Giáo dục số: cơ hội mới cho phát triển

10:39 CH @ Thứ Năm - 06 Tháng Hai, 2014
Giáo dục đã được nhiều lần đề cập đến như một vấn đề sống còn của đất nước, không phải chỉ ở Việt Nam và bởi người Việt Nam. Tuy nhiên, với một nước đi sau như Việt Nam thì nâng cao giáo dục lại càng cấp bách hơn. Điều này ngày càng được coi là hiển nhiên không cần bàn cãi. Chính vì thế, ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, đã có lời khuyên khi đến thăm Việt Nam: “Thắng cuộc đua trong giáo dục thì mới thắng cuộc đua trong kinh tế”.

Tri thức là sức mạnh

Tuy nhiên, điều này không cần phải nhờ đến những chính trị gia lừng lẫy như ông Lý Quang Diệu mới nhận ra, mà ngay cả người nông dân cũng biết như vậy. Vì thế, mỗi mùa thi đại học, các phụ huynh không quản đường xa đưa con em mình đến trường ứng thí. Mong muốn duy nhất của họ là “thắng trong cuộc đua giáo dục để sau này thắng trong cuộc đua kinh tế”, nói nôm na là học để sau này đỡ khổ.

Những tấm gương thoát khổ của gia đình chòm xóm, hay đi thoát ly nói theo ngôn ngữ nông thôn, đã giúp họ củng cố thêm nhận định này.

Đó là ở mức cá nhân. Còn giờ nhìn lại lịch sử ở mức quốc gia thì thấy rằng, các nước vươn lên trở thành cường quốc, hay ít nhất là chạm ngưỡng nước phát triển, phần nhiều cũng nhờ vào sự “thắng trong giáo dục”.
Các nước châu Á đi sau, nước nào ý thức được việc này, đầu tư cho giáo dục thích đáng, bỏ cái học truyền thống học chỉ để thi ra làm quan, trọng bằng cấp, để chuyển sang thực học thực nghiệp, thì phát triển được. Điển hình nhất cho xu hướng này là Nhật Bản ở thời Duy Tân Minh Trị.

Ở thời kỳ này, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc cải cách giáo dục và văn hóa sâu rộng. Tinh thần của cuộc cải cách đó có thể gói lại trong khẩu hiệu: Thoát Á nhập Âu. Thoát Á ở đây là thoát khỏi cái học từ chương, sách vở của Nho giáo truyền thống; còn nhập Âu là nhập cái tinh thần khoa học kỹ nghệ, luật pháp, kinh doanh của châu Âu.

Nhờ chính sách thoát Á nhập Âu này mà chỉ sau vài chục năm, Nhật Bản đã vươn lên thành hàng cường quốc. Tất nhiên, để làm được như vậy, thì trước đó đã phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài, thông qua các chương trình dịch thuật và Lan học (học phương Tây qua tiếng Hà Lan) đồ sộ và quy mô.

Hàn Quốc sau này cũng đã phát triển nhờ con đường tương tự: Đầu tư cho giáo dục, khoa học, kỹ thuật làm nền tảng để phát triển. Nhờ chính sách đúng đắn này, cộng với việc biết chớp thời cơ, chỉ sau vài chục năm, Hàn Quốc cũng đã vươn lên thành cường quốc, dù xuất phát điểm của những năm 1950 của họ cũng thấp như của Việt Nam.

Các nước nhỏ hơn như Đài Loan, Singapore vươn lên thành hổ thành rồng trong thời gian ngắn, cũng có sự đóng góp to lớn của giáo dục và kỹ nghệ.

Sở dĩ giáo dục có vai trò quan trọng như vậy là vì, đó là nơi sản xuất và truyền bá tri thức. Từ 500 năm về trước, triết gia F. Bacon đã có một nhận xét để đời: Tri thức là sức mạnh. Vậy nên, quốc gia nào nắm giữ được tri thức, quốc gia đó có sức mạnh.

Sự phát triển của công nghiệp châu Âu đã đẩy cuộc đua về tri thức sang một tầm cao mới. Thay vì tập trung vào truyền bá và tiêu thụ những tri thức đã tích lũy được, họ tập trung khai phá tri thức mới. Do đó, đại học có thêm một vai trò mới, quan trọng và chủ đạo: nghiên cứu để mở rộng tri thức.

Người đặt nền móng cho quan niệm về đại học nghiên cứu này chính là Alexander von Humboldt 200 năm về trước. Kể từ đó, đại học nghiên cứu đã trở thành hình mẫu của giáo dục đại học khắp thế giới.

Nơi thực hiện điều này hăng hái nhất chính là nước Đức, quê hương của Humboldt. Vì thế, không ngạc nhiên khi ngày nay nước Đức hùng cường, và ngay trong cơn khủng hoảng toàn thế giới, nước Đức vẫn vững vàng, và là đầu tàu kéo cả châu Âu.

Bài học nhãn tiền như vậy là đã quá rõ. Nhưng việc đầu tư để khám phá tri thức mới là rất tốn kém, đòi hỏi nhiều phương tiện và nhân lực chất lượng mà Việt Nam chưa thể đáp ứng ngay được. Nhưng không lẽ lại mãi đứng ngoài, mãi lạc hậu?

Bối cảnh mới

Trong lúc nhiều người còn loay hoay tìm câu trả lời cho bài toán nan giải này thì trào lưu giáo dục trực tuyến mở đại trà (MOOC) bùng nổ trên thế giới.

Xuất phát từ nước Mỹ, chỉ sau hai năm, trào lưu này đã lan ra khắp thế giới, và được nhắc đến như một cuộc cách mạng của giáo dục. Vì thế, tạp chí The New York Times đã gọi năm 2012 là năm của MOOC.

Lần đầu tiên, sau hàng ngàn năm, năng suất lao động trong giáo dục được đẩy lên cao đến vậy. Thay vì dạy vài chục học trò trong một lớp, sử dụng MOOC, một giảng viên có thể dạy cho hàng trăm ngàn người cùng một lúc.
Sự ra đời của MOOC có thể coi như một tất yếu của sự phát triển về công nghệ và kinh tế. Khoảng 10 năm nay, khái niệm về một nền kinh tế tri thức, và sau đó là kinh tế mở, đã trở thành xu hướng thời thượng không thể ngăn cản, không phải chỉ trong giới học thuật và chính trị, mà còn cả trên thực tế nữa.

Nhưng giáo dục Việt Nam đã chuẩn bị được gì cho cuộc hội nhập lớn này? Và đặc biệt, đã chuẩn bị tâm thế để đón bắt trào lưu giáo dục mở, hầu lấp đầy lỗ hổng tri thức của mình?

Câu trả lời là gần như chưa gì cả. Trừ nỗ lực của một số cá nhân, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường chưa có chuyển động gì rõ ràng.

Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng những cơ hội số do sự phát triển của Internet và công nghệ truyền thông mang lại?

Theo thống kê, đến năm 2012, thế giới có 2,4 tỉ người dùng Internet, tương ứng khoảng 34% dân số thế giới. Với các nước phát triển, tỷ lệ này đang gần chạm ngưỡng 70-80%.

Theo đánh giá của Boston Consulting Group, Internet đã đóng góp 8,3% vào tổng GDP của nước Anh, và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 11%. Còn theo báo cáo McKinsey năm 2011, theo khảo sát 13 nước (Thụy Điển, Anh, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Pháp, Canada, Trung Quốc, Ý, Brazil, Nga) thì Internet đóng góp trung bình 3,4% vào tổng GDP, trong đó thấp nhất là Nga (0,8%) và cao nhất là Thụy Điển (6,3%). Nhưng đặc biệt, 75% ảnh hưởng của Internet là đến từ các ngành truyền thống, và Internet góp phần tạo ra 21% tốc độ tăng trưởng GDP ở các nước phát triển.

Như vậy là Internet đã có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Ngay cả các ngành công nghiệp truyền thống cũng được hưởng lợi to lớn từ Internet. Vậy thì không có lý do gì để ngành giáo dục đứng ngoài cuộc.

Với Việt Nam, tỷ lệ dân số dùng Internet là 35%, tương ứng với 30 triệu người dùng. Tuy chỉ ở mức trung bình của thế giới, nhưng đây cũng là một điều kiện cần để các mô hình kinh doanh dựa trên Internet thử nghiệm và phát triển, trong đó có giáo dục.

Vấn đề còn lại là những người làm giáo dục Việt Nam có dám thử nghiệm và triển khai mô hình giáo dục mới mẻ này?

Cơ hội mới

Dù MOOC vẫn đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và tương lai của MOOC vẫn còn chưa thực sự rõ ràng, vì nó quá mới và chưa định hình, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận: lần đầu tiên, chương trình đào tạo của các đại học danh tiếng trên thế giới được mở ra cho đại chúng và tổ chức bài bản thành các khóa học. Chỉ cần có một kết nối Internet là ai cũng có thể theo học và hoàn toàn miễn phí.

Đây là những tri thức rất tiên tiến, được tổ chức bài bản và giảng dạy bởi những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Những nước đi sau như Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để bù đắp vào lỗ hổng tri thức mà hàng trăm năm qua vẫn chưa được lấp đầy.

Ba năm trước, không ai có thể hình dung được mình lại có thể ngồi ở nhà, bất cứ nơi nào, để theo học những khóa học tiên tiến, và giao lưu với những chuyên gia giỏi nhất, nay nhờ MOOC, việc này trở nên rất dễ dàng, đến mức ai cũng có thể làm được. Vấn đề còn lại là người học có sẵn sàng nhập cuộc hay không mà thôi.
Có thể hình dung, trong giai đoạn này, khi phần lớn các khóa học vẫn sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy chính, thì biên dịch Việt hóa nội dung của các khóa này là cần thiết.

Việc này cũng tương tự như dịch sách của Nhật Bản và Hàn Quốc ngày xưa. Nhưng có ưu điểm là tri thức được truyền tải nhanh hơn, sống động hơn và đặc biệt là tránh được rào cản về bản quyền đối với việc dịch thuật.

Nếu việc truyền bá tri thức thông qua MOOC được thực hiện một cách bài bản và đến nơi đến chốn thì về dài hạn, sức tác động của nó đến sự phát triển của Việt Nam là vô cùng lớn.

Với một cá nhân, giờ đây anh ta được tự do học bất cứ thứ gì mà mình muốn, mà không bị giới hạn bởi địa lý và tài chính, vì chi phí cho việc theo học các khóa học này gần như bằng không.

Với các doanh nghiệp, nơi sử dụng trực tiếp các tri thức và kỹ năng mới, thì hình thức giáo dục này cũng mở ra những cơ hội mới.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng nhân lực không ngừng. Tại các doanh nghiệp năng động nhất, các nhân viên liên tục được đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng, không chỉ chuyên môn mà còn nhiều kỹ năng phụ trợ khác nữa.

Nhưng việc bồi dưỡng thuyền xuyên này rất tốn kém, đặc biệt là với các doanh nghiệp lớn và phi tập trung. Hãy thử tưởng tượng, một doanh nghiệp có mười ngàn nhân viên làm việc rải rác ở nhiều tỉnh thành khác nhau cần bồi dưỡng kỹ năng cho các nhân viên của mình. Vậy làm sau có thể bồi dưỡng kỹ năng cho ngần ấy con người? Nếu tiến hành tại chỗ, mỗi lớp vài chục người thì quá tốn kém.

Nhưng nếu sử dụng hình thức giáo dục mới, thì việc này lại rất dễ dàng. Thay vì đến lớp, tất cả học viên sẽ theo học một khóa bồi dưỡng theo hình thức MOOC. Cả chục ngàn người có thể theo học cùng một lúc, cùng một chương trình, vào thời gian thuận lợi nhất. Bộ phận đào tạo không cần di chuyển mà chỉ tập trung vào chuẩn bị nội dung và quản trị khóa học.

Đó là cơ hội học tập lớn cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng ở quy mô quốc gia, thì đây là cơ hội để nền giáo dục đẩy nhanh tốc độ hội nhập, cập nhật nội dung chương trình thông qua việc đối chiếu và bổ khuyết các chương trình đào tạo của mình.

Sử dụng MOOC, một quốc gia có thể lấp đầy lỗ hổng kiến thức của mình rất nhanh. Nếu làm nghiêm túc thì chỉ trong vài năm là có thể tải về một lượng tri thức mà thế giới tích lũy trong hàng trăm năm.

Đây là cơ hội lớn chưa từng có. Nhưng khai thác được nó hay không, lại phụ thuộc vào nhận thức, chính sách và quyết tâm của các nhà làm chính sách, và sau đó, là lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan, và cuối cùng là của từng cá nhân, trong công cuộc chạy đua làm chủ tri thức toàn cầu.

Đoàn tàu đã chuyển bánh, nhưng lên được tàu hay không lại phụ thuộc vào hành động của chúng ta.

Nội dung liên quan

  • Tin tức trực tuyến và vòng đời ...36 giờ

    18/07/2006Vừa có một báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố nhằm lý giải bí ẩn trong lòng các nhà xuất bản, quản lý toà soạn, biên tập và cả người đọc: "Khi nào thì tin mới được coi là tin cũ?"