Giải pháp không đơn thuần là cắt giảm

03:51 CH @ Chủ Nhật - 09 Tháng Hai, 2003

Hoài Văn-Viện CN thông tin

Cháu trai học lớp 6, con bạn tôi học ký, xướng âm cả năm, mà hỏi đến một khuông nhạc 3/4 mặt mũi ra sao cũng không biết nữa. Suốt cả 4 năm trung học cơ sở, con tôi và các bạn của cháu chỉ một lần duy nhất được đi dã ngoại Côn Sơn. Hèn chi có em ở trường chất lượng cao Hà Nội - Amsterdam - lại không biết chính ở Hà Nội có một thành cổ tên là Cổ Loa. Học nhiều, thi nhiều môn sử liệu có ích gì, khi không có được những phương pháp dạy và học sinh động và bổ ích hơn, thay cho kiểu học xơ cứng, kiểu học thuộc lòng như vẹt tồn tại mãi cho đến tận giờ. Quý bộ, quý sở có biết rằng các cuộc thi tìm hiểu kiến thức tại các trường luôn được 100% các em học sinh tham gia đầy đủ nhờ việc thầy cô chủ nhiệm phát cho mỗi em một bản “photocopy” để về nhà hì hục sao y bản chính hay không? Đã bao giờ quý vị nghĩ đến một buổi lao động vệ sinh môi trường làm sạch đẹp cho một di tích lịch sử thay vì một cuộc thi chép đáp án có sẵn tìm hiểu về môi trường v.v...? Như ta thấy, “quá tải” không chỉ nằm trong lượng kiến thức trùng lặp, dư thừa, không cần thiết. “Quá tải” chủ yếu là nằm trong bản thân nội dung chương trình, nằm trong phương pháp dạy và học. Chương trình dư thừa về khối lượng, không phù hợp về nội dung lại không có phương pháp truyền đạt thích hợp chắc chắn tạo ra một gánh nặng với giáo viên, nhất là những giáo viên chưa đủ trình độ thích hợp. Sự “quá tải” kép này chắc chắn sẽ nhân lên gấp nhiều lần khi những kiến thức này được truyền đạt đến các học sinh. Tại sao chưa đào tạo, bồi dưỡng đủ một đội ngũ giáo viên đạt trình độ tương xứng (đặc biệt là cho khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa) mà đã đưa ra thực hiện chương trình cải cách? Sự thiếu đồng bộ này rõ ràng góp phần làm tăng áp lực cho quá trình đào tạo và sự “quá tải” hình thành từ đó, người cuối cùng phải gánh chịu lại là con em chúng ta. Một chương trình thừa về khối lượng, nặng về nội dung lại được truyền đạt bởi một đội ngũ giáo viên không đồng bộ, chưa được đào tạo bồi dưỡng tương ứng, chưa cảm thấy thật chắc chắn với những gì mình truyền đạt, thì làm sao có thể đưa ra những đánh giá đúng đắn về kết quả và thành tích học tập của trò? Việc chạy đua theo thành tích hình thức (thi đua đạt bằng được một tỷ lệ học sinh khá giỏi, học sinh tốt nghiệp các cấp bằng bất cứ giá nào, cách thức thi cử...) tất yếu sẽ dẫn đến những thành tích “giả”, những đánh giá sai lầm về thành tích học tập, về chương trình học, và cuối cùng sẽ dẫn đến việc học “gạo”, học nhồi nhét, dẫn đến “quá tải”. Ví dụ điển hình cho việc này là việc thi cử theo bộ đề thi làm sẵn cho thi đại học. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lối học “khoa cử”, dẫn đến căn bệnh trầm kha dạy thêm, học thêm tràn lan ngày nay mà không dễ gì xoá bỏ được ngày một ngày hai bằng những biện pháp hành chính như cấp giấy phép dạy thêm hay cấm dạy thêm...

Một điều tôi hoàn toàn không rõ là với căn cứ nào mà Thứ trưởng Lê Vũ Hùng lại cho rằng “bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông nếu có quá tải cũng không nhiều” (?!). Tất cả những người có con từ cấp tiểu học mới bước vào cấp THCS đều nhận thấy đa số con em mình dường như bị “choáng” với chương trình học. Tại cấp học này sự quá tải về nội dung ở đây không những không kém so với cấp tiểu học mà còn nặng nề hơn gấp nhiều lần. Lý do cũng rất đơn giản: Học sinh hết cấp tiểu học bị hổng về kiến thức và không nắm vững các kiến thức cơ bản của mình vì “quá tải” chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi sang một cấp học cao hơn cũng có một chương trình “quá tải”. Làm sao ta có thể bỏ qua được một yếu tố tối quan trọng của quá trình nhận thức cũng như của quá trình đào tạo là tính liên tục được? Căn cứ nào mà ông Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nêu ra để nói ở bậc THCS và THPT “nếu có quá tải cũng không nhiều? Có thể nhận thấy điều này qua việc so sánh với một số nước trong khu vực và trên thế giới”, nhưng như vậy là hoàn toàn... thiếu căn cứ khoa học. Các vị đã so sánh cái gì ở đây, hay chỉ thuần tuý về thời lượng và khối lượng chương trình? Làm thế nào để các vị so sánh được chẳng hạn như chương trình các môn như tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới? Nhân đây tôi cũng mạn phép được hỏi Bộ GD- ĐT: Hàng loạt các cuộc tham quan, khảo sát, điều tra, nghiên cứu về giáo dục - đào tạo hàng năm của các đoàn nghiên cứu của Bộ tới một loạt “các nước trong khu vực và trên thế giới” như Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, New Zealand, Australia... và tốn kém bạc tỉ của Nhà nước và nhân dân, đã mang lại cụ thể những gì cho giáo dục nước nhà hay chỉ là những sao chép máy móc không tính tới điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam càng làm “quá tải” cho việc học của con em chúng ta? Các vị đã chuẩn bị cho các cuộc điều tra, khảo sát, nghiên cứu về “giảm tải” ở nước ngoài hay chưa? Sự tách rời khỏi những điều kiện và đặc thù cụ thể của Việt Nam, sự tách rời hệ thống giáo dục-đào tạo khỏi hệ thống kinh tế-xã hội trong nghiên cứu giáo dục và hoạch định chính sách giáo dục là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hàng loạt các vấn đề sai lầm nảy sinh trong giáo dục Việt Nam. Và như thế mỗi dự định hay kế hoạch “cải cách” hay “thay đổi” của Bộ GD-ĐT lại làm các bậc làm cha mẹ chúng tôi lại thấp thỏm lo thêm cho tương lai và sức khoẻ của con em mình. Chẳng hạn mới đây đã râm ran ý kiến của một vài vị lãnh đạo giáo dục là sẽ tiến tới cho tất cả các em cấp tiểu học học một ngày hai buổi. Các quý vị đã nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này chưa? Đã có tình toán cụ thể gì về cơ sở vật chất, trường học, điều kiện giao thông đi lại, điều kiện kinh tế của các gia đình có tiền để đóng “lệ phí” cho con em học hai buổi không?... Xin đừng tiến hành thêm một cuộc “thí nghiệm giáo dục” nữa trên con em chúng ta! Mà tất cả hãy cùng nhau tranh luận, trao đổi để tìm ra những giải pháp cho giáo dục nước nhà, trong đó có các giải pháp cho “giảm tải”!


Giải pháp nào?
Chỉ một khi chúng ta thấy được, chỉ rõ những nguyên nhân và thừa nhận đâu là những nguyên nhân thực sự của “quá tải” thì khi đó mới có được những giải pháp phù hợp và đúng đắn. Đùn đẩy trách nhiệm cho những người khác là thiếu tinh thần trách nhiệm. Không một ai trong chúng ta có thể gạt bỏ trách nhiệm của bản thân mình trước những vấn đề của con em mình, dù đó là các bậc làm cha mẹ, các thầy cô giáo, toàn bộ xã hội, và trước tiên là những người đảm nhận nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo ngành GD-ĐT. Một giải pháp đồng bộ có sự tham gia đầy đủ của các lực lượng xã hội mới có thể giải quyết được những vấn đề đã nêu!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: