Gustav Klimt - Hội hè của sắc màu

09:31 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Ba, 2010

Trước đây đúng 100 năm tại Kunstschau – Triển lãm nghệ thuật lần thứ nhất ở Vienna – thủ đô nước Áo, họa sĩ Gustav Klimt (1862-1918) đã trưng bày bức Nụ Hôn. Bức tranh này trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của thế kỷ. Không thể đếm xuể số phiên bản, bản sao, các bài viết, sách báo cũng như số người yêu thích bức tranh quá dễ hiểu và quá bí ẩn này.

Trên một cái giường trải thảm hoa sặc sỡ, lộng lẫy là một đôi trai gái quỳ ôm hôn nhau. Hai thân thể gói trong hình oval vàng son còn lộng lẫy hơn cả khung cảnh nền đầy ắp sắc màu, với các hoa văn trang trí từ những đường lượn mềm mại, những đường tròn gợi cảm bên phía người nữ. Phía sau họ là lấp lánh bầu trời sao bao la và ấm áp. Toàn bộ bức tranh được thể hiện bằng những đường cắt và hình khối của ngôn ngữ trừu tượng, nhưng những chi tiết của gương mặt và tay chân hé lộ ra lại được miêu tả rất hiện thực. Sự ham muốn nhục cảm, sự đê mê tê dại của hai người yêu nhau được biểu tượng hóa qua nét bút uốn lượn run rẩy, những co quắp của chân và tay, đầu và cổ cùng gương mặt thấm đẫm hoan lạc của cô gái…Bỗng nhớ tới hai câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Chúng tôi nói chuyện bằng hơi thở/ Dần dần hoa cỏ hóa ra thơ”. Cũng nhớ tới những bức tranh yêu đương sặc sỡ kimono của các họa sĩ Nhật. Cùng là ngôn ngữ biểu tượng, cách điệu, gợi nhiều hơn tả, mà cảm xúc cứ dâng lên đầy ắp và thật đến mức không gian run rẩy như hơi thở gấp, cỏ cây cũng phong tình và sắc màu kimono hòa quyện hòa đắm đuối giao tình.

Nụ hôn 1907- 1908 (180x180cm)

Nụ Hôn, Klimt đã lấy lại và đẩy sâu hơn nũa motif ôm hôn nhau vốn là một chi tiết trong một tổng thể đồ sộ các tranh trang trí trên tường của Triển lãm ca ngợi Beethoven được tổ chức sáu năm trước đó và vấp phải sự phản đối kịch liệt của công chúng. Họ cho rằng hình ảnh yêu đương này và sự đắm say nhục cảm của hai nhân vật đã đi quá giới hạn đạo đức sang phía dâm loạn. Ngày nay những đôi tình nhân, những cặp vợ chồng mới cưới thường chọn những phiên bản của Nụ Hôn để làm điểm nhấn lãng mạn cho phòng khách và cho phòng ngủ. Trong không gian của những “nhà lành” ấy, tinh thần và những sắc màu thắm thiết của bức tranh đã trở thành biểu tượng của tình yêu trong sáng, thiêng liêng, lý tưởng… Từ một “kẻ đầu têu phá rối, nổi loạn, suy đồi” trở thành một bậc thầy kinh điển là con đường của Klimt và không ít thiên tài nghệ thuật khác.

Chân dung Adele Bloch- Bauer 1907 (138x138cm)

Gustav Klimt sinh năm 1862 ở ngoại ô thành Vienna. Cha ông là một họa sĩ trag trí và ông cũng theo học Trường nghệ thuật trang trí Vienna từ năm 1876 đến năm 1893. Những tác phẩm đầu tiên của Klimt là các tranh trang trí lớn mang tính ẩn dụ: Triết học, Luật sư, Y học cho đại sảnh Đại học Vienna về năm 1896 và bị gỡ bỏ hai năm sau đó. Lúc này ông đã là chủ tịch hội Họa sĩ Ly khai Vienna(Wiener Secession) với những chủ trương chống lại hội họa hàn lâm khô cứng, xa rời đời sống xã hội. Klimt sớm trở nên một đại diện tiêu biểu của trường phái Jugendstil – Phong cách trẻ mà tiếng Pháp gọi là Art Nouveau, còn tiếng Anh là Modern Style - ảnh hưởng rất sau rộng trong hội họa, điêu khắc, kiến trúc và tạo ra cả một trào lưu nghệ thuật ứng dụng, thiết kế hết sức uyển nhã, thiết lập vẻ đẹp mới cho thế giới đồ vật thời đại công nghiệp trên toàn thế giới. Ở Việt Nam cũng có một số tòa nhà đẹp theo phong cách này với các hoa văn trang trí bằng vữa, kính màu, gốm màu và sắt uốn…

Ngoài các tranh tường lớn, Klimt vẽ nhiều chân dung, phong cảnh, các tác phẩm mang tính tượng trưng. Kỷ lục giá tranh hiện vẫn thuộc về một bức chân dung do Klimt vẽ một thiếu phụ quý phái được bán với giá 145 triệu USD. Các chân dung thường tràn ngập màu sắc và hoa văn. Phần cơ thể để trần hết sức gợi tình có khi dạn dĩ, lả lơi và mang tính nhục cảm kiểu libido của học thuyết S.Freud. Có lẽ vì thế mà bức chân dung nói trên lúc đầu đã bị người đặt vẽ khước từ. Các hoa văn, màu sắc viễn dị là một ham thích đặc biệt của họa sĩ. Hoa văn sóng nước, mây, chim thú, hình nhân Á Đông, tranh tết của Trung Hoa, tranh khắc gỗ màu sặc sỡ của Nhật Bản, tranh ghép gốm thời Byzantine… là những lễ hội, tiệc tùng của màu sắc mà Klimt đắm chìm trong đó. Dưới chân là một nền gạch vàng có khung hồng cánh sen, với các họa tiết xanh nõn chuối, cổ vịt, vàng cam, trắng bạc… Trên tường màu lam là các nhân vật muôn màu của tranh tết, áo váy của người thiếu nữ cũng trùng điệp các hoa văn, mây, nước, hoa cỏ như một tấm hoàng bào phương Đông. Klimt đặc biệt thích dùng lá vàng thật dán lên tranh gây hiệu quả lóng lánh, chói mắt. Chiếc đũa nhạc trưởng của bản hòa tấu màu sắc ấy là hệ thống đường nét vô cùng tinh nhã mảnh mai, chắt lọc. Song hiệu quả chói lọi, lóa mắt của trang trí chỉ nhằm nhấn mạnh, đề cao chủ đề chính, nhân vật chính. Điều này thoạt đầu người ta không hiểu và khó tha chứ cho Klimt. Ở các tranh phong cảnh, dù âm u nhất cũng là một bữa tiệc màu sắc thịnh soạn dành cho con mắt thèm cái đẹp, ta dường như thấy sự “lạm phát” các hoa văn trang trí trừu tượng. Thế nên phải mất gần một trăm năm để người hậu thế hiểu Gustav Klimt là một triết gia, một nhà phân tâm học, một thi sĩ vĩ đại hơn là một họa sĩ trang trí có bàn tay vàng.

Mỗi thành phố, mỗi quốc gia cs những kỳ quan của mình. Vienna va nước Áo có niềm kiêu hãnh mang tên Âm nhạc, Kiến trúc và Hội họa.

Cùng với O. Kokoschka (1888-1980) và E. Schieler(1890-1918), Gustav Slimt – họa sĩ thiên tài qua đời cùng năm với Schieler và cùng với sự cáo chung của đế quốc Áo Hung, đã tạo nên một kỳ quan cho quê hương, tổ quốc mình. Đó là Trường phái Vienna đang ngày càng được sùng mộ hơn bao giờ hết. Schieler thì chết quá trẻ. O. Kokoschka thiên về chủ nghĩa biểu hiện và lang bạt khắp thế giới. Nên tòa tháp chính giữa của Trường phái Vienna chính là Klimt. Ông chính là tượng đài tiêu biểu nhất cho cả hai khái niệm hội họa Vienna và Jugendstil.

Nếu có dịp đứng trước một họa phẩm của Gustav Klimt, xin bạn đừng bỏ lỡ một bữa tiệc mỹ thuật “ngon” nhất đời mình, cho cảm xúc dâng tràn hòa quyện với những sắc màu lộng lẫy đến đắm đuối, như hạnh phúc ngợp hồn khi tình yêu cuộc sống thăng hoa trong lễ hội của sáng tạo và niềm đam mê.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phái đẹp qua hội họa

    08/03/2020Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp hình thể và vị trí thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng cùng thiên chức của người phụ nữ đã được đề cao và khai thác đến đỉnh điểm, để từ đó khẳng định và chứng minh một chân lý: Không có phụ nữ, không có nhân loại và cũng không thể có nền văn hoá – văn minh trên trái đất...
  • Nước Nga tuyệt đẹp của Levitan

    06/11/2019Trịnh ChuThế kỷ XIX được mệnh danh là thế kỷ của những người khổng lồ. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ tự nhiên đến xã hội đều xuất hiện những thiên tài kiệt xuất. Nền hội họa Nga tự hào với Levitan (30/8/1860 - 4/8/1900).
  • 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20

    31/10/2013H.L. (theo The Times)Pablo Picasso, danh họa người Tây Ban Nha, đứng đầu top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times, Anh, công bố. Cuộc bình chọn thu hút sự tham gia của 1,4 triệu người.
  • Vũ khúc - tuyệt tác của Henri Matisse

    09/12/2009Mai PhươngHình dáng các vũ công mỗi người mỗi vẻ trong các tư thế điển hình, nổi bật trên nền xanh lam của bầu trời hay của biển cả mênh mông... Chiêm ngưỡng “Vũ khúc" của Henri Matisse, như thấy ngay trước mắt ta những con người đang say sưa khiêu vũ bên mép lề của trái đất, trong một nhịp điệu nhanh và chậm, sâu lắng và cuốn hút.
  • Mười kiệt tác hội họa đắt giá nhất mọi thời đại

    22/10/2009Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)Đây là tác phẩm hội hoạ được bán đấu giá cao nhất thế giới từ trước tới nay, hiện nay thuộc sở hữu của Chính phủ Áo. Bức tranh gây nhiều tranh cãi trong hơn một năm và sau đó được trao trả cho Áo sau một thời gian bị Đức quốc xã chiếm trong Thế chiến thứ hai. Bức tranh được danh hoạ Gustav Klimt vẽ vào năm 1907. Năm 2006, bức hoạ được Ronald S Lauder mua lại để làm tài sản thừa kế.
  • Họa sĩ - vĩ đại và mong manh

    17/08/2009Nguyên HưngĐó là một họa sĩ bậc thầy! Đó là một đỉnh Thái Sơn trong hội hoạ. Người ta vẫn hay nói về một vài họa sĩ như thế. Phải chăng trong hội họa có những đỉnh cao, đỉnh thấp? Và, cách đặt vấn đề như thế phỏng có lợi ích gì không?
  • Những cuộc "hôn phối" kỳ diệu trong mỹ thuật

    09/08/2009Trịnh CungTrong nhiều môn nghệ thuật, phụ nữ và hoa luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ sáng tạo, nhưng có lẽ chỉ duy nhất với nghệ thuật hội hoạ thì người phụ nữ và hoa không những thường xuyên là chủ đề chính trong vô số tác phẩm mà còn làm nên những tên tuổi học sĩ lẫy lừng thế giới.
  • Vẻ đẹp người phụ nữ trong mắt các nghệ sĩ

    17/06/2009Chương trình triển lãm mỹ thuật, hội họa và thủ pháp nghệ thuật với chủ đề “Hòa quyện” đã nhận được sự ủng hộ và góp sức của những nghệ sĩ tên tuổi như: họa sĩ Nguyễn Thân, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Trần Huy Hoan, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Huỳnh Ngọc Dân, họa sĩ Văn Y, nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Thái Uyên…
  • 100 năm hội họa trừu tượng

    14/04/2009Văn NgọcMột trong những bước ngoặt quan trọng của hội hoạ phương Tây vào những năm đầu của thế kỷ XX, là sự xuất hiện của những tác phẩm hội hoạ trừu tượng đầu tiên của : Picabia, Caoutchouc (1909), Kandinsky, Aquarelle abstraite (1910) ; Mondrian, Malevitch, Léger, Kupka, Magnelli (1911-1920), khẳng định sự tồn tại độc lập của chức năng thẩm mỹ đối với các chức năng khác của hội hoạ, như : chức năng thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật cái đẹp của thiên nhiên và hiện thực cuộc sống của con người, dưới các góc cạnh lịch sử, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v.
  • Tính thời đại trong nghệ thuật

    11/11/2008Trần DuyMột trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy. Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.
  • xem toàn bộ