Đi luyện thi "siêu tốc"!

09:33 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Bảy, 2005

Trong thời gian ngắn ngủi ấy, học sinh sẽ phải học ra sao?

Những lời rao... tận mây xanh!

Từ bến xe miền Đông, chúng tôi theo chân một thí sinh tên Long vừa từ Bình Thuận vào TP.HCM để bắt đầu hành trình đi đăng ký luyện thi "siêu tốc". Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là địa chỉ 280 An Dương Vương Q.5, “đại bản doanh” của trung tâm luyện thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Chưa đến ngày khai giảng nhưng lớp nào cũng có gần trăm học sinh đăng ký. Long lo ngại lớp quá đông nên lắc đầu đi tìm trung tâm khác.

Đến một trung tâm cũng được giới thiệu là của Trường ĐH Sư phạm là Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Đô Thành trên đường Điện Biên Phủ, Q.3. Nhân viên ghi danh tươi tắn cho chúng tôi xem tờ quảng cáo có nội dung rất kêu: "Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mở nhiều mô hình lớp khác nhau, nhiều địa điểm khác nhau. Trong đó trường chọn hai cơ sở đặc biệt, đội ngũ ban giảng huấn đặc biệt - tinh lọc, chuyên nghiệp, năng khiếu - để mở lớp cho học sinh nội trú".

Nhân viên này giải thích thêm lớp cấp tốc cũng có nhiều loại chứ không phải tất cả đều giống nhau. Loại 1 học hai buổi/ngày được "định nghĩa" là lớp có thời lượng tương đương với thời gian bốn tháng; loại 2 học một buổi/ngày tương đương với thời gian học hai tháng 15 ngày.

Bối rối với hai ba loại lớp cấp tốc, chúng tôi tìm đến trung tâm 460 Lê Hồng Phong. Ngay trong lời giới thiệu mở đầu, trung tâm này đã thật sự gây sốc: "460 Lê Hồng Phong là nơi duy nhất tại TP.HCM qui tụ được tiến sĩ, thạc sĩ ưu tú nhất chuyên... luyện thi ĐH".

Chưa hết, trung tâm này còn mạnh bạo khẳng định "giảng dạy theo đúng đề cương ôn thi mới nhất của Bộ GD-ĐT" (!?). Chẳng những thế, không rõ với ý đồ gì, trung tâm này còn hùng hồn tuyên bố chiêu sinh các lớp đặc biệt thi vào các trường ĐH Bách khoa, Y dược và Kinh tế. Những lớp này "... giúp học sinh trung bình cũng có đầy đủ kiến thức đậu vào ĐH năm 2005" (!?)

Sau khi đi thêm một vòng các trung tâm khác nữa, nhận thấy đâu đâu cũng đầy những lời rao trên mây trên gió và nhận thêm lời cảnh báo có thể "tiền mất tật mang", Long quyết định quay về Bình Thuận, tự ôn tập những kiến thức đã học, bỏ lại tôi một mình tiếp tục đi đăng ký luyện thi "siêu tốc".

Nhồi!

Quay trở lại trung tâm 460 Lê Hồng Phong, chúng tôi được cô nhân viên cho biết lớp học đã bắt đầu được vài ngày nhưng nếu muốn học thì cứ đăng ký. Cô giới thiệu cho chúng tôi hai loại lớp: lớp thường 30 người và lớp chất lượng cao 15 người. Với lớp thường 30 người, học viên sẽ phải đóng học phí 200.000 đồng cho mỗi môn học và lớp kia học phí mỗi môn tăng lên 300.000 đồng/môn.

Như vậy nếu học cả ba môn cho đến ngày 30-6-2005, chúng tôi phải đóng 900.000 đồng. Sau khi chúng tôi đồng ý học, cô bất ngờ giới thiệu chúng tôi đến một địa điểm khác trên đường Tô Hiến Thành, Q.10 chứ không phải địa điểm nơi đang đăng ký.

Và phải dùng đến bản chỉ dẫn, chúng tôi mới tìm được cơ sở của trung tâm này trong một con hẻm nhỏ trên đường Tô Hiến Thành. Đó là một ngôi nhà có bề ngang gần 6m, phía trước là một quán ăn dựng tạm. Củi chất thành đống, khói lửa mịt mù. Nhìn lên phía trên, dọc các bancông là la liệt quần áo nam nữ được phơi phóng hết sức vô tư.

Bước vào ngôi nhà, đập vào mắt mọi người đầu tiên lại thêm một quán nước giải khát nữa với đủ loại nước ngọt, đá lạnh và bàn ghế lộn xộn. Phía bên trong, hai nhân viên ngồi nhàn rỗi bên chiếc bàn cũ kỹ. Một trong số họ cho hay cái lớp mà trung tâm giới thiệu là lớp chất lượng cao, 15 học viên giờ đây đã quá 30. Thế nhưng học phí thì vẫn không có gì thay đổi: 300.000 đồng/môn.

Để tận mắt chứng kiến học sinh trong các lò luyện thi "siêu tốc" đang học như thế nào, chúng tôi đã "đột nhập" một lớp tại Trung tâm luyện thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cũng quần jean, áo thun, cũng tập vở như các bạn học sinh, đợi đến giờ giải lao tôi ung dung đi vào lớp D1, phòng A104. Đang chần chừ chưa biết phải ngồi đâu vì tất cả dãy ghế đều đã kín học viên thì một học sinh nam tốt bụng hất hàm chỉ: "Mày cứ ngồi đại chỗ nào đó được thì ngồi, phải giành nhau mới có chỗ ngồi chứ chờ không có chỗ trống đâu".

Tôi thấy có lý, liền chen vào một bàn đã có bốn bạn nữ ngồi trước. Thầy giáo bước vào lớp tiếp tục buổi dạy. Những âm thanh hỗn tạp từ những phòng học bên cạnh vẫn ù ù đổ sang. Thầy giáo đều đều giọng. Cô bạn ngồi bên cạnh cho biết phần đầu buổi học thầy đã dạy phần nâng cao, bây giờ sẽ học Thơ ca lãng mạn 1930-1945.

Bao nhiêu năm đi học, chưa bao giờ tôi được học nhiều tác phẩm văn học đến thế chỉ trong một buổi học. Bắt đầu là Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Phía trên, thầy giáo vừa giảng qua loa vừa chậm rãi đọc: "... Nỗi buồn như áng mây đen làm u ám tâm hồn thi nhân - chấm - Câu thơ đầu cắt thành hai nhịp - chấm - Nhịp đầu là gió - chấm - Nhịp sau là mây...". Phía dưới, học sinh cắm cúi, hì hục chép.

Chưa kịp hỏi thêm gì, thầy giáo đã chuyển sang bình giảng Tống biệt hành của Thâm Tâm. Vừa xóa những chữ chi chít trên bảng thầy vừa nhắc nhở hàng trăm học sinh phía dưới: "Học những bài chưa ra trước. Những bài đã ra thì học sau" (những tác phẩm đã được ra và chưa ra trong các đề thi năm trước).

Thầy quả quyết: "Bài Tống biệt hành chỉ cần bình giảng bốn câu đầu (Đưa người ta không đưa... sao đầy hoàng hôn trong mắt trong). Đề thi có ra cũng chỉ ra đúng chỗ này" (!?). Vẫn với giọng đọc đều đều ấy, ông cho học sinh chép: "...các tác giả thường đặt cuộc tiễn đưa vào thời gian và không gian ước lệ - chấm - Đó là những cuộc chia tay diễn ra vào lúc chiều tà bóng xế bên một con sông..."!

Chưa kịp cảm nhận được tác phẩm, thầy giáo đã tuyên bố tiếp tục bình giảng Thơ duyên của Xuân Diệu. Chỉ hơn một giờ đồng hồ, cả lớp đã được thầy "nhồi" đến ba tác phẩm văn học bằng cách chép và chép. Tôi tranh thủ xin ra ngoài nhìn sang các phòng bên cạnh. Phòng nào cũng chật ních học sinh cắm cúi nghe, cắm cúi chép trong cái nóng hầm hập của hơi người và của trưa hè oi bức.

Nhìn các bạn mà lo không biết kiểu học vừa nhồi người vừa "nhồi sọ" như thế này sẽ để lại được gì trong hành trang của những thí sinh sắp phải bước vào một trong những kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời?!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: