Điều nhà trường cần dạy

03:51 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Năm, 2003

Giáo dục là vấn đề đau đầu không chỉ riêng có ở Việt Nam. Trên thế giới, việc thay đổi phương pháp giáo dục luôn là vấn đề gây tranh cãi lớn. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của những cuộc tranh cãi đó là tạo nên những làn sóng cải tổ hữu hiệu. Charles Handy – nhà triết lý kinh doanh nổi tiếng nhất nước Anh, người có những tác phẩm được bán ra hàng triệu bản trên khắp thế giới – cũng là người góp phần tạo nên những biến đổi diệu kỳ cho nền giáo dục hiện đại nhờ những tư tưởng của ông.

Chúng ta đã thiết kế trường học dựa trên giả thiết ngầm cho rằng mọi vấn đề trên thế giới đều đã được giải quyết và giáo viên biết các câu trả lời. Do vậy công việc của giáo viên là nói cho học sinh biết vấn đề, rồi câu trả lời cho vấn đề đó và theo đúng nghĩa đen là "giáo huấn” cho chúng.

Theo quan điểm của tôi về thế giới, tương lai của thế giới gồm các gián đoạn không ngừng, các vấn đề của nó chưa phải đã có ngay. Chúng ta phải sáng tạo ra thế giới. Do vậy, giáo dục theo kiểu cổ điển đang có nguy cơ làm giảm trí lực hơn là làm tăng.

Nhiều giả thiết trong vốn học của tôi cho rằng có nhiều điều về thế giới "có thể biết được", và nếu như tôi biết được những điều đó thì tôi có thể tiến bước vững chắc trong thế giới đó. Tôi cho rằng tôi phải quên đi rất nhiều điều như vậy.

Cuộc sống hình như là một sự tiếp diễn không ngừng của các vấn đề mà sự kết thúc còn để ngỏ, không có câu trả lời đúng, nhưng lại đòi hỏi có câu trả lời. Trước đây chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống là một vấn đề khép kín. Rằng mọi cái đều có câu trả lời đúng, chỉ có điều là chúng ta chưa biết câu trả lời đúng đó mà thôi.

Nhưng có một số người đã biết, thường là người già hơn hoặc giỏi chuyên môn hơn chúng ta. Và nghiên cứu nghiền ngẫm thêm chút ít là chúng ta có thể tìm ra thôi. Một câu hỏi đóng sẽ là "Đâu là con đường nhanh nhất đi tới Luân Đôn?” Câu hỏi này là có câu trả lời.

Nhưng câu hỏi mà sự kết thúc để ngỏ là "Tại sao bạn muốn đi tới Luân Đôn?”, trong trường hợp này không có câu trả lời đúng, nhưng chúng ta vẫn phải tìm câu trả lời. Theo tôi hình như cuộc sống ngày càng giống như vậy. Có thể câu trả lời của tôi không giống câu trả lời của bạn, nhưng tôi vẫn phải có câu trả lời và tôi vẫn phải làm theo nó. Hầu hết nền giáo dục đã không chuẩn bị cho chúng ta về điều này.

Tôi tin rằng chúng ta cần có cách dạy dỗ học sinh hoàn toàn mới, không chỉ là học kiến thức và sự kiện. Những cái đó đương nhiên vẫn cần thiết, nhưng ngày nay để biết được những điều đó không khó khăn gì.

Tôi muốn trang bị cho mọi đứa trẻ một quyển cẩm nang Macintosh (Macintosh Powerbook) và một ổ đĩa CD- ROM để chúng có thể biết được mọi thứ chỉ bằng đầu ngón tay của chúng. Bấy giờ nhiệm cụ của giáo viên là giúp cho chúng biết cần phải dùng tất cả kiến thức đó vào việc gì và bằng cách nào.

Đó là cách để chúng ta hiểu được tương lai. Chúng ta phải tự hiểu, tự tạo ra tương lai của chúng ta. Và các tổ chức phải tự làm ra tương lai của mình. Thế giới thì đủ cho tất cả mọi người giành lấy phần của mình. Điều đó vừa rất đáng sợ nhưng cũng rất lý thú.

Để làm cho tương lai trở thành hiện thực, chúng ta cần phải tự tin và tin tưởng vào giá trị của chính mình. Đó là điều các trường học phải dạy dỗ cho mọi người biết.

Charles Handy (Trích bài: "Sáng tạo ra tương lai"')  Đăng trên Tia sáng

LinkedInPinterestCập nhật lúc: