G.S Phan Đình Diệu: “Đừng vội nói chuyện đãi ngộ trí thức thấp, cao!”

05:32 CH @ Thứ Năm - 10 Tháng Bảy, 2008

Trao đổi về Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) tới đây, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng, một khi chưa có quan niệm đúng đắn về trí thức và một cơ chế để tạo môi trường cho người trí thức phát huy hết năng lực thì rất khó bàn đến chuyện đãi ngộ thế nào là xứng đáng với những đóng góp của họ.

P.V: Thưa Giáo sư, một trong những điểm nhấn của Đề án là khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Cá nhân ông đặt kỳ vọng gì ở Đề án này?

Giáo sư Phan Đình Diệu: Trí thức không đơn giản là người lao động trí óc. Vấn đề “thế nào là người trí thức?” đã được thảo luận từ hơn một thế kỷ trước. Paul A. Baran, một nhà kinh tế học Mỹ theo chủ nghĩa Marx, trong một bài báo viết vào đầu những năm 1960, đã căn cứ vào một câu nói của Marx và viết: “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào”. Nói cách khác, thông qua lao động trí óc, người trí thức phải là người luôn suy nghĩ, và đưa những suy nghĩ, hiểu biết của mình đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Do vậy, trí thức rất cần một môi trường tự do cho suy nghĩ, sáng tạo, và tự do trao đổi ý kiến, suy nghĩ với nhau để hình thành nên những đóng góp có ý nghĩa đối với xã hội..

* Nói như vậy, theo ông, tiêu chuẩn trí thức của thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế có điểm nào khác với trước đây?

- Thú thật, tôi cũng không thuộc lắm những tiêu chuẩn được đặt ra trước đây. Và về bản thân, tôi cũng chưa bao giờ dám tự xem là mình đã đạt được các tiêu chuẩn của một người trí thức. Còn nay, trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, thì tôi nghĩ nếu căn cứ vào các tiêu chí kể trên, chúng ta phải phấn đấu rất nhiều để có những đóng góp xứng đáng vào giai đoạn mới của sự phát triển đất nước, cả về phương diện nâng cao năng lực lao động riêng của bản thân cũng như rèn luyện năng lực và bản lĩnh để cùng đóng góp vào những vấn đề chung của đất nước.

* Trí thức cũng là sản phẩm của nền giáo dục. Nhưng nhìn vào những vấn đề “nổi cộm” của ngành giáo dục hiện nay, có thể hi vọng gì vào đội ngũ trí thức?

- Hy vọng vào đội ngũ trí thức hiện có hay vào đội ngũ tương lai mà nền giáo dục hiện nay sẽ đào tạo ra? Tôi tin rằng đội ngũ trí thức hiện nay, nếu được huy động và phát huy mọi năng lực một cách đầy đủ, có thể có khả năng để vực dậy và phát triển dần một nền giáo dục đang yếu kém của chúng ta. Trong nhiều năm qua, ý kiến đóng góp cũng đã khá nhiều và phong phú, nhưng tiếc thay, nói thì nhiều mà nghe thì chưa được bao nhiêu. Còn về đội ngũ trí thức tương lai mà nền giáo dục hiện nay sẽ góp phần quan trọng để đào tạo nên thì.... đành phải chờ xem!

* Thực tế, đội ngũ trí thức hiện nay chưa thể hiện hết vai trò quan trọng trước những vấn đề quan trọng của đất nước. Và qua hơn hai chục cuộc thảo luận, đóng góp cho Đề án này, rất nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là chưa có một cơ chế mang tính đột phá để tạo ra động lực mạnh mẽ cho trí thức đóng góp hết khả năng cho sự phát triển của xã hội?

- Đúng! Cơ chế ở đây là phải tạo môi trường cho việc tranh luận, trao đổi ý kiến, suy nghĩ, sáng tạo để tìm ra giải pháp hữu ích. Trước đây, tôi cũng hay phát biểu về giáo dục. Cách đây vài năm, tôi cũng đã từng đề xuất với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức một hội nghị trí thức trong và ngoài nước góp ý kiến vào việc xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng cuối cùng cũng không được tổ chức. Trí thức vẫn chưa có điều kiện tự do tạo ra những diễn đàn thực sự cho trao đổi ý kiến và tranh luận.

* Một vấn đề khác cũng được nhắc đến nhiều khi thảo luận về Đề án, đó là chính sách đãi ngộ trí thức hiện nay rất hạn chế?

- Khoan nói đến chuyện chế độ đãi ngộ cao hay thấp mà hãy nói đến sự tương xứng. Thẳng thắn nói rằng, với cung cách quản lý thế này thì năng suất hay sản phẩm do trí thức làm ra có thật cao không mà đòi hưởng đãi ngộ cao. Chừng nào hệ thống tổ chức chưa làm cho trí thức phát huy khả năng của mình thì chừng đó chưa thể tìm ra được phương thức đãi ngộ tương xứng với những đóng góp của họ.

* Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn thêm về mối quan hệ giữa trí thức và nhân cách

    15/06/2020Vương Trí NhànGiữa con người và nhân cách có sự khác nhau: một bên là sản phẩm tự nhiên (ta hay nói ai cũng là một con người), còn bên kia là sản phẩm của quá trình tự đào luyện với sự giúp đỡ cửa lý trí sáng suốt. Nói cách khác: người ta không sinh ra đã là một nhân cách, người ta chỉ trở thành một nhân cách...
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Tản mạn về trí thức và trí giả

    31/01/2016Trương Xuân HươngTrong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy...
  • Sự trung thực của trí thức

    30/08/2014Lê ĐạtTheo nghĩa truyền thống, kẻ sĩ là một người có học. Còn học nên biết lẽ phải trái để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái dũng của họ không phải cái dũng chém tướng đoạt thành mà là hệ quả của cái trí, nhằm làm sáng tỏ đạo thánh hiền. Đó là một công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
  • Luận bàn về trí thức

    17/06/2014TS. Nguyễn Quang AVài tháng nay các trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) sôi nổi đóng góp cho Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua.
  • Bàn về tính chủ thể của giới trí thức ở các nước thế giới thứ ba

    12/03/2014Nguyễn Trần BạtGiới trí thức nào cũng là sản phẩm của một hệ thống kinh tế, hệ thống chính trị, hệ thống văn hoá và hệ thống giáo dục. Trong tiến trình phát triển của một dân tộc, giới trí thức có vai trò rất quan trọng...
  • Giáo dục, trí thức và nửa đường còn lại

    24/09/2012Ngô Tự Lập...việc xây dựng một đội ngũ trí thức, hay nói đúng hơn, việc biến đội ngũ nửa trí thức của chúng ta thành một đội ngũ trí thức thực thụ, đủ khả năng đảm đương vai trò đầu tàu của nó trong sự nghiệp phát triển của dân tộc, cũng chính là chặng đường còn lại của nền giáo dục dân tộc. Ðó là một nhiệm vụ cấp bách và to lớn, không chỉ đòi hỏi nhiều tiền của, thời gian và ý chí, mà còn cả những thay đổi triệt để trong quan niệm và phương pháp giáo dục.
  • Trí thức Việt Nam

    19/05/2008GS Vũ KhiêuGS Vũ Khiêu day dứt, làm thế nào để ngày nay, trí thức Việt Nam có thể nhanh chóng vươn lên đỉnh cao của trí tuệ, đề ra được những kiến giải mầu nhiệm nhất cho mọi vấn đề lớn nhỏ, thực hiện được những hoài bão chung của cả dân tộc trên con đường tiến lên của đất nước...
  • Trí thức là ai?

    30/01/2007Tiến sĩ Nguyễn Quang ATrong thế giới toàn cầu hóa ngày nay (với cách mạng công nghệ thông tin và truyền thông, với sự phổ biến của Internet, với sự bành trướng sức mạnh của thông tin, của biểu tượng, với sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức) thì vai trò và trách nhiệm của trí thức là rất lớn lao. Trên Vietnamnet đang có cuộc tranh luận về trí thức Việt Nam mạnh hay yếu. Bài này mong góp vài ý kiến về chủ đề này....
  • "Trí thức không được phép thiếu tri thức"

    05/06/2006Trịnh TúKhi còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, có một dịp được trò chuyện với ông, tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe ông tâm sự: "Vốn liếng tri thức của mình chẳng được là bao, ngày càng thấy mình nhiều lỗ hổng quá!". Khi đó ông đang được đánh giá như một người tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ VN. Bây giờ nghe nói ông làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà XB Tri Thức, tôi lại tìm đến ông để được nghe ông nói tiếp câu chuyện này.
  • Thế nào là người trí thức?

    13/12/2005Paul Alexandre Baran (Phạm Trọng Luật dịch)Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động với trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ «trí thức».
  • xem toàn bộ