Giữ mình

09:13 SA @ Thứ Sáu - 02 Tháng Mười, 2009

Cái bài học tưởng như đầu đời là phải biết giữ mình hoá ra học mãi không hết. Người lớn dạy trẻ con cách sống sao cho an toàn thực ra cũng là đang bảo vệ sự an toàn cho chính mình.

Người già dạy bọn trẻ hơn cách phòng tránh những thói hư tật xấu ở đời mà mình đã từng mắc phải. Nào là những rượu chè, cờ bạc, trai gái. Nào là những lừa đảo bất lương bao giờ cũng gặp quả báo. Rồi lại bảo giấy rách phải giữ lấy lề. Mẹ dặn con gái trong tình yêu phải cố giữ cho được khoảng cách mong manh cuối cùng.

Cái khoảng cách đủ để phân biệt con gái với đàn bà. Nếu không sẽ như mẹ thì khổ? Lại còn có cả những trường dạy người ta cách thức giao thiệp sao cho khỏi hớ hênh, thiệt thòi. Thế nhưng những người thiệt thòi chưa bao giờ là số ít...

Chữ "mình" trong tiếng Việt không ngờ lại đa nghĩa và khó hiểu đến thế? Trẻ con gọi nhau "mình mình tớ tớ" hết sức thân mật đáng yêu. Người lớn sống "một mình" tưởng rằng cô đơn mà hoá ra không phải vậy. Sống từ "hai mình" trở lên có khi còn cô đơn gấp bội. Vợ chồng âu yếm gọi nhau là "mình".

Đàn ông muốn đàn bà "giữ mình" tất nhiên không phải vì đàn bà. Bạn gái giữ ta ở nhà, không muốn ta đến chỗ có nhiều bạn gái khác. Cô ấy muốn giúp ta "giữ mình"? Đám thanh niên choai choai lêu lổng "hết mình" mới gọi là sành điệu. Qua tuổi ấy ít lâu có thể vài đứa lại biết "sửa mình". Thủ trưởng đến cơ quan bước chân nặng nề, vào phòng đóng ngay cửa lại. Nhân viên biết ý. Chớ có dại trình ký văn bản vào lúc này. Ông ấy đang "bực mình". Hoa hậu, diva ca nhạc phải luôn cảnh giác với các đại gia kẻo "đánh mất mình" như chơi...

Nhìn chung thì dân mình có vẻ như cẩn thận giữ mình. Không có những trò chơi mạo hiểm kiểu như tay không leo lên mặt ngoài các toà nhà trăm tầng; hay phóng môtô bay qua hàng chục ôtô xếp hàng dưới đất chỉ để rơi một cú vào thẳng... lịch sử; hoặc trèo lên đỉnh Everest băng giá đến hoại tử một ống chân, phải cưa đi lắp chân giả bằng sắt, để lần sau lại trèo.

Cuộc sống muôn màu hình như vì thế mà thêm phần thi vị. Sống với toàn những người giữ gìn quá kỹ nghĩ cũng chán phèo. Có khi còn bực mình. Tự nhiên có người cứ một mực hứa mang tặng mình một chai rượu quê ông ấy bảo thuộc loại xuất sắc. Ông ấy giữ lời hứa của mình. Thế là phải ngồi nhà chờ. Đành từ chối lời mời của tay bạn cũ rủ đi uống rượu Tây. Đi nhẹ nói khẽ, ăn uống thanh lịch, giao tiếp giữ ý, tránh được nhiều va chạm. Nhưng đôi khi vẫn bị hiểu nhầm là khách sáo, toan tính, là lọc lõi nước đời. Giữ mình như thế chưa chắc đã giữ được cái thật sự là mình?

Ông quan thanh liêm nghiêm cẩn giữ mình trong sạch, về già đôi lúc cũng ngậm ngùi gia cảnh thanh bần. Chẳng như ông quan nhiễu lạm hớn hở vác gậy đi chơi golf cuối tuần. Chuyện ngược đời nhưng không khó gặp...

Ông bạn già trước là dân rượu bia bát ngát. Vài tháng nay bỗng thấy uống có chừng mực hẳn hoi. Sáng dậy đi tập thể dục đều đặn. Lại uống thêm một số loại thực phẩm chức năng thời thượng, gửi mua tận bên Mỹ mang về. Phải nhờ người giỏi tiếng Anh dịch hộ tờ đơn để uống cho đúng liều lượng và giờ giấc.

Ông ấy bảo bây giờ phải giữ gìn sức khoẻ. Để làm gì thì không thấy nói. Nhưng uống rượu với ông ấy suốt mấy chục năm là đủ vui rồi. Chẳng tiện hỏi thêm làm gì. Dù có học cách giữ mình suốt đời thì thỉnh thoảng vẫn thất bại trước ham muốn. Giữ mình cũng là một ham muốn. Mà có khi còn là ham muốn lâu bền và cháy bỏng nhất thì phải? Ham đến già...

7-2009

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đôi điều về trách nhiệm cá nhân

    14/11/2018Nguyễn Ngọc BíchTrước các tổn thất vô hình và hữu hình mà xã hội đã chịu, vấn đề trách nhiệm cá nhân đang được công luận nêu lên. Qua hai lý do trình bày dưới đây, độc giả có thể chia sẻ lo ngại của tôi rằng vấn đề này còn phải mất nhiều năm nữa mới trở thành hiện thực.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: không thật bụng, không hết lòng

    14/03/2016Vương Trí NhànTất cả các nước, không nước nào giao thiệp qua lại chặt chẽ với nước khác, mà không được cường thịnh. Có điều là tôi đã quan sát tình tình thiên hạ thì thấy rằng họ dễ giao thiệp với người, tính tình của ta thì quá khác người, cho dẫu muốn chọn lựa để giao thiệp cũng sợ việc khó thành...
  • Tham nhũng dưới góc nhìn tâm lý xã hội

    24/10/2014Nguyễn Đăng TấnTham nhũng, là biểu hiện nguy hiểm nhất của sự tha hoá quyền lực, sự thoái hoá, biến chất của công chức đó là “quốc nạn” của cả dân tộc. Đã hàng chục năm nay nhiều biện pháp đã được vạch ra, nhiều cơ quan đã được thành lập để phòng và chống tham nhũng...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Phù phiếm, sợ mang tiếng, nói liều làm ẩu, mưu danh bằng hạ nhục

    27/03/2014Vương Trí NhànHạng quân tử ở nước ta mà tôi thấy hầu hết ở trong cái phạm vi của Tống nho. Giữ mình đừng đánh bạc, đừng uống rượu, đừng mang tiếng xấu, ấy là họ kể chắc mình làm quân tử rồi.
  • Trẻ con to xác

    16/01/2014Nguyễn Việt HàCó một học giả không giỏi lắm, đã mạnh dạn tổng kết rằng, cuộc đời nhàn nhạt của một kẻ trượng phu bình thường đương nhiên gồm ba giai đoạn tu. Lúc bé thì tu ti, trưởng thành thì tu rượu, về già thì tu thân. Điều này lý giải tại sao đàn ông có tuổi thường vô cùng đạo mạo đứng đắn, hiếm hoi bọn mất dạy...
  • Đi tìm cái tôi đã mất

    26/09/2007Tuỳ bút chính trị Nguyễn Khải, 27/5/2006Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người...
  • Lễ nghĩa

    07/01/2006Đỗ HoàngKhổng giáo lấy sự dạy dỗ con người làm chính yếu nên rất tôn trọng tình cảm, khiến người ta bao giờ cũng hàm chứa trong tâm trí mọi tình cảm nhân hậu và chân thành nhất. Muốn hiểu được mọi lẽ phải trái, biết cách hành xử trong đời thì ai cũng phải biết lễ nghĩa, do vậy Lễ chính là phần đạo đức thực hành của Nho giáo.
  • Ca tụng sự khôn khéo thay vì trí tuệ

    17/06/2005Trần Đình HượuKhông ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thể, giữ mình, gỡ tình thế khó khăn. Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình...
  • Hãy tự xét mình

    18/01/2004Hoàng TámMấy năm gần đây người ta hay nhắc đến cuốn sách "Người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương (bản dịch Nguyễn Hồi Thủ), nói việc người láng giềng phương Bắc tự soi gương để nhận diện "cái xấu xí" của mình, "tự sỉ" mong sửa chữa để vươn lên. Bá Dương cũng nêu tấm gương của những người ở Mỹ và Nhật đi trước ông, viết sách tự phê phán "cái xấu xí" của mình.
  • xem toàn bộ