Donald Trump – bản sao của Neville Chamberlain thời nay?

08:35 CH @ Thứ Ba - 21 Tháng Tám, 2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump “giương cơ” bằng việc sử dụng “vũ khí” thuế đã đẩy thế giới vào cục diện vô cùng phức tạp...
.
Khi các quốc gia cảm thấy lo lắng về an ninh, họ thường nhấn mạnh giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài, các chuỗi dây truyền cung ứng ngắn và phải tự sản xuất hàng hóa nhiều hơn.
.
Giờ đây, thế giới đang lơ lửng bên bờ vực cuộc chiến tranh thương mại tổng lực, chúng ta nên nghiên cứu một số lập luận ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ trước đây, và nhìn lại cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong thế kỷ XX.
.
Các cuộc thảo luận về thương mại có xu hướng trở thành con dao hai lưỡi. Thuế nhập khẩu và các biện pháp tương tự khác thường được nêu ra như các công cụ chính sách đối ngoại thích hợp để đáp ứng cái tốt chung. Nhưng nếu nhìn xuyên qua các phát ngôn đó, rõ ràng các biện pháp như vậy thực sự chỉ đem lại lợi ích cho một số thành phần đặc biệt, không công bằng.
.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại là cách để đạt tới cái đích nào đó. Với ông, thuế là một cách ứng phó hợp lý đối với những thói quen không công bằng hiện nay và các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Nhưng ai cũng thấy có một toan tính chính trị: cụ thể, thuế sẽ giúp các nhà sản xuất và các thành phần đặc biệt nào đó bằng việc khiến hàng hóa của đối thủ cạnh tranh mình trở nên đắt đỏ hơn. Vấn đề là các khoản thuế đó chắc chắn buộc người tiêu dùng trong nước phải thanh toán những hóa đơn với mức giá hơn.
.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại là cách để đạt tới cái đích nào đó. Ảnh: MarketWatch
.
Không có gì mới trong lập luận của ông Trump, rằng “chiến tranh thương mại là tốt, và dễ thắng”. Hẳn nhiều người còn nhớ, khi Neville Chamberlain làm Bộ trưởng Tài chính Anh năm 1932, ông đã đảo ngược vị thế của đất nước ông là một nhà vô địch về tự do thương mại trong suốt một thế kỷ trước đó. Ông đã xây dựng “hệ thống bảo hộ”, với hy vọng sẽ dùng “để thương lượng với các nước khác mà đến nay chưa chú ý nhiều lắm tới các gợi ý của chúng ta”.
.
Chamberlain cho rằng chỉ cần “thận trọng tự trang bị cho mình một công cụ ít nhất có hiệu quả tương đương các công cụ có thể bị dùng để phân biệt đối xử với chúng ta trên các thị trường nước ngoài”. Và ông đã mở con đường dẫn tới Chiến tranh thế giới II. Chính sách thương mại của ông đã làm suy yếu nước Anh và tăng sức mạnh cho nước Đức. Chỉ trong vòng 6 năm, chính sách thỏa hiệp của ông với chế độ Đức Quốc Xã đã lên đến đỉnh điểm bằng Thỏa thuận Munich năm 1938, mà Hitler đã hủy bỏ 6 tháng sau đó bằng việc đánh chiếm Tiệp Khắc và đưa vùng đất này nằm dưới quyền kiểm soát của Đệ tam Cộng hòa.
.
Các năm sau chiến tranh đã bị nhấn chìm trong nỗi sợ hãi về sự nổi dậy của phong trào dân tộc Đức. Pháp ủng hộ một thỏa thuận trong đó liên minh của Pháp với Ba Lan, cộng với “bộ ba bé nhỏ” gồm Tiệp Khắc, Romania và Nam Tư, sẽ ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Hungary và Đức. Anh lại ủng hộ khả năng thứ hai, và thấy Liên minh các quốc gia là công cụ hiệu quả nhất để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.
.
Nhưng cả hai cách tiếp cận trên đều sụp đổ trong cuộc Đại Suy thoái, trước tiên là bởi các chính sách bảo hộ của Anh và Pháp. Hai nước này đã bất ngờ chuyển sang một chính sách đánh thuế cao và giới hạn nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cho các sản phẩm từ các thuộc địa của mình ở hải ngoại. Hậu quả là các nhà sản xuất công nghiệp Tiệp Khắc và các nhà xuất khẩu nông sản của Romania và Nam Tư có thể không bao giờ bán hàng sang Tây Âu được nữa. Thay vào đó, họ ngày càng phụ thuộc –cả về kinh tế và chính trị - vào Đức Quốc Xã. Tương tự, Ba Lan, sau khi xảy ra chiến tranh thuế với Đức những năm 1920 đầu 1930, đã ký kết một hiệp định không gây hấn với chế độ Quốc Xã năm 1934.
.
Trong cuộc Đại Suy thoái, các cáo buộc thao túng tiền tệ đã tạo thành cái cớ để áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại. Điều này cũng giống với các phát ngôn của Tổng thống Mỹ Trump ngày nay, cả khi ông chỉ trích chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), hay khi ông cho rằng Trung Quốc đang cố ý giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT).
.
Bài học của Đại Suy thoái đã rõ: các cuộc chiến tranh thương mại nhằm mục đích củng cố an ninh quốc gia nhưng trên thực tế lại hủy hoại chúng. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các liên minh quốc phòng, vì các hàng rào thương mại buộc các đồng minh phải giả thân mật hơn trong quan hệ với thế lực theo chủ nghĩa xét lại.
Các chuyên gia lo ngại kịch bản này đang diễn ra.
.
Dù ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hiện đã đạt một thỏa thuận sơ bộ nhằm giảm leo thang cuộc chiến thuế giữa Mỹ và EU. Nhưng ông Trump đã “tác động” liên minh xuyên Đại Dương. Giống như các nước láng giềng của Đức những năm 1930, châu Âu và Canada có thể cảm thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm kiếm một đối tác cởi mở hơn, hoặc ít nhất là ổn định hơn.
.
Chuyến công du châu Âu của ông Trump hồi tháng trước đã trượt một bước dài trên con đường phá hủy các liên minh vốn duy trì sự ổn định toàn cầu từ sau Chiến tranh thế giới II. Và cuộc họp báo của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin được xem na ná kiểu Chamberlain trước đây. Nếu ông Trump muốn làm cho Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn trên thế giới, thì ông có thể làm điều đó rất tốt bằng việc tiếp tục cuộc chiến của mình chống lại tự do thương mại và các thể chế đa phương ra đời từ sau đống đổ nát năm 1945.

Arthur Neville Chamberlainlà một chính trị gia, từng là Thủ tướng Anh từ năm 1937 đến năm 1940. Trong thời Đại Suy thoái, các chính phủ Anh và Pháp đã theo đuổi một chính sách tương tự, xa lánh (dù không chủ đích) các nước vốn là đồng minh và tăng cường quan hệ với Đức Quốc xã.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan