Hai cách giao tiếp khi học

02:51 CH @ Thứ Bảy - 20 Tháng Chín, 2014

Ở đó quá trình thứ hai, cái đáy tam giác, tiêu biểu cho lợi ích của người học trò. Lợi ích ấy là của học trò và cho học trò. Ngoài sự mong muốn học trò hiểu bài, người thầy không đòi một vật chất gì từ người học trò trong quá trình kia. Vì đã không đòi gì ở quá trình (2) nên sau này thầy được người học trò nhớ ơn một cách tự nguyện trong quá trình (3). Dùng ngôn từ của Ngô Thì Nhậm, khi ông là thiền sư, thì thầy giáo hưởng âm đức; còn nếu ở quá trình (2) ông đã đòi và được đáp trả thì thầy đã hưởng dương đức. Nghề giáo, hay cách giao tiếp của giáo dục, không đi tìm dương đức.

Một cán bộ phụ trách thiếu niên trong phường đi vận động các em nhỏ tham gia sinh hoạt hè, khi ấy có hai quá trình diễn ra: (1) anh thuyết phục đứa bé tham gia; (2) nếu đứa bé tham gia, anh lập thành tích dựa theo một chỉ tiêu. Ở đây quá trình diễn ra giống như hình chữ V ngược. So với cách giao tiếp của giáo dục thì một quá trình bị mất vì lợi ích riêng tư của em bé đã bị đồng hóa với quyền lợi của anh cán bộ; do đó, lợi ích của em bé bị triệt tiêu.

Thật vậy, khi tham dự cậu bé có vui hay không, anh cán bộ không cần biết; cậu bé có thể chẳng muốn dự vì đã hẹn về quê thăm ông bà, anh cán bộ cũng không quan tâm, anh có thể o ép cậu bé. Lợi ích riêng tư của cậu bé bị triệt tiêu vì em bị lôi kéo vào cái chỉ tiêu mà anh cán bộ phải đạt; chỉ tiêu ấy không phải của em bé mà do một người thứ ba là phường đưa ra. Tất nhiên, phường tổ chức sinh hoạt hè là muốn phục vụ em bé; nhưng về mặt tâm lý em bé có thể không muốn tham dự. Bởi thế khi em tham dự thì việc làm của em trở nên thành tích của anh cán bộ. Anh cán bộ đã hưởng dương đức. Việc làm của anh cán bộ tốt, nhưng cho lợi ích của anh là chính, thành thử cậu bé không nhớ ơn anh; còn anh cũng không quan tâm vì đã được phường thưởng rồi.

Trong ngành giáo dục hiện nay ta thấy có tỉ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp... Đó là chỉ tiêu rõ ràng; đạt được là thành tích; và thầy cô được xếp hạng tùy theo thành tích. Như vậy là thầy cô – dù muốn hay không - đã đi tìm và hưởng dương đức, y như anh cán bộ phường.

Chúng ta cũng đã nghe về việc làm của Bộ Giáo dục và đào tạo cùng chỉ thị của một vài chính quyền địa phương cho giáo chức mỗi kỳ thi tốt nghiệp. Đích thị là các thầy cô, chủ động hay thụ động, đã áp dụng cách giao tiếp chính trị trong việc dạy dỗ học trò của mình. Có nhiều thầy cô đau lòng khi bị đẩy vào hoàn cảnh ấy.

Giáo dục là một sự giao tiếp giữa thầy và trò. Nó là một sự giao tiếp giữa hai tâm hồn: một người đi trước, một kẻ đi sau. Trong đó người trước mong điều tốt cho kẻ sau, còn kẻ sau sống xứng đáng với sự mong đợi của người trước theo đạo đức “con hơn cha là nhà có phúc”.

Trong cách giao tiếp ấy lòng nhân ái được thể hiện. Nhân ái không đòi hỏi một sự đáp trả ngay, nhưng nó vẫn luôn luôn được đáp trả. Khác biệt chỉ là thời gian và người nhận sự đáp trả. Chính trên cơ sở ấy tình mẫu tử, nghĩa phu thê - vốn tạo nên sự trường tồn của xã hội - đã bền vững. Ngô Thì Nhậm có nói đại ý là dương đức thì không bền và sống thì phải tạo ra âm đức.

Cần một sự nhận thức

Có bao nhiêu sinh viên đã ra trường, thành đạt (xin nhấn mạnh số này chứ không phải số đang học) lâu lâu trở về trường đại học cũ và thỉnh thoảng đóng góp cho trường một cách nền nếp? Khi làm như thế người cựu sinh viên thể hiện lòng nhớ ơn thầy cô bằng cách đóng góp cho thế hệ sau.

Tôi xin phép kể chuyện này. Trong năm 2003, ở Trường luật Harvard, trong tổng số thu của họ, học phí chiếm 46,2%; tiền quyên góp và trao tặng từ cựu sinh viên chiếm 41,4%; các lợi tức khác, tiền cho thuê ký túc xá và tài trợ nghiên cứu chiếm số còn lại. Cơ cấu của số thu như vậy giúp họ hoạt động tốt và họ dùng 10% để cấp học bổng cho sinh viên nghèo và giỏi. Họ dựa vào cựu sinh viên để lo cho số sinh viên giàu và nghèo đang theo học. Họ lấy quá khứ – chứ không phải tương lai - để chăm lo cho hiện tại. Họ làm cho sự hãnh diện và lòng nhớ ơn không ngừng nẩy nở trong những ai đã từng mài đũng quần tại đó. Rõ ràng học phí không phải là nguồn thu chính. Tất nhiên ta có thể bảo tại họ giàu nên làm được như vậy. Thế cách làm của họ thì sao? Phải chăng họ đã tìm cách tạo âm đức?

Nên chăng muốn cải tổ giáo dục phải nhìn lại cách tiếp cận không phù hợp đã nêu? Đó là một sự nhận thức cần thiết để từ đó dẫn đến hành động phù hợp. Thí dụ như từng bước sửa đổi cơ chế rồi người quản lý và rồi những quá trình tương tác tiếp theo để khắc phục cái hiện tại chưa vui và dựng xây một tương lai hoan hỉ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: