Giáo dục đâu phải là độc quyền của ngành giáo dục

03:51 CH @ Thứ Bảy - 22 Tháng Mười Một, 2003

Căn cứ theo việc làm của ngành giáo dục hiện nay. Từ thay đổi nội dung giáo dục với chương trình mới, sách giáo khoa mới, mua sắm trang thiết bị mới, thay đổi phương pháp giáo dục  nói không ngoa thì có thể thực sự coi như một cuộc cải cách, một cuộc cách mạng trong giáo dục. Thế nhưng theo lời của viện sĩ Phạm Minh Hạc trên báo Giáo dục và thời đại số tháng 9 thì đây chỉ là: “điều chỉnh, chấn chỉnh, đổi mới là sửa chữa chỗ sai, bổ sung chỗ thiếu trên cái khung có sẵn”.

Tôi thật sự không hiểu tại sao người ta lại tránh nói tới thực chất của việc đang làm? Phải chăng vì chưa thấy nó là một việc to lớn và đầy khó khăn? Phải chăng để nó chỉ là công việc nội bộ của ngành giáo dục, không uốn đó là sự nghiệp của toàn dân? Bởi vậy mới có chuyện anh không biết, tôi cũng không biết, mục đích chung của đổi mới giáo dục là gì, định hướng chung của chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp ra sao, yêu cầu về giáo dục đạo đức, kiến thức và thể dục, mỹ dục đến đâu. Và khi sách giáo khoa lớp 1 và lớp 6 ra công khai thì toàn dân mới biết, mới thấy té ra cũng có sự thay đổi mới, chứ không phải chỉ là “bổ sung chỗi thiếu, sửa chữa chố sai”. Cũng tương tự như mấy năm trước đây, đột nhien có quyết định thành lập trường đại học đại cương. Sau thiên hạ kêu sai, phải bỏ.

Có lẽ những người lãnh đạo ngành giáo dục chúng ta vẫn còn chủ quan, chưa coi nghề thầy, nghề giáo dục là một nghề chuyên môn rất khó, tương tự như nghề y, nhưng theo ý tôi nếu làm nghiêm túc thì có lẽ còn khó hơn nghề y rất nhiều. Thực vậy, nếu nghề y chỉ đụng tới thể xác con người nếu có sai lầm chỉ làm nặng thêm bệnh hoặc cùng lắm làm chết người, còn nghề giáo dục đụng tới trí tuệ, tình cảm và tâm hồn nghĩa là những thứ vô hình và đôi khi khá bí ẩn của con người từ tuổi nhà trẻ, tuổi mẫu giáo - nhi đồng, cho tới tuổi trưởng thành của con người. Ở mỗi lứa tuổi như vậy, con người có những đặc điểm về sinh lý, tâm lý và phát triển trí tuệ riêng, muốn giáo dục đạt kết quả thì các thày giáo và cô giáo phải am hiểu tâm sinh lý con người ở mỗi đổ tuội đó và chắc chắn điều này không dễ dàng gì khi mỗi con người là cả thế giới riêng! Chính vì không hiểu hết những đặc điểm của nghề giáo nên trong thời gian rất dài, chúng ta đã phát triển giáo dục một cách duy ý chí theo phương châm phát triển theo yêu cầu của xã hội, bất chấp khả năng của ngành đến đâu. Bởi vậy mới có nhận xét của Phạm Văn Đồng: trường chẳng ra trường, thầy chẳng ra thầy, v.v  Điều đó ngày nay vẫn đúng với tỉ lệ số giáo viên không đạt tiêu chuẩn giảng dạy hiện nay! Thật quá chủ quan nếu tưởng rằng, sau khi ra bộ sách lớp một mới, chỉ cần huấn luyện qua quýt đội ngũ thầy cô giáo một vài tuần là có thể thay đổi được phương pháp giảng dạy!

Một điều nữa không thể hiểu nổi là tại sao năm nay chỉ biên soạn sách lớp 1 và lớp 6, sang năm mới đến lớp 2 và lớp 7 và lớp 10?  Như vậy phải chăng đó là một việc làm chắp vá thiếu chuẩn bị? Như vậy thì làm sao có thể có con mắt quán xuyến được tiến trình một môn học từ lớp 1 đến lớp 12? Cứ theo báo cáo của ngành giáo dục thì các sách giáo khoa mới đã được đem dạy thí điểm từ mấy năm trước rồi. Nhưng nếu đã làm cẩn thận rồi thì tại sao sách vừa xuất bản thiên hạ lại kêu nhiều thế? Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, Đảng nói thế, nó đâu phải là độc quyền của ngành giáo dục?

Để toàn dân có thể tham gia vào sự nghiệp giáo dục, đề nghị nên công bố rộng rãi nội dung, phương châm chỉ đạo, yêu cầu của toàn bộ chương trình, cũng như của từng cấp học và của các môn học trong nền giáo dục phổ thông đổi mới. Mặt khác Hội đồng quốc gia về giáo dục nên gồm cả những nhà khoa học, những nhà văn hoá, những trí tuệ cao nhất của đất nước, có thể tham khảo ý kiến của những nhà giáo và những nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: