Giáo dục Việt Nam phải học lại cách học và cách dạy

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Một chuyên gia giáo dục quốc tế có nói: Việt Nam muốn phát triển nhanh thì phải học lại cách học và cách dạy theo hướng tích cực, chủ động và sáng tạo từ người học và người dạy. Chúng ta hết sức tránh khuynh hướng học thụ động, "tầm chương, trích cú" theo kiểu "thầy đồ nho". Đặc điểm cơ bản của dạy và học ở đại học là tính giao lưu suy nghĩ, giao lưu nhận thức và trí tuệ sinh động; một cuộc đối thoại đa chiều giữa thầy với trò, giữa trò với nhau, giữa nhận thức cũ với nhận thức mới, giữa cái đã biết và cái chưa biết, cái khẳng định và cái hoài nghi, ở đó ai cũng trình bày ý kiến riêng của mình về cùng một vấn đề trên cơ sở tự học, tự nghiên cứu trước đó. Đối với sinh viên, mỗi buổi học trên lớp phải trở thành một dạng hoạt động nhận thức tích cực, tự giác, mang tính phát hiện, tính tưởng tượng đầy hứng thú. Như vậy, dạy và học ở đại học không thể là sự truyền đạt kiến thức một chiều, đơn điệu, tẻ nhạt, từ thầy đến trò như một cuộc đơn thoại (hay độc thoại); thầy cứ nói ,trò cứ nghe, thầy nói gì, trò ghi đấy, ghi càng đầy đủ, càng chi tiết lời thầy giảng càng tốt, kể cả những câu, những ý chưa kịp hiểu hoặc không hiểu.

Cách dạy và học nói trên khá phổ biến hiện nay, nhất là ở các lớp năm thứ nhất và cả năm thứ hai. Nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng chắc chắn có một nguyên nhân rất quan trọng là thiếu sách giáo trình và sách tham khảo cho sinh viên và thầy giáo để tự học, tự nghiên cứu. Không có sách để tự học, tự nghiên cứu thì khó lòng nói đến đổi mới phương pháp dạy và học ở đại học.

Về một ý nghĩa nào đó, có thể nói đổi mới phương pháp dạy và học là một chìa khóa quan trọng của cải cách giáo dục.

TS Nguyễn Thanh Tịnh - Bộ KHCN-MT,  Sài gòn Giải phóng 6/10/2003

LinkedInPinterestCập nhật lúc: