Điểm thi thấp, cán bộ giáo dục nói gì?

03:51 CH @ Thứ Bảy - 30 Tháng Tám, 2003

* Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn: Phải phát huy nội lực tự học
- Chúng ta đang có một thế hệ HS có rất nhiều người ỷ lại. Những môn như lịch sử, địa lý bây giờ khó mà tìm được HS học nghiêm túc, đi thi chủ yếu dựa vào "phao". Ôn tập thì dựa vào thầy, đi thi dựa vào học thêm... Chính sách phân vùng để ưu tiên cộng điểm, tuyển sinh theo chế độ cử tuyển, cũng đưa lại tâm lý ỷ lại vào chính sách ở không ít HS, khi đối tượng được cộng nhiều nhất lên tới 5 điểm.

Trong khi đó đi thi ĐH nửa điểm cũng quan trọng, cũng ảnh hưởng tới cả đời người. Nơi nào quản lý để cho người học nảy sinh tư tưởng ỷ lại vào chính sách, vào thầy giáo, vào tiêu cực, nơi đó chất lượng giáo dục sẽ kém. Chính sách ưu tiên, cử tuyển trong ngành sư phạm có thể nói cũng đã "đem lại" một số không ít GV chất lượng không cao, để rồi tiếp tục giảng dạy, cho ra những lứa HS yếu kém. Ngày xưa còn có lý do là để đào tạo cán bộ cho những vùng khó khăn, những nơi mà người đô thị ít muốn đến. Ngày nay, lý do đó không còn khi sinh viên tốt nghiệp tự đi tìm việc mà họ đều bị hút về đô thị.

Bây giờ ngân sách nhà nước dành cho GV khá nhiều ưu tiên, hàng năm đều có bồi dưỡng giáo viên. Nhưng hiệu quả thấp. Đó là vì tâm trí nhiều GV bây giờ còn lo việc khác. Nhiều GV đi học bồi dưỡng do quy định, áp lực từ trên xuống chứ bản thân họ không tự thấy có nhu cầu phải bồi dưỡng. Hơn nữa, trình độ thầy mà kém không thể bồi dưỡng ngày một ngày hai mà khá được. Điều này tác động rất lớn tới việc truyền cho HS thói quen và khả năng tự học. Về phía người quản lý, nếu chỉ chăm chăm lo lắng về thành tích, về tỉ lệ tốt nghiệp "ảo" mà không lo đổi mới cách dạy, cách học thì cũng không có cách gì để vực chất lượng giáo dục lên được.

* GS-TS Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội: Không vô cảm, nhưng không bi quan
- Với những con số thống kê sau kỳ thi tuyển sinh, chúng ta không vô cảm được, nhưng cũng không đến nỗi quá bi quan. Đề thi năm nay được đánh giá là "bám sát chương trình, không lắt léo, không đánh đố"... nhưng điều đó không có nghĩa là đề dễ. Điều ta sốt ruột là tại sao lẽ ra chỉ non nửa số HS có bằng tốt nghiệp phổ thông có đủ điều kiện đi thi ĐH, mà lại kéo hết các em vào "cuộc chơi" này? Còn việc chọn nhân tài, thi trượt nhiều là chuyện bình thường. Trở lại với vấn đề chất lượng giáo dục phổ thông, đây là chuyện không phải chỉ ngành giáo dục mà của cả xã hội. Việc nâng điểm tốt nghiệp là nguyên nhân làm giảm chất lượng, nguyên nhân không chỉ từ phía các nhà quản lý giáo dục. Ngành có làm hết sức "may ra" xoá được 7% số TS thi điểm dưới trung bình. 80% còn lại là phần việc của toàn xã hội.

* Cô Trương Quế Nga - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú: Chọn nhân tài, song cũng cần những người thợ
- Trước những con số mà Bộ GDĐT vừa công bố về sức học của học sinh hiện nay, tôi có một suy nghĩ thế này: Chúng ta tổ chức thi tuyển đại học để chọn những học sinh giỏi (hay có thể gọi một cách nôm na là chọn nhân tài) để đào tạo nguồn lực chính. Còn giáo dục phổ thông của ta hiện nay đang đi theo hướng không dừng ở mức "xóa mù" mà là chuẩn hóa ở mức độ cao hơn, cụ thể TPHCM đang cố gắng thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông. Điều này có nghĩa, chúng ta đang nâng dần trình độ văn hóa của người dân lên chứ không đào tạo theo kiểu "hàn lâm".

Những con số thống kê vừa rồi - theo tôi, sẽ gợi mở cho những người quản lý ngành giáo dục của ta một hướng đi mới, chọn lựa học sinh ngay từ đầu vào. Nên chăng, ta áp dụng việc dựa vào điểm, sức học để phân luồng học sinh ngay từ đầu vào? Cụ thể, học sinh phải đạt được một điểm số nhất định trong các năm học cấp THPT thì mới cho thi vào các trường đại học. Với những học sinh sức học trung bình hoặc trung bình khá thì hướng cho thi vào các trường nghề, cao đẳng... Có như vậy vừa đỡ cho giáo viên chấm thi và cũng nhẹ nhàng cho kỳ thi tuyển.

* Thầy Nguyễn Anh Dũng - Hiệu phó Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Kết quả này không hề khó hiểu
- Theo thống kê của Bộ GDĐT vừa công bố thì sẽ thấy ngay trình độ học sinh hiện nay phân hóa khá rõ rệt. Theo tôi thống kê này không hoàn toàn khó hiểu, bởi kỳ thi tuyển sinh đại học nhằm tuyển chọn 10% số học sinh có sức học cao nhất, tốt nhất để đào tạo nguồn lực, đào tạo nhân tài. Trong khi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông - điều kiện để các thí sinh dự thi đại học, cao đẳng - thì lại cho đến hơn 90% đạt chuẩn.

Vậy thì, thống kê này là hoàn toàn logic với thực tế. Có một điểm cần lưu ý là có đến gần 10.000 thí sinh chỉ đạt 0 điểm cho cả ba môn thi. Vì vậy, nên nhìn nhận lại một chút về phương pháp giảng dạy của ta hiện nay, đừng nhồi nhét quá nhiều, hãy để học sinh tự tư duy, khám phá và thực hành. Như vậy sẽ tốt hơn cho sự phát triển hoàn hảo của học sinh. Và đây cũng là hướng mà trường của chúng tôi đang áp dụng để đào tạo học sinh.

Hạnh Ngân - Thể Uyên thực hiện

LinkedInPinterestCập nhật lúc: