Đàn ông đọc sách

06:13 CH @ Thứ Sáu - 11 Tháng Tư, 2014

Ở những đàn ông đã trót biết chữ, thì việc đọc sách là một thói quen, cũ kỹ hơn cả truyền thống và ở mức nào đấy nó gần như một bản năng gốc. Họ chẳng cần đợi có hội chợ sách hay triển lãm sách mới vội vàng hấp tấp ngồi đọc.

Ngày xưa, đàn ông biết đọc sách khi du sơn ngoạn thủy thì thường cầm theo hai thứ, bầu rượu và túi thơ. Rượu là để thăng hoa ngạo khí những lúc một mình buồn bã xót xa nhìn mưa rừng gió núi. Còn túi thơ thì công năng không hẳn như cặp sách hay laptop bây giờ, nó thanh bạch đựng vài ba thi tập hoặc của mình hoặc của người. Vào thuở ấy, văn nhân cao khí ít khi chịu đọc tiểu thuyết, bởi đơn giản họ cho rằng, tiểu thuyết là thứ nôm na "câu chuyện đường phố lời nói ngõ làng, vào lỗ tai ra lỗ miệng" (Lỗ Tấn - Sơ thảo lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc - trang 22).

Đọc sách là phải đọc những thứ "đại thuyết" ví như Kinh, Sử, Tử, Tập. "Kinh" thì đại loại như Kinh Dịch Kinh Lễ. "Sử” thì đại loại như Tả Thị Xuân Thu, như Tư mã Thiên sử ký. “Tử” là ghi lại những thuyết pháp của bậc thầy lớn, đại loại như Luận Ngữ. Còn “Tập" thường là thơ, đại loại như Thanh Hiên thi tập của văn hào Nguyễn Du chẳng hạn. Bậc quân tử không mất công đi đọc những thứ in ấn ba lăng nhăng, sau đấy phấn hứng tiểu khí bới lông tìm vết vạch ra chỗ sót chỗ sai, cốt chỉ để khoe mình là hay là giỏi. Cũng giống như tình yêu, đọc sách là cho mình chứ chẳng phải cho đời.

Nơi đắc địa nhất cho đàn ông đọc sách thì không đâu bằng thư viện. Ở đấy, người ta có thể trong trắng đọc “cọp” một cách văn hóa nhất. Và cũng chỉ ở đấy mới có cái gọi là chân chính “mọt sách". Thư viện Quốc gia hồi chưa có điều hòa nhiệt độ, chưa có mấy em sinh viên năm thứ hai thứ ba nhí nhảnh váy ngắn, thì người ta hay gặp vài ba trung niên hoặc lão niên kính cận đeo "đúp" hai cải thanh thản mê dại sùng kính ngồi giở sách. Khả năng ngồi đọc của họ là vô bờ, kiến văn của họ hình như không giới hạn, do dung tục áo cơm đôi lúc họ cũng dịch kiếm ăn hoặc viết sách khảo cứu. Giống như tuyệt thế cao thủ Lão ngoan đồng Châu Bá Thông trong chuyện “chưởng” thích võ, các "mọt sách" cũng vậy. Họ đọc chỉ vì được ngồi đọc là một hạnh phúc. So với họ, tất cả các độc giả khác bỗng dưng trở thành một thứ thực dụng hao hao vụ lợi.

Bây giờ, có rất nhiều lý do đàn ông phải đọc sách. Hoặc sắp đi dự hội thảo, hoặc sắp phải làm luận văn. Hoặc đang đeo đuổi một mỹ nhân mà cô nàng thì đầy vẻ đàn bà thích chữ. Cô ta xem phim thì thích phim có chất thơ, xem đá bóng thì thích những trận đấu có chất văn học, và khi xem văn học thì thích tác giả đạo mạo trả lời phỏng vấn uyên bác. Đàn ông đang yêu phải gồng lên miệt mài mà đọc. Rồi khi đã đọc được in ít, những nam độc giả này vênh vang a dua theo các Giáo sư, Tiến sĩ cho rằng chỉ nên đọc các sách hay. Hỡi ơi, đã là sách thì làm quái gì có sách dở. Rất nhiều người trong bọn họ ngấm ngầm khoe, đọc sách là một thao tác sang trọng để rèn luyện nhân cách. Thực ra, nếu muốn rèn nhân cách thì không biết bao nhiêu là điều luật giới răn nhằm duy trì sự trưởng thành của cả hồn và xác. Còn đọc sách, nó giản dị riêng tư như việc ăn việc ngủ việc bài tiết, nó chẳng cao chẳng thấp chẳng lợi chẳng hại. Trang Tử miễn cưỡng gọi nó là Dưỡng Sinh (nuôi cái sống).

Bởi thế, người biết đọc sách nhìn bề ngoài trông nhếch nhác vô học, còn trong nhà tuyệt nhiên không có tủ sách. Đã là kiếm khách cao thủ thì chẳng hề vướng víu đeo kiếm. Theo chuyện kể của Kim Dung lão gia, hành tẩu trên giang hồ người võ lâm sợ nhất ba loại. Mấy ông hiền lành tu hành, mấy tay yếu ớt thư sinh và mấy cô yểu điệu thục nữ. Đám này thoạt nhìn thì vớ vẩn, nhưng khi đã tụ khí vung tay là ra toàn hiểm trở sát chiêu, phong độ luôn nhàn nhã kín đáo hao hao giống quan chức nhận phong bì hối lộ.

Đọc sách là nghiêm cẩn thinh lặng suy tư, không khác gì một tín đồ ngoan đạo cầu nguyện. Đấng Tối Cao đâu có nghễnh ngãng mà phải gân cổ vất vả gào to. Ngày nay, đàn ông biết đọc sách trông lộ liễu quá. Họ thường leo lên tivi kể lể là mình đang chăm chỉ nằm đọc cái gì. Hoặc hiếm hơn thì như một tay đạo diễn đẹp giai đã đoạt Cánh diều vàng, khét tiếng với thói quen là hay cô đơn sáng tác bên laptop chỗ tấp nập thời thượng cà phê. Lúc mệt mỏi thư giãn bỗng sang trọng rút ra một quyển tiểu thuyết dầy cộp trầm ngâm sâu sắc láo liên đọc. Rất nhiều nữ giảng viên đại học trẻ, khi dạy sinh viên về văn hóa đọc, luôn hớn hở đem đạo diễn này ra minh họa làm gương.

Độc giả đàn ông như thế mới xứng đáng là thật độc.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đàn ông thì…

    24/02/2020HoàngNgày còn là sinh viên chúng tôi thường mặc vest khi ra khỏi nhà đến lớp, dạo phố, xem phim, đi nhậu... Mỗi khi ủi đối với áo sơ mi, anh bạn cùng phòng của tôi chỉ ủi hai vạt trước. Hỏi thì được nghe trả lời rằng những chỗ khác của sơ mi đã được áo vest che, ủi chi cho mất công, cho mất thì giờ, cho tốn điện?!
  • Làm đàn ông thật khó

    05/04/2017Hà PhươngNếu bạn để cô ấy ở nhà và cố gắng bảo vệ cô ấy khỏi cuộc sống đầy khắc nghiệt, bạn thật gia trưởng...
  • Đàn ông hiếu chữ

    15/06/2016Nguyễn Việt HàCó thể nói, một phần lớn nền văn minh của nhân loại đã được xây dựng nhờ công sức từ vô số những đàn ông chăm học. Họ thường là những nhà đạo đức lớn, những khoa học gia vĩ đại hoặc những chính trị gia lỗi lạc hàng đầu. Ở bọn họ, luôn phập phồng một nỗi khát khao rừng rực hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Vì thế, đối với họ, sự hiếu học chính là tinh thần dám cao cả hy sinh cho đồng loại...
  • Đàn ông để tiếng

    13/12/2015Nguyễn Việt HàHầu như tất cả đàn ông đều âm thầm nuôi dưỡng một khát khao, cố phải lộ liễu làm sao để cho thật đông người khác biết đến mình. "Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”.
  • Lạm bàn về phỏng vấn đàn ông

    23/05/2007Nguyễn Việt HàPhỏng vấn là một thể tài yêu thích của báo chí. Nó luôn là thời thượng của vất cứ báo viết, báo nói hay báo hình. Nó có một lượng đông đảo đàn ông xem và đọc.
  • Bản lĩnh đàn ông

    06/02/2007Phan Thị Vàng AnhNgười đàn ông ấy bạn như đã gặp ở đâu đó, "bản lĩnh" ấy, tâm lý ấy hình như cũng quen quen. Đứng từ xa nhìn lại, quan sát và nheo mắt cười, Phan Thị Vàng Anh sắp kể với bạn một câu chuyện khác lạ với những gì mà tác giả của Khi người ta trẻđã từng kể nhiều năm trước đó. Không viết về những gì mình đã từng trải nghiệm nữa, thứ viết một cái gì không dính đến tình yêu xem sao, có lời thách đố đó hay không Vàng Anh cũng không nhớ nữa, nhưng chị lại nhìn thấy từ đó một thách thức, một hướng đi...
  • Đàn ông là… đàn ông

    02/07/2006Nguyên PhạmTrước hết, đàn ông là kẻ mày râu. Nói chữ thì đó là hạng “tu mi nam tử” Mày râulà trời sinh ra thế. Nhưng đó là cái phần tự nhiên. Còn cái phần xã hội thì mày râu lại liên quan đến chuyện luân lý đạo đức...
  • Để trở thành người đàn ông thành đạt

    06/04/2006Ngọc BíchNhiều đàn ông có hoài bão làm chủ một doanh nghiệp riêng. Tuy nhiên, chỉ một số ít với tới được cái đích đó. Đa số mọi người chỉ nghĩ đến những thuận lợi và kết quả tốt đẹp phía trước, ít ai hiểu rằng có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều điều phải biết, rất nhiều trở ngại sẽ gặp trong quá trình thiết lập sự nghiệp...
  • xem toàn bộ

Nội dung khác