Hai chính sách đối ngoại

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:37 CH @ Thứ Năm - 24 Tháng Tư, 2014

Quan điểm đối ngoại truyền thống

Kể từ khi xuất hiện nhà nước, giao lưu kinh tế, văn hóa, tư tưởng, giữa các quốc gia ngày càng mở rộng, đồng thời với mặt tích cực của quá trình phát triển trên, những mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia cũng ngày càng trở nên căng thẳng và gay gắt hơn. Điều này giải thích tại sao trong lịch sử phát triển của mình các quốc gia luôn nhận thức ngoại giao là một hoạt động vô cùng quan trọng để các quốc gia đối thoại với nhau, bảo vệ hoặc chia sẻ các quyền lợi của mỗi nước hoặc nhóm nước tuỳ theo tình hình cụ thể của lịch sử.

Trên thực tế, trong suốt tiến trình lịch sử cho đến hiện tại, khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới, thế giới luôn bị chia rẽ bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó dai dẳng nhất là những lý do về dân tộc, tôn giáo và ý thức hệ. Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, những chia rẽ về ý thức hệ và dân tộc đã bao trùm lên mọi khía cạnh của sinh hoạt quốc tế và ảnh hưởng đậm nét đến chính sách ngoại giao của các dân tộc.

Ngoại giao thế kỷ

Thế kỷ XX đã chứng kiến phong trào giải phóng dân tộc trên quy mô toàn thế giới. Hệ thống thuộc địa và chủ nghĩa thực dân bị xoá bỏ nhưng đồng thời người ta cũng chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã được hình thành từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phần lớn các nhà nước không thực sự có quyền tự quyết trong lĩnh vực đối ngoại. Trong thời kỳ này sự phân chia về ý thức hệ chiếm ưu thế, trong đó nhiều nhà nước không có năng lực chính trị độc lập và đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề dân tộc hoàn toàn không bị lãng quên mà khi có điều kiện, và nhất là khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nó lại bùng phát trở lại không kém phần dữ dội.

Trong bối cảnh đó, ngoại giao cũng mang nặng những định kiến dân tộc và ý thức hệ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao là cố gắng giành lấy những lợi ích cho quốc gia hay nhóm các quốc gia. Các hoạt động ngoại giao về cơ bản thường đi thẹo những hành lang vạch sẵn. Các cuộc đối thoại giữa các quốc gia có xung đột về quyền lợi thường như những cuộc nói chuyện giữa những người điếc. Mỗi quốc gia cố gắng đòi hỏi quyền lợi nhiều nhất và thường không hiểu hoặc không muốn hiểu đối tác của họ muốn gì. Cuộc đụng đầu lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một minh chứng cho nhận định trên. Nếu xét trên quan điểm đối tác thì hai bên hầu như không hiểu nhau. Năm 1945, bất chấp những cố gắng liên minh của Việt Minh, người Mỹ phớt lờ nguyện vọng tự do độc lập dân tộc của Việt Nam. Về phía chúng ta cũng hầu như không hiểu và nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của Hoa Kỳ trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn chưa thấy được Hoa Kỳ như một thị trường lớn nhất thế giới mà mọi quốc gia không thể không xâm nhập nếu muốn thành công trên con đường phát triển. Nghĩa là cả Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác bị những định kiến về dân tộc và ý thức hệ chi phối. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là tính độc tuyến của hoạt động đối ngoại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là thế giới chưa xây dựng được những tiêu chuẩn chính trị lành mạnh để các dân tộc cùng chung sống và phát triển, chưa có nền văn hóa chung để có thể hiểu và chia sẻ quyền lợi cũng như những nghĩa vụ cùng nhau. Các quốc gia mạnh luôn theo xu hướng áp đặt còn các quốc gia yếu hơn thường rơi vào trạng thái cực đoan của những định kiến. Tuy nhiên lịch sử là quá khứ, các dân tộc hoàn toàn và có thể hành động theo những cách khác tốt đẹp hơn so với những gì đã xảy ra trong quá khứ, để cùng nhau kiến tạo tương lai.

Trật tự thế giới mới và những thay đổi trong quan hệ quốc tế

Những thay đổi của thế giới trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ XX đã tạo nên một trật tự thế giới mới, các quốc gia thoát khỏi những ràng buộc chặt chẽ vào các siêu cường. Họ có thể tự do hơn để nói tiếng nói thật của mình. Nhân loại bước vào thời kỳ phát triển nhanh chưa từng thấy, nhưng tình hình không phải là hoàn toàn thuận lợi, thế giới ngày nay vẫn đầy biến động và bất trắc. Các quốc gia bước vào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh trong đó xuất hiện những trào lưu và xu thế mới: Quá trình toàn cầu hóa gia tăng mạnh mẽ và sự lên ngôi của các lực lượng đa quốc gia trên vũ đài quốc tế.

Nền chính trị thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh Sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia bỗng nhiên tự mình phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị của mình. Nền chính trị thời hậu Chiến tranh Lạnh giải thoát cho nhiều quốc gia khỏi "quỹ đạo" làm vệ tinh cho các siêu cường, nhưng nó lại là cơ hội mới để những mâu thuẫn thâm căn cố đế giữa các dân tộc có dịp nổi lên, dẫn đến sự chia cắt thế giới thành những mảnh vụn mang màu sắc dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ hoặc thậm chí là trình độ phát triển. Thế giới ngày nay mang lại cho các dân tộc nhiều cơ hội mới để phát triển nhưng nó cũng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Thực tế cuộc sống đòi hỏi ngoại giao trong thời kỳ hiện nay phải thay đổi về chất để đáp ứng với yêu cầu của thời đại.

Xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Ngày nay trào lưu toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại ngày càng diễn ra sâu rộng và quyết liệt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của nhân loại. Cho dù nơi này hay nơi kia người ta lên tiếng phản đối hoặc công kích, nhưng mọi người buộc phải thừa nhận rằng toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại là xu thế không thể cưỡng lại đối với mọi quốc gia. Toàn cầu hóa về bản chất là các nền kinh tế quốc gia không những ràng buộc lẫn nhau ngày một chặt chẽ hơn, mà còn thâm nhập lẫn nhau, do đó mỗi quốc gia có cơ hội nhiều hơn để tiếp nhận những thành quả của sự phát triển nhưng cũng dễ bị tổn thương hơn do các yếu tố bên ngoài.

Dưới tác động của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, Trái Đất dường như đang nhỏ lại. Dòng chảy của hàng hóa, tiền vốn, kỹ thuật, nhân công và kèm theo đấy là cả quyền lực từ nước này xâm nhập sang nước khác dễ dàng hơn và mức độ ngày càng cao hơn. Từ nay, không một quốc gia nào có thể độc lập giải quyết mọi vấn đề của mình (như phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi sinh...) và cũng không có sai lầm trên quy mô quốc gia nào không ảnh hưởng đến đời sống chung của toàn nhân loại.

Sự lớn mạnh của các lực lượng đa quốc gia

Trước hết cần hiểu khái niệm lực lượng đa quốc gia bao gồm các công ty đa quốc gia và các định chế quốc tế. Các công ty đa quốc gia đại diện cho sức mạnh khổng lồ của kinh tế tư nhân trong thời đại mới, còn các định chế quốc tế đại diện cho sức mạnh của các "siêu nhà nước". So với mỗi quốc gia đơn lẻ, lực lượng đa quốc gia hiện có sức mạnh to lớn hơn nhiều trên vũ đài kinh tế, chính trị toàn cầu và chắc chắn rằng họ tiếp tục còn có vai trò to lớn hơn nữa trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia cũng như của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ tới. Hai nguồn quyền lực đứng trên quyền lực này buộc các quốc gia phải thay đổi và điều chỉnh các chính sách của mình, trong đó đặc biệt là chính sách đối ngoại, để phù hợp với hoàn cảnh mới.

Nếu nhìn thuần túy dưới góc độ kinh tế thì các công ty đa quốc gia là bước phát triển mới về chất của nền kinh tế thế giới.

Về thực chất, đó là những siêu công ty xét về vốn, công nghệ, chất xám và trình độ quản lý. Hoạt động của các công ty đa quốc gia vượt ra ngoài các đường biên giới và trở thành những thế lực khổng lồ thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các chính phủ. Đến cuối thế kỷ XX, sức mạnh kinh tế của nhiều công ty đa quốc gia còn vượt cả những quốc gia được xếp hạng trung bình của thế giới. Nghĩa là về mặt nào đấy các công ty đa quốc gia đã trở thành những quốc gia không có đường biên và nhiều nhà lãnh đạo công ty da quốc gia đã trở thành những chính khách thực sự. Các công ty đa quốc gia phân phối vốn đầu tư và sự chú ý của họ vào quốc gia nào, phụ thuộc trước hết vào chính sách của chính phủ nước ấy, vào tình trạng giá cả lao động, hàng hóa ở những khu vực đó. Rõ ràng là họ tự quyết định việc phân bố sự chú ý chính trị và kinh tế của mình không phụ thuộc vào ý chí của các chính phủ.

Các định chế quốc tế bao gồm Liên hiệp quốc (UN), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) và các tổ chức kinh tế, hợp tác khu vực kiểu như EU, ASEAN, NAFTA.... Thực tế hiển nhiên là để phát triển, mọi quốc gia, kể cả những nền kinh tế lớn nhất như Hoa Kỳ không thể không hợp tác mà thậm chí còn phải điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp với các quan hệ với các định chế quốc tế. Có thể nói, các lực lượng đa quốc gia đóng vai trò quyết định, là động lực cơ bản trong quá trình toàn cầu hóa. Trên thực tế đâu đó hiện vẫn nổi lên những tiếng nói phản đối quyền lực của các lực lượng đa quốc gia, nhưng chúng ta phải có cái nhìn thiết thực hơn. Ta có thể thấy tình hình tương tự như việc sử dụng Intemet. Ngày nay, không còn quốc gia nào vì lý do Intemet có chứa cả sự độc hại mà tự tước đi của mình quyền lợi khai thác và sử dụng nguồn lợi không gì so sánh được này để phát triển kinh tế. Các lực lượng đa quốc gia đang trở thành lực lượng chính trong phân phối các nguồn lực, chuyển giao công nghệ, khoa học, lưu chuyển hàng hóa, thậm chí đóng vai trò chủ đạo trong việc điều hành guồng máy kinh tế toàn cầu. Vai trò của họ ngày càng tăng trong mọi tiến trình quốc tế và khu vực. Vì vậy, các quốc gia muốn phát triển, muốn được hưởng những thành quả phát triển của nhân loại cần và phải khai thác tối đa hiệu quả của sự hợp tác với các lực lượng đa quốc gia.

Về vấn đề hai chính sách đối ngoại

Những thay đổi cơ bản nói trên ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ ngoại giao của các quốc gia và phá vỡ hình thức quan hệ quốc tế truyền thống.

Có tài liệu thống kê đã đưa ra tỉ lệ tài sản mà các chính phủ không quản lý nổi, tức là nằm trong các công ty đa quốc gia, chiếm khoảng 48% tài sản của nhân loại. Có thể khẳng định rằng, một quốc gia có nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng da quốc gia hay không còn tuỳ thuộc vào thái độ và những nhận thức của quốc gia đó về các lực lượng đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia đương nhiên bao giờ cũng có mặt ở chỗ mà chính phủ tỏ ra tự do và tôn trọng thương nhân nhất, thuế suất thấp nhất. Họ đến đó để tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn nhưng đồng thời góp phần tạo thêm việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt cho quốc gia nơi họ có mặt. Các công ty đa quốc gia là một lực lượng vô định hình, họ có mặt ở chỗ nào có lợi. Do đó, một chính phủ thông minh cần có các chính sách để lôi kéo họ, biến họ không chỉ thành đồng minh kinh tế, đồng minh phát triển, mà thậm chí có thể trở thành đồng minh chính trị. Người ta đã bắt đầu đặt các công ty đa quốc gia bên cạnh các quốc gia, đặt các nhà tài phiệt như Bill Gates bên cạnh những người đứng đầu nhà nước. Đối với các định chế quốc tế cũng có tình trạng tương tự. Thời đại ngày nay mỗi quốc gia chỉ có thể phát triển tốt nếu họ xây dựng một nền kinh tế Thị trường Mở. Chính sách đối ngoại thể hiện sự tham gia hoặc hợp tác tích cực với các định chế quốc tế không chỉ là thước đo của quá trình hội nhập mà thực chất là điều kiện tiên quyết cho phát triển. Lợi dụng được tối đa sức mạnh khổng lồ của các công ty đa quốc gia để phát triển kinh tế đất nước không những là yêu cầu cấp bách của thực tế mà còn thể hiện sự thông minh, sáng suất của mỗi chính phủ.

Có thể kết luận rằng, ngày nay một chính phủ cần có hai chính sách đối ngoại: Chính sách thứ nhất để giao dịch, đối phó và chung sống với các quốc gia, tức là ngoại giao giữa quốc gia và quốc gia, giữa quốc gia và các định chế quốc tế, chính sách thứ hai hướng tới các công ty đa quốc gia.

Căn cứ vào những phân tích xu thế phát triển của thế giới, quan điểm mới về đối ngoại có thể tóm tắt bằng những điểm chính sau đây:

1. Đối với các quốc gia, nhất là các quốc gia nhỏ như Việt Nam, chính sách đối ngoại phải phù hợp với vị thế của mình. Chính sách này phải dựa trên một nguyên tắc ổn định nhưng cần phải có cơ cấu cho phép ứng phó linh hoạt với tình hình thế giới luôn luôn biến động nhanh chóng. Nguyên tắc này không biến quốc gia mình thành một nước cơ hội, nhưng đồng thời phải cho phép quốc gia tận dụng mọi cơ hội thuận lợi để phát triển.

2. Nguyên tắc ngoại giao được thể hiện và đảm bảo trước hết bởi việc xử lý quan hệ với các cường quốc. Chính sách làm bạn với tất cả các nước không thể thay thế tầm quan trọng sống còn của chính sách ngoại giao với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật và EU. Chính sách đúng đắn sẽ giúp chúng ta tiếp cận những cơ hội và tranh thủ được những yếu tố tích cực từ các lực lượng quốc 'tế và quốc gia có thể tác động tích cực đến sự phát triển của mình.

3. Đối ngoại với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia đã và ngày càng có tầm quan trọng hơn. Nếu trong quá khứ, mỗi nhà nước chỉ có một chính sách đối ngoại, thực chất là hoạt động của nhà nước nhằm đối thoại với các nhà nước khác cùng phe hoặc khác phe với mình, thì ngày nay mỗi quốc gia cần có hai chính sách đối ngoại: một với quốc gia và một với các công ty đa quốc gia.

4. Toàn cầu hóa là quá trình không thể đảo ngược, do đó, các biện pháp đối nội cần được quan niệm như là quá trình chuẩn bị cho công cuộc hội nhập. Mặt khác việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

5. Ngoại giao khu vực cần dựa trên cơ sở những phân tích đầy đủ, khách quan và có tính dự báo, trong đó phải lưu ý rằng các nước láng giềng vừa là đối tác vừa là những đối thủ cạnh tranh trước mắt và lâu dài.

6. Cùng với các nhiệm vụ đối ngoại, cơ cấu và cơ chế hoạt động của chính phủ cũng cán được thay đổi dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế.


Trong những điểm này chính sách ngoại giao với các công ty đa quốc gia là hết sức một vẻ. Nó sẽ giúp chúng ta đạt được hai mục đích chính.

(i) Tận dụng vốn, công nghệ, trình độ quản lý và thị trường để phát triển kinh tế,
(ii) hỗ trợ giải quyết vấn đề chính trị. Qua đó, chúng ta có thể phát triển hoặc mở rộng quan hệ với những quốc gia hay những lực lượng mà trong những điều kiện cụ thể không thể giải quyết trực tiếp giữa các quốc gia.

Xây dựng một nền văn hóa ngoại giao

Trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc có thể coi ngoại giao giữa các quốc gia như diễn ra trong thế giới của những người điếc. Các cộng đồng đều đưa ra yêu sách của mình nhưng không hiểu hoặc không muốn hiểu đối tác, hay nói đúng hơn không muốn thừa nhận đối tác. Thực tế ngày nay đã đổi khác. Chúng ta cần và buộc phải hiểu các đối tác, nắm được những yêu cầu của họ. Ngày nay các mâu thuẫn và xung đột quốc tế cần phải giải quyết theo tư duy ngoại giao mới. Đó là một nền văn hóa ngoại giao giúp cộng đồng các quốc gia hiểu biết, thông cảm và chia sẻ quyền lợi cùng nhau. Đó là sự hợp tác và cạnh tranh đê mang lại thắng lợi cho các bên đối tác.

Những thay đổi sâu sắc của thế giới trong vài thập kỷ gần đây đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa và sự gia tăng ảnh hưởng của các quyền lực đa quốc gia đòi hỏi chúng ta phải có tư duy đối ngoại mới.

Chính sách đối ngoại giữa các quốc gia cần phải tính đến đặc điểm đa cực và ràng buộc lẫn nhau của thế giới hiện đại dưới tác động của toàn cầu hóa. Mặt khác, bằng các chính sách đối ngoại khôn khéo trong quan hệ với các công ty đa quốc gia, một chính phủ có thể biến họ thành đồng minh của mình không chỉ về kinh tế mà cả về chính tả, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển đất nước, đồng thời hạn chế sự thao túng của họ. Trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác vô cùng phức tạp hiện nay, chính phủ nào, quốc gia nào tranh thủ được các lực lượng đa quốc gia sẽ có sức cạnh tranh lớn để thực hiện thành công chính sách phát triển kinh tế của mình.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: