Được trò chuyện thẳng thắn là tôi thoải mái rồi

12:58 CH @ Thứ Sáu - 24 Tháng Sáu, 2011

Tôi cũng không để ý lắm đến chuyện khen chê của thiên hạ. Và không phải lúc nào tôi cũng hào phóng thời gian cho sự nổi giận của mình đâu! Nhưng nếu chuyện khen chê liên quan đến những thông tin bịa đặt hay những quan niệm sai lầm thì mình phải có trách nhiệm lên tiếng để xã hội hiểu được sự thật.

- Chào nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, lâu nay anh có gì mới không mà nghe có vẻ im ắng thế. Sự im ắng đối nghịch với bản chất con người luôn tạo ra một cái gì đó làm nóng dư luận hay gây tò mò trong công chúng như anh?

- Công việc của tôi đang làm là mới, mới cả về quan niệm lẫn dự định. Ví dụ trước đây trong những năm tôi không muốn làm phim truyền hình, nhất là phim truyền hình dài tập bởi vì nó ngốn rất nhiều thời gian và cảm giác là khát vọng làm điện ảnh nghệ thuật của mình không được đáp ứng bằng phim truyền hình. Nhưng trong hai năm qua tôi đã tập trung làm ba phim truyền hình "Mùa cưới", "Trâu Vàng như ý" và "Bí mật Eva", tổng cộng hơn trăm tập. Vì trên thực tế mà nói, việc dành toàn bộ thời gian đeo đẳng những dự án phim nhựa lớn làm mất cân đối về tổ chức cuộc sống, mất cân đối về việc hành nghề. Hai nữa truyền hình là lượng khán giả rất lớn, nhất là khán giả nông thôn mình không thể bỏ qua.

- OK! Anh dừng phim nhựa để đi làm phim truyền hình. Nhưng khoảng cách nghệ thuật giữa hai loại phim này quá cách xa nhau, anh không sợ rất có thể sẽ đánh mất thương hiệu và đẳng cấp của mình sau khi làm phim truyền hình?

- Cũng có nhiều người nói như vậy nhưng không phải đâu. Để làm được phim truyền hình cho hay cũng gian nan vất vả lắm. Làm phim truyền hình không phải chỉ là vấn đề kiếm sống như nhiều người nghĩ đâu, đó cũng là cái hào hứng say mê khi phim mình làm ra đến được với nhiều khán giả. Làm được phim hay cũng thấy vui, cho nên bọn tôi cố gắng làm cẩn thận. Bộ phim "Bí mật Eva" tôi làm đạo diễn dài 70 tập đang công chiếu trên truyền hình, bạn cứ xem đi sẽ thấy về bối cảnh phục trang và hình ảnh bọn tôi làm kỹ lưỡng, cầu kỳ không kém phim điện ảnh.

- Xem ra, giải pháp phim truyền hình cũng chính là khoảng lặng trong thời gian này của Đỗ Minh Tuấn đây?

- Nói là khoảng lặng thì cũng không đúng lắm. Lâu nay không thấy tôi tranh luận nên nghĩ là tôi đang sống trong khoảng lặng chăng? Thực ra tôi vẫn viết đều, chỉ không tranh luận thôi, vì sa vào tranh luận mất thời gian lắm. Ngoài loạt bài viết trên An ninh thế giới Cuối tháng và An ninh Thế giới Giữa tháng giải mã "Truyện Kiều" và những tích xưa từ góc nhìn đương đại, thì tôi vẫn viết đều trên báo mạng đấy chứ. Năm vừa rồi tôi cũng ra một cuốn tiểu thuyết được dư luận quan tâm là "Thần thánh và bươm bướm". Kịch bản hài "Loa phường thời chứng khoán" của tôi được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng công diễn đầu tháng 9/2009 khá ăn khách đấy!

- Thế còn điện ảnh, phim nhựa thì im lặng thực sự?

- Tôi đã mất đến 3 năm, 4 năm theo đuổi dự án "Thái tổ Lý Công Uẩn", đã viết đến 400, 500 trang kịch bản. Nếu chữa đi một tí thì cũng có thể làm tiểu thuyết được. Việc theo đuổi dự án điện ảnh lớn như vậy đã làm mất cân đối trong cuộc sống của tôi. Mất cân đối là vì không có tác phẩm ra đời mà chỉ có bình luận, châm biếm, đấu tranh. Mặc dù đấu tranh cũng có ý nghĩa xây dựng đối với xã hội, nó có góp phần loại bỏ những cách nghĩ, cách tổ chức sự kiện không đúng hướng và thiếu chuyên nghiệp, nhưng đối với gia đình và bản thân thì nó vẫn là mất cân đối.

- Vậy anh thừa nhận đây là giai đoạn bế tắc và loay hoay của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn?

- Không phải. Trái lại là đằng khác, đây là giai đoạn có quá nhiều cơ hội mở ra cho tôi, tôi phải cân đối, phải lựa chọn. Giống như vào siêu thị ấy! Mỗi một nghệ sỹ có rất nhiều tham vọng, sáng tạo. Ngoài làm phim tôi còn nhiều dự định viết sách, viết kịch, viết tiểu thuyết, vẽ tranh. Ngay việc làm phim cũng có nhiều hướng mới mở ra, mình cần lựa chọn. Như khi ở Mỹ tham gia hội chợ Santa Monica tôi đã gặp các nhà sản xuất và họ gợi ý làm phim tiếng Anh. Tôi có đưa họ dự án phim giả tưởng "Tôn Ngộ Không đại náo Hoa Kỳ" và họ rất thích. Dự án đó được đưa cho một đại lý tài năng và văn học ở Los Angeles và họ đề nghị chữa. Sau đó đến 2005 tôi trình bày dự án đó ở liên hoan phim Locano cùng với dự án "Bố của một ông Thánh" chuyển thể cuốn tiểu thuyết "Thần thánh và bươm bướm" của tôi. Cả hai dự án đều được hàng chục nhà sản xuất của Âu Mỹ quan tâm và đề nghị gửi dự toán và đề cương chi tiết.

- Tôi không nghi ngờ những gì anh nói, nhưng không ít những người khác thì không nghĩ vậy. Từ năm 2005 đến nay rồi, đã lên truyền thông báo giới giới thiệu về dự án nhiều rồi mà "Tôn Ngộ Không đại náo Hoa Kỳ" vẫn chưa tiến hành khiến nhiều người nói Đỗ Minh Tuấn lại thổi bong bóng?

- Chuyện dài lắm, tôi chỉ tóm tắt rằng "Tôn Ngộ Không đại náo Hoa Kỳ" là một dự án lớn, vì thế nó không dễ triển khai và có thể coi nó là một dự án ngủ bởi tính phức tạp của nó. Nếu nói về chuyện này phải dành hẳn một trang báo dài mới nói hết. Nhưng nói ngắn gọn, nó bị gác lại vì những vấn đề liên quan đến bản quyền ý tưởng của tôi và những thay đổi trong xã hội Mỹ... Một dự án lớn cần có nhiều thời gian, thậm chí hàng chục năm. Chưa nên vội kết luận theo cung cách "truyền thông sàm sỡ". Trong lúc chờ triển khai các dự án thì tôi đã làm được một triển lãm hội họa cá nhân ở Singapore mang tên "Lễ hội ngày thường" với 18 bức sơn dầu khổ lớn.

- Nghe nói anh rất hay nổi giận bởi những khen chê của công chúng? Và hãy coi chừng với sự nổi giận của Đỗ Minh Tuấn vì Đỗ Minh Tuấn cãi nhau quyết không thua ai bao giờ?

- Tôi cũng không để ý lắm đến chuyện khen chê của thiên hạ. Và không phải lúc nào tôi cũng hào phóng thời gian cho sự nổi giận của mình đâu! Nhưng nếu chuyện khen chê liên quan đến những thông tin bịa đặt hay những quan niệm sai lầm thì mình phải có trách nhiệm lên tiếng để xã hội hiểu được sự thật. Tôi không thích cái cách đạo đức giả, ném đá giấu tay, tôi thích đàng hoàng, sòng phẳng. Như bộ phim "Kí ức Điện Biên" của tôi đạt được lượng khán giả trên 2 triệu lượt người theo thống kê của phát hành phim, được đi dự 2 liên hoan phim quốc tế lớn là LOCANO và SINGAPORE, được 5 nước châu Á mua bản quyền từ 4 đến 15 năm để chiếu ở rạp, phát hành đĩa, chiếu trên TV.

Về mặt chuyên môn phim đó được Hội điện ảnh trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất trong giải Cánh Diều Vàng 2005. Khi phim ra được hơn 20 tờ báo viết bài khen. Toàn là của các tác giả ký tên thật… Có ý kiến đưa ra những định đề hết sức sai lầm là bán được ít vé chứng tỏ chất lượng phim không tương xứng với số tiền đầu tư. Lời nhận xét này đã đánh đồng số tiền thu vé của một buổi chiếu với chất lượng phim. Có những phim được cho là có chất lượng nghệ thuật thì lại không hề bán được vé. Thí dụ phim "Mùa len trâu". Có những cái phải tính bằng lượng người xem, nghĩa là tính bằng ảnh hưởng xã hội chứ không phải tính bằng số tiền thu. Như việc người ta bỏ ra hàng ngàn tỷ để làm Đại lễ 1000 năm Thăng Long là để gây ảnh hưởng văn hóa chứ đâu phải để bán vé và thu lãi. "Ký ức Điện Biên" đã làm tròn nhiệm vụ văn hóa khi đưa hình ảnh con người Việt Nam quả cảm và nhân hậu vào hàng triệu khán giả trong và ngoài nước.

- Có phải vì thế mà anh ví bộ phim của anh như một mâm cỗ giỗ bố, giỗ xong thì hạ xuống chia lộc chứ không phải mang ra để bán?

- Đó là cách nói vui thôi chứ người ta hiểu là tất cả mọi người đều được hưởng thụ văn hóa đó. Không phải chỉ những người giàu có tiền mới được xem sự tái hiện lịch sử dân tộc của các nghệ sĩ. Việc xuyên tạc bôi bẩn tác phẩm có thể hiểu và tha thứ được. Nhưng việc dựng chuyện thì không thể bỏ qua.

Tôi chưa bao giờ nói câu nói ngớ ngẩn rằng, với 200 triệu đô tôi có thể dựng được một con phố để làm phim. Hôm ấy có nhiều nghệ sỹ chứng kiến. Khi anh Hữu Tuấn nói rằng không thể tiêu được 2 triệu đô la, tôi nói rằng nếu có 200 triệu đô la tôi sẽ dựng kịch bản của NSND Hải Ninh, vì ông đã có ý muốn gửi gắm một kịch bản rất hay nói về lòng nhân hậu của người Việt Nam qua việc làm lễ xá tội vong nhân cho hàng vạn quân xâm lược chết trận ở Việt Nam. Tôi sẽ dựng đại cảnh dài hàng mấy km tái hiện cảnh Vua Quang Trung hành quân ra Bắc và nhiều đại cảnh khác trong các cuộc chiến tranh giữ nước trong ngàn năm qua. Tôi sẽ mời các siêu sao Holywood và các siêu sao Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản đóng người nhà của các lính xâm lược chết trận. Tôi sẽ thuê các nhà quay phim, các nghệ sỹ hóa trang, các nhạc sỹ nổi tiếng thế giới, tôi sẽ làm kỹ xảo và làm hậu kỳ ở Hoa Kỳ. Chắc chắn 200 triệu đô la không đủ…

- Thôi anh ạ, mùa xuân đang về ở ngoài kia, phố xá đang náo nhiệt, anh bớt sự cáu kỉnh của mình đi để chia sẻ với ANTG Cuối tháng xem Tết này, những khán giả, độc giả yêu Đỗ Minh Tuấn sẽ được anh tri ân bằng món ăn nghệ thuật nào?

- À, nói lại chuyện cũ tí thôi. Hôm nay được trò chuyện thẳng thắn với ANTG Cuối tháng tôi cũng thoải mái rồi. Trong năm Canh Dần thì tôi cũng ấp ủ hai dự án phim nhựa, một dự án rất lớn là phim liên quan đến con người, đến văn hóa Việt Nam, đó là phim "Thánh Gióng trở về". Tôi viết kịch bản và đạo diễn luôn. Cái đó là một dự án, có thể sẽ là dự án treo trong nhiều năm, người ta sẽ bảo đó chỉ là "nổ" của Đỗ Minh Tuấn, nhưng kệ họ thôi. Những gì tôi dự định thì tôi sẽ tiếp tục thực hiện. Dự án thứ hai là dự án phim về nông dân thời hội nhập, một phim về làng nuôi gà. Đây là cái khả thi nhất vì nó vừa tầm, giống như "Vua bãi rác". Dự án này tôi cũng đang viết kịch bản.

- Nhiều người nói không thể nào nắm bắt được cái tay Đỗ Minh Tuấn này, hắn có nhiều gương mặt quá.

- Họ muốn nói rằng tôi không rõ ràng, đó là cách nhìn ấu trĩ về văn hóa, cách nhìn tuyến tính, bè cánh. Họ cần đọc Edgar Morin. Tôi là một nhà phê bình nên tôi nhìn mọi việc rất khách quan. Dù là người nổi tiếng hay không, người mới hay người cũ họ đều có những giá trị mà mình phải gạn ra, để vun đắp cảm xúc nhiều chiều của xã hội. Khẳng định được mình ở nhiều lĩnh vực làm cho mình tự tin, khẳng định được bản thân. Tôi nhận mình là một nghệ sĩ trung thực, một nghệ sỹ có lý luận, có trách nhiệm công dân và luôn ủng hộ cái mới… Con người tôi không hề tách biệt, tất cả đều thống nhất, nhất quán. Giống như ngôi nhà cửa mở rộng về bốn hướng, đi cửa nào cũng sẽ vào được trung tâm của ngôi nhà!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trò chuyện với mưa xuân

    24/01/2009Anh NgọcTrong thế giới thơ Đường mênh mông với những kiệt tác bất hủ, tồn tại suốt 15, 16 thế kỷ nay của những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy, Thôi Hộ, Trương Kế…
  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...