết tật như thế của bộ máy. Ở đây chúng ta chỉ bàn hai khía cạnh của công cuộc đổi mới này: mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước và vấn đề nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý

Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề; chính Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) cũng nhận định, một trong những khuyết điểm trong năm năm qua là: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” và nêu cụ thể: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên một số nội dung chưa rõ.” Báo cáo cũng nhấn mạnh “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.

Tựu trung những vấn đề này là sự trùng lắp của bộ máy điều hành đất nước, vừa dẫn đến lãng phí, vừa là cơ hội để nạn tham nhũng, bè phái sinh sôi.

Về mặt danh chính ngôn thuận, không thể lý giải quan niệm Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là đại diện tiếng nói và nguyện vọng của toàn dân, lại thực hiện công việc lập pháp theo nghị quyết của Đảng. Một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không thể vừa tuân thủ pháp luật, vừa chịu sự chỉ đạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” của Đảng, bởi hoạt động của Đảng cũng không thể đứng trên pháp luật.

Đã có nhiều ý kiến đề nghị trong những sinh hoạt lớn của Đảng như các lần đại hội cũng nên có phần chất vấn và trả lời chất vấn để lãnh đạo Đảng trả lời các thắc mắc của đảng viên và cũng là của người dân như một dạng giám sát. Chính dự thảo Cương lĩnh cũng xác định: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Nếu phải nêu ra một hệ quả của sự trùng lắp này, có thể kể đến sự thiếu vắng tính chịu trách nhiệm của quan chức trong bộ máy nhà nước. Người điều hành bộ máy ở mọi cấp phải có khả năng chọn và sa thải cấp dưới vì đây là công cụ quan trọng nhất để đòi hỏi tính trách nhiệm. Thế nhưng một khi Thủ tướng không có quyền cách chức một bộ trưởng, thậm chí một vụ trưởng; chủ tịch tỉnh không thể sa thải một giám đốc sở thì chắc chắn bộ máy đó sẽ dễ rơi vào tình trạng tha hóa, hay bất lực.

Đổi mới phương thức lãnh đạo có nghĩa vừa thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, vừa khắc phục những vấn đề nói trên. Muốn thế, Đảng nên lãnh đạo bằng con người, thông qua con người là những đảng viên. Hiện nay số lượng đại biểu Quốc hội, cán bộ cấp cao Nhà nước là đảng viên chiếm tuyệt đại đa số. Họ chính là những người thể hiện rõ nhất chủ trương, nghị quyết của Đảng qua hành xử hàng ngày của mình.

Một khi đóng vai trò một đại biểu Quốc hội hay một bộ trưởng, họ phải tuân thủ luật pháp, nguyện vọng của cử tri. Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước dân và cụ thể trước Thủ tướng Chính phủ về mảng công việc của mình - làm không tốt, để bên dưới tham nhũng, sẽ bị cách chức, thậm chí vào tù. Họ phải có tính giải trình trách nhiệm trước mọi việc và không thể đổ cho Ban Cán sự Đảng như một số quan chức bị kỷ luật từng phát biểu.

Trong khi đó, là con người đảng viên, họ sẽ tuân thủ nghị quyết của Đảng, xem đó là định hướng cho họ trong việc điều hành bộ máy. Nhưng khi triển khai trong thực tế thì con người đảng viên sẽ trở thành con người của bộ máy hành pháp hay lập pháp, lúc đó ứng xử của họ sẽ tuân theo những quy định cụ thể của luật pháp. Lợi ích của Đảng cũng chính là lợi ích của đất nước thì hai vai trò thật ra là một. Và lúc đó, nhiệm vụ “khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước” nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được giải quyết dễ dàng và có hiệu quả.

Mối quan hệ giữa pháp quyền và xã hội chủ nghĩa

Ở góc độ bộ máy nhà nước, cũng phải phân định ý chí của người lãnh đạo và hệ thống luật pháp. Giả thử, người đứng đầu một địa phương một hôm đẹp trời đi vi hành khắp các quán cà phê. Ông nổi giận khi thấy thanh niên không chịu đi làm việc mà cứ mải mê trong khói thuốc bên ly cà phê; bèn ra về và ban lệnh cấm khách ngồi uống cà phê quá hai tiếng! Xin nói ngay đây là một chuyện giả tưởng để bàn chuyện khác chứ không có địa phương nào ra lệnh kỳ quái như thế.

Cách “trị dân” của ông này chính là hình ảnh trái ngược của khái niệm Nhà nước pháp quyền và gọi cho đúng bản chất sự việc thì đây là “độc tài”, “độc đoán” dù thiện ý của nhà lãnh đạo này cũng đã rõ.

Một xã hội dân chủ sẽ giải quyết lợi ích cá nhân trong tương quan với lợi ích xã hội bằng một dạng hợp đồng, trong đó cá nhân chịu hy sinh một số quyền tự do nhất định, chịu bị ràng buộc bởi các quy ước chung để mọi người có thể chia sẻ nguồn lực xã hội một cách công bằng nhất.

Nếu thay cà phê trong ví dụ trên bằng ma túy chẳng hạn, rất dễ thấy mọi người trong cộng đồng sẽ đồng tình với điều luật cấm mua bán, sử dụng ma túy, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt đích đáng. Nhưng tất cả phải được thể hiện trước tiên bằng ý muốn của cả cộng đồng thông qua các điều luật làm nền tảng cho việc điều hành của cơ quan công quyền. Lúc đó, luật pháp đứng trên tất cả, kể cả ông lãnh đạo địa phương vì nếu con ông vi phạm, cũng sẽ bị trừng phạt như một người dân thường.

Khái niệm “xã hội chủ nghĩa” khi gắn với nhà nước pháp quyền chính là nêu mục tiêu của nhà nước đó: “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, chứ không phải vì lợi ích của các quan chức hay lợi ích của các nhóm khác nhau, sao cho mục đích cuối cùng là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vì thế xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là trở lại thực hiện đúng câu khẩu hiệu đã có từ lâu: “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Chỉ cần nhấn mạnh một số ý: việc lập pháp, cụ thể là soạn thảo pháp luật, phải trả lại cho Quốc hội sự chủ động vì hiện nay dự thảo luật đều do cơ quan chính phủ biên soạn; mọi văn bản dưới luật do Chính phủ ban hành chỉ mang tính tham khảo và không được trái với luật trên nó; đồng thời cần có cơ chế bảo hiến để đảm bảo mọi điều luật đưa ra là đúng với tinh thần Hiến pháp.

Ngoài ra, cần trang bị cho người dân những công cụ để họ buộc quan chức hành chính làm đúng nhiệm vụ, chức năng do luật pháp quy định, nếu làm sai sẽ bị kiện ra tòa. Tòa án sẽ xét xử độc lập, không chịu sự chi phối của bất kỳ ai, từ bất kỳ cơ quan nào.

Dự thảo Cương lĩnh viết: “Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân” chính là để phát huy ý nghĩa đó.
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Về tiêu đề “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”

    31/08/2014“Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” là tiêu đề bắt buộc phải sử dụng theo một sắc lệnh số 49 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12/10/1945. Cùng ngày, Bác viết bài báo: “Sao cho được lòng dân?” dưới bí danh “Chiến Thắng”...
  • Xây dựng chế độ Dân Chủ Nhân Dân - tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội

    20/10/2010GS. Nhà giáo ND Nguyễn Ngọc LanhCách hành văn trong dự thảo Cương Lĩnh khiến mọi người buộc phải hiểu rằng khi nào ở VN có CNXH hiện thực, các tiêu chí trên cũng mới hiện thực. Trong khi đó, dự thảo Cương Lĩnh lại nhấn mạnh (một sự thật) là: Thời kỳ quá độ sẽ rất dài, rất phúc tạp, phải dò dẫm và tất nhiên rất gian khổ… Liệu có vì thế mà sinh nản lòng cho mọi người?

  • Một số luận điểm về phát triển kinh tế - xã hội trong cương lĩnh cần thay đổi và điều chỉnh

    16/10/2010TS. Hồ Bá ThâmCần đổi mới, thay đổi hoặc làm rõ hơn, các luận điểm, sau đây:
    - một trong những đặc trưng của CNXH là thiết lập quan hệ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu dựa trên một trình độ lực lượng sản xuất hiện đại.
    - về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò nền tảng của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.
    - mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
  • Vấn đề phòng, chống suy thoái của Đảng cầm quyền phải là một vấn đề lớn trong Cương lĩnh

    15/10/2010TS. Hồ Bá ThâmVấn đề “suy thoái nhân cách, quyền lực của Đảng cầm quyền” là một vấn đề lớn, hệ trọng, có tính cương lĩnh, mà bất cứ đảng cầm quyền nào cũng phải đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, không ít đảng đã phải trả giá đắt. Những bài học lịch sử xưa nay vẫn còn mới và mang tính thời sự...
  • Phát huy dân chủ để hạn chế lạm quyền, độc quyền

    15/10/2010Minh CườngNắm chắc ngọn cờ dân chủ thì sẽ có nhiều cơ hội ngăn ngừa bệnh quan liêu, độc đoán, tham nhũng...
  • Mệnh đề mâu thuẫn trong văn kiện Đại hội Đảng

    11/10/2010Cao Nhật ghiKhi Đảng chỉ đích danh một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp là "chủ đạo" thì việc "các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh..." sẽ không thể thành hiện thực...
  • Cương lĩnh: Những quan niệm chưa nhất quán

    11/10/2010TS. Hồ Bá ThâmNghiên cứu Cương lĩnh bổ sung, phát triển trình ĐH 11 của Đảng, chúng ta dễ nhận thấy nổi bật sự kiên định con đường phát triển tiến lên XHCN và những mục tiêu, những phương hướng, những quan hệ chính cần giải quyết, nhưng trong đó có một số quan niệm chưa nhất quán...
  • Nhà nước của dân, do dân, vì dân

    09/10/2010Một Nhà nước phải là một Nhà nước có Đức, dưới sự lãnh đạo của một Đảng là đạo đức, là văn minh. Một Nhà nước có Đức là nói đến một Nhà nước hướng tới bảo vệ và phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, đồng thời với việc trừng trị một cách nghiêm khắc những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân tộc, của nhân dân...
  • xem toàn bộ