Giáo dục Việt Nam: ngôi nhà cần đổ lại móng

01:31 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Ông lão 79 tuổi gầy nhom, tóc điểm bạc, ngày ngày còng lưng trước chiếc máy tính đời cũ để vào mạng kiếm thông tin. Lúc nào học trò ông cũng nườm nượp đến xin thụ giáo. Nhiều người vẫn ngạc nhiên hỏi đi hỏi lại: "Từ lúc nghỉ hưu thầy dạy 20 năm nữa mà sao chưa hết vốn?". Vị giáo sư già tủm tỉm cười: "Tôi học nhờ Internet cả đấy". Vị giáo sư ấy là tiến sĩ khoa học Dương Thiệu Tống.

Ông là một trong những chuyên gia có quan điểm rất khác với những người quản lý giáo dục (GD). Ông có thể nói về xuất phát điểm của những quan điểm "khác, khó chấp nhận" của mình?

- Trước hết, tôi là một người may mắn vì đã có các quan điểm khác với nhiều người, vì có khác biệt mới có chút gì mới để đóng góp. Tôi còn may mắn là một trong các nhà giáo đã sống với nền GD VN từ lúc bắt đầu (1945) cho đến tận bây giờ.

Ngoài ra, tôi được tiếp thu nhiều nền GD khác nhau: GD Nho học do cha mẹ truyền dạy, GD Pháp (tú tài đến cử nhân), GD Anh, Mỹ (hậu đại học), và cũng đã từng thăm viếng, tìm hiểu GD Liên xô cũ và một số nước khác.

Quan trọng nhất đối với tôi vẫn là nền GD dân tộc, tức là những gì tôi thu nhận từ VN, kinh nghiệm sống qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc. Ở nước ta, cũng như tại mọi nước trên thế giới, GD và văn hoá là hai thứ không bao giờ tách rời nhau. Phải biết yêu và hiểu sâu rộng nền văn hoá VN thì mới làm nhà giáo dục VN được.

Trên quan điểm này, xin ông đi thẳng vào vấn đề mà hiện nay cả xã hội quan tâm: Cải cách nền GD VN như thế nào cho hiệu quả? Có một số nhà nghiên cứu quá khích cho rằng nên phá đổ những gì làm nên ngôi nhà GD hiện nay, thay vào đó là bắt đầu xây dựng lại cái móng cho vững rồi hãy nghĩ đến tầm cao. Nhưng đập phá mà không có gì để xây thì quá tàn nhẫn.

- Tôi xin nói ngay rằng ngôi nhà GD bây giờ không thể phá ngay được. Mặc dù tôi đồng ý phải phá đổ những gì sai lầm. Một cuộc cách mạng có thể phá đổ một chế độ ngay lập tức, nhưng đối với GD thì không thể, vì liên quan đến con người và truyền thống.

Nhìn vào lịch sử GD VN, sẽ thấy ngay truyền thống vốn rất chậm thay đổi. Kể từ khi thực dân Pháp chiếm VN cho đến tận năm 1919, phải sau hơn 30 năm nền GD Nho học ở miền Bắc và miền Trung mới chấm dứt.

Điều ông thường nhấn mạnh là chúng ta thiếu một chiến lược giáo dục. Ai cũng thấy nhưng sao chẳng người nào chỉ ra hoặc chí ít tin vào những chuyên gia hàng đầu như ông?

- Đấy là mấu chốt cho cuộc cải cách GD. Các nhà cải cách phải để ý chiến lược trước chiến thuật, chứ không phải làm sai đến đâu sửa đến đó, rồi làm lại theo nếp cũ.

Lâu nay tôi chẳng thấy ai nói hay bình luận với nhau về chiến lược GD cả. Thời Pháp thuộc, người Việt không được tham dự vào việc cải tổ GD, tất cả đều do chuyên gia Pháp thực hiện.

Từ năm 1945 đến nay, chúng ta có nhu cầu xây cho mình một nền GD riêng, như xây dựng một ngôi nhà mới, trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đã có. Nhưng thực tiễn khác với mong muốn: Cho đến nay vẫn chưa hề có một nền GD thuần tuý VN được xây nên trên cơ sở triết lý của riêng mình.

Trong khi xây ngôi nhà GD VN mới, chúng ta lẫn lộn giữa vai trò của "kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân và người thầu". Từ đó nảy sinh hiện trạng chúng ta thiếu kiến trúc sư, kỹ sư trong giáo dục, và nếu có thì cũng chẳng ai dùng, vì ai cũng làm kiến trúc sư, kỹ sư được. Người có quyền không hẳn là kiến trúc sư giỏi. Người kiến trúc sư, kỹ sư giỏi mà không có quyền nên nói chẳng ai nghe.

Phải chăng, nguyên nhân sâu xa khiến nền GD càng cải cách càng khó sửa đổi chính là ngôi nhà đang xây dở có cái móng không được vững?

- Nói đúng ra là chưa có móng. Ở VN chưa bao giờ có một trường ĐH đào tạo chuyên gia GD cấp cao về mọi lĩnh vực trong GD, chẳng hạn như: chuyên gia quy hoạch GD, quản lý GD, kinh tế GD, soạn thảo chương trình, chuyên gia soạn SGK, chuyên gia nghiên cứu phương pháp giảng dạy, đánh giá ở từng cấp.

Rốt cuộc là người ta chỉ biết làm theo kinh nghiệm, mà hầu hết là những kinh nghiệm xưa cũ, lạc hậu. Bây giờ, các nhà lãnh đạo đã ý thức được tầm quan trọng của GD và tính bức thiết của đổi mới, nhưng vấn đề là ai làm?

Trong khi ấy thì cả thế giới, nơi nào cũng có trường ĐH GD. Tôi nhớ vào năm 1972, bản thân tôi từng được mời ra nước ngoài dạy về các phương pháp khoa học GD mới cho các thầy giáo người Thái, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Bây giờ ngược lại, những người các nước đó sang đây để dạy cho các thầy giáo nước mình về các lĩnh vực như soạn thảo chương trình, phương pháp đánh giá... Các chuyên gia không hiểu điều kiện, hoàn cảnh của GD VN, trình độ người đi học ở VN, ngôn ngữ của người VN thì sao làm hiệu quả được? Trong khi đó chuyên gia VN không được dùng đến.

Điều đầu tiên ta nên làm ngay từ bây giờ là gì, thưa giáo sư? Và liệu có quá muộn không, khi ông cho rằng nền giáo dục VN có những lĩnh vực chậm sau thế giới ít nhất 100 năm. Và nhất là trong khi chúng ta chờ đợi đã mòn mỏi sự cải tổ đúng nghĩa trong giáo dục, lại phải mất một thời gian dài nữa.

- Chính vì quá muộn nên ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta đã chờ đợi điều này hơn nửa thế kỷ nay rồi. GD là một khoa học cần đào tạo chuyên sâu. Nếu chậm nữa, thì đừng trông mong gì theo kịp các nước xung quanh chúng ta.

Trước mắt, cử người đi học về khoa học GD gấp. Nên chọn những thầy giáo đã có kinh nghiệm, với những suất học sau đại học.

Thứ hai nữa là mở ngay trường đại học GD đào tạo các chuyên gia GD ở các cấp. Để giải quyết vấn đề này, điều khó nhất là thiếu thầy về các lĩnh vực KHGD. Bước đầu có thể hợp tác với các trường giáo dục nước ngoài nổi tiếng, và phối hợp với các chuyên gia VN để đào tạo chuyên gia tại chỗ. Xét về nhu cầu đổi mới GD VN, từ xuất phát điểm hiện tại, số lượng chuyên gia GD cần thiết cho mọi lĩnh vực theo tôi dự đoán là rất lớn.

Như thế theo ông, có phải chúng ta lại bắt đầu sự nghiệp GD từ chỗ bắt đầu?

- Không hẳn như thế. Chúng ta đã có nhiều cố gắng, nhưng những cố gắng ấy phần nhiều là những biện pháp để giải quyết những vấn đề trước mắt, chứ không nhìn đến tương lai.

Làm GD là phải nhìn về tương lai. Những giải pháp "tình thế" có khi là những trở lực cho mọi sự đổi mới trong tương lai, nếu ta không có một tầm nhìn sâu xa và rộng mở trong GD. Trong hiện tại, những gì tiến bộ thì giữ lại, những gì không chịu được cấu trúc mới thì phá đi. Hư hỏng nhất là những quan niệm sai lầm trong truyền thống.

Mà theo ông, một trong những quan niệm cần đả phá nhất là quan niệm thi cử?

- Đó là tàn dư của lối học từ xa xưa, quan niệm học để "cầu quan to, hốt đồng bạc" (Phan Bội Châu). Sai không chỉ ở người học, mà còn ở người tổ chức thi cử, người đặt ra thi cử.

Chế độ thi cử hiện nay không đánh giá việc học để xem học sinh có đạt được các mục tiêu đã đề ra cho từng cấp học. Người ta quan niệm thi cử như một sự tưởng thưởng những đứa bé học chăm, học "giỏi" và "trừng phạt" những đứa lười biếng.

Dường như không ai nghĩ rằng kết quả thi cử là những dữ liệu rất quý giá để ta nghiên cứu đánh giá khả năng của học sinh, theo từng vùng, từng loại người, đánh giá đề thi, đánh giá chương trình và phương pháp giảng dạy, tiên đoán việc học tập của học sinh trong tương lai.

Là một nhà giáo nghiêm khắc, Giáo sư Tống từng phát biểu trên báo chí rằng: "Tôi không tin vào giá trị của kỳ thi nào hiện nay, kể cả kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH". Ông quan niệm: Theo nguyên tắc, thi cử phải phục vụ việc giảng dạy, học tập, chứ không phải giảng dạy, học tập phục vụ thi cử.

Hệ quả của một nền GD "ốm yếu" hiện nay là căn bệnh chạy theo thành tích đang tạo một môi trường giả ngay trong chính trường học. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đừng trách trẻ con sớm có tính gian dối, mà hãy trách ở chính người lớn: Chính người lớn tạo cho chúng ý niệm đó.

Dạy cho trẻ tính không trung thực vì bắt chúng làm theo ý người lớn mà không cho chúng nói lên ý nghĩ của mình. Buộc học sinh trả bài như vẹt, làm theo bài mẫu, làm đúng theo sách giáo khoa cũng là một cách tập cho trẻ tính giả dối và tính gian lận.

Và điều này bắt đầu từ sự thiếu trung thực của người lớn mà ra.

Xin cảm ơn ông.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: