Đồng thuận xã hội

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
08:39 CH @ Thứ Ba - 17 Tháng Sáu, 2014

Có một thuật ngữ được báo chí và truyền hình sử dụng khá nhiều trong những năm gần đây, nhưng lại đang được hiểu một cách không đầy đủ, đó là đồng thuận. Có thể khẳng định, cho đến nay khái niệm này vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện. Thực ra, đồng thuận là khái niệm xuất hiện từ lâu, từ khi có sự chung sống cộng đồng do nhu cầu hợp tác của con người để bảo tồn cuộc sống. Đồng thuận vẫn luôn là nền tảng duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội loài người. Ngày nay, khi con người càng giao lưu, càng gây ảnh hưởng tới nhau bao nhiêu thì sự đồng thuận càng có vai trò quan trọng bấy nhiêu.

I. Khái niệm Đồng thuận và Đồng thuận Xã hội

Có thể hiểu một cách đơn giản, đồng thuận là kết quả của sự tự giác, sự tự nguyện đồng ý của mọi người với nhau chứ không phải là kết quả của sự cưỡng bức. Sự cưỡng bức hay áp đặt dù dưới hình thức nào cũng không tạo ra sự đồng thuận đích thực, hoặc nếu có chỉ là trạng thái đồng thuận giả tạo vì nó không dựa trên cơ sở tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân. Con người luôn tìm kiếm sự đồng thuận và trên thực tế, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều tìm đến những giới hạn khác nhau của khái niệm này. "Dĩ hòa vi quý" là một loại đồng thuận. "Mất lòng trước được lòng sau" cũng là một loại đồng thuận. Mặc dù có sự khác biệt về phương pháp tiếp cận sự đồng thuận giữa các dân tộc, nhưng tất cả các dân tộc đều tồn tại và phát triển dựa trên sự đồng thuận xã hội.

Sự đồng thuận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội. Cuộc sống thức tỉnh con người về những vấn đề và sự tất yếu phải cùng nhau giải quyết vấn đề, tức là phải đồng thuận để bảo vệ lợi ích. Nói cách khác, vì lợi ích mà con người cùng nhau đi đến sự đồng thuận. Như vậy, lợi ích nằm ngay trong sự đồng thuận và bản chất của sự đồng thuận chính là tìm kiếm lợi ích. Chính vì lợi ích mà xã hội thảo luận, đàm phán để đạt tới sự đồng thuận trên phạm vi xã hội. Đồng thuận xã hội là kết quả của khế ước xã hội, của thảo luận xã hội. Xã hội càng tự do thì cuộc thảo luận ấy càng dân chủ và càng đạt đến sự thống nhất chung. Rousseau, triết gia Pháp thời kỳ Khai sáng, là một trong những người đầu tiên đưa ra các nguyên lý cơ bản của sự đồng thuận, đặt nền móng cho khoa học đồng thuận thông qua tác phẩm Du Contrat Social - Khế ước xã hội. Theo ông, xã hội lý tưởng là xã hội xây dựng trên cơ sở một khế ước được tất cả mọi thành viên tự nguyện tuân theo. Khế ước xã hội chính là kết quả của thỏa thuận xã hội và là công nghệ chủ yếu để tìm kiếm sự thỏa thuận. Hay nói cách khác, thỏa thuận là phương thức cơ bản để tìm kiếm đồng thuận hay dân chủ xã hội là nền tảng chính trị học của đồng thuận xã hội. Như vậy, đồng thuận xã hội là trạng thái đồng thuận cao nhất vì nó phản ánh trạng thái nhận thức của con người về sự đồng thuận về lợi ích, là kết quả của sự thống nhất nhận thức trên quy mô xã hội trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, và chính điều đó tạo động lực cho sự ổn định và phát triển của xã hội.

Nhận thức tính tất yếu của sự đồng thuận về lợi ích phản ánh tầm nhìn của mỗi người về lợi ích tổng thể. Tầm nhìn chính là tính nhất quán trong sự phát triển ý nghĩ của mỗi người, là tinh thần trách nhiệm của con người đối với những điều mình nghĩ. Sự thống nhất về tầm nhìn điều chỉnh và hội tụ những ý kiến, những quan điểm cá nhân. Khi đó, lợi ích chung được đặt lên trên lợi ích riêng, ngắn hạn và đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Lý thuyết về đồng thuận, do đó, đã trở thành lý thuyết về tầm nhìn trong xây dựng cấu trúc xã hội tương lai. Không thể tạo ra một xã hội mà luôn luôn phải cải cách bởi cải cách đòi hỏi quá nhiều chi phí và bao giờ cũng để lại những hậu quả nhất định. Cần phải phải xây dựng xã hội dựa trên cấu trúc tầm nhìn và công cụ tạo ra tầm nhìn chính là đồng thuận.

Chúng ta đều biết rằng con người với những năng lực và lợi ích khác nhau không hoàn toàn cùng nhất trí về một vấn đề nào đấy, do đó, xã hội không bao giờ tồn tại sự đồng thuận tuyệt đối. Ngay cả trong một phe phái cũng không có sự đồng thuận hoàn toàn với nhau, tức là ngay cả trong một khuynh hướng vẫn có sự phân hóa. Phân hóa chính là biểu hiện cụ thể trong quá trình đi tìm kiếm sự đồng thuận, nói cách khác, phân hóa là mặt đối lập của sự đồng thuận trong nền chính trị lành mạnh. Sự đồng thuận tuyệt đối là trạng thái cực đoan và chính trạng thái này tạo ra sự không phát triển của hệ thống chính trị và của cả xã hội.

Nghiên cứu về khái niệm đồng thuận không thể không phân tích mặt đấu tranh của cuộc sống vì nếu không có đấu tranh thì không có đồng thuận. Nếu sự xung đột giữa các mặt đối lập là đấu tranh, thì sự thống nhất giữa chúng với nhau là kết quả của đấu tranh. Như vậy, đấu tranh là một trong những phương sách con người tìm kiếm sự công bằng. Khi con nguời tập hợp thành một số đông nhất định, họ đi tìm sự công bằng theo nhận thức chung của số đông đó. Việc đi tìm sự công bằng của một số đông lớn hơn sẽ tạo ra những quy mô lớn hơn. Chủ nghĩa Marx là một trong những đỉnh cao của việc con người tìm kiếm sự công bằng theo quan điểm của mình, trên một quy mô rộng lớn nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại. Khi đấu tranh đòi sự công bằng, con người nhận ra các ranh giới hợp lý của lợi ích và điều chỉnh mình theo hướng đó. Như vậy, bên cạnh mặt tiêu cực, đấu tranh còn mang ý nghĩa tích cực, nó thức tỉnh con người về tính bất hợp lý của các giới hạn, điều chỉnh mặt cực đoan của các hành vi, do đó, làm giảm nhẹ các mâu thuẫn xã hội.

Phải khẳng định, quan điểm của Marx về đấu tranh giai cấp hay của những người cộng sản sau đó muốn ứng dụng theo Marx để tổ chức quyền lực, tổ chức xã hội chính là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận. XHCN là xã hội "làm theo năng lực, hưởng theo lao động" rồi tiến lên một xã hội hợp lý hơn là "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Đấy là thế giới đại đồng, ở đó không còn giai cấp, không còn cách mạng nữa, thực ra cũng là đi tìm kiếm sự đồng thuận. Nhưng, sự đồng thuận như vậy chỉ là sự đồng thuận tưởng tượng chứ không phải là sự đồng thuận khoa học, bởi khi đó thế giới mất đi sự xung đột, sự va chạm của các mặt đối lập, do đó, mất đi động lực của sự phát triển, của tiến bộ xã hội. Tuy đấu tranh luôn luôn tồn tại và là động lực của sự phát triển nhưng không phải là động lực chính, mà đấu tranh trong hợp tác mới là động lực chính. Đấu tranh và hợp tác là hai mặt của quá trình tương tác giữa các cá thể trong một cộng đồng, tạo ra sự phát triển của xã hội và ranh giới hợp lý giữa hợp tác và đấu tranh chính là mục tiêu của sự phát triển. Ranh giới đó cũng chính là điểm đến của sự đồng thuận.

Đồng thuận không phải là một giá trị bất biến. Con người đi tìm kiếm sự đồng thuận cho từng vấn đề cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể, do đó, tiêu chí xác định giá trị đồng thuận là một đại lượng có điều kiện, có giới hạn, thậm chí có thời gian, tức là không có sự đồng thuận tuyệt đối bất biến. Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỷ trước đã có được sự đồng thuận đúng đắn trên quy mô toàn xã hội và nó tạo ra độc lập dân tộc. Nhưng ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta không thể tiếp tục duy trì thước đo cũ đó. Tiêu chí xác định giá trị đồng thuận phải phù hợp với nhiệm vụ, với đòi hỏi của từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Vậy làm thế nào để xác định đích đúng của đồng thuận? Sự đồng thuận trên phạm vi toàn xã hội là kết quả của nhận thức xã hội và cùng với sự thay đổi hàng ngày hàng giờ trong nhận thức của con người, tiêu chí của sự đồng thuận cũng phải luôn thay đổi về chấtvà phải đại diện cho lợi ích của số đông. Sự đồng thuận về nhận thức xác lập các giá trị hay các ranh giới của sự đồng thuận xã hội trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Các giá trị hay ranh giới đó mặc dù khác nhau trong từng điều kiện cụ thể nhưng đều thống nhất trong cái gọi là quy luật về lẽ phải của đời sống tâm hồn mỗi con người. Và khái niệm đồng thuận ở đây phải được hiểu là đồng thuận trên cơ sở con người, trên cơ sở những giá trị cao nhất thuộc về con người.

Đồng thuận có nhiều cấp độ và loại hình. Một cách tương đối, ta có thể chia đồng thuận thành đồng thuận làng xóm, đồng thuận nghề nghiệp, đồng thuận giai cấp, đồng thuận xã hội, đồng thuận khu vực và đồng thuận trên phạm vi toàn cầu. Hương ước là một trong những công cụ để tạo ra sự đồng thuận cộng đồng dân cư, hay đồng thuận làng xóm. Đồng thuận nghề nghiệp dựa trên cơ sở của tình đồng nghiệp còn đồng thuận giai cấp dựa trên tâm lý đồng thuận giữa những người cùng cảnh ngộ. Xét trong phạm vi quốc gia, đồng thuận xã hội là sự thỏa thuận, thống nhất của nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp trong xã hội. Đến nay, khi các quốc gia đều phải tham gia vào xu thế chung là hợp tác và hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, sự đồng thuận càng chứng tỏ vai trò của nó và phạm vi của khái niệm đã mở rộng ra khỏi biên giới quốc gia. Sự đồng thuận trong phạm vi khu vực và toàn cầu trở thành đòi hỏi thiết yếu đối với các tổ chức hợp tác khu vực và quốc tế. ASEAN, APEC, EU, WTO hay UN... đều nhấn mạnh nguyên tắc đồng thuận, tức là phải có sự đồng thuận thì mới ra quyết định chung. Có thể thấy rõ là, chưa bao giờ mối quan hệ giữa các quốc gia được mở rộng như trong bối cảnh hiện nay và sự phát triển ở mỗi quốc gia gắn liền với các quốc gia khác vì lợi ích chung của tất cả các bên. Rõ ràng, vì lợi ích chung đó, nguyên tắc đồng thuận buộc phải tuân thủ và trở thành điều kiện tiên quyết cho sự hợp tác hiện đại. Đồng thuận chính là tác nhân định hướng tiến bộ và dân chủ, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên tham gia các quan hệ hợp tác song phương và đa phương. Phải khẳng định, trong thời đại ngày nay, đồng thuận đã trở thành mục tiêu tồn tại và phát triển của nhân loại.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đi đến kết luận:Đồng thuận là giới hạn hợp lý của đấu tranh và hợp tác; và đồng thuận xã hội là biểu hiện của sự đồng thuận ở mức độ cao nhất, rộng lớn nhất, và nó tạo ra sự thống nhất chính trị, kinh tế và văn hóa của xã hội.

II. Những nội dung cơ bản của tính đồng thuận xã hội trong thế giới hiện đại

Hiện nay, người ta nói nhiều đến nguyên tắc “win - win”, nghĩa là không có kẻ thắng người thua mà mỗi bên tham gia đều nhận được phần mà mình có thể có được. Nguyên tắc này ngày càng chứng minh được tính đúng đắn của nó và đòi hỏi phải được đảm bảo trong mọi quan hệ hợp tác hay cạnh tranh. Như vậy, sự đồng thuận hiện đại theo nghĩa phổ biến là kết quả của quá trình thỏa thuận mà trong đó mỗi người đều có năng lực và điều kiện để thương lượng.Thỏathuận là cách thức con người đàm phán để cùng nhau đi đến sự nhất trí chung, do đó, thỏa thuận là nền tảng của đồng thuận. Phải xây dựng một xã hội mà trong đó mỗi một con người đều có những quyền bình đẳng nhất định trong quá trình đàm phán, thỏa thuận. Hơn nữa, hợp tác đã trở thành năng lực cơ bản, là ưu thế của thời đại, cho nên cần phải xây dựng lý luận về tính đồng thuận xã hội để biến nó thành công cụ tư tưởng, lý luận điều chỉnh toàn bộ quá trình hợp tác. Để xây dựng công cụ lý luận cho tính đồng thuận xã hội, cần phải nghiên cứu những nội dung cơ bản của đồng thuận xã hội, đó là đồng thuận chính trị, đồng thuận kinh tế và đồng thuận văn hóa. Đây là ba mặt cơ bản tạo ra tính đồng thuận xã hội.

· Đồng thuận chính trị

Đồng thuận xã hội luôn là mục tiêu của khoa học chính trị và là vấn đề mang tính bản chất của khoa học chính trị. Trong bất cứ vấn đề nào, để đạt được mục đích, các nhà lãnh đạo phải tìm kiếm sự đồng thuận xã hội đối với các ý kiến của mình. Nhiều người nhầm lẫn cho rằng, đồng thuận chính trị là đối tượng của khoa học chính trị, thực ra, đồng thuận chính trị chỉ là trạng thái chính trị của sự đồng thuận hay sự đồng thuận của đời sống chính trị. Tuy nhiên, đồng thuận chính trị là nội dung quan trọng nhất của đồng thuận xã hội.

Con người theo bản năng luôn hướng tới sự đồng thuận, sự hài hòa trong cuộc sống cộng đồng. Lợi dụng tâm lý này, các nhà cầm quyền đi tìm sự đồng thuận xã hội bằng những thủ thuật chính trị để sắp xếp sự đồng ý của xã hội. ở Hoa Kỳ, những vấn đề đối ngoại thực ra không phải là những vấn đề chủ yếu trong vận động tranh cử. Hầu hết, nội dung của những cuộc tranh cử là chính sách đối nội liên quan đến kinh tế, y tế hay giáo dục luôn là những vấn đề thiết thân với cuộc sống của người dân. Các nhà chính trị dùng những vấn đề đó để mua sự đồng thuận của nhân dân đối với địa vị của mình, cho nên ở Hoa Kỳ xuất hiện một loạt các luật bầu cử mà thực chất là luật về vận động tranh cử. Nghiên cứu những quan điểm hình thành hệ thống chính trị ở nhiều nước cho thấy, hầu hết các đảng cầm quyền hiện nay hoặc là trung tả hoặc là trung hữu, tức là tư tưởng trung dung trở thành tư tưởng chủ đạo tạo ra địa vị cầm quyền của các nhà chính trị. Cách thức tổ chức quyền lực như vậy khác xa với cách thức ở các nước đang phát triển và sự khác biệt chính là nằm ở trình độ phát triển dân trí. Xã hội dân chủ với trình độ phát triển xã hội cao được xây dựng trên cơ sở các nguyên chính trị và các nguyên chính trị chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở các quyền con người. Khi đó, với trình độ nhận thức cao, xã hội dễ đạt đến sự nhất trí mang chất lượng đồng thuận.

Như vậy, cơ sở của đồng thuận chính trị là xã hội dân chủ. Xây dựng sự đồng thuận chính trị là xây dựng nhà nước pháp quyền và tạo ra cảm hứng phát triển trên phạm vi toàn xã hội. Nhà nước pháp quyền là công cụ tư pháp đảm bảo tính bền vững của các quyền dân chủ, là nội dung căn bản nhất để xây dựng xã hội dân chủ. Để tiến tới xã hội dân chủ và đạt được sự đồng thuận chính trị, các nước thế giới thứ ba cần phải cải cách chính trị. Hạt nhân của cải cách chính trị là tự do cá nhân, tức là tôn trọng các quyền cá nhân, các quyền công dân cũng như các quyền con người. Hơn nữa, cải cách chính trị phải nhằm khẳng định và đảm bảo quyền phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội thông qua thực tiễn hóa các quyền dân chủ. Đối với các nước đang phát triển, xây dựng tính đồng thuận chính trị chính là xây dựng nền dân chủ trong điều kiện cụ thể của các quốc gia này.

· Đồng thuận kinh tế

Cùng với sự đồng thuận chính trị, đồng thuận kinh tế là cơ sở của đồng thuận xã hội. Dân chủ hóa về chính trị và tự do hóa về kinh tế là những khuynh hướng tất yếu của đời sống nhân loại. Tự do về kinh tế là cơ sở của thỏa thuận, của khế ước xã hội trong lĩnh vực kinh tế và nó tạo ra sự đồng thuận về kinh tế. Đó là sự đồng thuận mà xã hội tự sắp xếp chứ không cưỡng bức vì không có ai có thể cưỡng bức nhằm có được một sự đồng thuận tự nhiên và bền vững như đời sống kinh tế của con người. Xây dựng đồng thuận kinh tế tức là xây dựng khế ước xã hội trong lĩnh vực kinh tế trên cơ sở các quyền tự do kinh tế.Tự do hóa kinh tế sẽ tạo không gian kinh tế tự chủ cho mỗi cá nhân, là thể chế đảm bảo cho con người quyền tự do mưu cầu cuộc sống sung túc. Trên cơ sở của không gian kinh tế tự chủ sẽ hình thành không gian rộng mở cho các giá trị cá nhân phát triển. Như vậy, thị trường tự do đóng vai trò là công cụ duy nhất để con người tìm kiếm sự đồng thuận về kinh tế. Các nước đang phát triển phải tiến hành cải cách kinh tế để tạo ra không gian phát triển, thức tỉnh người dân về các quyền tự do khác. Kinh tế phát triển còn làm thức tỉnh ý thức chính trị, ý thức văn hóa của người dân.

· Đồng thuận văn hóa

Một nội dung khác không kém phần quan trọng của đồng thuận xã hội là đồng thuận về văn hóa. Nếu không có đồng thuận về văn hóa thì đồng thuận chính trị hay đồng thuận kinh tế sẽ chỉ là những trạng thái nhất thời mang màu sắc đồng thuận vì văn hóa len lỏi trong đời sống hàng ngày của con người, của xã hội. Văn hóa luôn luôn là chất xúc tác giúp con người tạo ra sự hòa hợp. Chúng ta phải xây dựng sự đồng thuận về văn hóa mới mong tạo ra sự đồng thuận trên tổng thể hay sự đồng thuận xã hội. Đồng thuận về văn hóa là sự đồng thuận về nhu cầu tinh thần của con người, do đó,xây dựng đồng thuận về văn hóa chính là nâng cao tính mở của môi trường tinh thần hay của nền văn hóa nhằm tạo động lực cho sự phát triển.Con người với tư cách là một thực thể văn hóa trong một môi trường tinh thần có tính mở cao sẽ có năng lực nhận thức tốt hơn, có điều kiện để tư duy một cách tự do và sáng tạo hơn. Đối với những quốc gia đang phát triển, điều đó đồng nghĩa với nhiệm vụ cải cách văn hóa. Cải cách văn hóa chính là giải phóng văn hóa ra khỏi chính trị, để môi trường văn hóa có không gian phát triển tự nhiên. Nền văn hóa ấy sẽ tạo ra môi trường sống và không gian tinh thần nâng đỡ không gian chính trị và không gian kinh tế, trên cơ sở đó thúc đẩy sự đồng thuận xã hội.

Sự thống nhất của ba mặt chính trị, kinh tế và văn hóa trên nền tảng đồng thuận xã hội tạo ra sự thống nhất xã hội. Đó cũng chính là cơ sở lý luận của lý thuyết phát triển xã hội hiện đại.

III. Các điều kiện và cơ chế đảm bảo đồng thuận xã hội ở các quốc gia đang phát triển

Phải khẳng định rằng, đồng thuận không phải là kết quả của đạo đức hay của tư duy mang màu sắc lý trí. Đó phải là kết quả nhận thức của các công dân về quyền lợi và trách nhiệm đối với xã hội và xã hội chỉ đạt được trạng thái đồng thuận khi có sự đồng thuận về nhận thức. Đồng thuận là tất yếu khi có nhận thức về quyền và nghĩa vụ và điều kiện tiên quyết cho nó là tự do và sự đa dạng về nhận thức. Nếu có tự do mà không có tính đa dạng của nhận thức sẽ không tạo ra trạng thái đồng thuận đích thực. Còn thiếu tự do là thiếu thứ cơ bản nhất để tạo ra sự đồng thuận bởi tính đồng thuận là kết quả của sự tự giác, tự nguyện đồng ý. Cần mở rộng không gian tự do về nhận thức và đảm bảo sự đa dạng về nhận thức để con người có đủ không gian phát triển. Đây chính là hai điều kiện bắt buộc phải có để tạo ra sự đồng thuận về nhận thức. Đối với các nước thế giới thứ ba, điều này cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ thức tỉnh nhân dân về tự do. Khi người ta có thói quen tư duy như một khát vọng sống hay xem nó là động lực cơ bản của cuộc sống, tức là không gian nhận thức đa chiều và tự do được đảm bảo thì sự đồng thuận về nhận thức xuất hiện.

Tuy nhiên, đối với những quốc gia đang phát triển, nơi tỷ lệ nghèo đói còn cao, điều kiện trước tiên để tiến tới sự đồng thuận xã hội chính là nâng cao mức sống của người dân. Hiện nay, nhiều chương trình xoá đói giảm nghèo đang được tiến hành với mục đích cứu con người ra khỏi cảnh nghèo đói. Thật ra, sự nghèo đói về vật chất không phải là yếu tố duy nhất đem đến sự bất hạnh cho con người mà chính là sự không đồng thuận về lợi ích tạo ra sự chênh lệch mức sống, hay khoảng cách giàu nghèo và những hiện tượng ấy tạo ra nỗi bất hạnh tinh thần cho con người. Như vậy, giảm chênh lệch giàu nghèo chính là để tìm kiếm sự đồng thuận xã hội.

Nâng cao mức sống phải đi kèm với nâng cao trình độ dân trí để người dân ý thức được các quyền, đồng thời thực thi bổn phận và trách nhiệm của mình đối với xã hội. Dân trí ở đây là trí tuệ của nhân dân. Dân trí cao dễ đạt đến trạng thái đồng thuận hơn dân trí thấp, do vậy, ở các nước có trình độ dân trí phát triển, xã hội dễ đạt đến sự đồng thuận hơn các nước chậm phát triển. Nói cách khác, trình độ dân trí cao là cơ sở của sự tự giác và tự nguyện của người dân đối với những quyết sách đúng đắn của xã hội.

Tuy nhiên, xã hội muốn phát triển thì phải phát triển bắt đầu từ bộ phận tiên tiến nhất là trí thức. Tầng lớp trí thức phải đóng vai trò đại diện cho nhân dân. Trí thức chưa tiên tiến thì không thể xây dựng xã hội tiên tiến được. Giới trí thức phải trở thành một bộ phận tiên phong trong nhận thức của nhân dân, không chỉ nói hộ nhân dân mà còn phải làm cho người dân nói lên tiếng nói của chính họ.

Không thể phủ nhận là xã hội đạt được sự đồng thuận càng cao thì càng phát triển. Nhưng thực tế cho thấy, một số quốc gia kém phát triển vẫn đạt được trạng thái đồng thuận rất cao. ở những quốc gia này, nhiều khi người ta nhấn mạnh một cách thái quá bằng những thủ thuật chính trị để tạo ra trạng thái đồng thuận giả tạo xã hội và coi đấy là thành tựu chính trị. Một tháng trước khi nổ ra chiến tranh, Saddam Hussein được bầu lại làm Tổng thống với 100% số phiếu và một tháng sau thì ông ta bị lật đổ, bị săn lùng và bây giờ thì bị bắt. Trong khi ở các xã hội phát triển, người ta chỉ mong đạt được quá bán, tức là đạt 51% số phiếu bầu tức là đã giành được thắng lợi. Truyền thống là yếu tố có thể lý giải được hiện tượng tâm lý này nhưng nếu phân tích kỹ những nền văn hóa chính trị 100%, chúng ta sẽ thấy nguyên nhân của trạng thái cực đoan này nằm ở ba điểm mấu chốt sau:

(i) Tâm lý coi thường nhân dân, tức là không coi trọng con người, ép buộc xã hội tìm kiếm sự đồng tình của người dân không dựa trên cơ sở tôn trọng quyền con người;

(ii) Trình độ dân trí thấp,do trình độ dân trí không cao nên người dân không ý thức đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm của mình và kết quả là tạo ra sự đồng thuận mang tính hình thức;

(iii) Sự tự mãn của tầng lớp trí thức. Tầng lớp trí thức ở các nước đang phát triển luôn tự hào là mình thành đạt hơn nhân dân mà quên mất họ phải là những phần tử khổ sai của nhân dân. Người trí thức phải gánh vác công việc quan trọng nhất là nghĩ hộ nhân dân, phải biến nhân dân thành đồng minh của những suy nghĩ của mình. Do đó, sự tự mãn của tầng lớp trí thức là một trong những yếu tố cấu thành trạng thái nền văn hóa chính trị 100% ở các nước đang phát triển.

Những trạng thái cực đoan như vậy đòi hỏi phải có cơ chế đảm bảo sự đồng thuận xã hội. Sự đồng thuận xã hội bộc lộ ở thái độ của xã hội trong từng sự việc cụ thể, thể hiện quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân đối với các vấn đề của xã hội. Mọi sự đồng thuận cưỡng bức đều là đồng thuận hình thức. Do đó, cần phải xây dựng cơ chế để phát huy quyền làm chủ của người dân, để thỏa thuận xã hội là kết quả của sự tự nguyện, tự giác nhất trí. Đó là cơ chế dân chủ và tự do. Xã hội dân chủ không được xây dựng trên cơ sở ngẫu nhiên hay nói khác đi, xã hội dân chủ phải được xây dựng trên cơ sở tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với địa vị chính trị của mình, tức là khi các quyền tự do và bình đẳng được tôn trọng và đảm bảo. Nếu không có tự do thì sẽ không có sự phát triển ổn định, vì phát triển là kết quả đóng góp của những con người có năng lực phát triển, mà chỉ con người tự do mới có năng lực phát triển. Xây dựng xã hội dân chủ chính là xây dựng trạng thái đồng thuận ổn định, hay xây dựng tính ổn định của sự đồng thuận xã hội. Sự đồng thuận không ổn định sẽ không thể xây dựng một xã hội ổn định.

Tóm lại, đồng thuận xã hội luôn là mục tiêu của bất kỳ nhà nước nào, bất kỳ chính thể nào. Đồng thuận xã hội trước hết và quan trọng nhất phải là kết quả của sự đồng thuận về nhận thức. Trong thời đại ngày nay, khi hợp tác trở thành nội dung triết học cơ bản của đời sống hiện đại, đồng thuận trở thành lý thuyết về tầm nhìn trong xây dựng cấu trúc xã hội tương lai. Đồng thuận xã hội là sự tự giác thống nhất về cả ba mặt kinh tế, chính trị, văn hóa. Nói cách khác, dân chủ về chính trị, tự do về kinh tế và cởi mở về văn hóa là đảm bảo quan trọng của sự đồng thuận xã hội. Đó cũng chính là sự đồng thuận văn minh của một xã hội văn minh.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Phát huy nội lực

    02/04/2015Nguyễn Trần BạtTừ bao đời nay, người Việt ước mơ xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh". Có thời người ta đặt hy vọng ở nguồn tài nguyên rừng vàng biển bạc, chẳng hạn như dầu mỏ phun lên ồ ạt nhiều hơn cả dầu mỏ Trung Đông. Cũng có người mơ tưởng sẽ có những lực lượng ngoại bang mang lại cuộc đổi đời cho dân tộc. Họ vừa thiếu thực tế vừa sai lầm về mặt lý luận. Chỉ có sức mạnh của chúng ta - nội lực Việt Nam - mới giải quyết được những vấn đề của chúng ta, mới là yếu tố quyết định để biến đổi một nước Việt Nam nghèo nàn lạc hậu thành một quốc gia hùng mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
  • Nhân dân như là một phạm trù của Văn hóa chính trị

    25/07/2014Nguyễn Trần BạtNói đến đời sống chính trị người ta thường nghĩ ngay đến các nhà chính trị và các chính đảng. Đó là những bộ phận rất quan trọng cấu thành đời sống chính trị. Nhưng sẽ không có cả các nhà chính trị lẫn các chính đảng nếu không có nhân dân. Nhân dân bao giờ cũng là các đối tượng để các đảng lôi kéo...
  • Im lặng và hứa suông hai căn bệnh cần có thuốc đặc trị

    14/10/2005Hải YếnHiện nay, khi có việc phải đến chốn công đường, người dân nói chung, các doanh nghiệp nói riêng đang ở vị thế "người đi xin", các công chức, quan chức Nhà nước ở vị thế "kẻ có quyền cho". Những "người chủ" là nhân dân đang bị các "công bộc, đầy tớ" sách nhiễu. Vì vậy, gọi là "cải thiện quan hệ của cơ quan hành chính với dân" là không hoàn toàn đúng...
  • Chút xíu triết lý về cải cách hành chính

    12/10/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngTập trung cho bộ máy hành chính thật nhiều quyền rồi sau đó tìm cách không chế nó thì cũng giống như việc thả gà ra mà đuổi. Phải chăng còn có những vấn đề nằm ở triết lý sâu xa của việc tổ chức quyền lực, không xử lý, khó cải cách hành chính thành công?
  • Dân trí và Dân khí

    03/10/2005GS. Trần Đình HượuHiện nay chứng ta thường nói đến việc nâng cao " dân trí", là một trong những giải pháp cơ bản đế giải quyết những tệ nạn trong xã hội , tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khoảng cách ngày càng xa với các nước... Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí là một trong những khâu quan trọng nhất. Còn trước mắt biện pháp tình thế là gì? Dân trí hay dân khí?
  • Phê bình và sửa chữa

    01/10/2005X.Y.ZCán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh nặng trong mình thì quên chữa. Từ nay, chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ...
  • "Chúng ta nhất trí với nhau dễ dàng quá!"

    09/07/2005TS Lê Đăng Doanh“Chúng ta nhất trí với nhau nhiều quá và dễ dàng quá!”, giáo Sư Robert Wade nổi tiếng của Đại học Kinh tế London lừng danh đã thốt lên như thế trong phiên bế mạc hội thảo tổng kết 20 năm đổi mới hôm 1/7/2005 vừa qua.
  • xem toàn bộ