Đánh tráo khái niệm và hậu quả

09:25 SA @ Thứ Hai - 20 Tháng Sáu, 2011

Theo thống kê của bộ giáo dục và đào tạo, mà tôi không thể lấy được, phải nhờ bạn bè để có con số thông tin, rằng có đến khoảng 153.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và 82.000 tốt nghiệp bậc cao đẳng hằng năm. Và mọi người chỉ cần làm cú gúc gù với từ khóa "bán đề tài" thì chỉ trong vòng 0.33'' đã có 26.500 kết quả.

Sáng nay chương trình VTV1 chào buổi sáng, thông tin nổi bật dành cho giáo dục. Cái đau lòng mà những người làm chương trình truyền hình là các sinh viên đại học ngày nay làm đề tài tốt nghiệp không phải khó khăn, trăn trở như ngày xưa. Các sĩ tử chỉ cần vào một tiệm photocopy hỏi mua một kết quả công trình đã tốt nghiệp cũ, của các năm trước, rồi in ra với giá 700VNĐ một trang hoặc chép nó lại trên USB với giá 10.000VNĐ tương đương 50 xu đô la Mỹ, về nhà mở ra và sửa lại số liệu, câu văn, thế là xong một đề tài tốt nghiệp.

Đài truyền hình phỏng vấn các giáo sư tiến sĩ của các trường đại học thì, người cho rằng lỗi của các sinh viên lười tư duy, lười sáng tạo. Người thì cho rằng lỗi của các thầy/cô vì cho những đề tài chung chung, mà không cụ thể, nên các sĩ tử chỉ cần đi tìm một đề tài đã làm rồi những năm trước na ná như đề thầy/cô ra và sửa lại thế là xong nhiệm vụ. Ô hay, thế thì kiến thức của các thầy/cô đâu mà không phát hiện ra lỗi đạo văn và đạo ý tưởng của trò? Vì đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các giáo sư tiến sĩ trong nghĩa vụ của mình được ngành giáo dục giao phó.

Chúng ta, những người lớn, không thể đổ lỗi do trò, hay đổ lỗi cho các hàng quán photocopy. Chúng ta cần nhìn lại tư duy giáo dục nước nhà để xem ai đã góp phần làm nên hậu quả đáng buồn này? Đó mới là người có trách nhiệm giáo dục - nơi là lò đúc những nhân tài của đất nước. Và đứng trên tư duy nhân quả vấn đề này đã có nguyên nhân sâu xa của nó.

Nhân tài đất nước phải được một lò đúc vô vụ lời, không đánh tráo khái niệm vì mục đích của bất kỳ ai, bất kỳ nhóm người nào. Tư duy giáo dục mỗi cấp học là đào tạo ra những con người có óc sáng tạo, không sáo rỗng và đi theo lối mòn của người xưa.

Lâu nay chúng ta vì mục tiêu chính trị đã đánh tráo một số khái niệm và đẩy nhiều thế hệ từ những năm 1940s đến nay thiếu óc sáng tạo, chỉ biết đi sao chép của người khác từ tư tưởng đến thực hành. Để rồi hậu quả là một hình thái xã hội què quặt không đúng với những qui luật của khoa học. Và cái suy thoái kinh tế kép đang hoành hành xã hội, mà không có phương thuốc cứu chữa.

Lòng yêu nước và tự hào dân tộc của mỗi công dân không mượn ai phải đánh tráo khái niệm và chỉ dạy. Mà lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc có từ trong điệu ru của mẹ, từ tiếng võng kẽo kẹt trưa hè, từ chùm khế ngọt, từ mái tóc mẹ búi sau đầu, từ gừng cay, muối mặn, và từ... mà thơ ca, điệu vè, lịch sử, văn hóa hun đúc từ thuở nằm nôi đến tuổi bạc đầu. Có thể kể ra rất nhiều đánh tráo khái niệm nó làm di hại đến hôm nay tiêu biểu sau đây.

Không biết vô tình hay cố ý mà các nhà soạn sách giáo khoa đem những bài toán cấp I với tính con số giặc bị tiêu diệt? Không biết vô tình hay cố ý mà các nhà tư tưởng biến môn kinh tế chính trị học Marx Lenin thành triết học để thui chột tư duy và đánh vào nỗi chán chường của các thế hệ Việt với môn khoa học là vua các môn khoa học - triết học - để rồi tư duy các thế hệ từ đó đến nay không còn độc lập, không còn sáng tạo, mà chỉ còn biết nhai lại.

Không biết tự bao giờ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trở thành Trung Quốc - tức là nước trung tâm của mọi nước - mà không là Trung Hoa? Theo hiểu biết của tôi thì, Trung Hoa Dân Quốc do Tôn Dật Tiên thành lập ngày 01/01/1912 sau cuộc cách mạng Tân Hợi. Rồi sau đó chính thể của ông Tưởng Giới Thạch mang cái tên này theo ra lập quốc ở Đài Loan. Nếu vì cái tên Trung Quốc bắt nguồn từ chữ Trung Hoa Dân Quốc thì Trung Hoa đại lục ngày nay cũng không thể gọi là Trung Quốc. Một sự đánh tráo khái niệm.

Và cũng không biết tự bao giờ, biển Đông trở thành biển Nam Trung Hoa (South China Sea)? Ngày tôi còn cắp sách đến trường phổ thông trước 1975, tôi chưa bao giờ nghe đến danh từ "biển Nam Trung Hoa". Chỉ sau này nghe đến nó. Lại một kiểu đánh tráo khái niệm. Mà hậu quả của nó là biến biển Đông của chúng ta trở thành của Trung Hoa. Hãy trả những khái niệm trở về đúng với sự thật của lịch sử nhân loại và của địa lý mà nguyên bổn của nó đã và đang có: Trung Hoa và biển Đông. Và tôi mong rằng những khái niệm này được phương tiện truyền thông đại chúng và sách giáo khoa dạy trong hệ thống giáo dục sử dụng nó là thường quy.

Văn hóa nền của một dân tộc không mất đi, nhưng sẽ bị sai lệch và chuyển hướng do thể chế chính trị định hướng cộng đồng thông qua quyền lực thứ tư - truyền thông đại chúng - và giáo dục mà thành. Tư duy của cộng đồng cũng vì đó mà phát triển theo hướng của các chính trị gia đưa ra.

Tôi tha thiết mong mỏi các nhà tư tưởng Việt hãy trả giáo dục và truyền thông về đúng nhiệm vụ giáo dục của nó, mà không có bàn tay vô hình của các chính khách. Hòng đưa dân tộc Việt có một trí tuệ mẫn tiệp trong những thân thể cường tráng, thì mới hy vọng những tha hóa trong học thuật mới rút vào bóng tối. Nếu không, đây sẽ lại là tế ông thật mã, làm Việt Nam luôn trong tình trạng khủng hoảng con người - mà đặc biệt là khủng hoảng con người lãnh đạo - Đó là hiện trạng của đất nước trong hơn một thập kỷ nay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Trí tuệ mù lòa*

    14/11/2017Edgar MorinChúng ta đã thu nhận được những tri thức vô song về thế giới vật lý, sinh hoá tâm lý học, xã hội học. Khoa học ngày càng khuếch trương sự ngự trị của các phương pháp kiểm chứng kinh nghiệm và logic. Ánh sáng của Lý Tình dường như đã nhấn chìm tâm trí huyền thoại và u minh xuống tận đáy sâu. Vậy mà đâu đâu, sự lầm lạc, sự ngu dốt, sự mù lòa vẫn luôn song hành với những tri thức của chúng ta.
  • Ngụy biện

    13/07/2014Đoan TrangCâu chuyện xoay quanh bộ phim cổ sử Việt Nam nhưng đậm chất Trung Hoa, “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, tưởng đã lắng xuống nhưng rồi vẫn tiếp tục gây dư luận, sau khi nhà sử học Dương Trung Quốc lên tiếng bênh vực những nhà làm phim...
  • Quyền được sai và hoài nghi...

    13/05/2010Lê Ngọc Sơn- Ngọc Dung (thực hiện)Đó là ý kiến của dịch giả Nguyễn Đôn Phước khi bàn về việc làm thế nào để cải thiện phương pháp luận khoa học - một “gót chân Achilles” của đa số sinh viên Việt Nam.
  • Bàn về từ nguyên của thuật ngữ “quản lý” và “quản lý hành chính”

    16/04/2006Hoàng Ngọc Hùng (Đại học Đà Nẵng)Bàn thêm về thuật ngữ quản lý và quản lý hành chính là một trong những việc cần thiết cho hoạt động dạy học quản lý hành chính và đẩy mạnh cải cách hành chính hiện nay ở nước ta...