Giáo dục trẻ bằng đòn roi: ba câu hỏi

10:53 SA @ Thứ Ba - 29 Tháng Sáu, 2010

Ẩn chứa phía sau cuộc tranh luận có nên sử dụng đòn roi trong gia đình và nhà trường để giáo dục trẻ là sự xung đột giữa các giá trị văn hóa cũ và mới, Á và Âu. Cuộc tranh luận này diễn ra gay gắt không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước châu Á. Các tranh luận thường tập trung vào việc ủng hộ hoặc phản đối mà không trả lời các câu hỏi mang tính cơ sở. Vì thế, xem xét việc có nên giáo dục trẻ bằng đòn roi hay không thông qua việc trả lời những câu hỏi này là một việc cần thiết.

1. Lấy quyền gì để đánh trẻ em?

Quyền đánh người?

Đánh người là một hành vi xấu, bị xã hội ngăn cấm bằng pháp luật. Điều này mọi người đều chấp nhận một cách hiển nhiên.

Một trong bốn nguyên tắc cơ bản trong Quy định về Quyền trẻ em của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) là không được sử dụng bạo lực đối với trẻ. UNICEF yêu cầu tất cả các quốc gia phải tuân thủ Quy định này, bất kể nguồn gốc chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, tình trạng bẩm sinh, v.v.
Nhưng ở Việt Nam, đánh trẻ em thì đôi khi lại được cổ súy để biện minh cho việc giáo dục trẻ. Vậy câu hỏi đặt ra là: Trẻ em có phải là người không? Có được đối xử bình đẳng như mọi người trong xã hội hay không?

Câu trả lời đến như một phản xạ tự nhiên: Trẻ em là người, và đương nhiên cần được đối xử công bằng, bình đẳng trong xã hội. Những người đang cầm cây roi trên tay chắc cũng sẽ trả lời như thế.

Nhưng vì sao ngọn roi vẫn vung lên, vì có thể họ nghĩ: Trẻ em là người, nhưng là người chưa là người trưởng thành. Vì thế phải vung roi để trẻ em trở thành người trưởng thành như họ.

Lập luận này quá đỗi phi lý. Vì bạo lực, dù ở bất cứ dạng nào, mức độ nào, cũng không bao giờ là cơ sở hình thành nhân cách đúng nghĩa của một con người. Khoa học đã chứng minh, phần lớn những tội phạm trong xã hội đều đã phải chịu những bạo lực trong thời niên thiếu, dưới dạng này hoặc dạng khác.
Bản thân sự vung roi của người lớn cũng là minh chứng của việc chưa trưởng thành về mặt nhân cách của họ. Rất có thể, ngay từ bé, họ cũng đã nhận được những ngọn roi như thế.

Vì thế, muốn cho trẻ trưởng thành, hãy tôn trọng trẻ trước hết. Cất cây roi đi và ngồi xuống nói chuyện cùng với trẻ.

Cần qui tắc hơn roi

Xã hội vận hành được không phải là nhờ những ngọn roi, mà nhờ những qui tắc. Nói theo ngôn ngữ của người lớn thì đó là nhờ luật pháp.

Với trẻ em, luật pháp tương đương với những bộ qui tắc ở nhà trường và gia đình. Nếu muốn trẻ em khi trưởng thành là một công dân biết tuân thủ luật pháp, thì trước hết phải đặt ra những bộ qui tắc đơn giản nhưng có tác dụng xác lập và điều chỉnh hành vi của trẻ. Đó là lý do vì sao mà ở các nước có nền giáo dục phát triển, trong nhà trường luôn có một bộ “qui tắc vàng”, dán ở mọi nơi để trẻ có thể nhìn thấy, tuân thủ và nhắc nhở nhau cùng tuân thủ.

Thay vì những khẩu hiệu chung chung, khó hiểu cho trẻ nhỏ như “Tiên học lễ, hậu học văn”, hãy soạn những bộ qui tắc cụ thể để trẻ tuân theo dễ dàng. Ví dụ như:
1. Không nói dối.
2. Muốn nói phải giơ tay.
3. Không lười biếng, không mất trật tự.
4. Không ngắt ngang khi người khác đang nói.
5. Lắng nghe sự hướng dẫn của thầy cô và người lớn.
6. Không nói tục chửi bậy, không bắt nạt bạn bè.
7. Tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có yêu cầu.

Vì xuất hiện ở mọi nơi và được nhắc nhở thường xuyên nên trẻ hầu như thuộc lòng những qui tắc này.

Nếu trẻ nào vi phạm các qui tắc này sẽ bị thầy cô và bạn bè nhắc nhở riêng, hoặc trước lớp, hoặc nói chuyện riêng với hiệu trưởng. Nhưng không bao giờ có chuyện đánh trẻ ở những nơi này. Nếu trẻ được hướng dẫn tuân thủ những qui tắc rất thiết thực này từ bé, khi lớn lên sẽ có thói quen tuân thủ pháp luật một cách tự nhiên. Hành vi của trẻ cũng đạt đến những chuẩn mực văn minh cần thiết ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, như: biết lắng nghe và trao đổi, biết tôn trọng sự riêng tư của người khác, có trách nhiệm với bản thân mình, v.v.

Vì thế, dạy trẻ tuân thủ những qui tắc cụ thể, làm nền tảng cho việc hình thành nhân cách và đạo đức của trẻ, quan trọng hơn việc vung roi để dạy trẻ với bất cứ lý do nào, nhất là khi sự vung roi thường xảy ra khi người lớn đã mất bình tĩnh.

Vì thế, trước khi vung roi, người lớn nên tự hỏi: Mình lấy quyền gì để đánh trẻ?

2. Có là công bằng, dân chủ, văn minh?

Ẩn ức ấu thơ

Ngành phân tâm học đã chứng minh, những ẩn ức và tổn thương tâm lý từ thời ấu thơ, trong đó có ẩn ức và tổn thương vì bạo lực, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi của trẻ khi đã trưởng thành.

Những tổn thương này không mất đi theo thời gian, mà ẩn vào tiềm thức, trực tiếp điều chỉnh hành vi của con người một cách vô thức. Đến khi có điều kiện, hoặc không thể kiềm chế, sẽ bùng phát dưới cả hai dạng vô tình hoặc có chủ ý.

Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ hư hoặc tội phạm trong xã hội đều xuất thân từ những gia đình thích sử dụng bạo lực để dạy dỗ trẻ hoặc giải quyết mâu thuẫn, thay vì đối thoại một cách ôn hòa, bình đẳng. Vì thế, khi những cây roi nhỏ còn vung lên ở trong nhà trường thì kết quả là những cây roi lớn hơn, đủ mọi chủng loại, cấp bậc, vung lên trong xã hội.

Xã hội khi đó trở thành bát nháo vì người dân có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn và đòi hỏi quyền lợi cho mình, thay vì sử dụng luật pháp.
Công bằng, dân chủ, văn minh? Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mong ước, cũng là mục tiêu phấn đấu của Việt Nam. Nhưng một xã hội như thế chỉ có thể đạt được khi mọi sự bắt đầu bằng sự tôn trọng.

Muốn trẻ sau này trở thành những công dân của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thì người lớn phải hành xử một cách công bằng, dân chủ, văn minh với trẻ trước hết.

Nhưng việc vung roi không có bất cứ đặc điểm nào của công bằng, dân chủ, văn minh.

Vung roi với trẻ - những người không có khả năng và không dám chống đỡ - là không công bằng.

Vung roi thay vì đối thoại, thảo luận, phân tích, thuyết phục... là không dân chủ.
Vung roi là đánh người, là dùng bạo lực, những đặc trưng của một xã hội kém văn minh.

Khoa học đã chứng minh, sự hình thành tính cách trong thời thơ ấu quyết định toàn bộ tính cách sau này của một con người. Như thế, một trẻ có thể trở thành người công bằng, dân chủ văn minh hay không, khi ngay từ nhỏ, đã phải nhận những ngọn roi từ người lớn, thay vì trao đổi, đối thoại, thuyết phục, phân tích và cảm thông?

Điều kì lạ là một số người lớn, miệng thì hô hào xây dựng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” nhưng tay thì vung roi thường xuyên. Như vậy liệu mục tiêu này có đạt được?

Xã hội chịu hậu quả

Cách giáo dục phản giáo dục như thế sẽ để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Thay vì tuân theo qui tắc, pháp luật, người ta vung roi với nhau bằng cách này hay cách khác, để giải quyết mâu thuẫn, để bảo vệ lợi ích của mình, thậm chí để giáo dục người khác. Ngọn roi từ trong gia đình và nhà trường đã tìm cách lan ra ngoài xã hội và biến tướng thành đủ loại khác nhau.

Ngọn roi không chỉ còn đơn thuần là ngọn roi tre, roi mây giắt trên mái nhà hay thước kẻ của các thầy cô giáo, mà đã chuyển thành những ngọn roi vô hình nhưng nghiệt ngã gấp bội so với những ngọn roi tre, roi mây nói trên.

Điều này dẫn đến một văn hóa “vung roi” bất cứ khi nào có thể giữa những người lớn, kể cả những bậc trí giả và quan chức, vì một lẽ , ngay từ bé tất cả đều được tiếp thu một văn hóa “vung roi” từ trong gia đình lẫn nhà trường.

Tệ hách dịch, quan liêu, cửa quyền cũng có nguồn gốc trực tiếp từ cách giáo dục bằng roi nói trên. Khi bố mẹ, thầy cô vung roi đối với trẻ thì không ít quan chức - trên thực tế thường tự cho mình là quan phụ mẫu thay vì đầy tớ - “vung roi” với người dân cũng là một điều bình thường. Kẻ có quyền, có tiền thì khinh khi người nghèo khó, sẵn sàng bắt nạt, “vung roi” khi cần thiết. Dẫn đến đạo đức xã hội xuống cấp, luật pháp không được tôn trọng.

Vì thế, đã đến lúc cần phải chấm dứt kiểu giáo dục này để cùng xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, biết đối thoại và thượng tôn pháp luật.

3. Thắp sáng hay dập tắt? Quyền làm trẻ con

Không có ai không mắc sai phạm, kể cả những người cầm roi dạy trẻ. Với trẻ em, sự mắc những sai phạm đương nhiên phải xảy ra với tần suất nhiều hơn người lớn. Trẻ học và trưởng thành thông qua chính việc mắc phải, nhận ra và sửa chữa những sai lầm đó.

Việc của người lớn là giúp trẻ nhận ra và tìm cách sửa chữa những sai lầm chứ không phải trừng phạt trẻ. Trừng phạt không giúp hiểu cặn kẽ căn nguyên của sai phạm, mà còn đẩy trẻ vào những phản kháng cực đoan và chịu những ẩn ức, tổn thương tâm lý không đáng có.

Bản chất của trẻ là tò mò, hiếu động, thậm chí nghịch ngợm, thích khám khá. Nếu không như thế thì không còn là trẻ con nữa. Người lớn vì thế cần tôn trọng bản chất này, không nên tìm cách áp đặt trẻ theo cách nghĩ, cách làm, cách suy xét vấn đề của mình.

Sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ được tiến hành thông qua chính tò mò, hiếu động, nghịch ngợm và phạm sai lầm này. Nhiệm vụ của người lớn là tạo môi trường an toàn cho trẻ thử-và-sai trong các hoạt động học, chơi, nghịch, khám phá..., và hướng dẫn trẻ vượt qua những sai lầm nhỏ để rút ra sự hiểu biết bổ ích.

Người lớn cần tôn trọng quyền làm trẻ con của trẻ. Đừng bắt trẻ sống với những nhận thức và qui chuẩn trước tuổi của mình. Đừng bắt trẻ thành người lớn quá sớm. Đừng đánh cắp tuổi thơ của trẻ.

Hãy cho trẻ được là chính mình: trẻ con.

Thắp sáng hay dập tắt?

“Giáo dục là thắp sáng một ngọn lửa, không phải đổ đầy một bát nước”. Vì thế, phải khơi gợi những khả năng tiềm ẩn của trẻ, khơi sáng những đốm lửa trong tâm hồn trẻ.

Việc đó chỉ có thể thực hiện khi người lớn tôn trọng trẻ. Vì thế, một trong số bốn nguyên tắc cơ bản trong qui định về Quyền trẻ em của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc là: Tôn trọng quan điểm của trẻ.

Nhưng trên thực tế, những người cổ súy cho việc sử dụng đòn roi để giáo dục trẻ đã không làm được việc này. Bằng việc vung roi, họ đã trực tiếp dập tắt, chứ không thắp sáng những ngọn lửa.

Bằng việc nhồi nhét kiến thức và những quan niệm, qui chuẩn của mình, họ cố công đổ đầy một bát nước, chứ không phải là giáo dục trẻ.

Chính cách giáo dục này đã tạo ra nhiều thế hệ thụ động, chỉ thích được cầm tay chỉ việc, kể cả với những người đã tốt nghiệp đại học. Điều này trực tiếp làm giảm chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố quan trọng nhất trong công cuộc phát triển đất nước.

Cách giáo dục bằng sự áp đặt, cả bằng đòn roi và sự nhồi nhét kiến thức, quan niệm của người lớn đã hủy diệt tính tò mò, thích sáng tạo thiên bẩm của con người, dẫn đến tình trạng tôn vinh người học giỏi thay vì người sáng tạo. Thậm chí, nhiều trí thức được cho là lớn, cũng chỉ thích học lại và rao giảng lại kiến thức của người khác thay vì tìm cách tạo ra tri thức mới. Thói độc đoán, quan liêu, thiếu dân chủ, cửa quyền mà chúng ta phê phán hằng ngày cũng có nguồn gốc từ lối giáo dục áp đặt và trừng phạt này mà ra. Bệnh thành tích, thích chạy theo các chỉ tiêu, con số một cách duy ý chí cũng có nguyên nhân sâu xa từ văn hóa áp đặt, thiếu dân chủ, thiếu trao đổi mà mỗi người nhận được từ khi còn thơ ấu, cả trong gia đình lẫn nhà trường.

Vun mầm sáng tạo

Sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất để thành công hiện nay. Điều này không chỉ đúng với một cá nhân, mà còn đúng với cả một đất nước.

Giáo dục vì thế phải vun những mầm sáng tạo đối với trẻ thơ, thay vì áp đặt và những quan điểm, cách nghĩ, cách làm của mình.

Trừng phạt bằng đòn roi thay vì trao đổi, thảo luận là cách nhanh nhất để giết chết những mầm sáng tạo này. Việc làm này không chỉ trái với pháp luật mà còn gây tổn hại đến phẩm chất sáng tạo của nhiều thế hệ, vì thế cần phải loại bỏ.
Mở rộng ra cả xã hội, sự áp đặt, trừng phạt dưới bất cứ hình thức nào, bằng đòn roi vô hình hay hữu hình, với bất cứ đối tượng nào, một người lao động chân tay hay một trí thức, cũng đều gây ra những hậu quả tương tự.

Vì thế, thay vì reo rắc thói quen áp đặt và trừng phạt, đặc biệt là trừng phạt bằng đòn roi, ngay từ thời thơ ấu, hãy xây dựng một nếp giáo dục mới: dân chủ, bình đẳng, đối thoại và thấu hiểu.

Văn hóa áp đặt và trừng phạt phải được thay bằng văn hóa dân chủ. Việc làm này phải được tiến hành trước hết ở trong gia đình và nhà trường.

Chỉ có như thế, những mầm sáng tạo mới được vun đắp. Mọi cá nhân mới có khả năng phát triển tối đa năng lực của mình, làm cho cuộc sống của họ tự chủ và có ý nghĩa hơn, và đóng góp được nhiều hơn với công cuộc phát triển đất nước.

Thay lời kết

Trước khi vung roi để dạy trẻ, và trước khi thảo luận việc có nên dùng roi vọt để giáo dục trẻ hay không, mỗi người lớn hãy tự trả lời ba câu hỏi nêu trên trước hết. Nếu không, việc giáo dục trẻ cũng như việc ủng hộ hoặc phản đối một cách thức giáo dục nào đó sẽ rơi vào vòng quay của quán tính văn hóa. Điều này có thể dẫn đến những việc làm phản giáo dục, thậm chí phạm pháp và đi ngược lại những giá trị tiến bộ mà xã hội đang cố công xây dựng.

Nguồn:Tia sáng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hư học hư làm, hư tài

    16/04/2014Thực đau lòng bảy đội bóng trẻ con vốn là mô hình sân chơi "trung thực, lành mạnh, hồn nhiên" được xem là gian lận, gian lận tuổi. Một vết nhơ của bóng đá trẻ nước nhà! Một cầu thủ U.15 sinh ngày 14-3-1987, học lớp 10D trung học phổ thông Nguyễn Huệ đã được gia đình, công an hộ khẩu, công chứng tỉnh làm phép "biến trâu thành nghé"...
  • Giới trẻ - cái tôi và những căn bệnh tâm lý

    07/06/2016Minh Anh (thực hiện)Thế giới của giới trẻ Việt Nam hiện nay khác rất xa với thế hệ cha mẹ của họ. Nhu cầu vật chất cao hơn, đời sống tiện nghi hơn và cái tôi của họ cũng phô bày thô bạo hơn. Giải thích và phân tích xu hướng này từ góc độ tâm lý học là một phần nội dung cuộc trò chuyện giữa KH&ĐS với TS Tâm lý học Lương Cần Liêm.
  • Tuổi trẻ: Giàu thông tin, nhưng còn bản lĩnh?

    11/09/2015Mai Lan ghiHai mái đầu bạc, Nhà văn Nguyên Ngọc và GS-TS Lê Ngọc Trà, hai nhà văn hóa đã hàn huyên trong một buổi gặp gỡ, với những khắc khoải, suy tư về bản lĩnh thế hệ trẻ hôm nay, những người đang tiếp nối thế hệ của họ đưa đất nước tiếp tục phát triển.
  • Thiếu nhi đọc sách - cần có sự hướng dẫn khoa học

    04/03/2014Tương lai đất nước ở trong tay thế hệ đang lớn lên. Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Thế hệ đang lớn lên sẽ ra sao tuỳ thuộc phần lớn vào công tác giáo dục. Những phẩm chất gì xã hội muốn đòi hỏi ở người lớn sau này thì hiện tại chúng ta phải giáo dục cho trẻ em. Đối với giáo dục trẻ em, sách báo luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bà Krupskaia đã nhấn mạnh: “Sách thiếu nhi là yếu tố quan trọng bậc nhất”. Cũng giống như trong học tập hay vui chơi, trẻ em đọc sách cần phải có sự hướng dẫn.
  • Giáo dục Mỹ với những trẻ em có tài

    27/05/2013Đan Thi (Tổng hợp)Thomas L. Friedman, người khởi xướng một lý thuyết hay được nhắc đến là lý thuyết “Thế giới phẳng”luôn cho rằng, dù cuộc chiến bất tận với bọn khủng bố có nặng nề đến mấy, thì mối e ngại thực sự cho nước Mỹ vẫn không phải là những người Hồi giáo rậm râu, mà là “những thanh thiếu niên chưa có một cọng râu” từ các nước thuộc thế giới thứ ba....
  • "Lớp trẻ cần tự hình thành hệ thống giá trị mới"

    17/03/2013Hoàng Lê (thực hiện)"Lớp trẻ hiện nay mang trong mình cả một tiềm năng ghê gớm lẫn cả tai hoạ tiềm tàng. Nếu không biết khai thác, thật khó đoán biết điều gì sẽ xảy ra... Tôi muốn nói rằng, các bạn trẻ cứ yên tâm. Xã hội ta luôn đón chờ những tài năng trẻ"...
  • Người Mỹ dạy trẻ mẫu giáo

    13/11/2010Lê Hy Văn lược dịchMột nhà khoa học đoạt giải Nobel khi được hỏi, ở đâu ông học được những kiến thức khiến ông trở nên vĩ đại như vậy? đã trả lời rằng: Nơi tôi học được nhiều nhất đó là vườn trẻ, vì rằng, ở đó người ta dạy tôi cách biết tuân thủ các quy định, biết nói xin lỗi khi mình sai...
  • Phương án 0 tuổi

    09/12/2009Phùng Đức Toàn - Long Khởi ChíÍt ai biết rằng nếu mỗi ngày chỉ dành từ ba - bốn tiếng, bạn có thể giúp trẻ nhận biết được 2000 mặt chữ, và bước vào giai đoạn đọc hiểu mở rộng. Cũng không phải ai cũng biết rằng nếu mỗi ngày ta chỉ cần dành năm phút để dạy trẻ học ngoại ngữ thì trẻ có thể sử dụng tốt đến hàng chục ngoại ngữ khác nhau. Nhiều người lại không tin chuyện một tuổi, trẻ không những đã biết đi mà còn có thể trượt băng nghệ thuật, hay thậm chí biết bơi trước một tuổi.
  • Hãy để giới trẻ nhập cuộc!

    05/09/2009Đăng Sơn thực hiệnNhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của giới trẻ hiện nay. Cũng như xã hội cần phải làm thế nào để đón nhận ngày càng nhiều những đóng góp của người trẻ...
  • Hành trình người trẻ

    03/08/2009Ba tháng hè nóng bỏng sục sôi không khí thi cử, rộn ràng các phong trào tình nguyện, náo nức các hành trình khám phá, thế hệ trẻ có thêm cơ hội khẳng định bản lĩnh, tâm hồn, sức sống của mình trước sự phát triển vũ bão của thời đại. Tưởng rằng trường học là nơi có thể học được tất cả mọi điều trên thế gian này, toàn bộ những vấn đề liên quan đến lao động của bạn, nhưng thế cũng chưa đủ, tuổi trẻ cần nhiều hơn thế. Đó là không chỉ khám phá những điều bên ngoài thế giới, mà còn phải khám phá cả những suy nghĩ bên trong, thái độ cư xử người với người, lẽ sống và tinh thần trách nhiệm, cách lựa chọn các thông tin hợp lý, suy xét hợp lý, các giá trị và cách hành động hợp lý để tổ chức cuộc sống cá nhân, cộng đồng tốt hơn.
  • Người trẻ cần có tư duy "nhìn ra phía biển"

    27/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện). Ảnh: Quỳnh HoaBên cạnh việc được coi là một ông nghị “nói nhiều” ở Quốc hội, ông Dương Trung Quốc là một nhà Sử học có tiếng. Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay.
  • "Giới trẻ không sống “nhạt” mà sống phức tạp hơn"

    17/02/2009Đinh Phương Linh (thực hiện)Đó là nhìn nhận của Đỗ Thanh Hải, Giám đốc trẻ măng của Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC), đạo diễn chuỗi chương trình "Táo Quân" phát sóng mỗi dịp Giao thừa, phụ trách nhiều bộ phim về đề tài người trẻ: “Xin hãy tin em”, “Phía trước là bầu trời” và gần đây nhất là “Nhật kí Vàng Anh” luôn gây được dư luận.
  • Người trẻ phải tự chủ

    27/12/2008Lê Ngọc Sơn - Phương Loan (Thực hiện)Chuyên gia Nguyễn Trung đã tâm sự cùng SVVN về câu chuyện tự chủ của người trẻ và sứ mệnh của họ trước yêu cầu của đất nước...
  • Giáo dục Việt Nam khoác gánh nặng lên vai trẻ thơ

    06/12/2008Hoàng LanCách đây không lâu báo chí đưa một cuộc khảo sát ngẫu nhiên những chiếc cặp sách của học sinh do bộ GH – ĐT tiến hành ở ba trường tiểu học tại Hà Nội. Chiếc cặp nặng nhất là của một học sinh lớp 4 ( 4,8kg). Trong khi đó , quy định của sở GD – ĐT Hà Nội là 2,7 – 3 kg. Chiếc cặp sách không chỉ là một vật vô tri vô giác nữa . Nó đã trở thành câu chuyện của cả một nền giáo dục.
  • Sự tôn trọng là trụ cột cho mọi nền giáo dục

    20/11/2008Đã hàng thế kỷ nay mới có bài viết về giáo dục hay như thế, chấn động lòng người như thế từ một vị tổng thống: Am hiểu, mạch lạc, khúc chiết, sâu sắc và một điều quan trọng nữa là như dốc ruột sẻ gan với một vấn đề trọng đại của đất nước: Giáo dục. Lá thư của Tổng thống pháp Sarkozy gửi cho giáo viên và phụ huynh học sinh Pháp nhân ngày khai trường (04/9/2007) sẽ mãi mãi là một dấu ấn khó phai mờ...
  • Việc nuôi dưỡng trẻ em

    30/11/2006Giúp chúng hiểu biết và kiểm soát những hoạt động của lứa tuổi vị thành niên còn ngu dốt của chúng, cho đến khi lý trí thế chỗ nó và giải thoát chúng khỏi rắc rối đó, chính là điều bọn trẻ muốn, và các bậc bố mẹ hướng tới… [Đứa trẻ] không hiểu chính nó để hướng dẫn ý chí của nó… Nó hiểu cho nó thì nó cũng phải quyết định cho nó; nó phải ra lệnh cho ý chí nó và điều chỉnh những hành động của nó, nhưng khi nó đến giai đoạn mà cha nó trở thành một người tự do, thì đứa con đó cũng trở thành một người tự do ...
  • Sửa lại từ tiểu học

    07/12/2005Gs. Ts Lê Ngọc TràDư luận xã hội hiện nay đang nói nhiều về nhu cầu có một sự cải cách về giáo dục. Nhu cầu có là có thực. Nền giáo dục của chúng ta đã đi qua một chặng đường dài. Trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, nó đã làm được rất nhiều việc. Nhưng giờ đây đất nước đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, tất yếu giáo dục phải cải cách, phải thay đổi.
  • xem toàn bộ