Dỗi lên, dỗi xuống, dỗi ngang

02:45 CH @ Thứ Sáu - 23 Tháng Sáu, 2017

Sự lạm "dỗi" hôm nay trở thành sự ương ngạnh không tôn trọng đời sống xã hội, cản trở sự tiến triển của đời sống xã hội, và sớm muộn xã hội phải có các công cụ luật pháp để quyết giải nó phi trì hoãn.

Các bạn trẻ, hay các bạn đã từng trẻ, hoặc các bạn cập kè sắp bước vào tuổi trẻ đi nữa, hẳn sẽ nao lòng khi nghe câu hát xưa đầy xao xuyến.

"Đừng giận dỗi hỡi em yêu,
Đừng trách móc anh nhiều,
Chỉ vì lúc anh quay sang người bạn gái..."

Cái dỗi này đôi khi là nghệ thuật yêu của các bạn gái, và các chàng trai cũng nên biết tham gia vào môn nghệ thuật này, để cho cuộc sống càng thêm phần ý nhị vào một buổi chiều chủ nhật êm đềm gió thoảng ngây ngất hương sen.

Nhưng môn dỗi này thường được sử dụng quá đà trong rất nhiều trường hợp của đời sống xứ ta.

Ai cũng như có quyền dỗi, vào bất cứ lúc nào!

Bạn có một câu chuyện nghiêm túc phải giải quyết với một đối tác, một đối tác xã hội, hay có khi là một đối tác ngay trong gia đinh mình. Vậy mà đối tác này cứ dỗi dài, giờ qua ngày, ngày qua tuần, tuần qua tháng, tháng qua năm... và bạn chịu cứng, không thể nào đẩy được công chuyện này cho ra ngô khoai ! Tục lệ thì ngầm bênh vực cho người dỗi : họ không bị bất cứ một sự ràng buộc cụ thể nào để giải quyết câu chuyện. Quá lên thì chỉ có quyền lực mới có cơ làm thay đổi tình hình.

Dỗi là trạng thái bất hợp tác phi lý, động thái "cắt cầu". Điều này dễ hiểu nếu như người ta còn sống trong một đời sống bèo dạt mây trôi, ở đó thời gian chưa bị cân đo hạch toán.

Dỗi ở nhiều trường hợp khác là cách để tự vệ trong một đời sống xã hội mà các luật lệ và qui tắc ứng xử được áp dụng tùy hứng theo "thế và lực" của các nhân vật trong các tình huống cụ thể của đời sống. Trong sự rối loạn này nhiều khi người ta không thể làm gì khác nữa ngoài không làm gì, tức là "dỗi".

Trong gần như mọi trường hợp, tính phi lý của dỗi được bản sắc hóa : không một lý do cắt nghĩa nào được trình bày, không một điều khoản thương nghị nào được làm sáng tỏ. "Để đấy", "kệ tôi", "không việc gì đến ông", "nào đã chết ai"... là tinh thần của nó.
---
Cái dỗi của bề dưới thì dẫu sao cũng giản đơn hơn : trước áp lực tăng dần lên của bề trên thông qua các sức ép về vật chất, tinh thần, quyền lực, bề dưới rồi sẽ phải "nín dỗi" và trở về với thân phận. Trong trường hợp may mắn thì bề dưới sẽ được hưởng một vài chiếu cố, hoặc do sự thông cảm của bề trên, hoặc tốt hơn nữa là do sự hiểu biết qua lại của bề trên. Nhưng khi hai bên đi quá liều thì đại bi kịch có thể xảy ra : ông Khuất Nguyên nước Sở khi xưa dỗi đời, ôm phiến đá rồi trầm mình xuống dòng sông Mịch La.

Cái dỗi của bề trên thì gay go hơn nhiều, có thể dẫn đến tình trạng bế tắc của một cộng đồng nhỏ hay lớn. Một gia đình muốn chuyển cái sập từ góc nhà bên trái sang góc nhà bên phải, nhưng cụ chủ nhà dỗi, không cho ý kiến, và điều đó xưa có thể đòi hỏi một thế hệ con cháu sẽ phải qua đi trong một đời sống đợi chờ hoài điều vô vọng đó. Một ông vua xưa mà dỗi thì có thể sẽ để cho một đất nước chìm trong phiền muội suốt một đời.

Cái dỗi của bề ngang cũng cồng kềnh không kém. Cái dỗi này có thể không đến nỗi làm tê liệt toàn bộ một chương trình, nhưng đủ làm cho chương trình ấy không thể thành ra trọn vẹn, bị nhuốm vị đắng cay, dở ương ương dở. Những gia đình mà hai vợ chồng luôn ở cái thế tát chum nước không cạn vì họ chỉ ngo ngoe mong sao làm trái cẳng nhau được cho thỏa cái chí bất tuân, là cái dỗi ngang như thế.
---
Hôm nay đời sống tăng tốc, mỗi người có biết bao việc phải làm từ lúc thức dậy cho tới khi gà lên chuồng, mà có khi gà đã gáy canh một cũng nên.

Xin mời chúng bạn, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, tiễn dần môn dỗi ra đi. Xã hội năng động không thể là cái kho đựng các đồ dỗi trì hoãn các tiến trình phải đi đến của đời sống.

Xin mời chúng bạn, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, hãy học thương nghị trong đời sống, để nó phải trở thành một kỹ năng, một phẩm hạnh bắt buộc của đời sống hôm nay.

Xin mời chúng bạn, từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, hãy đưa việc học thương nghị trong đời sống vào ngay trong các chương trình giáo dục bắt buộc trẻ nhỏ ở nhà cũng như ở trường lớp.

Các đối tác trong đời sống, dù là một cá nhân hay một tổ chức, hãy kiểm kê và đưa ra các đòi hỏi của sự tồn tại và của sự vận động của mình trong khuôn khổ đồng thuận luật pháp. Và một khi những tranh chấp xảy đến, hãy ngồi vào bàn và thương nghị. Nếu hệ thống luật pháp tỏ ra bất lực, phải thiết kế, thay đổi, kiện toàn chúng.

Công việc học thương nghị hôm nay trở thành một sứ mệnh bắt buộc của các bên đối tác trong đời sống văn minh.

Sự lạm "dỗi" hôm nay trở thành sự ương ngạnh không tôn trọng đời sống xã hội, cản trở sự tiến triển của đời sống xã hội, và sớm muộn xã hội phải có các công cụ luật pháp để quyết giải nó phi trì hoãn.

Nguồn:Tia Sáng
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà nước pháp trị trong đời sống thường nhật

    09/11/2017TS. Nguyễn Sĩ PhươngThượng tôn pháp luật là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Một trong những dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước pháp trị đó là tuân thủ luật pháp và được Nhà nước bảo đảm thực thi bằng Toà án độc lập.
  • Ảnh hưởng của văn hóa đối với pháp luật

    09/10/2014Nguyễn Trần BạtVăn hóa có một ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với pháp luật. Văn hóa chính là cuộc sống, do đó, việc xây dựng pháp luật, theo lẽ tự nhiên, phải dựa trên những kinh nghiệm văn hóa, tức là pháp luật phải có khả năng biến thành văn hóa để điều chỉnh cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở rất nhiều nơi trên thế giới, hệ thống pháp luật tỏ ra không tương thích với cuộc sống. Phải chăng yếu tố văn hóa, ở những nơi đó, đã bị tách rời khỏi pháp luật hay bản thân pháp luật được xây dựng trên một nền văn hóa méo mó, phi tự nhiên?
  • Nhân thân và tòa án

    08/06/2012Hiệu MinhCó những giá trị chung của nhân loại được cả thế giới công nhận như “pháp luật thượng tôn”. Phải chăng đưa yếu tố nhân thân tốt nhằm giảm nhẹ tội đôi khi đã làm pháp luật không còn nghiêm minh?
  • Luật sư của Nhà nước và Luật sư của người dân

    07/12/2010Đoàn Tiểu LongTừ trước tới nay, các chuyên gia pháp lý của ta đều nhất trí rằng “bình đẳng trước Toà án” chỉ là một nội dung của quyền “bình đẳng trước pháp luật” mà Hiến pháp quy định, tuy nhiên trước Toà án các bên chỉ bình đẳng về mặt tố tụng, tức là đưa ra chứng cứ, tài liệu, yêu cầu và tranh luận, chứ không bình đẳng về mọi mặt. Chính đây là điều đáng suy ngẫm...