Để có phương pháp dạy học tích cực

03:51 CH @ Thứ Bảy - 25 Tháng Mười, 2003

Gần đây, có nhà giáo nêu 5 giải pháp để bảo đảm cho việc cải tiến phương pháp dạy học tích cực, đó là: Đào tạo giáo viên; chương trình, sách giáo khoa; thi cử; sự nỗ lực của giáo viên và đồ dùng dạy học.

Tôi nghĩ rằng đó là những giải pháp đúng và cần thiết, nhưng đột phá vào đâu? Theo tôi, người bắt tay làm hàng ngày là giáo viên. Trong các nhà trường phải có đội ngũ giáo viên thực lòng muốn áp dụng phương pháp dạy học tích cực và có khả năng để thực thi nó. Tự họ phải thấy những gì còn lạc hậu trong phương pháp dạy học như hiện nay. Muốn có đội ngũ giáo viên đó phải kiên quyết thực hiện ở hai khâu: Khâu đào tạo mới và khâu giải quyết cũ.

Nhà báo Hữu Thọ có nói, bên Pháp, xã hội rất trọng những tấm bằng vừa tốt nghiệp vì thực tế người mới ra giỏi hơn người ra trường lâu, nhưng ở ta thì ngược lại. Suy ra: Ngành đào tạo sự phạm phải cung cấp cho ngành giáo dục những giáo viên biết dạy học tích cực từ khi mới ra trường, chứ không phải cho ra lò những sản phẩm của quá trình đọc chép!

Khâu giải quyết cũ: Vẫn thế, có làm nhưng chưa kiên quyết. Nghĩa là cần có biện pháp có tính đột phá để giải quyết số lượng giáo viên không đủ chuẩn (ở đây muốn nói số không đủ chuẩn vì lý do chủ quan chứ không phải do hoàn cảnh lịch sử để lại). Giáo viên dạy văn 12 không biết đọc diễn cảm, không thuộc trọn vẹn bất cứ bài thơ nào; khi dạy giáo án phải cầm tay hoặc để trên bàn thì không thể xa bàn được 1m; chính tả, dùng từ, ngữ pháp sai, nói chung kỹ năng, kiến thức và tiếng Việt còn yếu, nói chi đến khả năng cảm nhận để thu hút lay động học trò bằng văn chương? Hiện thời số giáo viên các môn đứng lớp để lấp đầy chỗ trống, chưa thể làm nhiệm vụ dạy học tích cực, còn chiếm tỉ lệ cao. Có địa phương nêu lên là 15%, thực tế lớn hơn con số đó.

Có đội ngũ giáo viên đủ năng lực, yêu thích và tự giác cải tiến phương pháp dạy học rồi, lại cần đối tượng để thực thi cải tiến - đó là học sinh, chương trình và thời lượng của chương trình thích hợp cho từng tiết dạy. Học sinh không được ngồi nhầm lớp, nhầm cấp. Xin đừng cái gì cũng cho vào chính khoá; nhiều môn, nhiều bài, nên thời lượng cho một bài quá ít thì không cải tiến được.

Còn chế độ thi cử, đồ dùng dạy học, công tác quản lý... cũng quan trọng. Rõ ràng là thi cử tốt nên không có học sinh không đúng chuẩn bậc đại học. Thi cử tốt nên mới có những giáo viên mới ra trường giỏi, biết cải tiến phương pháp; nhờ đó, phương pháp đọc-chép lạc hậu không còn đất sống.

Hoàng Văn Hân (Báo Lao động)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: