Để Việt Nam cất cánh

Chủ tịch kiêm TGĐ Investconsult Group
12:05 CH @ Thứ Bảy - 21 Tháng Hai, 2015

Hỏi:Hội nhập quốc tế là một cơ hội để Việt Nam có thể cất cánh. Nhưng để cất cánh chúng ta đang phải đứng trước những sự lựa chọn rất quan trọng. Chọn lối đi nào cho đất nước để cất cánh? Dư luận chung của xã hội hiện nay đang có hai xu hướng: Một là Trung Quốc có những điểm tương đồng với chúng ta, họ có những thành công nhất định, nên chúng ta không phải học đâu xa cả, hãy học Trung Quốc. Nhưng có một quan điểm khác cho rằng nên học Mỹ vì họ có kinh nghiệm hay hơn. Dường như các chính trị gia của chúng ta đang khó khăn trong việc chọn đường. Là một nhà nghiên cứu, ông có cách tiếp cận nào khác gợi ý cho các chính trị gia để họ có thêm dữ liệu cho quá trình lựa chọn đường lối cho đất nước?

Trả lời: Có thể các chính trị gia của chúng ta đang lúng túng. Những người thiếu kinh nghiệm và những người thiếu thiện chí rất là khác nhau. Nếu chúng ta cung cấp những lời giải, cung cấp những luận lý, những phân tích cho người thiếu thiện chí thì rất khác với việc chúng ta cung cấp những điều như vậy cho người thiếu kinh nghiệm. Suy ra cho cùng thì mọi nhà chính trị trên thế giới đều luôn luôn thiếu kinh nghiệm. Lý do rất đơn giản là cuộc sống luôn mới, tình thế của đời sống chính trị quốc tế hàng ngày mới và vì thế con người luôn luôn thiếu hiểu biết để hoạch định chính sách, nhất là các chính trị gia. Các chính trị gia cầm quyền thì lại càng thiếu vì họ bị trói buộc, họ bị lôi kéo, họ bị gây áp lực bởi các tình huống thực tế, bởi tình thế. Những người bị thúc ép bởi tình thế luôn luôn có khuynh hướng đi chệch khỏi những định hướng có lợi cho sự phát triển. Đó là bản chất ngắn hạn, bản chất thiển cận của đời sống. Bản chất thiển cận của đời sống làm cho những người điều hành cuộc sống đôi khi phải chiều theo sự thiển cận ấy và kết quả là họ trở thành một hình ảnh thiếu thiện chí trong nhận thức của nhiều người đặc biệt là những người nông nổi. Phải nói rằng tôi luôn luôn phân vân, luôn luôn suy nghĩ, và rất thận trọng trong việc đánh giá sự đúng đắn của các khuynh hướng của đời sống điều hành, của đời sống chính trị đất nước.

Chúng ta đã là nạn nhân của một số sai lầm nào đó có chất lượng khuynh hướng ở trong quá khứ. Nhưng liệu những sự sai lầm có chất lượng khuynh hướng trong quá khứ có phải là sản phẩm của những nhà điều hành, những người lãnh đạo đương thời hay không, hay chính họ cũng là người phải lặn lội đi ra khỏi cái mớ bùng nhùng mà nhiều người đang chỉ trích. Lịch sử giống như là một thứ nam châm. Lịch sử hút và dính tất cả chúng ta vào nó và chúng ta giãy giụa. Phải nói rằng, đôi lúc những người có trách nhiệm tìm cách thoát ra khỏi sức hút, khỏi ma lực của lịch sử về mặt nhận thức cũng như về mặt tự do hành động.

Tôi đi từ chỗ này để tiến tới phân tích việc chúng ta bay lên như thế nào bên cạnh một đối tượng có chất lượng lịch sử là Trung Quốc. Đó là cách đặt vấn đề của tôi, bởi vì chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những sáng kiến bay bổng cứ như là chúng ta ở giữa một vùng chân không mà không biết rằng cuộc sống không chân không bao giờ cả. Lịch sử là một một môi sinh mà ở đấy mọi người bị hút vào và bị chính lịch sử điều khiển. Vì thế, nếu chúng ta tạo ra một lịch sử sai thì lịch sử sai ấy sẽ tạo ra một lịch sử sai tiếp, một lịch sử sai tiếp sẽ làm hỏng tương lai của con người. Cho nên, toàn bộ giá trị cần phải biểu dương, cần phải tôn vinh của nhà chính trị cấp tiến chính là họ biết ngắt cái sức hút của lịch sử để tạo ra độ tự do tương đối của đời sống phát triển. Bản chất của tính cấp tiến của các chính trị gia ở thời đại chúng ta chính là họ điều chỉnh được sức hút của lịch sử để không phạm phải sai lầm là tạo ra tiếp một lịch sử để rồi lịch sử ấy cứ việc nhốt cái lịch sử tiếp theo. Chúng ta đang sống trong một thời đại hết sức phức tạp và chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp. Nhiều nhà chính trị cấp tiến của chúng ta đang tìm lối thoát ra khỏi cái sức hút có chất lượng tiêu cực của lịch sử. Trong khi họ đang tìm lối thoát ra khỏi sức hút của lịch sử như vậy, mọi sự bình luận về sự tiêu cực trong quá trình ấy đôi lúc là bất nhẫn. Đấy là luận điểm của tôi khi bàn về vấn đề này.

Hỏi: Trong diễn biến về tình hình chính trị hiện nay, ông có thể đưa ra những đánh giá vắt tắt, có những điều gì được, còn điều gì chưa được?

Trả lời:Phải nói rằng, tình hình gần đây là một tình hình rất khó đánh giá. Vì lý do phát triển, Chính phủ đã có những cố gắng rất lớn để dịch chuyển các cơ cấu xã hội ra khỏi chỗ bế tắc. Có những công việc chính xác và có những công việc chưa chính xác, nhưng toàn bộ cố gắng của Chính phủ hiện nay là đưa đất nước ra khỏi một số bế tắc. Giá trị chính trị của việc xác định các bế tắc ấy là khác nhau trên các khía cạnh khác nhau, nhưng có một khía cạnh chung nhất, một khía cạnh mà Chính phủ có thể tự hào được, đó là Chính phủ không được xem là đối tượng bảo thủ nữa, mặc dù cũng có một vài động thái như là cấm hay hạn chế một số vấn đề mà báo chí nêu ra. Tuy nhiên, không phải là báo chí không có mặt hạn chế của nó, không có mặt khuyết tật của nó. Báo chí cũng như Nhà nước là các lực lượng xã hội khác nhau, mỗi một lực lượng cần phải điều chỉnh thái độ và hành động của mình cho phù hợp với thời cuộc và Chính phủ có nghĩa vụ điều chỉnh tất cả các lực lượng xã hội vì Chính phủ sinh ra để làm việc ấy. Cho nên, xét về mặt chung nhất thì kể cả những người thiếu thiện chí cũng không xem Chính phủ là Chính phủ bảo thủ nữa. Đó là đặc điểm thứ nhất.

Vấn đề thứ hai mà tôi nghiên cứu là Chính phủ có chính xác trong các chính sách hay không. Mở đầu tôi đã nói rằng lịch sử là cục nam châm có sức hút mạnh, nó làm biến dạng tự do của hiện tại và vì thế Chính phủ của chúng ta cũng ở trong trạng thái giằng co để đối phó với sức hút của lịch sử. Cho nên, chính phủ không tự do để thể hiện một cách hoàn chỉnh tất cả các nhận thức chính trị hiện có của mình. Từ đó có thể thấy rằng, đặc điểm thứ hai của tình thế hiện nay là Chính phủ mặc dù cấp tiến nhưng chưa thể hiện đầy đủ toàn bộ các quyền tự do hiện đại của mình. Chính phủ buộc phải chiếu cố một số yêu cầu của quá khứ, của lịch sử, vì thế không phải lúc nào Chính phủ cũng thể hiện một cách đầy đủ toàn bộ ý chí cấp tiến của mình.

Chính vì đặc điểm trên mà chính phủ không tìm kiếm được sự ủng hộ trọn vẹn đầy đủ của tất cả các lực lượng xã hội và đây chính là đặc điểm thứ ba. Hay nói cách khác, các chính sách hoặc là các quyết định của chính phủ chưa nhận được sự ủng hộ đầy đủ của tất cả các lực lượng xã hội, nhưng đã nhận được một cách rộng rãi sự ủng hộ của một số đông trong đời sống. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì Chính phủ không phải là từ trên trời rơi xuống mà được tạo ra từ lịch sử chính trị của đất nước. Lịch sử đất nước chúng ta thì tất cả mọi người đều biết và có lẽ trong phạm vi của một cuộc phỏng vấn tôi không muốn nhắc đến. Tuy nhiên phải nói rằng lịch sử ấy có những mặt tiêu cực của nó và những mặt tiêu cực ấy vẫn tiếp tục chi phối đời sống hiện tại, và do đó nó chi phối Chính phủ. Cho nên, Chính phủ không thể hiện rõ được một cách trọn vẹn tất cả các tiềm năng chính trị mà nó có.

Đặc điểm thứ tư của giai đoạn hiện nay là tính không tương thích, hay một thuật ngữ được dùng phổ biến là tính "bất cập" giữa những truyền thống hiểu biết có chất lượng lý luận về sự phát triển với tính chính xác của các hành vi đòi hỏi chất lượng chính xác, hay như người ta vẫn nói là lúng túng về mặt lý luận.Tôi cho rằng sự lúng túng về mặt lý luận là một khuyết điểm nhưng tất yếu. Tại sao lại là khuyết điểm? Vì mọi sự "bất cập" đều là kết quả của khuyết điểm, của sự khiếm khuyết, của sự thiếu kinh nghiệm. Nhưng mọi sự thiếu kinh nghiệm là tất yếu bởi vì cuộc sống thay đổi. Ngay cả chính phủ Mỹ cũng không tính đến việc tả hoá châu Mỹ Latinh, cho nên ông Bush, một nhà chính trị chắc chắn là chuyên nghiệp, vẫn lúng túng trong việc giải quyết một số hiện tượng có chất lượng tả hoá ở trên thế giới. Chính sự xuất hiện của yếu tố tả hóa đó làm biến dạng kết quả của những sự việc diễn ra ở Trung Đông. Tình trạng về dầu lửa làm biến dạng tình hình chính trị thế giới, kể cả biến dạng thái độ nước Nga. Và để thoả mãn sự phát triển một cách sai trái và vô điều kiện hiện nay, Trung Quốc trở thành một lực lượng buộc phải đi tìm kiếm các nguồn năng lượng dữ trữ. Việc đi tìm các nguồn năng lượng dự trữ cho sự phát triển như vũ bão của Trung Quốc làm cho tình hình chính trị thế giới có những biến dạng rất kỳ lạ và nằm ngoài sự phỏng đoán chính xác của bất kỳ nhà lý luận nào trên thế giới. Vậy thì sự bất cập, hay là sự thiếu kinh nghiệm, sự lúng túng của Chính phủ chúng ta là tất yếu. Chính phủ chúng ta cố gắng đi tìm một số giải pháp, ví dụ chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng đến Nhật Bản chẳng hạn, đấy là một cố gắng. Với tư cách là một người nghiên cứu về khoa học chính trị, tôi rất thích và phải nói thẳng rằng tôi khen ý chí của Thủ tướng hay là của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ lắng nghe, chúng ta cũng mới chỉ nhìn về một phía, để đánh giá chất lượng đúng đắn về mặt chính trị của nó thì phải chờ diễn biến của nó xem như thế nào.

Thứ năm là xã hội chúng ta là một xã hội chuyển đổi, tính không chuyên nghiệp của các đánh giá chính trị của những lực lượng khác nhau của xã hội làm cho sự phản ứng xã hội đối với hệ thống chính sách không phản ánh đúng chân lý. Không phải cái gì được số đông ủng hộ thì đều đúng, không phải cái gì thiểu số thì đều sai, bởi vì số đông không chuyên nghiệp nhiều khi dẫn đến cái sai lớn, mà chúng ta đã nếm trải số đông không chuyên nghiệp ủng hộ như thế nào trong lịch sử, trong quá khứ. Vì thế, nếu cần phải đưa ra một thông điệp với Nhà nước và Chính phủ thì tôi nói rằng hãy cẩn thận trước sự ủng hộ của số đông. Sự ủng hộ của số đông là cái mà bất kỳ nhà chính trị nào cũng tìm kiếm nhưng tìm kiếm để làm chỗ dựa cho hành động của mình chứ không phải tìm kiếm sự đúng đắn trong đó. Cần phải phân biệt sự ủng hộ của số đông như là một chỗ dựa cho hành động chính trị của mình với chân lý, vì chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông. Đấy là năm nhận định của tôi về tình hình hiện nay.

Hỏi:Trong một bài viết của ông về kinh tế tư nhân, ông đã có nhận định về sức mạnh tiềm ẩn của kinh tế tư nhân và xu thế của xã hội dân sự. Vị thế của tư nhân trong xã hội dân sự đã được chứng minh ở nhiều nước. Nhưng vừa rồi Thủ tướng đã ra một vài quyết định mà dư luận xã hội cho là ngăn cấm việc phát hành báo chí tư nhân. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Trả lời:Không nên nghiên cứu hành động của một nhà chính trị với tư cách là một quá trình kéo dài. Tất cả các phản ứng chính trị đều có tính chất tình huống và đều có thời hạn. Tôi không đánh giá quyết định của Thủ tướng cấm báo chí tư nhân là đúng hay sai bởi vì ngay cái thuật ngữ ấy cũng không phản ánh chính xác về mặt lý luận. Cấm báo chí tư nhân tức là cấm tư nhân hoá báo chí của nhà nước hay là cấm không cho ra báo chí tư nhân? Nếu cấm không cho ra các báo tư nhân thì không phải quyết định của Thủ tướng vì trước đó luật báo chí của chúng ta đã có báo chí tư nhân đâu. Thủ tướng có lẽ chỉ cấm việc tư nhân hoá báo chí nhà nước có sẵn, báo chí của hội đoàn có sẵn, tức là cấm hiện tượng đánh tráo. Tôi cho rằng, xét về mặt kinh tế thì đó là chống gian lận thương mại. Trong trường hợp này có thể hiểu là Thủ tướng chống gian lận thương mại. Vì sao? Là báo chí nhà nước theo luật nhưng rất nhiều báo đã tư nhân hoá cái ruột của nó. Cho nên, cần phải phân tích chỗ này, bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà mỗi quyết định chính trị đôi khi có ý nghĩa rất tinh tế. Tất cả các suy luận có tính chất định tính không đủ để đánh giá tính hợp lý của các quyết định chính trị vào thời điểm chúng ta đang sống, thời điểm mà các nhà lãnh đạo cấp tiến của chúng ta đang cố thoát ra khỏi sức hút của lịch sử.

Hỏi:Theo ông, trong những ứng xử về chính sách, chúng ta làm thế nào để không đi theo lối bắt chước Trung Quốc?

Trả lời: Chúng ta có thể thấy rằng, định hướng về sự phát triển của xã hội chúng ta đã có rồi, đó là hội nhập. Trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Luật Hà Nội, tôi đã khẳng định rằng việc chúng ta quyết định gia nhập WTO là một quyết định chính trị cực kỳ quan trọng, quan trọng nhất sau quyết định khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và Giải phóng miền Nam. Đấy chính là một thông điệp có chất lượng định hướng phát triển của xã hội chúng ta. Nhân loại đa dạng về mặt tinh thần, do đó cũng đa dạng về mặt chính trị. Các quyền bảo lưu những giá trị chính trị của xã hội chúng ta là quyền tự nhiên. Hội nhập đòi hỏi chúng ta buộc phải điều chỉnh những mặt cực đoan, những mặt không phải chăng của đời sống chính trị chứ không làm biến mất những đặc thù chính trị của xã hội chúng ta. Chính vì thế, tổng thống Mỹ Goegre Bush mới tới Việt Nam và bắt tay một cách thân mật với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và cả với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Nhiều người thắc mắc tại sao Tổng bí thư lại nói một cách rất “xã hội chủ nghĩa” với tổng thống Goegre Bush. Tôi lại nghĩ khác. Quyền để nói về “chủ nghĩa xã hội” với bất kỳ ai được xem như là quyền tự nhiên, nó bảo tồn sự đa dạng tinh thần của đời sống chính trị nhân loại.

Gia nhập WTO là hoàn tất thái độ và quan điểm chính trị của Đảng đối với hội nhập. Tôi cho rằng, quyết định hội nhập là một quyết định rất quan trọng, nó bắt đầu vào năm 1986 và nó hoàn chỉnh vào năm 2006. Tức là câu trả lời của chúng ta về sự hội nhập được trả lời và hình thành dần trong 20 năm đổi mới và phát triển. Đó là quyết định quan trọng thứ ba sau việc chúng ta làm khởi nghĩa tháng Tám và sau việc giải phóng miền Nam, thống nhất nước Việt Nam. Cái đấy có lẽ chúng ta không bàn cãi nữa, chính phủ có lẽ cũng không bàn cãi nữa và lịch sử đã tạo ra trạng thái đổi mới, trạng thái hội nhập của xã hội Việt Nam. Sự yên tâm ủng hộ về hội nhập ở chúng ta diễn ra thuận lợi hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Toàn bộ Trung Đông đang khởi nghĩa, đang nổi giận về sự hội nhập của các hệ thống giá trị trên thế giới. Một số quốc gia như Cuba, Bắc Triều Tiên còn chưa nói đến chuyện ấy. Người Việt Nam với tư cách vừa là nhân chứng, vừa là người tham gia, vừa là người chịu thiệt thòi lớn nhất trong sự đối đầu Đông-Tây và là người chịu hậu quả của Chiến tranh Lạnh đã quyết định một cách rất ngoạn mục. Đấy là một quyết định hết sức đáng tôn vinh. Nếu báo chí không nói một cách thực lòng và không phản ánh được tâm trạng của nhân dân đối với quyết định ấy thì tôi nghĩ rằng báo chí chưa hoàn tất nghĩa vụ lịch sử của mình. Đây không phải ca ngợi Chính phủ, đây là sự ca ngợi đối với sự lựa chọn một cách đúng đắn của hệ thống chính trị, sự thực thi một cách tài hoa của Chính phủ và sự ủng hộ một cách thỏa đáng và hợp lý của nhân dân, ba yếu tố này tạo ra việc chúng ta hội nhập.

Về vấn đề Trung Quốc, chúng ta đều biết nước CHND Trung Hoa là một thực tế lịch sử, là một thực tế chính trị, là một thực tế kinh tế. Nước Việt Nam vĩnh viễn ở cạnh nước Trung Hoa, còn có phải là nước CHND Trung Hoa một cách vĩnh viễn hay không thì đấy là do lịch sử. Chúng ta ở cạnh nước Trung Hoa là một thực tế, chúng ta phải giải quyết. Và chúng ta đã giải quyết, tham gia WTO là chúng ta đã quốc tế hoá, đã đa phương hoá toàn bộ mối quan hệ mà xưa nay chúng ta quan niệm là mối quan hệ đặc thù giữa chúng ta và nước CHND Trung Hoa. Chúng ta có những thương thảo tốt thì chúng ta sẽ tốt hơn tiêu chuẩn thông thường của WTO một chút, chúng ta có những thương thảo tồi thì chúng ta thiệt hơn cái tiêu chuẩn trung bình của WTO một chút. Mà không chỉ kinh tế đâu, kể cả chính trị nữa, bởi vì thực ra WTO đã bao hàm cả nội dung chính trị. Cho nên việc thực thi một cách nghiêm túc các ràng buộc có chất lượng kinh tế và chính trị của WTO đã tạo ra tiền đề để chúng ta giải quyết tất cả các khúc mắc có chất lượng lịch sử đối với nước CHND Trung Hoa. Không phải chỉ có chúng ta mới làm việc ấy, Trung Quốc cũng làm việc ấy. Trung Quốc hy sinh lớn hơn chúng ta nhiều để vào WTO. Cách mà người Việt Nam tiếp nhận WTO và cách mà Chính phủ chúng ta phổ biến WTO xuống xã hội chưa thể bằng Trung Quốc. Trung Quốc có một phong trào chính trị được phổ biến đến tận các chi bộ về tinh thần WTO, đến mức người ta xây dựng thành phim để nói rằng thời đại WTO thì không thể nghĩ như Marx được. Chúng ta rất ít câu nói như thế, chúng ta chưa có một bộ phim nào nói như thế, thậm chí chúng ta vẫn có những bộ phim lạc hậu nói rằng tiêu cực nảy sinh là do kinh tế thị trường, cứ như kinh tế thị trường là một cái gì đó rất xấu xa. Bản chất kinh tế của việc gia nhập WTO là thừa nhận một cách công khai trên toàn thế giới về việc Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường. Vậy chúng ta giải quyết được vấn đề gì với Trung Quốc? Thứ nhất là chúng ta tham gia WTO một cách hợp pháp, trung thực, chúng ta đã giải quyết được 40% những khúc mắc mà chúng ta có với nước CHND Trung Hoa. Bây giờ có phải là thời đại mà người Trung Quốc có thể đem quân sang đánh chúng ta được không nếu họ nổi giận? Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc cũng không dễ gì mang quân đánh Việt Nam. Chúng ta dồn tất cả các cuộc chiến tranh từ phía Bắc vào một chương của sách lịch sử và chúng ta thấy chiến tranh nhiều quá. Nhưng thực ra không phải như vậy. Trong quyển "Suy tưởng" tôi có nói rằng, cứ trong khoảng 100 năm người Trung Quốc mới đánh Việt Nam một lần. Cho nên tôi nghĩ rằng vấn đề quốc phòng bây giờ không phải là chống chiến tranh, vấn đề quốc phòng bây giờ là bảo vệ các lợi ích cơ bản của Việt Nam. Việc bảo vệ các lợi ích cơ bản của Việt Nam trước hết là phải sử dụng một cách khôn ngoan nhất các thể chế của WTO để bảo vệ các khuôn khổ có sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Canada là một nước lớn nhưng dân ít, họ cũng phải bảo vệ quyền lợi của họ bên cạnh nước Mỹ. Mexico cũng không phải là nước bé nhưng nghèo, họ cũng phải bảo vệ quyền lợi của mình bên cạnh nước Mỹ. Người New Zealand cũng chẳng thích gì nước Úc. Tất cả các nước bé ở bên cạnh các nước lớn đều khó chịu hết. Người Việt Nam khó chịu về Trung Hoa là một phản ứng tự nhiên, đấy không phải là một đặc thù gì ghê gớm, nhưng vì chúng ta là người Việt, chúng ta phải nghiên cứu vấn đề này.

Các anh đặt vấn đề liệu bây giờ chúng ta có nên bắt chước Trung Quốc để phát triển không. Vậy tại sao các anh không đặt vấn đề Trung Quốc có thể bắt chước Việt Nam? Về mặt lý luận thì chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi ngược lại, không phải chúng ta có nên bắt chước Trung Quốc không mà chúng ta phải làm gì để cho Trung Quốc bắt chước. Tôi nói Trung Quốc bắt chước chúng ta không có nghĩa là Trung Quốc kém chúng ta, hay là kém vĩ đại hơn bản thân họ, tôi nói điều ấy trong sự thừa nhận sự vĩ đại của nước CHND Trung Hoa. Nhưng nước Trung Hoa gồm rất nhiều tỉnh thành, mỗi tỉnh thành có diện tích, dân số, có vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội tương đương với một nước. Những kinh nghiệm Việt Nam có thể không đúng và không được áp dụng trên phạm vi của nước CHND Trung Hoa rộng lớn, nhưng rất có thể nó là ví dụ tốt để thực hành tốt cho một vùng lãnh thổ nào đó nằm trong lục địa Trung Hoa. Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta không đủ tự tin nên chúng ta hay đặt ra các câu hỏi của một kẻ không tự tin như "Liệu chúng ta có nên bắt chước Trung Quốc không?". Vậy thì chúng ta nên bắt chước ai? Bắt chước Hoa Kỳ? Tôi là một người khá hiểu nước Mỹ, rất thích nước Mỹ. Đấy là ý kiến công khai của tôi, nhưng tôi khẳng định rằng chúng ta, Việt Nam không bắt chước Mỹ được. Chúng ta có thể tham khảo các kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong một số vấn đề quan trọng. Những chính sách vĩ mô là có thể, những giải pháp đối với những mặt tiên tiến của đời sống Mỹ là có thể. Cần phải học tập nước Mỹ trong vấn đề lớn nhất mà nước Mỹ có, đó là cách tạo ra tự do. Chúng ta cần phải học cách tổ chức tự do, phải học thực sự. Trung Quốc cũng đang học nhưng chưa học được. Chưa học được không phải vì Tổng Bí thư - chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân kém hơn tổng thống Hoa Kỳ. Không học được vì lịch sử Trung Quốc không cho ai học cái bài học ấy cả và vì thế mới tạo ra sự trì trệ. Ở nước Nga, Yelsin cũng có một thời học cũng không học được, đành phải quay về trạng thái Putin. Trạng thái Putin là trạng thái còn cần phải bình luận và phân tích. Trạng thái Singapore cũng không phải là một trạng thái tốt. Nó đã thay đổi. Từ Lý Quang Diệu đến Lý Hiển Long là một sự thay đổi đáng kể đối với đời sống, đối với các giá trị tự do của Singapore.

Tôi cho rằng đối với Trung Quốc, chúng ta phải làm sao sống với họ yên ổn, có quan hệ thương mại yên ổn và dàn xếp mọi quan hệ khác một cách yên ổn. Phải có ý chí để sống độc lập bên cạnh họ. Không phải là ý chí để sống độc lập bên cạnh họ trong chiến tranh như chúng ta vốn tự hào mà chúng ta phải có ý chí để sống độc lập bên cạnh họ ngay cả trong thời bình. Sống độc lập với Trung Quốc trong thời bình nghĩa là gì? Nghĩa là phải có một nền kinh tế độc lập với Trung Quốc, nền kinh tế ấy phải có chất lượng Việt Nam, chất lượng Việt Nam thể hiện ở chỗ nó không sản xuất những thứ hàng hoá như là một đòi hỏi, một mục tiêu xuất khẩu giống Trung Quốc. Nếu chúng ta không độc lập mà chúng ta bắt chước các sản phẩm của Trung Quốc, vĩnh viễn chúng ta không bao giờ cạnh tranh với họ được. Lý do là Trung Quốc là một nước có ưu thế để sản xuất hàng với số lượng lớn, vì thế giá thành của nó là một giá thành không ai có thể cạnh tranh được. Tại sao kinh tế Trung Quốc cũng chỉ dừng ở mức như vậy, là vì Trung Quốc chưa vươn đến để sản xuất những hàng hoá có giá trị cao, những hàng hoá có giá trị chiến lược trên thế giới. Trung Quốc chỉ mới làm được cho mình một vài thứ, nhưng làm để biến thành hàng hoá cao cấp thì chưa được. Việt Nam chúng ta không có ưu thế số đông, chúng ta không có ưu thế của nhà sản xuất lớn, vậy thì chúng ta phải chọn con đường của chúng ta, đó là ưu thế của nhà sản xuất có chất lượng cao để sản xuất tinh. Nước Thụy Sĩ nhỏ bé nhưng giàu có, sung túc, ở bên cạnh tất cả các quốc gia khổng lồ của châu Âu, sống trong đế quốc Ottoman, sống trong đế quốc của Bismarck mà vẫn tồn tại, phát triển là bởi vì họ biết tổ chức ra một nền sản xuất, một nền kinh tế đủ cao và đủ tinh để tồn tại. Các nhà khoa học Việt Nam phải nghĩ đến chuyện ấy, các nhà chính trị Việt Nam phải nghĩ đến chuyện ấy, những người lao động Việt Nam phải nghĩ đến chuyện ấy, và nếu không phát động trong xã hội cách nghĩ ấy thì xã hội chúng ta trở thành một mảng của Trung Quốc xét về mặt kinh tế. Chúng ta có thể độc lập về mặt lãnh thổ, có thể độc lập về mặt chính trị nhưng vĩnh viễn không bao giờ độc lập về mặt kinh tế cả nếu không tìm ra chỗ đứng của mình trong các nấc thang của đời sống kinh tế.

Hỏi: Để giải quyết những bài toán của Việt Nam, tham số quan trọng nhất vẫn là con người. Nhưng dường như chúng ta vẫn còn nhầm lẫn về các khái niệm liên quan đến con người, chẳng hạn như khái niệm "chủ nghĩa cá nhân". Chúng ta vẫn đồng nhất chủ nghĩa cá nhân với vị kỷ. Nhưng chủ nghĩa cá nhân ở đây không phải chủ nghĩa vị kỷ, nó tạo ra không gian riêng cho các cá nhân thể hiện năng lực, giống như lý thuyết về tự do của ông luôn đề cao khả năng sáng tạo của cá nhân. Dường như sự nhầm lẫn đó vẫn đâu đó thể hiện trong các chính sách của chúng ta?.

Trả lời:Các chính sách đôi khi có nhầm lẫn nhưng đại bộ phận các chính sách đều được hiểu một cách nhầm lẫn. Chúng ta, với tư cách là những trí thức, chúng ta không được phép nhầm lẫn giữa việc người ta hiểu một cách nhầm lẫn một chính sách với sự nhầm lẫn của một chính sách. Chúng ta có một giai đoạn lịch sử cần tập hợp, cần thống nhất ý chí và hành động để làm một việc gì đó, ví dụ như là tìm kiếm độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Chúng ta lên án tất cả những ai lảng vảng ở bên ngoài trào lưu chính là đi tìm độc lập dân tộc và người ta gọi những kẻ lảng vảng ấy là những kẻ cá nhân chủ nghĩa, thậm chí hèn nhát. Tôi sở dĩ nói to chuyện này vì tôi không hèn nhát, tôi tham gia cuộc chiến tranh cực kỳ tự nguyện và đến bây giờ tôi vẫn cho rằng tôi đã tham gia một cách rất đáng yêu bởi vì tôi ý thức một cách sâu sắc về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong khi nói chuyện với nhiều thế hệ đại sứ Hàn Quốc, tôi ca ngợi họ, nhưng có một vị đại sứ nói với tôi rằng "dù sao chúng tôi vẫn chưa thống nhất được đất nước". Họ phát triển như thế, họ giàu có như thế, họ ra khỏi khó khăn một cách ngoạn mục như thế nhưng một nhà ngoại giao cỡ đại sứ (những nhà ngoại giao của Hàn Quốc tại Việt Nam là có hàm thứ trưởng ngoại giao) vẫn ngậm ngùi rằng chưa thống nhất được đất nước như chúng ta. Cho nên, tôi nói rằng vào giai đoạn lịch sử ấy, chúng ta lên án chủ nghĩa cá nhân để gom góp tất cả mọi thứ phục vụ cho việc thống nhất đất nước. Nếu anh có 5 đồng ở trong túi, chiến tranh cần 3 đồng nhưng anh không bỏ ra, anh chỉ bỏ ra 1 đồng thôi thì anh là cá nhân chủ nghĩa. Và cái sự lên án cá nhân chủ nghĩa lúc ấy là cần thiết. Nhưng bây giờ thì khác, bây giờ là thời bình, chúng ta cần phải thay đổi thái độ của chúng ta đối với các giá trị cá nhân ở những thời điểm lịch sử, ở những hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Tôi nói các giá trị cá nhân chứ tôi không nói chủ nghĩa cá nhân vì nói cho cùng thì không có cái gọi là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thuật ngữ để người ta định nghĩa tất cả những kẻ vị kỷ lảng vảng bên ngoài công việc chủ yếu của một giai đoạn lịch sử của đất nước. Và đấy là sự lên án của số đông chứ không phải sự lên án có chất lượng chính trị của hệ thống chính trị. Một anh ích kỷ thì nhiều người lên án, sự lên án ấy không phải là ý chí chính trị của nhà cầm quyền. Sự lên án tính cá nhân chủ nghĩa trong những giai đoạn lịch sử nhất định phản ánh thái độ của xã hội đối với sự vị kỷ chứ không phản ánh thái độ chính trị của những người lãnh đạo.

Giá trị cá nhân bây giờ là động lực của sự phát triển, đấy là một kết luận có chất lượng lý luận. Nếu không tôn trọng các giá trị cá nhân, nếu không tạo được điều kiện để cho tất cả các giá trị cá nhân đều được được thai nghén, đều được tồn tại thì dân tộc chúng ta không có tiềm năng. Phải nói rằng các giá trị cá nhân là tiềm năng phát triển của cả một dân tộc. Cho nên bây giờ phải xây dựng các môi trường vĩ mô để các giá trị cá nhân có điều kiện tụ lại để chín dần, để phát triển. Đó là một kết luận không chỉ là chính trị, đó là một kết luận lý luận. Nếu dân tộc nào, nếu quốc gia nào, nếu cộng đồng người nào mà các giá trị cá nhân không phát triển thì nó không đủ sức để cạnh tranh. Cạnh tranh không phải là cạnh tranh của Chủ tịch nước, của Thủ tướng đối với thế giới. Công của họ chính là dẫn đất nước vào thế cạnh tranh một cách bình đẳng, còn cuộc cạnh tranh ấy có thắng lợi hay không thì không phải do họ, họ tham gia vào quá trình tạo ra thành công chứ họ không quyết định thành công. Cái quyết định thành công chính là sức cạnh tranh của xã hội, mà sức cạnh tranh của xã hội bắt nguồn từ sự phát triển các năng lực cá nhân. Trong một bài viết về tham nhũng, tôi đã đi đến một kết luận rằng: sự không tương thích giữa năng lực và nhu cầu là nguồn gốc của tham nhũng. Nhu cầu là nô lệ của thời đại. Một cô gái ở thế kỷ XXI không thể ăn mặc giống như một cô gái ở năm 1960, 1970 được nữa. Nhưng năng lực của cô gái mà không thay đổi thì cô ta làm thế nào có thể kiếm đủ tiền để mà ăn mặc phù hợp với đòi hỏi của thời đại. Muốn năng lực phù hợp với nhu cầu của thời đại thì năng lực ấy phải được phát triển. Làm thế nào để năng lực phát triển? Tổng thể thì phải có tự do, không tự do thì năng lực sẽ không phát triển. Giải pháp chính trị là phải cải cách hệ thống chính sách sao cho nó bảo tồn điều kiện tự nhiên để các năng lực phát triển. Sau đó còn phải cải cách giáo dục để sau tất cả các cố gắng chúng ta không dạy dỗ ra những phế phẩm, những thứ phẩm và những thứ lạc điệu so với đòi hỏi của thời đại. Tức là phải cung ứng các dịch vụ để con người có những năng lực phù hợp với đòi hỏi tiêu dùng của thời đại mới là chống tham nhũng trên quy mô toàn xã hội. Khi thấy những cố gắng của Bộ giáo dục và Đào tạo thì người ta bảo: đây là những cố gắng về giáo dục, nhưng không phải. Cố gắng của Bộ giáo dục đào tạo chính là một trong những biện pháp chủ yếu để chống tham nhũng. Cố gắng của những nhà chính trị để ra khỏi những ràng buộc của lịch sử cũng là cố gắng để chống tham nhũng. Khi nào còn những ràng buộc có chất lượng tiêu cực của lịch sử đối với sự phát triển của con người thì năng lực không thể phát triển được. Mà năng lực không thể phát triển được thì dứt khoát con người phải tham nhũng. Tham nhũng là tất yếu trong điều kiện năng lực không tương thích, không phù hợp với đòi hỏi tiêu dùng của thời đại.

Hỏi: Nhìn sang hai nước láng giềng là Trung Quốc và Cambodia có thể thấy Cambodia là một nước có nhiều khó khăn hơn chúng ta, nhưng họ cởi mở chính trị hơn chúng ta. Còn Trung Quốc thì dè dặt hơn và có vẻ như chúng ta cởi mở chính trị hơn họ. Theo ông, mức độ cởi mở chính trị của chúng ta đã hợp lý chưa, có cần thiết phải cởi mở hơn nữa không?

Trả lời: Cởi mở về chính trị là một khuynh hướng tất yếu và luôn luôn được mở rộng thêm, bởi vì sự phát triển của nhân dân đòi hỏi sự cởi mở về chính trị, cởi mở chính trị là tất yếu, mọi chính phủ phải ý thức được chuyện ấy, phải có lộ trình chủ động để cởi mở về chính trị. Đối với Trung Quốc đó cũng là điều tất yếu, kể cả Việt Nam rồi cũng sẽ thế. Tôi luôn luôn tin vào tương lai của nền dân chủ Việt Nam.

Hỏi: Nhưng có vẻ như lộ trình dân chủ của chúng ta còn chậm và vẫn có những tiếng kêu ca về việc bị đàn áp?

Trả lời: Có chắc không? Phải rất thận trọng khi đánh giá như vậy. Nhân dân ở đâu trên thế giới này cũng phi chính trị. Ở Mỹ, số lượng người dân đi bầu được 60% là các nhà chính trị đã rất mừng rồi, như vậy 40% dân số là phi chính trị. Ở tất cả các nước trên thế giới chỉ có Việt Nam là đi bầu tới 90%. Ở những nước phát triển, kể cả các nước không phát triển, người ta chỉ quan tâm đến chính trị khi mà chính trị có vấn đề va chạm với đời sống của họ mà thôi. Hiện nay, chính trị chưa va chạm một cách quyết liệt đến số đông trong đời sống. Ví dụ, những đụng độ có tính chất đình công, bãi công ở thành phố Hồ Chí Minh huy động hàng trăm ngàn người trong một đợt kéo dài là cái va chạm đầu tiên có chất lượng chính trị giữa thể chế và nhân dân. Như vậy có nghĩa là chỉ khi có chuyện mới huy động được nhân dân. Cách mạng tháng Tám là kết quả của việc lựa chọn một thời điểm chính xác để huy động việc tham gia của nhân dân. Mọi cuộc cách mạng xảy ra trên thế giới đều là kết quả sự lợi dụng khôn ngoan nhất của nhà chính trị đối với sự nổi giận của nhân dân với các thể chế cũ. Chúng ta đừng tự biến mình thành một thể chế cũ để va chạm với nhân dân, để cho có kẻ lợi dụng. Cũng đã có người sốt ruột lợi dụng nhưng không thành công. Tại sao họ không thành công, là bởi vì họ không chọn đúng thời điểm, không xác định được quy mô của sự va chạm về quyền lợi của nhân dân đối với thể chế. Nếu là tôi, tôi sẽ không tham gia cái gì cả. Lý do rất đơn giản là cái mà con người cần là sự yên ổn chứ không phải là sự nghịch ngợm có chất lượng chính trị của một số ít người. Tôi gọi những trò như vậy là sự nghịch ngợm có chất lượng chính trị. Đấy là quan điểm của tôi. Tôi không nghịch ngợm chính trị, tôi coi chính trị là việc nghiêm túc.

Hỏi: Quay trở lại với vấn đề hội nhập. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu rõ ràng rất cần những nguồn nhân lực có chất lượng, như ông nói sự phát huy nguồn nhân lực tạo nên sự phát triển của một quốc gia. Nhưng nền giáo dục Việt Nam thì rõ ràng là còn rất nhiều vấn đề. Theo ông, xu hướng của cải cách giáo dục sẽ như thế nào để có được nguồn nhân lực tốt?

Trả lời: Tôi không thích lắm thái độ của xã hội đối với vấn đề giáo dục, đó là đổ vạ toàn bộ khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam lên đầu Bộ giáo dục và Đào tạo. Xã hội chúng ta thích hư danh, xã hội chúng ta thích bằng cấp, đấy có phải lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đâu. Bộ Giáo dục và Đào tạo đôi khi còn hạn chế cả cái khát vọng thích bằng cấp của nhân dân bằng các chỉ tiêu đào tạo. Như vậy rõ ràng là Bộ Giáo dục và Đào tạo hạn chế tính hư danh của xã hội chứ có khuyến khích đâu. Khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam là khuyết tật có chất lượng văn hoá của xã hội chúng ta. Tôi vừa mới nghe đài Tiếng nói Việt Nam nói về chuyện chúng ta thích học đại học. Chúng ta không đào tạo nghề, chúng ta xem các trường dạy nghề như là một trạng thái nghỉ khi chúng ta không đỗ đại học thôi, khi nào đỗ đại học là chúng ta bỏ ngay việc học nghề. Đấy là khuyết tật xã hội chứ không phải là lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có thể lỗi của hệ thống chính trị là không nhận ra khuyết tật ấy của dân tộc, nhưng tạo ra trạng thái ấy cũng không phải là lỗi của hệ thống chính trị, bởi vì trước hệ thống chính trị này dân ta vẫn thế, vẫn thích chữ nghĩa. Vợ thì còm cõi "quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng", còn chồng là phải đi thi. Thi trượt thì trở thành một ông chồng khác, bất đắc chí, gàn dở. Thi đỗ thì bà vợ có thể trở thành nạn nhân của tính thích vinh hoa. Bao nhiêu truyện trong dân gian Việt Nam đã mô tả rằng nếu ông chồng mà không thành đạt thì bà vợ phải gánh một anh chồng gàn dở và bất đắc chí, nếu mà đỗ đạt thì bà vợ có một ông chồng chuẩn bị lấy công chúa... Nền văn học của chúng ta phản ánh cái trạng thái tinh thần ấy từ khi Đảng chưa có, những chuyện "Tống Trân, Cúc Hoa", "Lưu Bình, Dương Lễ"... có từ lâu rồi chứ đâu phải bây giờ mới có. Cho nên khuyết tật của hệ thống chính trị hiện đại của chúng ta là không phát hiện ra nhược điểm ấy của dân tộc để mà hạn chế chứ không phải họ tạo ra thói xấu của dân tộc chúng ta. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy xã hội cứ đổ bừa lên đầu mấy ông Bộ trưởng. Đấy là trạng thái đánh bùn sang ao, là đổ thừa, đấy là khuyết tật của nền văn hoá Việt Nam. Hôm nay tôi có một vị khách đến chơi, ông ta viết một quyển sách gọi là "Hành trang vào đời". Ông tặng tôi một quyển và tôi vừa mới giở xem mục lục quyển sách. Quả thật quyển sách ấy cũng có nhiều thứ, nào là mục ăn uống thế nào, giữ sức khoẻ thế nào, học hành thế nào... Trong lời tựa của quyển sách, ông nói rằng sau thất bại trong việc khai thác 105 hecta đất ở Đồng Nai thì ông mới có thì giờ để viết quyển sách. Không ai phê phán một người thất bại trong mặt này rồi lại làm mặt kia cả, nhưng hành trang vào đời của thế hệ trẻ cần phải được quan niệm là hành trang để thành đạt chứ không nên nghĩ là hành trang để tồn tại. Nếu bày cách để tồn tại thì chẳng ai bày họ cũng vẫn tồn tại.

Tôi đã viết quyển "Cải cách và sự phát triển", trong đó cải cách giáo dục được xem là cuộc cải cách tạo ra sự đột phá có chất lượng cách mạng của đời sống phát triển Việt Nam. Nếu chúng ta muốn bay lên thì phải hiểu rằng sự bay của Việt Nam là kết quả của sự bay của từng con người cụ thể của Việt Nam. Nếu nền giáo dục của chúng ta đủ tiên tiến để giúp mỗi người Việt có khả năng bay, có trí tuệ để bay, có cách thức để bay thì Việt Nam mới có thể bay được. Còn nếu không thì chúng ta không thể bay được một cách thực sự, chúng ta đành phải bay theo cách thống kê, bay theo cách thống kê nghĩa là chúng ta lại tạo ra thành tích, và thành tích khi đó là kết quả của sự thống kê chứ không phải là kết quả của sự bay lên. Sự bay lên ấy thể hiện ở chỗ nào? Sự bay lên ấy thể hiện ở chỗ hàng hoá của chúng ta phải có sức cạnh tranh. Chất lượng hàng hóa, giá trị sản phẩm, hình thức sản phẩm của chúng ta phải đặc biệt so với Trung Quốc. Chúng ta chỉ bay lên được nếu chúng ta có cái nhìn khác biệt, phù hợp với quy mô, kích thước và đặc điểm của Việt Nam. Bởi vì số phận tạo cho chúng ta một thực tế, đó là chúng ta sống cạnh nước CHND Trung Hoa. Chúng ta không bắt chước họ bay lên được, chúng ta chỉ bắt chước họ để nhiều nhất là bằng họ nhưng không bằng được. Chúng ta không bắt chước Mỹ được bởi vì Mỹ quá xa, thậm chí quá cao, chúng ta định bay còn họ thì lơ lửng trên trời từ mấy thế kỷ rồi. Cho nên cần phải cụ thể hơn, cần phải chi tiết hơn.

Cần phải khẳng định rằng hạt nhân của chương trình Bay lên Việt Nam là giáo dục và đào tạo, bởi vì chúng ta có cải cách chính trị mấy đi nữa thì cũng không thể cất cánh được nếu nhân dân chúng ta vẫn là một nhân dân chậm phát triển về mặt văn hoá, chậm phát triển về mặt chính trị, chậm phát triển về mặt học thức. Chúng ta cần phải bay lên bằng cách tạo cho nhân dân chúng ta có khả năng bay, khả năng ấy được tạo ra bởi giáo dục và đào tạo. Tất nhiên, còn nhiều thứ khác nữa, ví dụ cải cách thể chế, cải cách các chính sách vĩ mô, cải cách văn hoá... Chúng ta không thể lấy lịch sử, không thể lấy quá khứ làm thước đo, làm cái huân chương đeo trên ngực. Người Trung Quốc tuy vậy cũng ít thích đeo huân chương. Chúng ta thích đeo huân chương, có lẽ là chúng ta chịu ảnh hưởng của ai đó. Tôi cho rằng con người biết quý trọng lịch sử, con người tôn trọng thành tựu của quá khứ nhưng con người không nhất thiết phải bê quá khứ lên ngực để thay thế các giá trị hiện tại. Tất cả những cuộc cải cách mà tôi đã viết trong cuốn "Cải cách và sự Phát triển" chính là điều kiện cơ bản để xã hội Việt Nam bay lên. Nếu không có những điều ấy, đừng có hy vọng, chúng ta sẽ lại quay về với những thành tựu có chất lượng thống kê.

Hỏi: Theo ông những vấn đề giáo dục cần phải làm trong giai đoạn hiện nay là gì?

Trả lời: Việc thứ nhất, việc số một là cần phải biến cải cách giáo dục trở thành một chương trình hành động của toàn bộ hệ thống chính trị, và người đứng đầu hệ thống chính trị phải là người chịu trách nhiệm, phải là người tổ chức, phải là người quan tâm nhất đến cải cách giáo dục. Nhân dân sẽ ùa theo dấu hiệu tiêu biểu của nhà cầm quyền. Bây giờ có thể là Tổng Bí thư, hoặc Thủ tướng, tôi không biết là trong Đảng phân công ai nhưng không phải ở mức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đóng vai trò người điều hành chương trình cải cách giáo dục và đào tạo mà thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng vấn đề giáo dục và đào tạo Việt Nam có thể được giải quyết bằng các hoạt động của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chưa bao giờ trong đầu tôi có ý nghĩ rằng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quan trọng và có ảnh hưởng quyết định đến nền giáo dục và đào tạo. Điều ấy không chỉ đúng ở Việt Nam, ở Mỹ cũng thế. Một Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo không tạo ra được ảnh hưởng có chất lượng cách mạng đối với một nền giáo dục còn chậm phát triển như của chúng ta. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là tham mưu trưởng chứ không phải là tư lệnh của toàn bộ chiến dịch hệ trọng như thế này đối với tương lai của đất nước.

Khi quan sát những hành động của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây, phải nói thật là tôi buồn nhiều hơn là vui. Chọn tiêu cực trong ngành giáo dục làm mục tiêu tấn công số một là kết quả của sự nhận thức không đầy đủ nhược điểm của ngành giáo dục Việt Nam. Nhược điểm của ngành giáo dục Việt Nam đầu tiên là nhược điểm văn hóa, thứ hai là nhược điểm chính trị, thứ ba mới đến nhược điểm tổ chức và đào tạo. Đánh vào đấy là đánh vào tính sĩ diện của cả xã hội chúng ta. Tất cả những người hoan nghênh câu chuyện ấy trên miệng thì rất nhiều nhưng trên thực tế chỉ có hai thầy, thầy Hoàng ở Nghệ An và thầy Khoa ở Hà Tây. Chúng ta không có người anh hùng nào trong cuộc chiến tranh vĩ đại chống lại sự trì trệ của nền giáo dục Việt Nam ngoài hai thầy. Thầy Hoàng ở trong kia thì cũng phải chịu một hình thức kỷ luật giơ cao đánh khẽ. Địa phương cũng không dám đánh nặng nhưng không thể không đánh vì thầy đã bật mí toàn bộ bức tranh thật. Các địa phương khác cũng hoan hô sự đánh ấy vì cái bí mật ấy là bí mật phổ biến đến mức mà mọi ngóc ngách của xã hội Việt Nam đều có. Tôi có nói với anh em ở đây rằng toàn bộ xã hội của chúng ta đang mộng du trong những giá trị giả tạo của nền giáo dục. Tất cả lớp trẻ của chúng ta đang mộng du trên nóc nhà, nếu mà thức tỉnh ngay lập tức là họ sẽ lộn cổ xuống, họ sẽ tin vào cái gì, họ sẽ dựa vào đâu, hy vọng vào đâu, họ được an ủi bởi cái gì. Với những người đã sang thế giới bên kia chúng ta đốt vàng mã để thoả mãn nhu cầu tâm linh thì đối với những người dốt chúng ta cũng cần tạo ra cho họ cái bằng để họ vợi cái nỗi buồn về sự dốt của mình. Đấy chính là một vũ khí có chất lượng tự vệ về mặt tinh thần của con người trong một xã hội không phát triển. Đánh vào cái đấy là tước nốt cái bánh vẽ tinh thần mà người ta cần có. Đối với tôi, tôi xem đấy là một việc phải làm một cách từ tốn, cẩn thận và phải rất kiên nhẫn.

Cải cách giáo dục là phải cải cách từ cốt lõi của nó. Cái khu vực có thể cải cách ngay là thể chế. Có ai dám tiến công vào thể chế đâu, ngay cả Bộ trưởng cũng làm gì có quyền tiến công vào thể chế. Hơn nữa còn phải tiến công vào lịch sử. Những người như anh Vương Trí Nhàn, anh Lại Nguyên Ân, một số người nữa bắt đầu viết những quyển sách nói về thói xấu của người Việt. Lác đác trong xã hội đã có người ý thức được sự hủ lậu nặng nề của nền văn hóa Việt Nam và phải nói thẳng là cả tác hại của nó nữa. Sớm hay muộn thì cuộc tiến công ấy cũng phải tiến hành vì nếu không tiến công vào những mặt lạc hậu của văn hóa Việt Nam thì mọi cố gắng là vô ích, và chúng ta sẽ không bay lên được. Nếu chọn cuộc cải cách giáo dục làm mặt trận trung tâm, làm Điện Biên Phủ của cuộc hành hương đến sự hợp lý của dân tộc chúng ta, đến sự phát triển, đến sự bay lên thì phải bắt đầu tấn công một cách hệ thống, một cách khôn ngoan vào quá trình này. Không sốt ruột được. Tôi đã xem nhiều bài của những giáo sư, những nhà khoa học của chúng ta, không ai bảo ai, mọi người đều dừng trước một giới hạn. Giới hạn đó là không ý thức được sự nặng nề của hiệu ứng dính, hiệu ứng hút của lịch sử đối với toàn bộ tiến trình cải cách và phát triển. Trong xã hội có biết bao nhiêu con người có bằng giả, có những anh cùng học tại chức với tôi, sau mấy năm không gặp lại, một hôm thấy giới thiệu trên tivi là giáo sư tiến sĩ, mà tôi không hiểu họ làm tiến sĩ lúc nào. Chúng ta có một nền giáo dục chưa trung thực, cung cấp những bằng chứng giáo dục chưa trung thực như là một đòi hỏi cả chính trị lẫn văn hoá. Và đấy là số đông, làm sao chống lại được số đông. Khi chúng ta chống lại số đông thì được hiểu như là chống lại nhân dân. Vấn đề đặt ra là không được để khuyết tật trở thành số đông, trở thành nhân dân, khi nó đã trở thành nhân dân thì chơi với nó phải rất cẩn thận, không đùa được.

Hỏi: Ông nói rằng phải bắt đầu cải cách từ thể chế, xin ông nói rõ hơn cần phải cải cách thể chế như thế nào?

Trả lời: Thể chế có mặt trong mọi chuyện. Ví dụ phải trả lại tự chủ cho giáo dục. Không được phép lãng phí thời gian của học sinh, sinh viên bằng cách dạy những thứ mà trong thực tế họ không cần. Cần phải phân biệt cái mình cần, cái họ cần và cái cuộc đời cần. Toàn bộ trí tuệ nằm ở chỗ tạo ra được sự cân đối giữa những yếu tố đó. Cần làm cho họ tự chủ để cho họ tương thích với đời sống quốc tế, làm cho họ không trở thành những kẻ lố bịch và ngớ ngẩn trong đời sống hội nhập. Tôi có một anh bạn đã từng là Vụ trưởng một cơ quan cấp Bộ. Khi anh ta với tôi cùng làm ở một cơ quan, anh ta được cử đi Pháp học. Nhưng khi bảo thi tiếng Pháp đi thì anh ta không thi. Anh ta bảo tại sao người Pháp không học tiếng Việt mà mình lại phải học tiếng Pháp. Một tiến sĩ mà cũng nói như vậy đấy. Không phải chỉ những người bình dân mới ngớ ngẩn đâu, kể cả những người được đào tạo cẩn thận cũng ngớ ngẩn, nhiều sự ngớ ngẩn không phải do đào tạo mà là do giáo dục. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề xã hội, vấn đề phát triển được nếu chỉ giải quyết vấn đề đào tạo mà không giải quyết vấn đề giáo dục. Giáo dục và đào tạo là hai vấn đề khác nhau. Bộ của chúng ta là Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu chỉ quan tâm đến đào tạo mà không ý thức được vai trò và sứ mệnh của sự nghiệp giáo dục thì thật là nguy hiểm.

Nói chuyện với sinh viên các trường tôi thấy rất đau khổ. Khi nói chuyện với sinh viên trường Luật, tôi bảo họ rằng: phải nói thật với các bạn là tôi rất khổ tâm khi thấy các bạn là sinh viên năm thứ ba, thứ tư rồi mà nhiều bạn còn nói ngọng, nhiều bạn còn nói thổ ngữ. Các bạn là luật sư tương lai, trong thời kỳ hội nhập này, các bạn sẽ là những người giúp nhân dân chúng ta hội nhập về kinh tế thì các bạn không thể nói bằng thổ ngữ được, thậm chí các bạn không thể chỉ nói bằng tiếng Việt. Bộ Giáo dục và Đào tạo của chúng ta đào tạo đến mức tiến sĩ mà còn nói những câu ngớ ngẩn bởi vì sự vắng bóng của giáo dục trong quá trình đào tạo. Nếu nhân dân chúng ta không có một nền giáo dục tự nhiên và hiện đại, nhân dân chúng ta không có một nền đào tạo tốt thì chúng ta không thể phát triển được, bởi vì người lao động Việt Nam không thể bán sức lao động của mình cho ai một cách có giá được.

Hỏi: Ông vừa nói rằng phải trả lại tự chủ cho giáo dục. Ông có thể nói một cách cụ thể hơn?

Trả lời: Trả lại tự chủ có nghĩa là giáo dục con người để tạo ra con người tự do, nếu không thì không cạnh tranh được, không cất cánh bay lên được. Vì sao? Bởi vì nếu chúng ta định cất cánh với một cái tự do hạn hẹp thì chúng ta chỉ có thể cất cánh trong cái giai đoạn mà thế giới không có tự do. Khi cả châu Á không có tự do, người Nhật tự do và thế là người Nhật có thể bay bổng. Còn bây giờ cả thế giới tự do, chúng ta muốn bay chúng ta phải tự do hơn thế giới. Các nước càng chậm phát triển thì số gia bổ sung của tự do càng phải lớn hơn mới có thể cất cánh được.

Hỏi: Ông có nhắc đến những khuyết điểm chính trị, theo ông khuyết điểm nào là quan trọng nhất?

Trả lời: Tôi nói đến những hạn chế của hệ thống chính trị là muốn nói đến những hạn chế bị ràng buộc bởi các điều kiện lịch sử của hệ thống chính trị chứ tôi không nói đến khuyết điểm của hệ thống chính trị. Đó là điều cần phải làm rõ. Chúng ta để quá khứ lãnh đạo hiện tại và tương lai, quá khứ cho phép chúng ta tiến bước nào thì chúng ta đi theo bước ấy. Đấy là khuyết điểm lớn nhất, khuyết điểm gốc của mọi khuyết điểm. Chữa được khuyết điểm này thì mọi khuyết điểm khác tự nhiên biến mất. Một người đau dạ dày, mặt nhăn nhó sẽ khiến cho người khác nghĩ rằng anh ta cáu bẳn, khó tính, kiêu ngạo, tùy thuộc vào người quan sát. Nhưng nếu chữa khỏi bệnh đau dạ dày thì anh ta sẽ trở nên bình thường như những người khác. Khi đó, tất cả các bình luận có tính chất dẫn suất do sự quan sát khác nhau của nhiều đối tượng sẽ biến mất cùng một lúc. Chúng ta không được để quá khứ lãnh đạo chúng ta. Như tôi đã nói, các nhà lãnh đạo của chúng ta, những nhà chính trị cấp tiến của chúng ta đang tìm cách để thoát ra khỏi quá khứ, cho nên, cần phải cảm thông và hỗ trợ họ về mặt chính trị. Nhưng nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục duy trì cái trạng thái để quá khứ lãnh đạo thì chúng ta không thể bay lên được. Tôi muốn nhắc lại rằng quá khứ không chỉ bao hàm ỹ nghĩa chính trị, nó bao hàm tất cả các ý nghĩa. quá khứ không phải là một giai đoạn mà nó bao gồm tất cả các giai đoạn.

Hỏi: Nhiều người nói rằng nước Mỹ đang gây nghiện cho Việt Nam. Những người thành đạt thì muốn gửi con sang Mỹ để học, để đào tạo, những người có tiền thì thích mua sắm sản phẩm của Mỹ và những nhà khoa học cũng muốn theo tiêu chuẩn của Mỹ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Tôi cho rằng nhận định đó sai. Nước Mỹ là một ví dụ về sự thành đạt. Nếu anh về quê sẽ thấy mọi phụ huynh ở làng anh đều bảo con mình phấn đấu để trở thành nhà báo có tiếng như anh. Thế giới là một cái làng lớn hơn. Những người thành công, những đất nước thành công như nước Mỹ thì người ta thích, phản ứng tâm lý ấy cũng giống hệt như việc bố mẹ của những đứa trẻ ở làng anh thích con mình phấn đấu để nổi tiếng như anh. Đó là chuyện bình thường. Nhưng lý do người ta bắt chước Hoa Kỳ không hàm chứa cái ý nghĩ như anh nói. Tiêu chuẩn Mỹ là tiêu chuẩn phổ biến toàn cầu. Đồng Dollar là đồng tiền toàn cầu. Đã có thời kỳ người Việt hồi hộp về sự thắng thế của đồng Euro để dần dần làm cho Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của vùng kinh tế của đồng Dollar. Nhưng trên thực tế Châu Âu chưa tạo ra được nền kinh tế của đồng Euro mà nền kinh tế của đồng Dollar vẫn là nền kinh tế khống chế. Việc thừa nhận các tiêu chuẩn Hoa Kỳ và theo Hoa Kỳ là hai việc khác nhau. Cho nên, tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa việc thừa nhận các tiêu chuẩn Hoa kỳ, kế cả tiêu chuẩn văn hoá, như là sự theo Mỹ hoặc thân Mỹ, vì chính trị hoá ý thích của người khác là một lỗi của chính trị, là khuyết tật có chất lượng trí tuệ của nhà chính trị. Thanh niên thích hát nhạc đồng quê, nhạc pop, nhạc rock nhưng không có nghĩa là họ thân Mỹ và theo Mỹ. Nếu như lại có chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì tôi tin rằng những đứa trẻ hát nhạc rock vẫn đi bộ đội. Không bao giờ được nhầm lẫn giữa ý thích của nhân dân về một giá trị văn hoá với sự liên kết của nó về mặt chính trị. Sự cảnh giác chính trị là cần thiết nhưng nếu nhận thức sai sẽ làm hạn chế và ngăn chặn rất nhiều không gian phát triển.

Hỏi: Nhiều người có ý nghĩ rằng việc Việt Nam gia nhập WTO giống như là một cái máy bay đã cất cánh và đang bắt đầu bay lên. Ông có nghĩ vậy không?

Trả lời: Tôi không nghĩ vậy. Việt Nam có vé để vào sân bay, còn bay thì chưa. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới có 600-700 USD thì không thể bay được. Khi các toà nhà đã lên đến lên tới 60-70 tầng rồi thì năng lực bay ở mức vài trăm mét không phải là sự bay mà đôi khi là sự liều lĩnh. Bay là gì? Bay là anh vượt lên trên một độ cao mà ở đấy không vướng tất cả những thực thể thông thường. Tất nhiên bay thì có bay cao và bay thấp nhưng bay là một khái niệm có một giới hạn tối thiểu. Chúng ta chưa đủ năng lực vượt qua giới hạn tối thiểu để bay.

Hỏi: Thomas L. Friedman có cuốn sách "Thế Giới phẳng". Theo ông, liệu Việt Nam chúng ta có thể tạo ra một " Việt Nam phẳng" được không?

Trả lời: Tôi không thích cách người ta hiểu và vận dụng Friedman. Tôi đã đọc cuốn "Thế giới phẳng", tôi cũng đọc cả cuốn "Chiếc Lexus và cây Ôliu". Tôi không thích cách phân tích của Friedman nhưng tôi chưa đủ trình độ để phê phán ông ta, tôi chỉ đủ linh cảm để phê phán sự không hợp lý của ông ta thôi. Tôi không thích thái độ của nhiều người bình luận và sử dụng những phân tích trong tác phẩm của Friedman. Thế giới còn lâu mới phẳng, đấy không phải tôi nói mà Phó chủ tịch điều hành khu vực của công ty Oracle nói tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội. Thế giới không thể phẳng được, thế giới có những khu vực lõm khủng khiếp và khu vực lõm của thế giới lớn hơn những khu vực lồi. Thế giới chỉ phẳng khi nào tất cả cùng nhau nghèo đói, còn đã phát triển thì thế giới không phẳng.

Hỏi: Có thể là phẳng về mặt bình đẳng cơ hội?

Trả lời: Chúng ta đều biết công trình nghiên cứu về sự bất đối xứng của thông tin của ông Joseph. E. Stiglitz, đã đoạt giải Nobel về kinh tế năm 2001. Anh cho mỗi người một cơ hội giống nhau nhưng mỗi người nhận được cơ hội một cách khác nhau. Thế giới có bình đẳng về cơ hội thì cơ hội cũng không được nhận thức một cách bình đẳng và do đó thế giới không phẳng được. Marx là người đầu tiên đưa ra sự mơ tưởng về thế giới phẳng, không phải Friedman. Cái thế giới đại đồng của Marx là thế giới phẳng. Người mô tả một cách hàn lâm nhất về cái thế giới phẳng là Marx và Marx thất bại trong sự mô tả như vậy. Thế giới vĩnh viễn không bao giờ phẳng được và Friedman là người mô tả một cách thương mại nhất những mơ tưởng của nhân loại chứ không phải là mô tả một cách khoa học. Nếu Friedman mô tả như thế này thì chính xác: Thế giới nằm trên một mặt phẳng đang dịch chuyển dần lên, đó là chỉ tiêu nghèo đói.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự do - Tự lập - Tự trọng là những giá trị làm người số một

    12/11/2014Tự do - Tự lập - Tự trọng là những đại lượng hết sức quan trọng để hình thành giá trị của con người. Có những con người nếu mà đầu tư cho nó một chút thì giá của nó cao gấp mười lần so với giá tự nhiên, người ta gọi đó là lăng-xê. Rất nhiều người được lăng-xê, trông xa thì lấp lánh nhưng đến gần thì thấy rất thất vọng...
  • Ông Nguyễn Trần Bạt giao lưu: Việt Nam gia nhập WTO - Cơ hội và thách thức

    08/10/2015Việt Nam gia nhập WTO là một sự kiện vô cùng hệ trọng. Ngoài cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc Giải phóng Miền Nam ra, tôi chưa thấy việc gì hệ trọng hơn việc nước chúng ta gia nhập WTO. Đây là một quyết định chính trị vô cùng sáng suốt...
  • Đam mê quan sát cuộc sống

    12/11/2014Minh ChâuKhi người ta còn bận rộn với những điều gì đó, thì tôi làm giàu. Còn khi tất cả đổ xô tìm kiếm giàu sang, thì tôi đã làm những việc khác. Ông thừa nhận mình không phải là một nhà hàn lâm và cũng không có ý định trở thành như vậy. "Nhưng tôi là một người đam mê quan sát cuộc sống. Chính đam mê này và sự hấp dẫn của cuộc sống đã thúc ép tôi phải có những lý giải về nó"...