Đổi tên, đánh số kích cầu!

02:48 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Mười, 2005

Ngày 24/9, nhân một cuộc tọa đàm giữa các nhà khoa học, Giáo sư Hoàng Tụy phê phán hiện tượng “người người làm đề tài, nhà nhà làm đề tài” nực cười nhất là chuyện đánh số nhà cũng thành đề tài nghiên cứu khoa học ở một địa phương nọ! Thật ra người dân ở địa phương này coi đây là đề tài kích cầu kinh tế, bởi đề tài đánh số nhà đem lại dịch vụ cho hàng triệu nhà và doanh nghiệp.

Cách đâu 10 năm, thành phố mà Giáo sư Tụy đề cập có làm 2 đề tài khoa học: Sở Văn hóa - Thông tin với đề tài đặt tên đường, Sở Nhà đất với đế tài đánh số nhà. Việc đổi tên đường khá đơn giản vì chỉ tìm ra người có công chưa được “Sở hữu” một đường nào thì tìm đường “cấp” cho vị ấy. ở những khu đô thị hóa, có nhiều trường mới làm đem cấp cho các vị thì không xảy ra tranh chấp. Nhưng ở khu đô thị cũ, việc "thu hồi" đường cũ lỡ "cấp" cho một vị chưa xứng đáng, đem cấp cho vị mới xứng đáng hơn, thì cũng có vấn đề, nhiều nhà khoa học lịch sử tranh cãi nhau, nhưng cuối cùng ban ngành đoàn thể cũng nhất trí thông qua bảng danh sách đặt tên đường. Sở Giao thông đi mướn tiệm sắt hàn bảng tên đường, kéo theo dịch vụ vẽ quảng cáo, in ấn phát triển mạnh. Quán tiệm, công ty nhốn nháo, nhà nhà tháo bảng hiệu đem xuống sửa tên đường, mở ngoặc chưa tên đường cũ, vì đổi tên ít nhất vài năm mời quen. Tiệm tạp hóa bán được nhiều sổ tay cho tài xế taxi và hon da ôm ghi chú, chứ trả lời lọng ngọng là mất khách như chơi. Các nhà in tái bản toàn bộ bản đồ thành phố và các tờ bướm hướng dẫn du khách, in danh thiếp, ca-ta-lô giới thiệu và các mẫu văn bản hợp đồng của Công ty. Phòng công chứng không căn cứ quyết định đổi tên đường để công chứng giấy tờ nhà cũ (thí dụ như số 58 đường Nguyễn Thị X nay thành đường Nguyễn Văn Y) mà bắt người dân trở về phòng quản lý đô thị (QLĐT) xin xác nhận địa chỉ 58 Nguyên Thị X và 58 Nguyễn Văn Y là một.

Tòa án giải quyết tranh chấp nhà cũng phải nhờ xác minh, nên phòng công chứng thu được nhiều lệ phí. Trong lúc đề tài đặt tên đường thục hiện xong, thì đề tài đánh số nhà, số hẻm mải loay hoay các bài toán số học. Đối với đường cũ, số nhà có sẵn từ đời Tây, do không quản lý quy hoạch tốt để tình trạng xây chen đất trống, chẻ nửa căn nhà bán, địa phương đặt số bis, số kép, số sai tá lả. Do đề tài đăng ký loại bỏ tất cả số lăng nhăng của nhà mặt tiền, nên các nhà khoa học ngồi đánh lại số thứ tự từ 1, 2... trên những nhà thực tế trên suốt tuyến đường, giống như trẻ lớp lá làm bài tập đánh số.

Trong thời gian chờ đợi đề tài đánh số, những nhà xây dựng không phép cũng cần có số để xin đồng hồ điện, đồng hồ nước, để cho người dễ tìm... Ngành công an không thể chờ, bèn tạm cấp số nhà cho nhũng nhà xây trái phép, có người ở, có sổ trú, để có địa chỉ quản lý, chứ để trống trong hồ sơ nghiệp vụ hoặc ghi nhà không số, không hẻm, không tên thì ngay chính cảnh sát khu vực cũng mò không ra! Ông cảnh sát khu vực bèn lấy số nhà kế bên thêm sur, thêm bis tá lả!

Sau 10 năm, một ngày đẹp trời, đề tài được công bố cơ bản hoàn thành đánh số trên các trục đường đã ổn định xây cất, chào thua đường đang đô thị hóa. Dịch vụ vẽ quảng cáo trở lại việc gỡ bảng hiệu xuống ghi số nhà mới, mở ngoặc chưa số nhà cũ, và dặn chủ chừng nào mọi người quen số mới tên mới thì kêu họ xuống vẽ lại. Phòng QLĐT tiếp tục làm dịch vụ xác nhận số mới, đường mới này với đường xưa số cũ là một. Dịch vụ in ấn tiếp tục phát triển, rõ ràng Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng đây không phải là một đề tài khoa học, thì cũng phải nhìn nhận nó là một đề tài kích cầu cho phát triển kinh tế!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: