Đường hoa

09:35 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Giêng, 2009

Xuân về, lòng người cùng như đất trời chuyển sắc nao nức chào đón những tia nắng vàng trên cao và búp xanh cựa mình mơn mởn trong bát ngát nội cỏ vườn cây.

Xứ sở yên bình vốn mến chuộng sắc màu thiên nhiên vào dịp Tết càng như mê đắm hơn với các loài hoa, và chẳng phải vô cớ mà ở hầu hết những nơi đô hội, ngày cuối năm bỗng bừng thức dậy các tên gọi "đường hoa". Cũng chỉ là con đường hàng ngày nườm nượp người xe, cũng là những dòng sông, dòng kênh thân thuộc, nhưng một sáng sương mờ chợt thức, người dân thành phố bỗng ngỡ ngàng nhận ra một dáng vẻ khác, dáng vẻ rộn rã tươi thắm muôn triệu sắc hoa đã khoác lên cho chính quê bương mình vẻ đẹp diễm lệ đến ngẩn ngơ. Chơi hoa ngày Tết là như vậy đấy.

Đã thành thông lệ, mỗi tuần trước Tết âm lịch, người dân TP.HCM lại nô nức đội nắng phương Nam ra ngắm sắc mai vàng bung nở tràn trề đường Nguyễn Huệ. Vốn chuộng những cách thức tỉa uốn cầu kỳ, giới nghệ nhân hoa kiêng miền Nam vào dịp này còn trưng bầy cây hình Long; Phụng.. to lớn bề thế hoặc nhỏ xinh, hình dáng sinh động như muốn bứt khỏi mặt đất trỗi lên chín tầng cao rộng. Thú chơi hoa đất phương Nam mang chất hồn hậu hệt như phong cách ẩm thực được duy trì từ thời khẩn hoang xưa.

Trở ra Hà Nội ngày giáp Tết để hưởng làn mưa phùn rây hạt trên tán cây cơm nguội, ta lại bắt gặp những con đường tràn hoa, sắc hoa tuy ít được phô phang dưới ánh nắng như đất phương Nam nhưng lại mang vẻ đằm thắm rất đặc trưng Hà Nội. Con đường Hàng Lược, Hàng Mã, khu công viên Hàng Đậu ngày thường vốn đã đông đúc càng trở nên rộn ràng hơn. Chợt bật ra từ tâm tưởng lời của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

"Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng
Hà nội chờ đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi"

Đúng là hoa chen người di, dù trên cao là mưa bụi rắc hay nàng xuyên tơ vàng qua hàng cây cổ thụ. Bạt ngàn những nét cười hồn nhiên trước hoa, vô vàn ánh mắt say đắm của người gửi tới những đoá hoa. Tím một trời violet, chúm chím nụ đào, vàng rực rỡ những gốc quất trĩu quả. Thuỷ tiên mong manh trắng toả hương ngọt dịu, cẩm tú cầu đỏ rực rỡ như vầng thái dương nhỏ, Cúc vạn thọ, Cúc đại đoá, Cúc xanh, Cúc trắng… Chỉ có dịp này người Hà nội mới nhận ra cuộc sống quanh mình có biết bao sắc màu tươi đến vậy, và đã lạc bước tới con đường hoa này thì mọi vội vàng đều tan biến trước sức níu kéo của hoa. Con đường nối trong phố ra tận những làng hoa xưa, ở đó hiện diện một chợ hoa họp quanh năm nhưng vào ngày Tất niên bỗng trở thành một thế giới hoa rộn rã. Nhưng nhắc tới TP.HCM, Hà Nội hay mọi miền khác, có thể nào quên không nhớ tới Đà Lạt trong những ngày chờ đón Xuân về? Mệnh danh thành phố ngàn hoa, Đà Lạt mới đích thực là thế giới muôn hồng ngàn tía, nơi dưới bàn tay nghệ nhân hoa đã trở nên sống động, cùng con người lãng du qua thăng trầm nhịp sống nhân gian.

Đã là truyền thống, hoa luôn gắn bó cùng cuộc sống người Đà Lạt, hoa hiện diện trên mọi nẻo đường, là thành phần không thể thiếu được để tạo nên hình ảnh thành phố cao nguyên lãng mạn sương mù, càng quyến rũ hơn trong thời khắc đón chào năm mới. Những thảm hoa mọc tự nhiên lan theo mỗi nước chân khách bộ hành, dọc hai bên đường nối từ khu vực Hồ Xuân Hương lên tới Nhà thờ Đức Bà, toả ra tới những cánh rừng thông bao bọc thành phố. Hoa thảm như vậy có thể bắt gặp ở những nơi tưởng như ít người chăm sóc, từ đỉnh Langbiang mù sương cho tới chân đèo Prenn lúc nào cũng tấp nập dòng xe chạy lên Đà Lạt và xuôi về Sài Gòn.

Đặc hữu tại Đà Lạt có những loài Lan đã đi vào huyền thoại, đơn giản như Thiết Mộc Lan sống khỏe giỏi chịu mưa sa nắng cháy, cho tới mong manh như van Hài; Lan Vũ nữ có cánh vàng điểm đốm hồng.. lúc nào cũng đòi hỏi sự chăm chút của chủ nhân. Vào dịp đón Xuân, hàng triệu cánh hoa sẽ rời cao nguyên để làm đẹp cuộc sống cho những miền xa xôi trên cả nước, và vươn tới những miền xa nữa. Hoa của xứ sở cao nguyên cũng như trên khắp đất nước, dù mang sắc màu gì, dù toả hương thơm nào, nhưng trong ngày Tết bỗng như tươi thắm hơn, ngát hương hơn để tạo thêm men say cuộc sống.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bẻ hoa và văn hóa đọc

    24/02/2018Hiệu Minh (Từ Washington, D.C)Nếu có chút hiểu biết, không ai lại nỡ bẻ hoa của các nghệ nhân. Ngắt trộm bông hoa cho đứa con thơ của mình, người cha đã dạy con thói quen ăn cắp ngay từ nhỏ. Sếp cầm phong bì không thể tìm được nhân viên trong sạch...
  • Xuân Nam Bắc - Tết Bắc Nam

    19/01/2009Nguyễn Trọng HuấnHơn bảy trăm năm trước, Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, một chiều, từ đỉnh cao non thiêng Yên Tử, phóng tuệ quang bát nhã nhìn về phương Nam, thấy chân trời nơi cuối đất, ...
  • Suy ngẫm mỗi ngày

    05/12/2008Nguyễn Tất ThịnhTrong bài ngắn này tôi đưa ra suy nghĩ, quan sát từ thực tiễn tư vấn của mình trong 5 năm gần đây. Ngõ hầu sửa chữa tư duy của rất nhiều nhà quản lí chưa có thói quen hay nhận thức đầy đủ, và tính được mức độ tác động của yếu tố vĩ mô đến hoạt động của doanh nghiệp mình, đồng thời trợ giúp các nhà quản lí tổ chức vĩ mô hay vĩ mô tham khảo định hình bài toán hoạch định tương lai của tổ chức mình...
  • Nhất chi mai

    03/03/2007Tương LaiCốt cách văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc không có được bao nhiêu ở nhịp sống hối hả, chụp giật trong cuộc mưu sinh nơi phồn hoa đô hội kia. Nó dị ứng với cái gọi là sự "sành điệu”, thay vì tiếp thu một cách có chọn lọc những thành tựu của văn minh mà loài người đã đạt được để làm giàu cỏ thêm cho truyền thống văn hóa dân tộc, thì lại ăn tươi, nuốt sống những sản phẩm ngoại lai chưa kịp tiêu hóa, hoặc vội tiêu hóa những rác rưởi, cặn bã của nền văn minh đã thải loại ra?
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...